Tòa nhà Phủ Chủ tịch. Ảnh: Trần Dũng
Giá trị kiến trúc đặc sắc
Các công trình kiến trúc Pháp đã và đang là một trong những điểm nhấn quan trọng của đô thị Hà Nội; là một bộ phận quan trọng góp phần tạo nên hình ảnh kiến trúc đô thị đặc trưng của Hà Nội. TS.KTS Trần Minh Tùng - Phó trưởng Bộ môn Kiến trúc dân dụng, Khoa Kiến trúc và Quy hoạch, (Đại học Xây dựng) đánh giá, các công trình kiến trúc Pháp cổ đã đóng góp nhiều giá trị về thẩm mỹ, văn hóa, lịch sử, kiến trúc, cảnh quan đô thị. Đặc biệt, xét về giá trị kiến trúc và giá trị thẩm mỹ, các công trình kiến trúc Pháp tại Việt Nam là sự kết hợp giữa kiến trúc phương Tây và kiến trúc phương Đông, mang lại sự mới lạ và hấp dẫn cho kiến trúc đô thị.
Khi xây dựng các công trình kiến trúc Pháp tại Việt Nam, bên cạnh đường nét, hoa văn, họa tiết đậm chất hoa lệ của Pháp, người Pháp còn xem xét các yếu tố kiến trúc và thẩm mỹ phương Đông để tạo ra sự hài hòa với bối cảnh. Chính sự kết hợp này là tiền đề của dòng kiến trúc Đông Dương.
Các công trình công cộng kiến trúc Pháp tại Hà Nội như Phủ Toàn quyền Đông Dương (nay là Phủ Chủ tịch), Ngân hàng Đông Dương (nay là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam), Nhà hát Lớn, Nhà thờ Lớn, Bắc Bộ phủ (nay là Nhà khách Chính phủ)... là những công trình rất nổi tiếng và trở thành không gian di sản văn hóa của Hà Nội. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, các công trình kiến trúc Pháp ngày nay vẫn mang một vẻ đẹp nổi bật, độc đáo và tạo nên dư vị thơ mộng, lãng mạn cho mảnh đất kinh kỳ. Sau khi giải phóng, các công trình này được tiếp quản khá nguyên vẹn và sử dụng hợp lý, vẫn có chi phí bảo dưỡng, bảo trì hàng năm nên việc bảo tồn di sản rất tốt.
Hay như biệt thự Pháp do các cơ quan Nhà nước đang sử dụng và quản lý nằm dọc đường Phan Đình Phùng, Trần Phú, Điện Biên Phủ… được dùng làm công sở, Đại sứ quán hoặc nhà ở công vụ cũng góp phần làm nên nét độc đáo cho kiến trúc Hà Nội. Với kiến trúc mang đậm phong cách miền Nam nước Pháp được thiết kế bài bản, tinh tế, cao 2 - 3 tầng, mái dốc nằm trong khuôn viên rộng 500m2 trở lên, có nhiều cây xanh cổ thụ, các biệt thự Pháp đã mang đến cho những con phố cũ của Hà Nội nét đặc trưng mang dáng dấp của một đô thị châu Âu vừa cổ kính, vừa hiện đại. Hiện nay, việc bảo tồn biệt thự Pháp công hữu này tương đối tốt do có sự rõ ràng về chính sách. Tuy nhiên, những biệt thự Pháp do người dân sử dụng đang bị biến dạng nghiêm trọng về kết cấu, về giá trị thẩm mỹ, thậm chí có nguy cơ biến mất nếu không kịp thời có chính sách bảo tồn, tu bổ.
Bưu điện Hà Nội (phường Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, Hà Nội) nằm bên hồ Gươm nên hay được người dân gọi thân quen là Bưu điện Bờ Hồ
Chọn lọc để bảo tồn
Do biến động của lịch sử và chính sách vào những năm đầu Thủ đô giải phóng nên rất nhiều biệt thự Pháp đã trở thành nhà ở tập thể, nơi cư trú của nhiều hộ gia đình. Do không có kinh phí để cải tạo, lại không có những quy định cho các hộ dân nên dẫn đến tình trạng xuống cấp, nhiều biệt thự phá vỡ kiến trúc ban đầu. Do vậy, ngay cả giới chuyên gia kiến trúc đô thị cũng phân vân liệu có nên "cứu” toàn bộ nhà biệt thự Pháp hay cần có chọn lọc để bảo tồn.
Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam Phạm Thanh Tùng nêu, một căn biệt thự Pháp có thể 3 – 5, thậm chí là gần chục chủ đồng sở hữu. Để cứu các di sản đó, nhất thiết phải có sự đồng lòng của tất cả chủ sở hữu căn biệt thự. Đây thực sự là một việc khó. Vì vậy, dù di sản biệt thự Pháp đều là những tài sản quý nhưng chúng ta phải thừa nhận một thực tế rằng việc cứu tất cả là không thể. Do đó, cần phải xác định nhà nào giữ được thì tập trung nguồn lực vào việc tôn tạo, bảo vệ và phát triển, còn nhà nào không thể giữ được nên "hóa giá”, không làm khó cả người dân lẫn chính quyền.
Để cứu quỹ biệt thự Pháp cổ, theo các chuyên gia, Hà Nội có thể học hỏi Hội An trong việc vừa giúp bảo tồn kiến trúc biệt thự Pháp tư hữu vừa không làm xung đột lợi ích của chủ sở hữu. TS.KTS Trần Minh Tùng cho rằng, để người dân chủ động bảo vệ di sản, trước hết, di sản đó phải mang lại cho họ những quyền lợi thiết thực và Hội An đang làm rất tốt công tác bảo tồn và phát triển di sản tư hữu. Bởi, chính quyền địa phương khai thác được tiềm năng du lịch bằng cách bán vé và du khách được lựa chọn tham quan nhà nào. Từ đó, chủ sở hữu di sản có ý thức hơn trong việc giữ gìn và bảo vệ di sản nhằm nâng cao thu nhập của gia đình bởi sự cạnh tranh thu hút du khách.
Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, Hà Nội cần nghiên cứu để có quy định bảo tồn nhưng phải hướng tới phát huy giá trị và tạo thuận lợi cho người sở hữu công trình, có định hướng hợp lý trong khai thác, sử dụng. Trong các biệt thự, không nhất thiết chỉ dành để ở mà có thể cho khai thác làm du lịch, dịch vụ nhằm quảng bá giá trị công trình. Từ đó mới có nguồn kinh phí để tái đầu tư cho các biệt thự tiếp tục phát huy giá trị về lịch sử, văn hóa, kiến trúc.
Thực tế, bài học khai thác 4 ngôi nhà cổ tại khu phố cổ hay các căn gác xép biệt thự cổ quanh Hồ Gươm cho tổ chức trưng bày nhỏ hoặc mở quán cà phê có sức hấp dẫn rất lớn đối với du khách nước ngoài. "Bảo tồn công trình kiến trúc Pháp có giá trị, trong đó có bảo tồn các công trình biệt thự cổ là bảo tồn cả giá trị vật thể và phi vật thể. Nếu như có điều chỉnh về chức năng sử dụng sẽ quảng bá rộng rãi giá trị và đặc biệt tạo được nguồn lực để bảo tồn, phát triển của quỹ di sản này của Thủ đô Hà Nội” - TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm nhấn mạnh.
Công trình kiến trúc thời thuộc Pháp ở Hà Nội được ca tụng là đẹp nhất vùng Viễn Đông đầu thế kỷ XX, trở thành một bộ phận không thể tách rời của không gian sinh hoạt cộng đồng và là một bộ phận hữu cơ trong đời sống, kết nối các tầng lớp trong xã hội của Thủ đô một cách bền vững... Bảo tồn bền vững dưới góc độ kinh tế chính là bảo tồn kết hợp khai thác giá trị, không những không tạo rào cản mà còn giúp kinh tế phát triển.
Nguyên Phó Chủ tịch Hội KTS Việt Nam, GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính
Theo Kinh tế & Đô thị