Thúc đẩy tài chính xanh cho công trình xây dựng

  • Cập nhật: Thứ hai, 4/1/2021 | 9:29:51 AM

QLMT - Theo kết quả khảo sát công bố vào Hội nghị các nước tham gia công ước Liên Hiệp quốc về biến đổi khí hậu tại Mandrid năm 2019, Việt Nam được nhận định là 1 trong 6 nền kinh tế chịu thiệt hại nghiêm trọng nhất bởi biến đổi khí hậu và Việt Nam là nước nằm trong số các quốc gia có mức độ phát thải khí nhà kính, tác nhân gây nên biến đổi khí hậu cao nhất tại khu vực Đông Á - Thái Bình Dương.

Để các nước đang phát triển như Việt Nam có cơ hội giảm phát thải khí nhà kính và tác động của biến đổi khí hậu cần sự kết hợp một cách thống nhất các chính sách cải cách cùng những mô hình kinh doanh sáng tạo, qua đó huy động hàng nghìn tỷ USD vốn đầu tư. Theo Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) cơ hội đầu tư khí hậu tại 21 thị trường mới nổi trên thế giới tới năm 2030 sẽ lên đến 23.000 tỷ USD và riêng Việt Nam con số này là 753 tỷ USD trong giai đoạn 2016 - 2030. Do vậy, nguồn vốn này sẽ giúp đảm bảo việc triển khai hiệu quả các kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh và biến đổi khí hậu.

tai-chinh-xanh
Trong ngắn hạn, đến năm 2025, công trình xanh có 3,4 nghìn tỷ USD tiềm năng đầu tư

Thúc đẩy thị trường tài chính xanh

Việc huy động đầu tư vào các ngành xanh chưa bao giờ là dễ tại thị trường mới như Việt Nam và không thể chỉ dựa vào các chính sách khuyến khích thúc đẩy để phát triển. Thông thường các thị trường này nhà đầu tư tư nhân thiếu các công cụ để đầu tư vào các dự án sáng tạo liên quan tới khí hậu. Do đó, họ thường có tâm lý e dè, ngay cả khi có đủ tiềm lực và có nhận định tốt về dự án.

Đồng thời các nhà đầu tư tiềm năng có xu hướng cẩn trọng khi chuyển hướng vào đầu tư xanh vì họ chưa hiểu rõ thế nào là một dự án xanh và những yêu cầu về giám sát và báo cáo.

Chính vì vậy, nhu cầu cấp thiết hiện tại là trang bị kiến thức cho các nhà đầu tư cũng như cung cấp thông tin đầy đủ về các tài chính xanh và đặc điểm của chúng. Bên cạnh, cần khuyến khích và hỗ trợ các bên tham gia vào các dự án đầu tư sáng tạo về môi trường, các dự án này về sau sẽ trở thành điển hình tốt được nhân rộng.

 Thực tế các doanh nghiệp tiên phong trong đầu tư xanh ngoài việc được hưởng lợi ích tài chính họ còn có được sự tham gia và đánh giá của các chuyên gia tư vấn về tiêu chuẩn môi trường của mình. Việc tuân thủ các tiêu chuẩn mang tính quốc tế về xanh sẽ mở ra cơ hội cho các nhà đầu tư tiếp cận nguồn vốn lớn từ các nguồn quốc tế.

Mặc dù, việc tạo dựng nền móng luôn cần thời gian, kinh nghiệm từ các thị trường phát triển qua thực tế đã cho thấy sự thành công của tài chính xanh. Ví dụ, vào năm 2010 thị trường trái phiếu xanh chỉ là thị trường ngách của Châu Á - Thái Bình Dương thì tới nay đã trở thành thị trường chủ đạo.

Những thuận lợi ở thị trường Việt Nam

Thị trường Việt Nam đang có nhiều thuận lợi để đầu tư cho công trình xanh, sự thuận lợi này đến từ việc nhận thức tốt về công trình xanh cùng các gói vay ưu đãi đến từ các tổ chức tín dụng ngân hàng. Tính đến quý III/2020 chúng ta đã có 155 dự án xanh được LEED, EDGE và LOTUS, khoảng gần 3,3 triệu m2 được chứng nhận xanh. Đồng thời, Việt Nam có hàng trăm chuyên gia xanh được đào tạo nhưng chưa tham gia nhiều vào thị trường, đội ngũ này hoàn toàn sẵn sàng khi thị trường có nhu cầu.

Theo số liệu thống kê từ Bộ Xây dựng, Việt Nam mỗi năm cần thêm 70 triệu m2 nhà ở đô thị tính từ nay đến năm 2030, đây là thị trường hoàn toàn tiềm năng. Bên cạnh đó, thị trường công trình xanh Việt Nam luôn có sự hỗ trợ từ Bộ Xây dựng và Ngân hàng Nhà nước. Những lợi ích của công trình xanh đối với chủ đầu tư, nhà xây dựng, người mua và khối ngân hàng, cụ thể khi xây dựng công trình xanh, chủ đầu tư có thể bán nhà giá cao hơn, đẩy nhanh hơn việc bán hàng, người mua được giảm chi phí tiện ích, đạt giá trị chuyển nhượng tốt hơn.

Đối với ngân hàng, tỉ lệ không trả được nợ thấp hơn. Trong đó, công trình xanh giúp giảm rủi ro đầu tư, mở ra cơ hội để ngân hàng có được thị phần lớn trong việc đầu tư công trình xanh, ngân hàng nào thực hiện đầu tiên sẽ là quả bom về truyền thông, chính sách, thi đua khen thưởng trên thị trường, đồng thời đa dạng hóa nền tảng nhà đầu tư, giảm rủi ro về uy tín và chính sách.

Chứng chỉ xanh EDGE là một sáng kiến của IFC một nền tảng trực tuyến 3 trong 1 bao gồm phần mềm ứng dụng miễn phí, một tiêu chuẩn công trình xanh quốc tế và hệ thống chứng nhận công trình xanh dành cho hơn 170 quốc gia. Ứng dụng EDGE giúp xác định các giải pháp đầu tư xanh hiệu quả nhằm mang lại lợi ích lâu dài, tạo ra sự khác biệt cho bất động sản nhờ đem lại hàng loạt lợi ích cho nhà phát triển.

Việt Nam những bước tiến trong thực hiện ngân hàng xanh

Là một thành viên của Mạng lưới ngân hàng bền vững (SBN), Việt Nam đã khởi động nhiều cải cách thúc đẩy phát triển và chống lại tác động biến đổi khí hậu. Nhưng cải cách này yêu cầu các ngân hàng thực hiện đánh giá quản lý và báo cáo về các rủi ro môi trường, xã hội và quản trị trong hoạt động cho vay đồng thời triển khai các cơ chế khuyến khích ngân hàng tài trợ các dự án xanh.

Để đảm bảo các hoạt động đánh giá rủi ro môi trường trong quá trình thẩm định các khoản vay  Ngân hàng nhà nước đã đặt ra 2 mục tiêu cụ thể tới năm 2025 toàn bộ các tổ chức tín dụng sẽ thiết lập hệ thống quản lý rủi ro môi trường - xã hội và đánh giá rủi ro xã hội.

Một số ngân hàng đã tiên phong áp dụng tiêu chuẩn xanh quốc tế, ví dụ việc Ngân hàg TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) đã ký kết "Hợp đồng cho vay tín dụng xanh” trị giá 212,5 triệu USD với IFC và các nhà đồng tài trợ quốc tế vào tháng 1/2020 nhằm thực hiện chiến lược phát triển bền vững kết hợp bảo vệ môi trường. Gói vay giúp VPBank cung cấp các giải pháp tài chính cho phân khúc khách hàng doanh nghiệp đầu tư vào các dự án thân thiện với môi trường như phát triển năng lượng tái tạo, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, sử dụng năng lượng hiệu quả, xây dựng các tòa nhà xanh, xử lý và quản lý chất thải, giảm thải ô nhiễm môi trường…

Đặc biệt, đây là  giao dịch vay hợp vốn xanh đầu tiên tại thị trường Việt Nam đáp ứng các điều kiện của Bộ nguyên tắc Tín dụng Xanh - một bộ hướng dẫn tự nguyện được chấp nhận rộng rãi, quy định cụ thể việc sử dụng theo dõi và báo cáo giải ngân khoản vay cho các dự án thân thiện với khí hậu.

Trong thực tế các cơ hội tài chính Xanh đang tiếp cận thị trường Việt Nam, tháng 12/2018, Chính phủ Vương quốc Anh đã hợp tác với IFC trong lĩnh vực tài chính ưu đãi hỗn hợp để giảm thiểu biến đổi khí hậu và công bố Chương trình tăng cường thị trường Xây dựng Xanh (MAGC) với mục tiêu huy động 2 tỷ USD tài trợ từ khu vực nhà nước và tư nhân.

Chương trình thúc đẩy thị trường xây dựng xanh (MAGC)

Chương trình sử dụng hàng loạt các công cụ tài chính được thiết kế để tối đa hóa tác động trong khi giảm thiểu trợ cấp, hỗ trợ nhằm chứng minh hiệu quả thương mại cho xây dựng xanh. Các ưu đãi sẽ được cung cấp thông qua việc kết hợp cả 2 phía và với các trung gian tài chính để thúc đẩy tài chính xây dựng xanh, dựa trên nhu cầu thực tế của thị trường.

Với lãi suất ưu đãi, công cụ sẽ cung cấp giảm giá đối với lãi suất mà khách hàng trả cho khoản vay, hướng đến "kéo giãn” năng lực của khách hàng và thưởng cho các định chế tài chính đáp ứng tiêu chuẩn, cho phép tận dụng vốn của nhà tài trợ.

Khoản vay thương mại, ưu đãi theo hình thức xóa nợ gốc, việc miễn trả nợ gốc phụ thuộc vào việc đạt được các mục tiêu kết quả đã thỏa thuận trước (ví dụ: lượng thế chấp xanh đã thỏa thuận),

Nợ thứ cấp, các khoản cho vay/cho thuê mới phải đáp ứng các tiêu chí hợp lệ đã thỏa thuận trước, thường có mức độ ưu tiên trả nợ thấp hơn (xếp hạng dưới khoản vay của bên cho vay cấp cao), do đó công cụ này trở thành công cụ hiệu quả để chia sẻ và giảm thiểu rủi ro liên quan đến dự án.

Chia sẻ rủi ro (RSF), các nhà đầu tư chia sẻ rủi ro tín dụng của một danh mục cơ sở cho các khoản vay mới.

Các thỏa thuận trên đã được thực hiện ở Châu Á, mở ra tiềm năng của thị trường tài chính ở các thị trường mới để thúc đẩy nguồn tài chính mới cho các dự án khí hậu trong tương lai.


Theo Đỗ Ngọc Diệp- Quản lý Chương trình Công trình xanh Việt Nam, Tổ chức Tài chính quốc tế IFC/ Tạp Chí Xây Dựng Việt Nam

Tags tài chính xanh công trình xanh xây dựng biến đổi khí hậu phát thải khí nhà kính

Các tin khác

Theo Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC), đến hết quý 2/2024, Việt Nam có 476 công trình xanh với 11,489 triệu m² sàn đạt chứng nhận.

Tuần lễ Công trình xanh năm 2024 sẽ diễn ra tại Hà Nội từ ngày 3 - 4/10 với chủ đề "Phát triển công trình xanh: Chuyển biến từ chính sách đến hành động thực tiễn".

Theo báo cáo mới nhất của Bộ Công Thương, đến cuối quý 2 năm 2024, Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể trong việc phát triển công trình xanh và tiết kiệm năng lượng trong lĩnh vực xây dựng.

Ngày 10/7, dự án Golden Crown Hai Phong của DOJILAND đã được Hội đồng Công trình Xanh Hoa Kỳ (USGBC) trao chứng nhận “Công trình Xanh LEED Residential - Silver”, ghi nhận công trình tiết kiệm năng lượng và thân thiện với môi trường sống.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục