Trên thế giới, việc phát triển các công trình xanh, công trình sử dụng năng lượng hiệu quả góp phần giảm phát thải khí nhà kính nhằm giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu và phát triển bền vững. Chính phủ Việt Nam thể hiện cam kết mạnh mẽ với quốc tế khi tham gia vào Nghị định thư Kyoto hay gần đây là Thỏa thuận Paris (COP21).
Ở phạm vi quốc gia, các cam kết này đã và đang được hiện thực hóa trong nhiều chính sách như: Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 25/9/2012 tại Quyết định số 1393/QĐ-TTg với quan điểm tăng trưởng xanh phải do con người và vì con người, đảm bảo phát triển kinh tế nhanh, hiệu quả, bền vững và góp phần quan trọng thực hiện Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu.
Phát triển các công trình xanh, công trình hiệu quả năng lượng là một trong các giải pháp và là xu hướng tất yếu hiện nay. Tính toán của các chuyên gia Hội đồng Công trình xanh Việt Nam (VGBC) chỉ ra rằng, một cao ốc nếu được thiết kế hợp lý thì không chỉ tiết kiệm được 30% điện năng tiêu thụ, 30 - 50% lượng nước sử dụng của tòa nhà mà còn giảm được 35% khí thải CO2 và giảm được 50 - 90% các loại rác thải khác.
Những năm gần đây, các doanh nghiệp phát triển dự án có nhiều thay đổi trong tầm nhìn và định hướng phát triển, hướng tới cung cấp ra thị trường những công trình có nhiều yếu tố xanh và hiệu quả năng lượng. Tuy nhiên, theo thống kê hiện tổng số công trình xanh được chứng nhận tại Việt Nam mới chỉ dừng lại ở con số khoảng 155 công trình, khá khiêm tốn so với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á và trên thế giới, chưa tương xứng với sự tăng trưởng mạnh mẽ của ngành xây dựng.
Việt Nam cần có hệ thống đánh giá chính thức về công trình xanh của Việt Nam.
Dù hiểu rằng các công trình có thiết kế xanh, tiết kiệm năng lượng mang lại lợi ích to lớn với kinh tế, xã hội và môi trường, tạo thêm nhiều giá trị gia tăng và thúc đẩy sự phát triển bền vững cho ngành xây dựng cũng như thị trường bất động sản nhưng vì chi phí đầu tư ban đầu cao, thời gian thu hồi vốn lâu hơn, nhất là những công trình đã hoàn thành và nay muốn nâng cấp để tiết kiệm năng lượng hơn. Cộng với nhận thức của cộng đồng về vấn đề này chưa cao… đã kéo lùi quyết tâm của phần đông chủ đầu tư.
Bên cạnh đó, các công trình xanh hiện được chứng nhận bởi các hệ thống, tiêu chuẩn của Lotus (VGBC), Edge (IFC-WB), LEED (Hội đồng CTX Hoa Kỳ), Green Mark (Singapore) mà chưa có tiêu chuẩn công cụ mang tên của Việt Nam. Đây là vấn đề gây tranh cãi bởi tiêu chuẩn của nước ngoài sẽ có nhiều tiêu chí không phù hợp với khí hậu và điều kiện Việt Nam. Do đó, nhiều quan điểm cho rằng, Việt Nam cần có bộ công cụ đánh giá riêng cho công trình xanh Việt Nam.
Là đơn vị nghiên cứu thị trường bất động sản, ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội cho biết, yếu tố xanh trong bất động sản còn là một khái niệm chưa rõ ràng hiện nay. Các tòa nhà có thể được phát triển xanh, không nhất thiết phải là những sản phẩm xa xỉ. Xanh cũng không cần thiết phải là vật liệu đắt tiền.
"Các yếu tố xanh trong một công trình bất động sản nằm nhiều ở lối sống mà dự án hướng đến, kiến trúc dự án, cách thức vận hành, quản lý dự án. Mỗi chi tiết trong thiết kế cảnh quan, hệ thống thông gió tự nhiên, sưởi ấm tự nhiên, vật liệu xây dựng, chất lượng không khí… đóng vai trò lớn trong việc phát triển các công trình xanh”, ông Matthew Powell nói.
Cũng theo vị chuyên gia, có sự khác biệt lớn giữa một công trình được quảng cáo là "xanh” và một công trình được chứng nhận là "xanh”. Các chứng nhận thường không liên quan nhiều đến số lượng cây xanh hay khuôn viên, mà phần lớn tập trung đến phát triển bền vững, môi trường, bất kể đó là dự án văn phòng hay nhà ở.
"Hiện đang có nhiều loại chứng nhận xanh từ Việt Nam cũng như quốc tế. Để đạt được chứng nhận nhất định, các nhà phát triển và chủ đầu tư cần có một danh sách kiểm tra và đánh giá các yếu tố xanh xác định”, chuyên gia Savills cho biết.
Ông Nguyễn Công Thịnh, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường, Bộ Xây dựng.
Cũng nói về công cụ đánh giá công trình xanh, ông Nguyễn Công Thịnh, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường, Bộ Xây dựng cho biết, hiện Việt Nam đã xây dựng hệ thống chính sách tương đối đầy đủ và toàn diện về phát triển công trình xanh, công trình hiệu quả năng lượng, bao gồm: Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả năm 2010 và các văn bản hướng dẫn; Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh năm 2014; Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 và Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) năm 2020; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng; Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về "Định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”...
Thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ tập trung nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật nhằm cụ thể hóa các chính sách để thúc đẩy phát triển công trình hiệu quả năng lượng, công trình xanh; nghiên cứu hướng dẫn nội dung về phát triển công trình hiệu quả năng lượng, công trình xanh để hướng dẫn Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng. Đồng thời, bổ sung một số quy định của Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm...
Ông Thịnh cũng đưa ra nhận định: "Trong bối cảnh thế giới phẳng, thế giới mở nên họ áp dụng tất cả các chứng chỉ cho công trình xanh. Còn tại Việt Nam cũng đã có Hội đồng công trình xanh, và dù các công cụ đánh giá trên thị trường Việt Nam hiện nay cũng đang được áp dụng tại Việt Nam khá đa dạng với 4 - 5 hệ thống. Có thể đánh giá từ công trình thấp đến công trình cao. Do đó đã gần như đầy đủ để có thể đánh giá chất lượng công trình xanh Việt Nam”.
Ở góc nhìn của doanh nghiệp, ông Bùi Tiến Hùng, Phó Tổng Giám đốc CTCP Tập đoàn Ecopark đề xuất, Nhà nước cần có cơ chế hỗ trợ tài chính cụ thể hơn để tạo cú hích cho phát triển công trình xanh; tổ chức phân hạng công trình xanh để có ưu đãi tài chính cũng như ghi nhận trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp một cách tương xứng.
Bên cạnh đó, cần có hình thức truyền thông rộng rãi hơn để không chỉ doanh nghiệp mà cả người dân nhận thức được sự cần thiết của việc phát triển công trình xanh; cần có hệ thống pháp lý hoàn chỉnh để hướng dẫn, quản lý, đánh giá cho cả một quy trình phát triển xanh từ lựa chọn địa điểm, quy hoạch, thiết kế, thi công đến vận hành công trình.
Chuyên gia công trình xanh, ông Đỗ Hữu Nhật Quang, Giám đốc kinh doanh Greenviet cho rằng: "Hiện đã có những công trình xanh tiên phong, chi phí và lợi ích của công trình xanh đã được kiểm chứng, đặc biệt xuất hiện những chuỗi công trình xanh của các chủ đầu tư bất động sản, xây dựng. Sự cạnh tranh giữa chủ đầu tư bắt đầu xuất hiện. Do đó, các cơ quan quản lý Nhà nước cũng chú trọng đến vấn đề này để có thể vừa ủng hộ vừa quản lý chặt chẽ”.
Theo Tuệ An/ Reatimes