Nằm trong chuỗi các hoạt động hưởng ứng Tuần lễ Công trình Xanh Thế giới từ tháng 9 - 12/2020, từ ngày 9 - 11/12/2020, tại Hà Nội, Bộ Xây dựng phối hợp với Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tổ chức Sự kiện Tuần lễ Công trình Xanh Việt Nam năm 2020. Sự kiện thu hút sự tham gia của gần 1.000 đại biểu đến từ các Ban, Bộ ngành trung ương và địa phương, cơ quan, tổ chức, các chuyên gia trong nước và quốc tế, các chủ dự án đầu tư xây dựng, chủ quản lý vận hành công trình, các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu, phân phối các sản phẩm, vật liệu, thiết bị, công nghệ tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường, các cơ quan nghiên cứu, các Trường Đại học và các đối tượng khác có liên quan.
Mục đích của Tuần lễ Công trình Xanh Việt Nam nhằm tạo ra một diễn đàn chia sẻ, trao đổi thông tin, kinh nghiệm về xây dựng cơ chế chính sách; các công nghệ, sản phẩm, thiết bị, vật liệu mới nhằm phát triển công trình xanh, công trình hiệu quả năng lượng; thúc đẩy các dự án phát triển đô thị theo hướng giảm tác động đến môi trường, giảm phát thải khí nhà kính, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên. Sự kiện cũng thể hiện sự hòa nhập với xu hướng chung của Việt Nam với thế giới cũng như thực hiện các cam kết quốc tế về bảo vệ môi trường. Đây là bước khởi đầu đặt nền móng để Tuần lễ Công trình Xanh Việt Nam trở thành sự kiện thường niên của ngành Xây dựng.
Trên thế giới, việc phát triển các công trình xanh, công trình sử dụng năng lượng hiệu quả góp phần vào giảm phát thải khí nhà kính nhằm giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu và phát triển bền vững. Chính phủ Việt Nam thể hiện cam kết mạnh mẽ với quốc tế khi tham gia vào Nghị định thư Kyoto hay gần đây là Thỏa thuận Paris (COP21).
Chính thức khai mạc Tuần lễ Công trình xanh Việt Nam 2020
Ở phạm vi quốc gia, các cam kết này đã và đang được hiện thưc hóa trong nhiều chính sách, có thể kể đến Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 25/9/2012 tại Quyết định số 1393/QĐ-TTg với quan điểm tăng trưởng xanh phải do con người và vì con người, đảm bảo phát triển kinh tế nhanh, hiệu quả, bền vững và góp phần quan trọng thực hiện Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu, Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030, Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11 tháng 02 năm 2020 của Bộ Chính trị về "Định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Nghị quyết số 140/NQ-CP ngày 02 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW đặt ra các mục tiêu cụ thể về giảm tiêu thụ năng lượng trong ngành Xây dựng… Vì vậy, phát triển các công trình xanh, công trình hiệu quả năng lượng là một trong các giải pháp và là xu hướng tất yếu.
Phát biểu khai mạc Tuần lễ, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng cho hay, thực tế những năm gần đây cho thấy các doanh nghiệp phát triển dự án có nhiều thay đổi trong tầm nhìn và định hướng phát triển, hướng tới cung cấp ra thị trường những công trình có nhiều yếu tố xanh và hiệu quả năng lượng. Các dự án trình diễn của UNDP về ứng dụng các giải pháp kỹ thuật giảm thiểu tiêu thụ năng lượng trong công trình mới và công trình cải tạo cho thấy tiềm năng tiết kiệm năng lượng có thể đạt được từ 25 - 67%/công trình, với chi phí gia tăng từ 0% - 3% tổng mức đầu tư/ công trình và thời gian hoàn vốn tối đa là 5 năm.
Tuy nhiên, theo thống kê của Hội đồng Công trình xanh Việt Nam (VGBC), đến cuối năm 2019, tổng số công trình xanh được chứng nhận tại Việt Nam mới chỉ dừng lại ở con số 70, một con số khá khiêm tốn so với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á. Việc hướng tới tổ chức Tuần lễ Công trình Xanh Việt Nam hàng năm vì thế sẽ góp phần nâng cao nhận thức của các bên liên quan trong việc thúc đẩy sự phát triển các công trình xanh, công trình hiệu quả năng lượng.
Chia sẻ tại buổi lễ, KTS. Phạm Thuý Loan, Viện phó Viện Kiến trúc quốc gia cho hay: "Xu hướng thiết kế và xây dựng xanh ở Việt Nam cũng đã xuất hiện và ngày càng phát triển ở nước ta. Các KTS hiện nay đã có nhiều sáng tạo trong thiết kế các ngôi nhà ngày càng "xanh” hơn: thông thoáng hơn, nhiều cây xanh hơn, cách nhiệt tốt hơn. Đây chính là nhóm giải pháp thiết kế thụ động (không dùng thiết bị, công nghệ, mà bằng các giải pháp thiết kế thi công để cải tạo vi khí hậu). Hầu hết những ngôi nhà truyền thống ở Việt Nam có dạng thiết kế thụ động, ứng phó với vấn đề khí hậu rất thông minh.
Kiến trúc gần đây có rất nhiều giải pháp vi khí hậu của các kiến trúc sư nhưng vẫn chưa mang tính chất phổ quát bởi vẫn còn dừng lại là những giải pháp cụ thể cho từng công trình nhỏ. Nhưng có những tranh luận rằng "công trình nhiều cây xanh có phải là công trình xanh hay không? Tất nhiên, như đã nói ở trên, một công trình xanh muốn được dán nhãn, chứng nhận thì cần phải được đánh giá và cấp chứng chỉ thông qua bộ công cụ kỹ thuật".
KTS. Phạm Thuý Loan nhấn mạnh: "Trong khung chính sách công trình xanh của nhiều nước trên thế giới, Việt Nam còn rất nhiều việc phải làm ở tất cả các nhóm chính sách. Tuy nhiên, Việt Nam nên tập trung vào hai chính sách đòn bẩy. Đó là lựa chọn bộ chứng chỉ công trình xanh chính thức và đề xuất lộ trình áp dụng cho các công trình vốn ngân sách".
Ông Nguyễn Công Thịnh thay mặt Vụ Khoa học Công nghệ môi trường cho ý kiến, trong bối cảnh thế giới phẳng, thế giới mở nên họ áp dụng tất cả các chứng chỉ cho công trình xanh. Còn tại Việt Nam cũng đã có Hội đồng công trình xanh, và dù các công cụ đánh giá trên thị trường Việt Nam hiện nay cũng đang được áp dụng tại Việt Nam khá đa dạng với 4 - 5 hệ thống. Có thể đánh giá từ công trình thấp đến công trình cao. Do đó đã gần như đầy đủ để có thể đánh giá chất lượng công trình xanh Việt Nam.
Theo Tuệ An/ Reatimes