Phát triển đô thị dọc các dòng sông

  • Cập nhật: Thứ sáu, 23/8/2024 | 8:44:49 AM

Chiến lược phát triển đô thị của các địa phương trong tỉnh hiện đã được hoạch định cụ thể. Trong đó, hầu hết các địa phương đều lấy sông làm trục chính mở ra không gian đô thị hiện đại, thân thiện với môi trường.


Đô thị Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi) trong tương lai sẽ lấy sông Kinh Giang làm trục chính mở ra không gian phát triển. Ảnh: Phúc Trinh.

Sông trong lòng phố

Quảng Ngãi hiện có mạng lưới sông suối tương đối phong phú và phân bố đều ở các địa phương. Phần lớn sông ngòi đều bắt nguồn từ dãy Trường Sơn đổ ra Biển Đông, với 4 con sông chính là Trà Bồng, Trà Khúc, Trà Câu và sông Vệ; trong đó, Trà Khúc là con sông lớn nhất tỉnh. Không chỉ mang trong mình những giá trị về văn hóa, lịch sử, môi trường, kinh tế, mà các con sông còn tạo không gian để phát triển đô thị.

Theo Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến năm 2030, Quảng Ngãi phấn đấu xây dựng 18 đô thị. Trong đó, có 1 đô thị đạt một số tiêu chí cơ bản của đô thị loại I là TP Quảng Ngãi; 2 đô thị đạt một số tiêu chí cơ bản của đô thị loại III là TX Đức Phổ và TX Bình Sơn; 1 đô thị loại IV là huyện Lý Sơn. Còn lại là 14 đô thị loại V (6 đô thị dự kiến đạt một số tiêu chí đô thị loại IV là đô thị Di Lăng (mở rộng), Trà Xuân (mở rộng), Ba Tơ (mở rộng), La Hà - Sông Vệ (mở rộng), Chợ Chùa (Mộ Đức). Những đô thị này đều đã và đang được lập và phê duyệt quy hoạch với giải pháp phát triển dọc theo hai bên bờ sông, với những khu dân cư hiện đại, khu nghỉ dưỡng sinh thái...

Đô thị trung tâm là TP Quảng Ngãi. Đây là đô thị ven sông, hướng biển - một trong những đô thị có tiềm năng phát triển thuộc hệ thống đô thị ven biển miền Trung Việt Nam. Từ năm 2013, khi TP Quảng Ngãi mở rộng địa giới hành chính ra hướng đông và hướng bắc, với 23 đơn vị hành chính (9 phường, 14 xã), thì sông Trà Khúc nằm giữa lòng thành phố. Theo quy hoạch chung xây dựng TP Quảng Ngãi được phê duyệt, sông Trà Khúc sẽ được cải tạo xây kè chống sạt lở 2 bên bờ; xây dựng và vận hành các cây cầu có kiến trúc độc đáo; khai thác quỹ đất dọc 2 bên để phát triển đô thị cao tầng. Ngoài ra, các xã, phường khác của thành phố như Tịnh Khê, Tịnh Hòa, Nghĩa Hà, việc phát triển đô thị cũng giữ gìn sự hiện diện của các nhánh sông.


Sông Trà Bồng đoạn qua xã Bình Dương (Bình Sơn). Ảnh: Hai Thông.

Hiện nay, trên sông Trà Khúc hiện có 7 cây cầu là Trà Khúc 1, Trà Khúc 2, Cổ Lũy, Thạch Bích, cầu đường sắt Bắc - Nam, cầu cao tốc Bắc - Nam, cầu Trà Khúc 3 (đang xây dựng). Đồng thời, có một công trình đập quy mô lớn là Đập dâng hạ lưu sông Trà Khúc đang trong quá trình hoàn thành. Bờ nam sông Trà Khúc là công trình đường kết hợp kè đã đưa vào khai thác, mang lại giá trị to lớn đối với phát triển kinh tế, chỉnh trang đô thị, cải tạo cảnh quan môi trường sạch, đẹp.

Bờ bắc sông Trà Khúc hiện đã được đầu tư 2 dự án kè chống sạt lở kết hợp tạo quỹ đất đoạn qua các xã Tịnh An - Tịnh Long - Tịnh Khê, với tổng vốn hơn 410 tỷ đồng. Trong giai đoạn từ năm 2026-2030, ngân sách tỉnh tiếp tục đầu tư 2.200 tỷ đồng để xây dựng mới cầu Trà Khúc 1, quy mô gồm cầu, công viên, bến du thuyền ở phía nam. Ở phía bắc, đầu cầu Trà Khúc 1 sẽ được tịnh tiến về phía đông, ngay tại khách sạn Mỹ Trà hiện nay, nhằm  mở rộng giao thông, cải tạo cảnh quan khang trang trên trục giao thông đô thị vào trung tâm thành phố.

Tạo điểm nhấn cho đô thị

Hiện nay, nhiều địa phương trong tỉnh đang tập trung cải tạo, chỉnh trang bờ sông để tạo điểm nhấn phát triển đô thị. Như huyện Nghĩa Hành đã đầu tư hơn 200 tỷ đồng để xây dựng kè chống sạt lở 2 bên bờ sông Phước Giang, đoạn qua thị trấn Chợ Chùa. Công trình đang được đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu đạt điểm dừng vượt lũ trước mùa mưa bão năm nay.

Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hành Đinh Xuân Sâm cho biết, mục tiêu xây dựng kè chống sạt lở là vừa để bảo vệ dân cư 2 bên bờ sông, vừa cải tạo cảnh quan khu vực trung tâm thị trấn Chợ Chùa, chỉnh trang đô thị Nghĩa Hành. Hiện nay, huyện đang tiếp tục kiến nghị Sở GTVT có phương án đầu tư xây dựng cầu Bến Đá, thuộc tuyến Tỉnh lộ 624, bắc qua sông Phước Giang đoạn đi qua thị trấn Chợ Chùa, để đồng bộ hạ tầng cầu, đường, kè. Huyện kỳ vọng sông Phước Giang sau khi được chỉnh trang sẽ mở ra không gian đô thị, tạo điểm nhấn kiến trúc mới gắn với sự hình thành những khu dân cư hiện đại, sầm uất dọc theo 2 bên bờ sông.


Chỉnh trang sông Phước Giang (Nghĩa Hành) nhằm chống sạt lở và cải thiện cảnh quan đô thị. Ảnh: Thanh Nhị.

Tại TX Đức Phổ, năm 2022, tỉnh đã bố trí ngân sách hỗ trợ 170 tỷ đồng cho địa phương thực hiện dự án Hệ thống thoát nước khu vực đô thị (từ cầu Bàu đến sông Rớ). Theo Chủ tịch UBND TX Đức Phổ Bùi Văn Lý, dự án hoàn thành không chỉ giúp tiêu thoát nước cho đô thị, mà còn cải tạo không gian, cảnh quan khu vực trung tâm đô thị của thị xã. Hiện nay, thị xã cũng đang tập trung đẩy mạnh công tác nạo vét một số đoạn sông trên địa bàn. Cùng với đó, phấn đấu sớm hoàn thành cầu Thạnh Đức, ở phường Phổ Thạnh, để tạo thuận lợi trong giao thông, đồng thời tạo điểm nhấn trong xây dựng đô thị Sa Huỳnh.

Riêng huyện Bình Sơn, trong lộ trình phấn đấu trở thành thị xã vào năm 2025, địa phương đang tập trung đẩy mạnh công tác chỉnh trang một số khu vực 2 bên bờ sông Trà Bồng, đặc biệt là đoạn qua thị trấn Châu Ổ và xã Bình Dương. Kết hợp với dự án trọng điểm của tỉnh là đường Hoàng Sa - Dốc Sỏi, với cây cầu hiện đại bắc qua sông Trà Bồng, sẽ tạo cơ hội khai phá tiềm năng, khai thác quỹ đất 2 bên sông. "Khi những công trình cầu trên sông Trà Bồng hoàn thành sẽ mở ra không gian phát triển mới cho đô thị Bình Sơn. Nếu có đủ nguồn lực để chỉnh trang, cải tạo sông Trà Bồng ở những vị trí cần thiết, chắc chắn bức tranh đô thị Bình Sơn sẽ có nhiều điểm nhấn thú vị", Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn Nguyễn Tưởng Duy chia sẻ. 

Thanh Nhị/baoquangngai.vn

Tags đô thị không gian đô thị sông suối con sông ven sông bên sông

Các tin khác

Việc giảm thiểu rủi ro thiên tai đang được thế giới và các quốc gia quan tâm hàng đầu. Các mô hình giảm thiểu rủi ro thiên tai đã và đang được các quốc gia áp dụng một cách mạnh mẽ trong mọi lĩnh vực phát triển, đặc biệt là trong lĩnh vực quy hoạch đô thị.

Chiều 17/9, TP Hạ Long (Quảng Ninh) tổ chức hội nghị tổng kết Chiến dịch 7 ngày đêm khắc phục hậu quả bão số 3.

Đô thị hóa và sự gia tăng dân số đô thị khiến con người ngày càng mất dần mối liên hệ với thiên nhiên.

Chủ tịch TP Đà Nẵng yêu cầu các sở, ngành, UBND quận, huyện thường xuyên theo dõi tình hình mưa, bão để chủ động trong mọi tình huống; có kế hoạch, phương án xử lý thoát nước, chống ngập úng hiệu quả tránh tình trạng bị động gây thiệt hại về người và của.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục