Đổi mới sáng tạo xanh cho nhà máy và khu công nghiệp

  • Cập nhật: Thứ sáu, 9/8/2024 | 10:17:22 AM

QLMT - Sản xuất xanh, khu công nghiệp xanh không chỉ là xu hướng mà còn là yêu cầu tất yếu. Từ đầu năm 2024 đến nay, hầu hết nhà đầu tư nước ngoài đến Tp.HCM tìm hiểu cơ hội hợp tác đều yêu cầu các đối tác, khu công nghiệp đạt tiêu chuẩn xanh...

Ngày 8/8, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh (ITPC) phối hợp Nền tảng đổi mới sáng tạo BambuUP tổ chức hội thảo "Đổi mới sáng tạo xanh cho nhà máy và khu công nghiệp: Thuận dòng để phát triển bền vững".

Hội thảo thu hút hơn 150 đại biểu đại diện khu công nghiệp, nhà máy, doanh nghiệp sản xuất tham dự.


Quang cảnh hội thảo.

Tại hội thảo, các chuyên cho rằng, thị trường công nghệ xanh và bền vững toàn cầu, bao gồm các lĩnh vực như năng lượng tái tạo, công nghệ xử lý nước thải… dự kiến đạt 61,92 tỷ USD vào năm 2030, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 20,8%.

Do đó, chuyển đổi xanh cần phải trở thành một chiến lược cấp thiết để các doanh nghiệp sản xuất nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư xanh và bảo đảm các tác động bền vững.

Bà Nguyễn Hương Quỳnh, Giám đốc điều hành Nền tảng kết nối Đổi mới sáng tạo BambuUP cho rằng, với mức độ yêu cầu ngày càng cao của thị trường và xã hội đối với sứ mệnh bền vững, buộc các doanh nghiệp cần tập trung xây dựng lộ trình chuyển đổi xanh.

Theo đó, có 5 xu hướng chuyển đổi sản xuất xanh gồm: Tối ưu hóa năng lượng, sản xuất sản phẩm bền vững, giảm thiểu rác thải và tái chế, tăng cường công nghệ thông minh, tiếp cận sản xuất tinh gọn.

Ông Trần Thiên Long, Phó Chủ tịch thường trực Liên chi hội Bất động sản Công nghiệp Việt Nam (VIREA), cho biết, nhà máy xanh là nhà máy được trang bị các quy trình thiết kế và sản xuất thân thiện với môi trường giúp cải thiện hiệu quả phát thải khí nhà kính, giảm ô nhiễm môi trường và tiêu thụ năng lượng. Khu công nghiệp xanh là khu công nghiệp thân thiện với môi trường, sản xuất ra các sản phẩm xanh.

Ngoài ra, khu công nghiệp xanh còn bao hàm cả việc tái sử dụng các chất thải, các chất thải năng lượng, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả năng lượng và nguồn tài nguyên thiên nhiên (khoáng sản, gỗ tự nhiên...), hạn chế sử dụng hóa chất độc hại (phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, bảo quản thực phẩm...) bằng cách sử dụng các công nghệ tiên tiến để khắc phục và kiểm soát ô nhiễm môi trường.

Theo ông Trần Thiên Long, sản xuất xanh, khu công nghiệp xanh không chỉ là xu hướng mà còn là yêu cầu tất yếu. Từ đầu năm 2024 đến nay, hầu hết nhà đầu tư nước ngoài đến Tp. Hồ Chí Minh tìm hiểu cơ hội hợp tác đều yêu cầu các đối tác, khu công nghiệp đạt tiêu chuẩn xanh, phát triển bền vững.

Tuy nhiên, thực tế các khu công nghiệp, khu chế xuất tại Tp. Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam Bộ đều đã hoạt động trên 25 năm, việc chuyển đổi xanh là áp lực rất lớn, cần có quá trình. Một khảo sát sơ bộ cho thấy có đến 50% doanh nghiệp chưa biết về khái niệm khu công nghiệp/nhà máy phát triển bền vững.

Những rào cản của quá trình chuyển đổi xanh ở các khu công nghiệp hiện nay là cơ chế chưa minh bạch; khó khăn trong việc đưa các tiêu chuẩn phát triển bền vững vào khuôn khổ doanh nghiệp hiện có. Thách thức lớn nhất là tài chính, bởi việc chuyển đổi sản xuất xanh đồi hỏi phải đầu tư vào cả máy móc, thiết bị công nghệ và hệ thống quản trị.

"Để thúc đẩy chuyển đổi xanh ở doanh nghiệp, hình thành các khu công công nghiệp, khu chế xuất xanh trước hết cần có khung khổ pháp lý rõ ràng, nhất quán trong quản lý. Cụ thể là cần sớm xây dựng, ban hành Luật Khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế làm cơ sở để doanh nghiệp, nhà đầu tư và cả đơn vị quản lý hoạt động một cách hiệu quả, tránh các vướng mắc do chồng chéo về văn bản pháp lý. Bên cạnh đó, cần có nguồn quỹ tài chính cho doanh nghiệp có chiến lược chuyển đổi hiệu quả với lãi suất thấp, thủ tục tiếp cận đơn giản, khả thi nhất.”, ông Trần Thiên Long nêu kiến nghị.

Bà Hồ Thị Quyên, Phó Giám đốc ITPC cho biết: Tp. Hồ Chí Minh là trung tâm đổi mới, năng động, sáng tạo hàng đầu của cả nước về phát triển kinh tế, công nghiệp, du lịch, dịch vụ, khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo. Theo công bố chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương của Bộ Khoa học và Công nghệ năm 2024, chỉ số PII của thành phố xếp thứ 2 (sau Hà Nội).

Tp. Hồ Chí Minh luôn tập trung khai thác những tiềm năng và lợi thế vào phát triển công nghiệp với vai trò là trung tâm khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của cả nước, khai thác hiệu quả nguồn lực đất đai, nguồn nhân lực trình độ cao, ứng dụng những thành tựu của cách mạng công nghiệp lần thứ tư để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả các ngành, sản phẩm công nghiệp.

Đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh, tạo môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh công nghiệp thuận lợi, ổn định, minh bạch để thu hút đầu tư. Trong 6 tháng đầu năm, tính chung cả vốn thu hút được dưới hình thức cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và góp vốn, mua cổ phần, mua lại vốn góp của doanh nghiệp trong nước, Tp. Hồ Chí Minh thu hút được 1,211 tỷ USD.

Tuy nhiên, để tận dụng các cơ hội, lợi ích từ nguồn vốn đầu tư xanh các doanh nghiệp, nhà máy, khu công nghiệp, khu kinh tế cần chuẩn bị tâm thế, lộ trình chuyển đổi từ mô hình truyền thống sang mô hình sản xuất xanh.

Đề cập đến những khó khăn của doanh nghiệp trong chuyển đổi xanh, ông Trần Anh Đông, Giám đốc CAS-Energy nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của các khu công nghiệp sinh thái để Việt Nam tham gia và cạnh tranh hiệu quả khi "luật chơi Sản xuất xanh-Xuất khẩu xanh” ngày càng siết chặt.

Ông Trần Anh Đông chỉ ra rằng việc chuyển đổi xanh đặt các doanh nghiệp sản xuất vào thế khó về nhiều mặt: tài chính, nguồn lực, chính sách hỗ trợ… nhất là trong giai đoạn khởi tạo và vận hành.

Tại hội thảo, các chuyên gia cũng tập trung thảo luận các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho nhà máy, khu công nghiệp khi đổi mới sáng tạo và chuyển đổi xanh. Đồng thời, chia sẻ kinh nghiệm để các doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi xanh một cách hiệu quả.

Để hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi xanh, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, thời gian qua, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh đã và đang tổ chức nhiều buổi tập huấn, đạo tạo cho doanh nghiệp để xây dựng kế hoạch, chiến lược, từng bước thực hiện chuyển đổi xanh.

DUY ANH

Tags sản xuất xanh khu công nghiệp xanh tiêu chuẩn xanh

Các tin khác

Tuy số lượng hơn 400 khu công nghiệp tại Việt Nam là khu công nghiệp sinh thái vẫn còn hạn chế nhưng trong tương lai, nhu cầu về loại hình bất động sản này sẽ tăng trưởng.

Trong bối cảnh các nhà nhập khẩu yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn sản phẩm xanh, việc phát triển khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam không còn là giải pháp được khuyến nghị mà đã trở thành yêu cầu bắt buộc...

Với việc chuyển đổi sang mô hình "xanh hóa," các khu công nghiệp sinh thái sẽ mang đến một tầm nhìn đầy hứa hẹn về tương lai nơi sự thịnh vượng kinh tế song hành với tính bền vững môi trường.

Việc xây dựng khu công nghiệp sinh thái và chuyển đổi khu công nghiệp (KCN) truyền thống thành KCN sinh thái là nhu cầu tất yếu, cấp bách để Việt Nam kiến tạo lợi thế cạnh tranh lớn trong thu hút đầu tư nước ngoài, đồng thời đóng góp đáng kể vào nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển bền vững và tăng trưởng xanh. Các KCN sinh thái đang được nhân rộng tại Việt Nam đã khẳng định phát triển bền vững là mục tiêu giúp doanh nghiệp Việt Nam xác định tầm nhìn và định hướng chiến lược kinh doanh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục