Khu công nghiệp Yên Phong II-A, tỉnh Bắc Ninh là dự án điển hình trong hệ sinh thái LIC của Western Pacific
Nhận diện dòng vốn đầu tư mới
Kinh tế Việt Nam đang bước vào nửa cuối năm 2024 với nhiều dự báo khả quan. Điểm sáng rõ nét là dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), với gần 15,2 tỷ USD vốn đăng ký và 10,8 tỷ USD vốn giải ngân. Đây là số vốn FDI giải ngân cao nhất của 6 tháng đầu năm trong 5 năm qua, tập trung chủ yếu ở nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với tỷ trọng hơn 80%.
Theo nhiều tổ chức tài chính trong và ngoài nước, triển vọng thu hút vốn FDI của Việt Nam giữ được nhịp độ tích cực nhờ 3 yếu tố cốt lõi. Một là, chiến lược đa dạng hoá chuỗi cung ứng của các nhà sản xuất đa quốc gia. Hai là, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam phục hồi tích cực hơn. Ba là, kinh tế vĩ mô ổn định.
Đặc biệt, với chính sách thu hút đầu tư hướng tới dòng vốn chất lượng cao, Việt Nam được đánh giá cao về triển vọng đầu tư vào nhiều ngành công nghiệp tiên phong, ngành công nghệ mới, năng lượng tái tạo cũng như các chuỗi cung ứng, sản xuất giá trị gia tăng cao, đáp ứng các tiêu chuẩn mới về chuyển đổi xanh, chuyển đổi số và phát triển bền vững của các thị trường lớn...
Mặc dù vẫn còn một số tồn tại, như thiếu nguồn nhân lực có tay nghề, đặc biệt trong lĩnh vực điện tử, bán dẫn; tình trạng thiếu điện cục bộ tại một số địa phương tập trung nhiều dự án công nghiệp điện tử hay vẫn còn sự chậm trễ trong thủ tục hành chính..., song niềm tin của nhà đầu tư đối với Việt Nam tiếp tục được củng cố. Theo dự báo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong năm 2024, Việt Nam có thể đón nhận 39-40 tỷ USD vốn FDI, cao hơn đáng kể so với con số 36,6 tỷ USD của năm 2023.
Rõ ràng, sự chuyển dịch của làn sóng đầu tư mới tới Việt Nam đang mở ra cơ hội rất lớn, nhưng cũng đặt các nhà phát triển bất động sản công nghiệp tại Việt Nam trước những thách thức không hề nhỏ, với yêu cầu về năng lực nắm bắt xu hướng, sự đổi mới, sáng tạo trong tìm kiếm giải pháp để đón được các nhà đầu tư.
Trung tâm Logistics Pacific Japan tại Bình Dương ứng dụng mái năng lượng mặt trời
Giải pháp LIC
Với gần 20 năm hoạt động trong lĩnh vực xây dựng và phát triển hạ tầng khu công nghiệp và hạ tầng logistics, Western Pacific Group đã nắm bắt xu hướng toàn cầu và định hướng phát triển các khu và cụm công nghiệp theo hướng "xanh hóa”.
Trong đó, mô hình Cụm liên kết ngành khu công nghiệp và logistics (LIC) được Western Pacific Group xác định là giải pháp mang tầm vĩ mô, dựa trên việc quy hoạch xây dựng hạ tầng đồng bộ, khép kín.
Mô hình LIC là sự kết hợp linh hoạt giữa xây dựng và phát triển hạ tầng khu công nghiệp, hạ tầng logistics với vận hành logistics. Tận dụng đặc điểm địa lý và tiềm năng của các địa phương cùng lợi thế về vị trí gần cảng, gần sân bay, gần các tuyến đường cao tốc và quốc lộ, mô hình LIC sẽ rút ngắn quãng đường vận chuyển, từ đó giảm lượng phát thải CO2 một cách đáng kể, giúp tối ưu thời gian và chi phí trong các hoạt động logistics.
Trong hệ sinh thái LIC, các dự án đều được định hướng theo hướng "xanh hóa” và bền vững, thông qua việc quy hoạch các khu và cụm công nghiệp với nguyên tắc tuân thủ quy định của nhà nước, đảm bảo các yếu tố về bảo vệ môi trường trong thiết kế và vận hành tại các khu và cụm công nghiệp. Mục tiêu là giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường, đời sống, xã hội của địa phương, đồng thời sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, ứng dụng công nghệ tiên tiến trong vận hành logistics, từ đó tối đa hóa hiệu quả sử dụng năng lượng, mang lại những lợi ích đáng kể cho các nhà đầu tư.
Hiện tại, Western Pacific Group đang mở rộng hệ sinh thái LIC tại nhiều tỉnh, thành phố trọng điểm trên cả nước, như Bắc Ninh, Hà Nam, Bắc Giang, TP.HCM…
Tại Bắc Ninh, thủ phủ công nghiệp phía Bắc, Western Pacific Group đang triển khai xây dựng Dự án Khu công nghiệp Yên Phong II-A với quy mô 151,27 ha, thu hút nhiều ngành công nghiệp công nghệ cao, thân thiện với môi trường.
Khu công nghiệp Yên Phong II-A được xác định là dự án LIC điển hình trong hệ sinh thái LIC của Western Pacific tại Việt Nam nhờ sở hữu lợi thế vị trí thuận tiện, giao thông kết nối liên vùng khi nằm tại nút giao giữa Cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên và Quốc lộ 18, cách sân bay quốc tế Nội Bài gần 18 km và được xây dựng với hạ tầng đồng bộ, khép kín theo tiêu chuẩn quốc tế, bao gồm các công trình được xây dựng theo các quy định và tiêu chuẩn bảo vệ môi trường, đảm bảo không gian xanh cần thiết, ứng dụng năng lượng tái tạo và công nghệ hiện đại tại khu công nghiệp.
Western Pacific Group cũng đã triển khai ứng dụng mái năng lượng mặt trời cho Trung tâm logistics Pacific Japan tại Bình Dương để tận dụng nguồn năng lượng tái tạo, giúp tiết kiệm nhiên liệu, tối ưu chi phí trong hoạt động của doanh nghiệp.
Áp lực từ yêu cầu "xanh hóa”
Là doanh nghiệp tiên phong trong thực hiện chuyển đổi hoạt động theo hướng "xanh hóa”, Western Pacific Group xác định, chặng đường này không hề đơn giản, đòi hỏi nỗ lực rất lớn, cả ở phía doanh nghiệp và cơ quan hoạch định chính sách.
Bởi, mô hình này cần khoản đầu tư ban đầu khá lớn, thời gian hoàn vốn dài. Đặc biệt, rất cần sự tham gia chủ động, đồng bộ của các bộ, ngành, địa phương trong đề xuất, xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư xanh, bền vững, trong đó đặc biệt là quy hoạch đồng bộ hạ tầng giữa nhà sản xuất và các trung tâm logistics tại các địa phương nhắm tối ưu quãng đường vận chuyển, giảm phát thải, giảm chi phí và thời gian sản xuất và kinh doanh.
Tuy vậy, để đón nhận làn sóng đầu tư đang tăng nhanh từ các nhà đầu tư nước ngoài, việc tiên phong thay đổi để thích ứng với chuyển động của thế giới là yếu tố tiên quyết, đòi hỏi những nhà phát triển bất động sản công nghiệp không thể chậm trễ trong sáng tạo và thay đổi.
Trong bối cảnh này, mô hình LIC của Western Pacific đã và đang chứng minh là mô hình hoạt động hiệu quả, là giải pháp kịp thời tháo gỡ những vướng mắc về hạ tầng tại Việt Nam.
Theo Anh Thư/baodautu.vn