Mới đây, UBND tỉnh Quảng Trị đã ban hành Quyết định phê duyệt dự toán lập Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi hệ thống khai thác và xử lý nước của 14 giếng cổ ở xã Gio An, huyện Gio Linh.
Tổng dự toán lập quy hoạch là hơn 3,2 tỷ đồng. Trong đó, chi phí khảo sát địa hình hơn 440 triệu đồng; lập nhiệm vụ quy hoạch hơn 440 triệu đồng; lập đồ án quy hoạch hơn 2,3 tỷ đồng; còn lại là các chi phí khác.
UBND tỉnh Quảng Trị giao Trung tâm Quản lý di tích và Bảo tàng tỉnh tổ chức thực hiện lập quy hoạch và thanh quyết toán kinh phí đảm bảo tuân thủ theo đúng các quy định của pháp luật hiện hành.
Hệ thống giếng cổ ở Gio An hiện nay gồm 14 giếng với tên gọi dân dã như: giếng Côi, giếng Dưới, giếng Búng, giếng Trạng, giếng Đào ở thôn An Nha... (Ảnh: Internet)
Hệ thống giếng cổ Gio An đã được Bộ VHTT&DL xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia vào năm 2001.
Hệ thống giếng cổ Gio An hiện có 14 giếng, gồm: Côi, Dưới, Búng, Trạng, Đào, Gái 1, Gái 2, Nậy, Tép, Ông, Bà, Gai, Máng và Pheo.
Các giếng cổ này đa phần nằm ở chân các quả đồi đất đỏ bazan, được tạo thành nhờ kỹ thuật lắp ghép, kè đá để khai thác các mạch nước ngầm trong lòng đồi.
Các nhà khoa học xác định, hệ thống giếng cổ ở Gio An được người Chăm xây dựng vào cuối thời đại đồ đá, ước tính có tuổi đời khoảng 5.000 năm.
Giếng cổ Gio An cung cấp nước cho sinh hoạt, sản xuất, là di tích có giá trị khảo cổ, văn hóa nghệ thuật độc đáo do người Chăm sáng tạo và được người Việt tiếp thu giữ gìn cho đến ngày nay.
--------------------------------
Giá trị của những chiếc giếng cổ
Trải qua hàng thế kỷ, những chiếc giếng cổ không chỉ là biểu tượng của sự phát triển xã hội và chủ quyền đất đai, mà còn là ký ức sống động về quá trình hình thành và phát triển của cộng đồng dân cư. Với giá trị lịch sử và văn hóa đặc biệt, những giếng cổ không chỉ là nơi cung cấp nước mà còn là nơi linh thiêng, được dân làng tôn kính và giữ gìn như một phần không thể tách rời của cuộc sống hàng ngày.
Giếng Xó La trên Đảo Lý Sơn tương truyền có nguồn gốc cách đây hơn 500 năm nhưng đến nay vẫn thanh mát quanh năm. Ảnh: ITN
Đặc biệt, ở các khu vực biên giới, biển, đảo, những giếng cổ đóng vai trò quan trọng trong việc khẳng định chủ quyền quốc gia và dân tộc. Chúng là minh chứng rõ ràng cho quyền sở hữu tự nhiên của con người và sự phát triển lịch sử của một vùng đất. Ví dụ như giếng cổ trên huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, đó là một trong những điển hình cho sự khẳng định chủ quyền và giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc.
Kỹ thuật thăm dò nguồn nước, xếp đá sao cho lớp đá tự nhiên thành một màng lọc nước trong lành là kĩ thuật khó của người xưa, là tri thức dân gian đã thất truyền ít nhiều. Trải qua nhiều thời kỳ mở rộng làng, khai phá thêm đất đai, người dân cũng có đào giếng, nhưng kỹ thuật đào giếng này đã không được truyền lại. Có những khu vực xung quanh, người dân tốn tiền của để khoan thăm dò xuống những lớp đất sâu vẫn không có nước, không đúng mạch, hoặc giếng mới đào chỉ vài năm là bỏ, hỏng vì nước ô nhiễm, không dùng được cho sinh hoạt. Vì vậy, người dân càng tin vào những chiếc giếng cổ, ông cha để lại, nơi dòng nước trong lành từ thế hệ này để lại cho thế hệ khác, cứ nối tiếp như thế, như thể cúng cầu mà được, thánh thần ban cho.
Việc giữ gìn và tôn trọng những giếng cổ này không chỉ là nhiệm vụ của mỗi cá nhân mà còn là trách nhiệm của toàn bộ cộng đồng, giúp bảo tồn và phát triển di sản văn hóa dân tộc một cách bền vững.
TUỆ LÂM