Hiểu tâm lý này, các điểm đến hấp dẫn của Việt Nam như Lâm Bình đang dần trở nên "xanh” hơn cùng những bài toán bền vững. Điều này đến từ tầm nhìn của các nhà hoạch định chính sách, các cấp quản lý địa phương và những chủ công trình cân bằng giữa bê tông, sỏi đá với cây hoa, lá rừng, suối tự nhiên và đồng ruộng. Riêng đối với Lâm Bình, một địa danh còn giữ được vẻ bản địa nguyên sơ từ con người đến phong cảnh, có lẽ là điểm đến xanh chuẩn nghĩa khi nhận thức và thực hiện phát triển du lịch xanh đang ngày càng được quan tâm.
Vẻ đẹp hội tụ của núi rừng
Lâm Bình là huyện vùng cao nằm ở phía bắc tỉnh Tuyên Quang. Với 10 đơn vị hành chính cấp xã, 100 thôn, bản, Lâm Bình có dân số trên 51.000 người, dân tộc thiểu số chiếm trên 95%, trong đó: Dân tộc Tày chiếm 62%, Dao trên 25%, Mông 6%, còn lại là các dân tộc khác. Đặc biệt, tại thôn Thượng Minh, xã Hồng Quang có dân tộc Pà Thẻn sinh sống, chiếm khoảng 2% dân số toàn huyện (dân tộc Pà Thẻn có nét văn hóa đặc sắc với nghi lễ Nhảy lửa hết sức huyền bí). Các dân tộc thiểu số ở huyện Lâm Bình về cơ bản vẫn còn giữ nguyên những nét văn hóa truyền thống, từ tiếng nói, chữ viết đến trang phục, tín ngưỡng dân gian, các làn điệu dân ca, trò chơi, ẩm thực, hệ thống nhà sàn, các lễ hội truyền thống… tạo điều kiện thuận lợi để huyện Lâm Bình hình thành loại hình du lịch homestay, mang đến cho du khách nhiều trải nghiệm khó quên.
Cọc Vài biểu tượng của huyện Lâm Bình cầu may mắn, an lành.
Đến Lâm Bình là đến với vùng đất sơn thủy hữu tình, trập trùng những dãy núi kỳ vĩ, rừng đại ngàn xanh thẳm, du khách sẽ được chiêm ngưỡng 99 ngọn núi Thượng Lâm huyền thoại nơi được coi là Vịnh Hạ Long cạn giữa đại ngàn, trải nghiệm lòng hồ sinh thái bằng thuyền du lịch hoặc thuyền kayak để cảm nhận mênh mang của sóng nước, mây trời; được chạm tay vào cọc Vài (cọc buộc trâu của chàng Khổng lồ Tài Ngào) biểu tượng của Lâm Bình cầu may mắn, an lành; được thả mình vào dòng thác Nặm Me, thác Khuổi Nhi, thác Khuổi Súng...
Cùng với các danh lam, thắng cảnh, Lâm Bình còn có các di tích lịch sử, khảo cổ, tâm linh: Di tích Quốc gia Đền Pú Bảo, Chùa Phúc Lâm, Xưởng Quân Khí H52 của Anh hùng Lao động Ngô Gia Khảm, Đền Pác Vãng, Đền Bà Chủa (Bà Chúa); Chùa Ông, Chùa Bà, Đền Nà Thếm, Hang Phia Vài (nơi phát hiện 02 ngôi mộ táng có niên đại trên dưới 12 nghìn năm).
Những năm gần đây, huyện Lâm Bình đã cho khôi phục các lễ hội truyền thống như: Lễ hội Lồng tông của dân tộc Tày, Lễ hội nhảy lửa của dân tộc Pà Thẻn, lễ cấp sắc của người Dao, Lễ giã cốm, Lễ mừng cơm mới… Các lễ hội của Lâm Bình đều mang đậm màu sắc dân gian, độc đáo, có ý nghĩa, nét đẹp văn hóa khác nhau, đã thu hút đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh vào những dịp đầu xuân.
Lễ hội nhảy lửa của dân tộc Pà Thẻn ở thôn Thượng Minh, xã Hồng Quang, huyện Lâm Bình.
Phát huy tiềm năng và lợi thế sẵn có, Lâm Bình đã và đang phát triển mô hình du lịch cộng đồng (homestay), từ cuối năm 2016, huyện Lâm Bình triển khai xây dựng mô hình du lịch cộng đồng (homestay) đối với 15 hộ trên địa bàn các xã (Thượng Lâm, Khuôn Hà, Lăng Can), đến nay tổng số hộ cung cấp dịch vụ du lịch cộng đồng tăng lên trên 50 hộ (thêm các xã Phúc Yên, Thổ Bình, Hồng Quang, Phúc Sơn) đã góp phần đón trên 152.000 lượt khách du lịch trong năm 2023 đến tham quan, nghỉ dưỡng và trải nghiệm. Cũng nhờ du lịch mà hiện nay, đời sống của người dân trên địa bàn huyện từng bước được cải thiện, nơi đây đã và đang là điểm đến của các nhà đầu tư.
Giảm thiểu tác động đến môi trường
Đến với các điểm du lịch cộng đồng tại huyện Lâm Bình, điều làm cho du khách thích thú là không khí trong lành và có nhiều vật dụng phục vụ trong sinh hoạt tại các Homestay được làm từ tre, nứa và các nguyên vật liệu có sẵn từ thiên nhiên. Việc hạn chế rác thải nhựa từ lâu đã đi vào thói quen sinh hoạt của bà con các dân tộc nơi đây. Những khẩu hiệu, thùng rác được bố trí khắp mọi nơi công cộng trong cộng đồng với mục đích thay đổi dần tư duy, hướng tới nói không với rác thải nhựa. Ai ai cũng mong muốn giữ được môi trường xanh, sạch, đẹp, bởi với người dân vùng cao này, môi trường trong sạch là rất quan trọng để phát triển kinh tế du lịch.
Homestay Hoàng Tuấn ở xã Thượng Lâm, huyện Lâm Bình.
Việc nâng cao chất lượng du lịch gắn với bảo vệ môi trường đang là xu thế được các cấp chính quyền nơi đây đặc biệt quan tâm. Các chỉ tiêu thuộc lĩnh vực môi trường theo Nghị Quyết số 25/NQ-HĐND ngày 21/12/2022 của Hội đồng nhân dân huyện như: Thu gom và xử lý 100% chất thải y tế, chất thải nguy hại và chất thải rắn sinh hoạt; hộ gia đình có nhà tắm, nhà tiêu, chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh đạt trên 92%; tỷ lệ che phủ rừng đạt trên 78,0%... được tập trung hoàn thành. Công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm về bảo vệ môi trường được huyện Lâm Bình đặc biệt quan tâm. Từ việc thay đổi ý thức, thói quen sử dụng rác thải trong sinh hoạt hằng ngày của người dân là cách làm nhanh nhất để bảo vệ môi trường.
Để du lịch góp phần trở thành ngành kinh tế quan trọng của huyện Lâm Bình, trong thời gian tới, mỗi người dân, doanh nghiệp, địa phương cần tiếp tục nâng cao ý thức bảo vệ môi trường. Mỗi du khách hãy đặt trách nhiệm và lan tỏa ý thức bảo vệ môi trường trong mỗi chuyến hành trình. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý nhà nước cần kiên quyết áp dụng các biện pháp bảo vệ môi trường du lịch, đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ bảo vệ môi trường…
Theo Công nghiệp Môi trường