Đối tượng nghiên cứu lập quy hoạch gồm: Các giá trị di sản văn hóa, tài sản, hiện vật gắn với di tích và công tác quản lý bảo tồn, phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch; cảnh quan núi non, thảm thực vật, động vật, các giá trị cảnh quan, sinh học, thủy văn... trong khu vực di tích; các yếu tố kinh tế - xã hội, dân cư, môi trường khu vực, các thể chế chính sách có liên quan; hiện trạng hạ tầng kỹ thuật, thực trạng đầu tư xây dựng, tình hình sử dụng đất tại khu vực lập quy hoạch; tổng thể hệ thống di tích và khu vực xung quanh di tích...
Mục tiêu lập quy hoạch: Nhằm cụ thể hóa các nội dung của Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030 và các chiến lược, quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực liên quan đảm bảo phù hợp với việc bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích. Bảo tồn, gìn giữ lâu dài các giá trị hiện hữu của chùa Tây Phương cùng các di sản văn hóa liên quan; góp phần phục hồi các di sản văn hóa đã bị mai một hoặc bị hủy hoại; bảo đảm duy trì sự toàn vẹn của các di tích; tôn vinh các giá trị di tích; nâng cao ý thức, trách nhiệm của cộng đồng trong việc bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa. Đồng thời, phát huy giá trị, vai trò của di sản văn hóa liên quan trong thu hút du khách, tổ chức và góp phần tạo môi trường thuận lợi để tổ chức các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo và lễ hội truyền thống một cách an toàn, hiệu quả; phát triển du lịch bền vững, tạo thêm nguồn thu nhập, tạo cơ hội kinh doanh và việc làm cho cộng đồng dân cư địa phương, góp phần nâng cao đời sống nhân dân.
Xác định lại ranh giới, khoanh vùng bảo vệ di tích; chức năng, chỉ tiêu sử dụng đất cho khu vực di tích, khu vực dân cư và khu vực bảo vệ môi trường; quy hoạch tổ chức không gian, bố trí hệ thống hạ tầng kỹ thuật phù hợp với các giai đoạn bảo tồn, phát huy giá trị di tích...
------------------------------
Chùa Tây Phương - Di tích quốc gia đặc biệt của Thủ đô
Chùa Tây Phương hay còn được gọi là Sùng Phúc Tự, đây là tên chữ cổ của chùa, mang hàm nghĩa Tự là chùa, Sùng Phúc là nơi Đức Phật luôn hướng những điều thiện điều phúc đức. Tọa lạc ở huyện Thạch Thất, Hà Nội, chùa Tây Phương được biết đến là một trong những loại hình kiến trúc nghệ thuật độc đáo, không chỉ thế nơi đây còn thu hút du khách bởi vẻ đẹp huyền bí và tĩnh lặng của núi rừng, sự linh thiêng hội tụ tinh hoa đất trời.
Theo các nhà Sử học, ngôi chùa được xây dựng vào khoảng thế kỷ 8, sau nhiều lần trùng tu và cải tạo, ngôi chùa mang hình dáng kiến trúc như ngày nay.
Để đến được với chùa Tây Phương, du khách sẽ cần phải leo qua 239 bậc thang đá ong rêu phong. Ngôi chùa được xây theo kiến trúc hình chữ Tam cổ với 3 nếp chùa đặt song song gồm: bái đường, chính điện và hậu cung.
Từ cổng chính bước qua khoảng sân chùa, du khách sẽ thấy 3 nếp nhà song song với nhau, theo thứ tự được gọi là chùa Hạ, chùa Trung và chùa Thượng. Phía sau và 2 bên của chùa chính là nơi thờ nhà Tổ và Mẫu.
Một trong điểm nổi bật của chùa Tây Phương so với các ngôi chùa khác chính là nơi đây sở hữu rất nhiều những bức tượng pháp cùng với những kiệt tác hiếm có trong nghệ thuật điêu khắc tôn giáo. Ngôi chùa còn sở hữu 64 pho tượng với các bức phù điêu vô cùng hoành tráng, 16 pho tượng Tổ, bộ Tượng Tam Thế Phật, đặc biệt đến đây du khách còn có thể chiêm ngưỡng tượng 18 vị La Hán với những cung bậc cảm xúc hỉ nộ ái ố khác nhau.
Hàng năm cứ vào tháng 3 âm lịch, người dân nơi đây lại nô nức mở hội chùa, lễ hội kéo dài từ ngày mùng 6 tháng 3 đến mùng 10 tháng 3 với nhiều hoạt động lễ hội đặc sắc thu hút nhiều du khách ghé thăm. Bên cạnh đó, lễ hội còn tổ chức nhiều trò chơi mang tính tập thể như kéo co, đánh vật, cờ người,...với mong muốn người dân có một năm mới ấm no hạnh phúc, luôn khỏe mạnh bình an.
LÂM HÀ (T/h)