Nơi đây là một bộ phận không tách rời Khu du lịch tâm linh Đông Yên Tử - một địa điểm du lịch đã tạo dựng được những giá trị và thương hiệu đối với các du khách.
Di sản có giá trị
Nếu Đông Yên Tử là nơi Phật hoàng Trần Nhân Tông tu hành, lưu giữ xá lị thì Tây Yên Tử là con đường Hoằng dương Phật pháp của ngài. Con đường trước đây nhà vua đến đỉnh Yên Tử chính là từ phía Tây sang phía Đông.
Qua nhiều công trình nghiên cứu cho thấy, không chỉ Phật hoàng Trần Nhân Tông mà từ thế kỷ XI cho đến thế kỷ XIII, nhiều nhà sư đã chọn con đường lên Yên Tử từ phía Tây để tu hành, dựng chùa, xây tháp, phát đạo. Vì vậy, phía Tây Yên Tử xuất hiện hàng loạt công trình di tích lịch sử liên quan chặt chẽ đến quá trình hình thành và hưng thịnh của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.
Một góc không gian chùa Vĩnh Nghiêm (Yên Dũng).
Có thể nói, sườn Tây Yên Tử thuộc địa phận tỉnh Bắc Giang được thiên nhiên ban tặng những cảnh sắc tuyệt đẹp, kỳ thú, là nơi hội tụ nhiều nét văn hóa vật thể, phi vật thể đặc sắc. Hiện nay dọc sườn Tây Yên Tử còn lưu lại nhiều di tích, công trình lịch sử văn hóa liên quan đến thời Lý - Trần. Tây Yên Tử gồm hệ thống các di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh trải dài từ Sơn Động dọc theo sông Lục Nam xuống huyện Yên Dũng, với hệ thống các chùa tháp, di tích lịch sử, cùng sự kỳ vĩ của rừng núi trùng điệp.
Theo Quyết định số 105 ngày 29/11/2013 của UBND tỉnh phê duyệt Quy hoạch xây dựng vùng bảo tồn tổng thể hệ thống di tích và danh thắng Tây Yên Tử, phạm vi Khu di tích và danh thắng Tây Yên Tử gồm 9 cụm di tích: Khu Đồng Thông, rừng Khe Rỗ, chùa Am Vãi, hồ Khuôn Thần, hồ Cấm Sơn, Suối Mỡ, Suối Nước Vàng, chùa Vĩnh Nghiêm và Thiền viện Trúc Lâm Phượng Hoàng.
Mỗi ngôi chùa có những nét kiến trúc riêng ghi đậm dấu ấn Phật giáo thời Lý - Trần. Nổi bật là chùa Vĩnh Nghiêm trong lịch sử Phật giáo Việt Nam - một trung tâm, là chốn tổ, có hệ thống tượng Phật phong phú, đặc biệt là kho mộc bản kinh Phật với những giá trị nổi bật. Không gian văn hóa Phật giáo Trúc Lâm Tây Yên Tử với những giá trị đặc sắc ngày càng thu hút đông đảo du khách thập phương đến với tỉnh Bắc Giang.
Không gian văn hóa Phật giáo chùa Vĩnh Nghiêm
Chùa Vĩnh Nghiêm nằm trên địa bàn xã Trí Yên (Yên Dũng) được coi là trung tâm của không gian Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử - nơi truyền đạo, hoằng pháp thời Trần. Truyền thuyết vùng La kể: Chùa Vĩnh Nghiêm ở vùng đất cao hội đủ tứ linh, khu nội tự được xây trên lưng con rùa. Rùa là linh vật, biểu tượng cho sức khỏe và tuổi thọ. Chọn địa thế lưng rùa để xây dựng chùa, cư dân nơi đây đã tin tưởng vào sự trường tồn của ngôi chùa cũng như tín ngưỡng thờ Phật.
Du khách tham quan tại nhà trưng bày mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm (Yên Dũng).
Ngôi chùa và vùng đất này vì thế từ lâu đã thấm đẫm huyền tích và truyền thuyết dân gian. Truyền thuyết kể rằng, vào thời Trần, khi đó Yên Dũng còn là vùng rừng núi rậm rạp, vua Trần Nhân Tông cùng đoàn tùy tùng đi du ngoạn, cũng là để xem xét các địa thế hiểm yếu nơi cửa ngõ vùng phía Bắc kinh thành Thăng Long nhằm xây dựng phòng tuyến chuẩn bị chống giặc Nguyên- Mông đang lăm le đưa quân sang chinh phạt.
Khi đến vùng La, ngựa của nhà vua cứ bon bon chạy đến đất này. Bỗng ngựa hí vang và gõ móng dừng lại, nhất định không chịu bước tiếp. Nhà vua lấy làm lạ, hỏi ra mới biết đất này vốn là lưng một con rùa, vốn có một ngôi chùa nhỏ từ rất lâu đời. Ngắm thế có sông núi giao hòa, vượng khí sung mãn, lại có chùa thiêng tọa lạc, vua cho đây là một duyên may đưa ngài đến đất này liền cho sửa sang chùa khang trang, rộng rãi, đặt tên là Vĩnh Nghiêm tự (chùa Vĩnh Nghiêm). Chính vì thế, suốt hơn 700 năm qua tên gọi ấy không hề thay đổi danh tự như nhiều ngôi chùa khác ở miền quê xứ Bắc.
Thời đại nhà Trần là thời đại Phật giáo thực sự hòa nhập vào lòng dân tộc từ hình thức lẫn nội dung, yếu tố đưa đến thành công và những đặc sắc của đạo Phật không tách rời với sự phát triển của dân tộc. Đạo Phật được gieo mầm từ lâu, đến đời Trần là đỉnh cao đơm hoa kết trái. Theo đó, Phật giáo trở thành cốt tủy và hòa nhập với nền văn hóa dân tộc. Đặc sắc của Phật giáo đời Trần là tính tích cực nhập thế "Phật pháp tại thế gian, bất ly thế gian giác”, đạo không tách rời đời và đời cũng không thiếu vắng đạo.
Trong thời kỳ đó, riêng chùa Vĩnh Nghiêm là trung tâm, chốn tổ quan trọng trong thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Người có vai trò lớn trong việc mở rộng chùa bấy giờ là tổ Pháp Loa - vị tổ thứ hai của Thiền phái Trúc Lâm. Tháng 9 năm Quý Sửu (1313), nhị tổ Pháp Loa phụng chiếu đến cư trú tại chùa Vĩnh Nghiêm. Tại đây, tổ Pháp Loa đã huy động cả giới quý tộc nhà Trần vào việc kiến thiết chùa, đặt văn phòng, quy định mọi chức vụ tăng sĩ trong Giáo hội, kiểm tra tự viện và làm sổ tăng tịch. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Phật giáo Việt Nam tăng sĩ có hồ sơ tại Giáo hội Trung ương. Từ thời điểm này, chùa Vĩnh Nghiêm có thêm một vai trò nữa, đó là nơi quy tụ những cao tăng, thạc đức trong chốn thiền môn. Kể từ đây, Giáo hội Trúc Lâm phát triển không ngừng. Số người xuất gia và gia nhập Giáo hội Trúc Lâm ngày càng đông.
Có thể thấy, chùa Vĩnh Nghiêm thực sự trở thành trung tâm hoằng pháp, cơ sở đào tạo tăng tài, nơi hội tụ quần chúng tu học giáo lý Phật đà thuộc hệ thống Trúc Lâm Yên Tử thời Trần. Sự kết nối giữa chùa Vĩnh Nghiêm và các chùa trên quần thể núi Yên Tử và Quỳnh Lâm đã tạo nên một dấu ấn lịch sử Phật giáo. Qua đó góp phần cho sự phát triển Phật giáo Việt Nam lên một tầm vóc vừa quy mô về hệ thống tổ chức sinh hoạt Giáo hội vừa thể nhập đời sống tinh thần của nhân dân. Đồng thời đóng vai trò rất quan trọng trong việc chấn hưng văn hóa nước nhà, nhất là phát huy Phật pháp trong đời sống xã hội.
Chùa Vĩnh Nghiêm đã được các nhà nghiên cứu lịch sử văn hóa xem như một bảo tàng văn hoá Phật giáo Đại thừa khá tiêu biểu ở miền Bắc Việt Nam. Ngoài công trình kiến trúc, một trong những di sản văn hoá đặc biệt quý giá ở chùa Vĩnh Nghiêm là kho mộc bản kinh Phật do các vị sư Thiền phái Trúc Lâm để lại.
Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm (Yên Dũng).
Kho mộc bản tại chùa Vĩnh Nghiêm có 3.050 mộc bản với 9 đầu sách lớn. Trong đó hầu hết là kinh Phật, sách thuốc, luật giới nhà Phật. Số còn lại là trước tác của Tam Tổ và một số vị cao tăng dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử, tác phẩm chủ yếu là thơ, phú, nhật ký... Toàn bộ những mộc bản này đều do Thiền sư thiền phái Trúc Lâm tổ chức san khắc ở nhiều giai đoạn khác nhau. Các mộc bản được khắc trên vật liệu là gỗ thị, khai thác chủ yếu trong vườn chùa.
Từ những tư liệu trong kho mộc bản đã giúp các nhà nghiên cứu có thêm nguồn sử liệu quý giá về sự phát triển của hệ thống văn tự Việt Nam. Chuyển từ chỗ chủ yếu sử dụng chữ Hán sang coi trọng và chủ động sử dụng chữ Nôm. Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm là cổ vật, bảo vật, di sản văn hóa quý báu của nhân loại. Là cổ vật quý lại mang tính độc bản, tính nguyên gốc cho nên nó có giá trị rất lớn cả về phương diện văn hóa cũng như tôn giáo. Đây là nguồn tư liệu đánh dấu quá trình phát triển Phật giáo vào Việt Nam và được Việt Nam hoá thành nét văn hóa riêng phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện Việt Nam.
Không gian văn hóa Phật giáo chùa Am Vãi
Chùa Am Vãi còn có tên chữ là Am ni tự, tọa lạc trên núi Am Vãi, thuộc xã Nam Dương, huyện Lục Ngạn. Chùa được xây dựng từ thời Trần, trên vườn chùa còn ngôi tháp đá cổ thời Trần được gọi là "Liên Hoa bảo tháp” (Tháp báu Liên Hoa). Chùa cao nghìn trượng, từ trên núi nhìn được bốn phía. Ngôi chùa nằm trong quần thể hệ thống chùa tháp ở Tây Yên Tử, mang đậm dấu ấn của Phật giáo thời Trần.
Tương truyền, đây là nơi tu hành của một công chúa nhà Trần nhưng chưa rõ danh xưng vì không được ghi lại trong các tư liệu sử. Tuy nhiên, căn cứ vào những tư liệu khảo cứu trong chính sử và những mối tương quan về vị trí địa lý, lịch sử hình thành và phát triển của Thiền phái Trúc Lâm ở khu suối phía Tây và Đông dãy Yên Tử, có thể đưa ra giả định: Tương truyền công chúa nhà Trần đã lên chùa Am Vãi để tu hành.
Chùa Am Vãi, xã Nam Dương (Lục Ngạn).
Điều đặc biệt của ngôi chùa phải kể đến giếng khơi ở bên cạnh chùa. Giếng không sâu nhưng nước trong mát và không bao giờ cạn. Từ lâu, người dân trong vùng coi đây là chiếc giếng quý, có ý nghĩa rất quan trọng đối với đời sống tâm linh. Dấu tích hang Tiền, hang Gạo vẫn còn với truyền thuyết kể rằng, trước đây chùa có một vị sư trụ trì, hằng ngày từ trong hang gạo, tiền chảy ra vừa đủ để nhà sư sống. Một ngày nọ, chùa có khách đến chơi, vị sư liền khơi cho hang chảy thêm nhiều tiền, gạo. Từ đó hang không còn tiền, gạo nữa. Hiện cửa hang đã bị bịt kín. Ngay phía trên cửa hang là hình một con rùa đá khổng lồ, đầu nhô hẳn ra ngoài, người dân địa phương cho rằng thần linh đã trấn yểm rùa đá để bảo vệ kho báu trong hang Tiền, hang Gạo.
Giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của chùa Am Vãi nói riêng và các di tích thuộc Tây Yên Tử nói chung là một minh chứng sống động cho khả năng tồn tại và phát triển của nền văn hóa dân tộc. Đây không chỉ là tinh hoa Phật giáo Việt Nam mà còn là tinh hoa văn hóa của cả dân tộc. Trong khi phần lớn di tích kiến trúc Phật giáo thời Trần ở Tây Yên Tử đến nay đã bị hư hỏng, biến đổi nhiều, thì những văn bia, mộc bản còn sót lại nơi đây được xem là những trang sử có giá trị trong việc khôi phục diện mạo của các di tích cũng như hoạt động Phật giáo và văn hóa xã hội thời nhà Trần.
Năm 1998, chùa Am Vãi được xây lại trên nền chùa cũ. Chùa không lớn, tọa lạc bên sườn núi, trong không gian thoáng đãng, từ chùa có thể bao quát khung cảnh quanh vùng. Từ đỉnh núi có thể thấy toàn cảnh thị trấn Chũ (Lục Ngạn). Trước mặt chùa, từ ngoài nhìn vào bên phải sát chùa là đường đi vào hang Gạo, khu vườn tháp, chếch lên đỉnh núi là đường lên hang Tiền, bàn cờ tiên và dấu chân Phật lớn. Phía tay trái là đường ra giếng tiên và dấu chân Phật nhỏ. Hiện nay, trong khu suối chùa Am Vãi còn hai di tích là chùa cũ và chùa mới. Chùa cũ gồm: Các tòa tiền đường, tam bảo, hành lang, hậu đường, nhà bếp, giếng nước, vườn tháp. Chùa mới có mặt bằng kích thước dài 11m, rộng 6,1m.
Sau khi chùa Am Vãi được phục dựng lại, tín đồ, người dân đến chùa ngày một nhiều hơn, thường xuyên hơn, nhất là vào dịp lễ hội, mồng Một, ngày Rằm. Lễ hội chùa Am Vãi là một trong những lễ hội lớn của huyện Lục Ngạn, thu hút đông đảo tín đồ và người dân tham dự. Phần lễ diễn ra trọng thể cùng với nghi thức rước tượng Phật hoàng và lễ dâng hương. Lễ hội chùa Am Vãi là nơi sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của địa phương, chứa đựng nhiều giá trị cao đẹp. Thông qua lễ hội, người dân đã thay đổi nhận thức trong việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc, gắn bó đoàn kết cộng đồng, cùng nhau xây dựng quê hương.
Không gian văn hóa sinh thái - tâm linh Suối Mỡ
Suối Mỡ nằm trên địa phận xã Nghĩa Phương (Lục Nam), cách TP Bắc Giang khoảng 30 km về phía Đông. Suối Mỡ nằm trong thung lũng núi Huyền Đinh - Yên Tử. Giá trị về mặt lịch sử, văn hóa và tín ngưỡng của Khu du lịch tâm linh- sinh thái Suối Mỡ gắn liền với ba ngôi đền (đền Thượng, đền Trung và đền Hạ) thờ Thánh Mẫu thượng ngàn. Suối Mỡ hội tụ hai yếu tố về du lịch sinh thái và du lịch tâm linh.
Khu du lịch tâm linh-sinh thái Suối Mỡ (Lục Nam).
Tương truyền, con gái thứ IX của vua Hùng - công chúa Quế Mỵ Nương là người thích du ngoạn vùng sơn thủy hữu tình, hòa mình cùng cỏ cây hoa lá và trời đất bao la. Khi đến vùng đất này, Mỵ Nương thấy dân tình nơi đây sống khốn khổ, đói rách vì hạn hán, đất đai cằn cỗi, công chúa buồn lòng. Vào ngày đầu xuân, Mỵ Nương lên núi Huyền Đinh dạo chơi, bất chợt một cơn gió mạnh đã cuốn nàng bay đi và đưa nàng tới khúc Suối Mỡ ngày nay.
Khi hạ giá xuống đây (thác Suối Mỡ), Mỵ Nương đã dùng 5 đầu ngón chân ấn xuống tảng đá và từ những vết chân này một dòng nước mát ào ào chảy ra tạo thành một con suối, đó chính là Suối Mỡ ngày nay. Con suối đưa nước tưới đồng ruộng, nhân dân nơi đây có nước canh tác, sinh sống, quanh năm mưa thuận gió hòa, đồng ruộng tốt tươi, cuộc sống ấm no. Để đời đời ghi công ơn ấy, nhân dân đã lập ba ngôi đền thờ và suy tôn bà là Thánh Mẫu thượng ngàn.
Hát chầu văn tại đền Suối Mỡ (Lục Nam).
Hội đền được tổ chức hằng năm vào ngày 30 tháng 3 và 1 tháng 4 (âm lịch), cầu mong mùa màng tốt tươi và cũng là dịp để mọi người tỏ lòng biết ơn với công chúa Quế Mỵ Nương. Lễ hội mang đầy màu sắc truyền thống văn hoá, các trò chơi dân gian như bơi thuyền, thi bắn cung, vật, cờ bỏi, đu, chọi gà, võ dân tộc… đồng thời được thưởng thức các món ăn dân dã, các loại hoa quả đặc sản. Suối Mỡ còn có khung cảnh thiên nhiên kỳ thú, là nơi nghỉ ngơi lý tưởng cho du khách, trở thành khu du lịch kết hợp bởi ba yếu tố: Tâm linh, sinh thái, thắng tích. Suối Mỡ còn có sức hấp dẫn hơn bởi những giá chầu văn.
Khai thác, phát huy giá trị
Có thể thấy, không gian văn hóa Phật giáo Tây Yên Tử chứa đựng những tiềm năng lớn về phát triển du lịch tâm linh nói chung, du lịch cộng đồng nói riêng. Nơi đây là một bộ phận không tách rời khu du lịch tâm linh Đông Yên Tử, một địa điểm du lịch đã tạo dựng được những giá trị và thương hiệu đối với du khách. Đặc biệt, khu di tích và danh thắng Yên Tử được ghi nhận ở 3 giá trị: Tính nổi bật toàn cầu, tính toàn vẹn của quần thể di tích - danh thắng và tính xác thực. Đây cũng là quần thể di tích và danh thắng duy nhất trên cả nước đáp ứng gần như hầu hết các tiêu chí của một di sản vật thể, phi vật thể và di sản danh thắng có ảnh hưởng lớn trong tâm thức dân gian, đã trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn du khách với những hoạt động lễ hội dài ngày ở đồng bắng Bắc Bộ.
Vì thế, Tây Yên Tử muốn khai thác tốt những tiềm năng văn hóa tộc người, văn hóa tâm linh, sinh thái, tự nhiên vào phát triển các hoạt động du lịch cộng đồng; chính quyền, ngành chức năng cần xây dựng chương trình quy hoạch du lịch cụ thể, lâu dài, bền vững. Điều này góp phần khẳng định hơn nữa giá trị lịch sử văn hóa, tự nhiên của khu Yên Tử, tạo dựng những đặc trưng riêng cho không gian văn hóa Phật giáo Tây Yên Tử để hấp dẫn du khách.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Phương Anh
Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội
(Theo Báo Bắc Giang)