Hãy cùng chúng tôi đắm chìm trong không khí phấn khởi của Năm mới Giáp Thìn 2024, với những câu chuyện thú vị và hình ảnh đẹp đẽ, để cảm nhận sức sống mới đầy hứng khởi của một năm mới với khát vọng Rồng bay.
Truyền thuyết về loài Rồng trong 12 con giáp
Tương truyền rằng thời cổ xưa Rồng không có sừng, khi đó Rồng vẫn còn sống trên mặt đất. Rồng với thân hình cường tráng, vừa có thể bay vừa có thể bơi, nó muốn làm một trong những con vật đại diện của cung Hoàng đạo và cũng muốn làm vua các loài thú thay vị trí của Hổ. Vì thế mà thế gian xảy ra trận chiến giữa Rồng và Hổ, được gọi là Long tranh Hổ đấu - trận chiến bất phân thắng bại. Cuối cùng Ngọc Hoàng phải cho gọi 2 loài lên trời để phân xử.
Gần giờ xuất hành, Rồng nhận thấy mặc dù mình cao lớn, nhưng so với Hổ thì lại không được uy phong bằng, e rằng Ngọc Hoàng xem nhẹ mình và vì vậy, không những không làm được thú Vương mà còn không vào được cung Hoàng đạo. Nghe chuyện, chú Rết bé nhỏ liền mách với Rồng rằng, Gà trống có đôi sừng rất đẹp, nếu mượn đeo lên, Rồng sẽ trở lên uy phong hơn rất nhiều. Rồng nghe xong rất mừng, liền cùng Rết đi mượn, nhưng Gà không đồng ý. Rồng thấy thời gian thì sắp hết, nên liền thề độc với Gà rằng, nếu Rồng không trả sừng, khi về mặt đất sẽ chết liền. Rết cũng thề rằng nếu Rồng không trả sừng cho gà, thì nhìn thấy Rết ở đâu Gà cứ mổ chết luôn. Gà nghe liền tin và lấy sừng cho Rồng mượn.
Tại cung đình, Ngọc Hoàng thấy 2 loài Hổ và Rồng đều rất uy phong, liền phong cho Hổ làm Vua thú ở trên đất liền, Rồng làm Vua thú ở dưới nước. Khi trở về hạ giới, Rồng nghĩ rằng nếu trả lại sừng cho Gà thì sợ các loài dưới nước nhìn thấy mình xấu sẽ không phục, liền đi thẳng xuống nước, không lên lại mặt đất nữa. Gà giận đỏ cả mặt, đi tìm Rết đòi sừng. Đòi không được, cứ thấy Rết ở đâu là mổ, và luôn hướng cổ cao lên trời đòi Rồng trả sừng. Vì thế ngày nay mới có chuyện Gà ăn Rết và ngẩng cổ lên trời mỗi khi gáy.
Hình tượng Rồng trong dân gian
Rồng là hình tượng sáng tạo đặc biệt, là quan niệm trong văn hóa dân gian. Rồng mang nhiều hàm nghĩa, bao hàm quan niệm Mong muốn, là Mục đích và Những giá trị sống, lí tưởng như Trời đất và Con người, giữa Người với Người, thuyết Âm Dương, các yếu tố về văn hóa, nhằm hướng đến sự hòa hợp tương thích.
Rước rồng - Tranh Đông Hồ
Rồng trong 12 con giáp tuy là loài động vật hư cấu, nhưng đối với văn hoá các nước ở Đông Á, Rồng luôn được tôn kính và có chút sợ hãi. Trong tâm niệm người xưa, Rồng chiếm một địa vị cao mà không loài nào có thể thay thế được. Rồng là thần vật có thể hô mưa gọi nắng, cưỡi mây đạp gió.
Rồng là loài biểu trưng cho các hoàng đế thời xưa, và đối với người dân đó là thần vật mang ý nghĩa đặc biệt may mắn.
Các hoàng đế Trung Hoa tự ví mình là dòng dõi loài Rồng, còn người dân thì coi mình là truyền nhân của loài Rồng. Dân cũng không ngừng tưởng tượng, hư cấu dựng nên truyền thuyết về loài Rồng, đem đặc tính các loài tập trung và tạo nên loài Rồng, như dã tính của thú, ngộ tính của người, linh tính của thần. Người Việt Nam ta vẫn tự hào mình là "con Rồng cháu Tiên” với câu truyện cổ thần kỳ về Lạc Long Quân và Âu Cơ.
Hình tượng rồng qua mỗi vương triều Đại Việt có những đặc trưng riêng nhưng đều thể hiện nét uy quyền, hạnh phúc và ấm no. Ảnh: VTC News
Hình tượng con Rồng muôn hình dáng vẻ, màu sắc rực rỡ, không chỉ được thấy trong thơ ca, tiểu thuyết, hội họa, điêu khắc và kiến trúc chùa chiền, đồ mỹ nghệ, trải qua các thời đại, mà nó còn đi sâu vào phong tục tập quán dân gian. Trong những ngày lễ, ngày tết ở phương Đông đâu đâu cũng thấy hình ảnh con Rồng. Đặc biệt là múa lân trong các ngày lễ đầu năm và tết Trung thu như ở Việt Nam và Trung Quốc và còn có cả tục bơi thuyền, nhiều người còn thích treo tranh "cá chép vượt vũ môn”, cá chép vượt được vũ môn sẽ hóa thành Rồng.
Trong đời sống người Việt, Rồng là một hình tượng không thể thiếu từ việc đặt tên các địa danh ở khắp mọi miền đất nước: cầu Long Biên, đền Long Đỗ, cầu Hàm Rồng, Bến Nhà Rồng,… Các trò chơi dân gian như: múa lân, múa Rồng, múa rối nước … Cũng có nhiều tình tiết gắn với con rồng với mong muốn mang lại vận may, hạnh phúc, ấm no. Từ trước đến nay, việc xây dựng cung điện, lăng tẩm, đình chùa, miếu… đều được các nhà địa lý xem xét tới long mạch với những trang trí, chạm trỗ, điêu khắc hình Rồng với sự uy nghiêm, sức mạnh không ai có thể so sánh được.
Ý nghĩa của năm Rồng
Qua những truyền thuyết và văn hóa càng làm loài Rồng được trở nên tôn kính, sùng bái hơn trong tâm niệm người dân. Cũng có thể vì thế mà Rồng thành một trong những loài tượng trưng cho cung Hoàng đạo 12 con giáp.
Năm Rồng (tức là năm Thìn ứng với các năm như Giáp Thìn, Bính Thìn, Mậu Thìn, Canh Thìn, và Nhâm Thìn) là năm đại cát, ai tuổi Thìn sẽ thành đạt, vẻ vang phú quý hơn người, mặc dù có cao số (đối với người nữ tuổi Thìn). Dân gian đã có câu "mả tang hàm rồng” là chỉ một ai đó có hồng phúc.
Như chúng ta đã biết trong 12 con giáp thì con Rồng (Thìn) đứng ở vị trí thứ 5, sau các con vật là Tý (Chuột), Sửu (Trâu), Dần (Hổ), Mão (Mèo) và đứng trước các con vật là Tỵ (Rắn), Ngọ (Ngựa), Mùi (Dê), Thân (Khỉ), Dậu (Gà), Tuất (Chó) và Hợi (Lợn).
Tuy là con vật tưởng tượng, song con Rồng như các nhà nghiên cứu sử học chỉ ra có tiền thân là con cá sấu, vì thế so với bốn con vật đứng trước nó, nó cũng có bốn chân và vượt hơn bốn con đó, cũng như hơn hẳn các con vật đứng đằng sau nó, phẩm chất này đã biến con cá sấu thành con vật huyền thoại.
Con Rồng đứng đầu trong bộ tứ linh: Long, Ly, Quy, Phượng. Bốn con vật này tạo ra vẻ đẹp hoàn mỹ, cho cái "phú quý song toàn đinh tài lưỡng vượng”.
Năm 2024 là năm Giáp Thìn, cứ 12 năm là một Giáp, thì đến năm Thìn tiếp theo sẽ là năm Bính Thìn 2036, và theo một vòng "Lục thập hoa giáp” (60 năm) thì đến năm 2084 sẽ lại là năm Giáp Thìn.
Thi múa rồng. Ảnh: ITN
Một mùa xuân mới lại đến, hãy cùng hòa mình trong không khí lễ hội và những bữa tiệc sum vầy và khám phá những ý nghĩa sâu sắc và tâm linh của năm mới. Lắng nghe những tâm sự của những người thông thái và những lời chúc phúc từ những người thân yêu, những chia sẻ về truyền thống, nghi lễ và cùng hy vọng, dự định cho một năm mới đầy triển vọng và may mắn.
ĐAN VY (T/h)