Hình ảnh triển lãm sắp đặt trong Tháp nước Hàng Đậu.
Tương tác giữa con người, triển làm và không gian kiến trúc bên trong Tháp.
Tháp nước Hàng Đậu là một trong những công trình công nghiệp đầu tiên của Hà Nội do người Pháp xây dựng trong quá trình quy hoạch thành phố Hà Nội theo kiểu đô thị phương Tây. Công trình nằm án ngữ ở giao lộ 6 con phố bây giờ mang tên là: Phan Đình Phùng, Hàng Cót, Hàng Giấy, Hàng Đậu, Hàng Than và Quán Thánh, kết hợp với vườn hoa Hàng Đậu cạnh đó (giờ gọi là vườn hoa Vạn Xuân), nghiễm nhiên nó trở thành một điểm nhấn trong không gian đô thị. Được xây dựng từ năm 1894 (trước cả khi xây dựng cầu Long Biên), tới nay nó có tuổi đời 129 năm và vắt qua 3 thế kỷ.
Tháp nước Hàng Đậu được xây dựng để cấp nước cho thành phố, theo nguyên lý bơm nước – từ nhà máy nước Yên Phụ – lên đài cao, tạo áp lực và chảy theo hệ thống ống dẫn tới các công trình. Như tấm biển đề trên cổng vào, thì nó có công suất (dung tích đài) là 1250m3.
Tháp nước Hàng Đậu cùng với toàn bộ hệ thống cấp nước sạch có thể nói là công trình ghi dấu sự văn minh đầu tiên làm thay đổi bộ mặt đô thị của Hà Nội. Trước đó, mặc dù là ở chốn kinh kỳ nhưng người Hà Nội vẫn quen dùng nước giếng đào và nước sông, hồ, ao vốn rất dầy đặc lúc bấy giờ.
Tháp nước Hàng Đậu hoạt động đến khoảng những năm 1960 thì ngừng, khi hệ thống cấp nước đã thay đổi công nghệ mới. Từ đó tới nay, Tháp nước Hàng Đậu bị bỏ không, và luôn đóng cửa. Xét về vai trò lịch sử, nó đã hoàn thành sứ mệnh và xứng đáng là một di sản công nghiệp của đô thị – dù chưa được xếp hạng.
Tháp nước Hàng Đậu thời thuộc Pháp (Ảnh tư liệu).
Tháp nước Hàng Đậu có khối hình trụ tròn, đường kính 19m, 3 tầng có tổng chiều cao là 25m, mái có hình chóp nón, ở giữa đỉnh là cột thu lôi. Vật liệu xây dựng chủ yếu là đá hộc, kết hợp với bê tông cốt thép và gạch. Bên ngoài tường được chia đều 18 nhịp theo chu vi. Mỗi nhịp, ở mỗi tầng có 1 ô cửa sổ. Riêng tầng 1 có 17 ô cửa sổ, còn ô còn lại là cửa đi. Trên đỉnh cửa đi có gắn bảng tên công trình (biển hiện nay là biển mới thay thế biển cũ đã không còn). Các ô cửa đều được cuốn vòm; gờ phân các tầng và diềm mái chi tiết khác nhau – có lẽ để giảm bớt sự đơn điệu. Ở bên trong, tháp có đài nước khổng lồ bằng thép dung tích 1.250m3, định vị trên đỉnh 8 bức tường đá. Hệ thống đường ống dẫn lên, xuống với những chiếc van bằng thép đến giờ vẫn còn nguyên vẹn, dù đã nhuốm màu thời gian…
Tháp nước Hàng Đậu hiện nay.
Đây là lần đầu tiên trong 129 năm tồn tại, công trình này mở cửa cho dân chúng và khách du lịch vào tham quan. Mặc dù hiện diện bề thế giữa phố phường tấp nập song công trình này lại là một bí ẩn với rất nhiều người dân thủ đô. Sự tò mò, háo hức của người dân là điều đương nhiên, khi có cơ hội được vào trong công trình tham quan, lại có cả một triển lãm nghệ thuật trong đó. Thế nên, dù cuối tuần hay ngày thường, trong dịp mở cửa này (từ 17 đến 26/11/2023), để được vào trong, người ta phải xếp hàng cả tiếng đồng hồ mới tới lượt.
Ở Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023, Tháp nước Hàng Đậu đã được hồi sinh, trong một không gian mới mẻ của sắp đặt nghệ thuật đầy hấp dẫn, trong một nỗ lực và hy vọng về vấn đề bảo tồn di sản, đánh thức di sản, đưa di sản và nghệ thuật gần hơn với cộng đồng.
Khách tham quan sẵn sàng xếp hàng dài để đợi vào tham quan tháp.
Lối vào tháp Hàng Đậu để bắt đầu hành trình tham quan.
Triển lãm "Sắp đặt nước và di sản Tháp nước hàng Đậu” do nhóm thiết kế gồm kiến trúc sư Cao Thế Anh, họa sĩ Nguyễn Đức Phương cùng cộng sự thực hiện. Lấy cảm hứng từ lục thủy theo quan niệm Á Đông, trưng bày ở triển lãm mang lại trải nghiệm không gian nghệ thuật mới lạ và sáng tạo với âm thanh và ánh sáng.
Vòm cửa lối vào có gắn biển tên công trình
Lối vào tham quan bằng gỗ là sự kết hợp có tính toán để làm bật lên chất liệu tường vốn có của Tháp.
Hình ảnh triển lãm sắp đặt trong Tháp nước Hàng Đậu.
Hình ảnh triển lãm sắp đặt trong Tháp nước Hàng Đậu.
Sự kết hợp hoàn hảo giữa ánh sáng tự nhiên, ánh sáng nhân tạo và sản phẩm sáng tạo nghệ thuật.
Hệ sắp đặt âm thanh tái hiện lại những âm thanh của nước trong tự nhiên, đưa công chúng tới những chiều không gian tiềm thức, đánh thức mối quan hệ của con người đô thị với môi trường tự nhiên. Hệ sắp đặt ánh sáng mở rộng thị giác về những vỏ bọc đẹp đẽ, các nguyên liệu đều được tái chế bởi rác thải đô thị, nhấn mạnh tác động của đô thị tới môi trường tự nhiên.
Qua đó, các tác giả muốn chuyển tải tới công chúng vai trò của nước trong cuộc sống cũng như sự gắn kết giữa con người với tự nhiên. Từ đó, mỗi người cần có ý thức giữ gìn môi trường tự nhiên. Trưng bày này cũng nhằm giúp công chúng có cơ hội chiêm ngưỡng vẻ đẹp từ bên trong của một công trình kiến trúc đã bị "ngủ quên” nhiều thập niên.
Khách tham quan ấn tượng trước triển lãm.
Khách tham quan ấn tượng trước triển lãm.
Đến với không gian triển lãm trong Tháp nước Hàng Đậu, trong một khung cảnh ánh sáng huyền ảo cùng những âm thanh của nước, có lẽ mỗi người sẽ có những suy nghĩ và cảm nhận riêng. Nhưng sự hồi sinh cho một di sản công nghiệp là có thực; và chúng ta có quyền hy vọng những điều tốt đẹp trong tương lai, những sáng tạo đem lại cảm hứng và lợi ích cho cộng đồng, để gìn giữ và lưu dấu ấn linh hồn đô thị…
Theo Tạp chí Kiến trúc