Hãy bỏ lại những gì là "bụi bặm” của đời thường trên bến Đục, để thân cho sạch, tâm cho tĩnh khi bước lên con thuyền nhỏ lênh đênh trên dòng suối Yến
Chùa Hương là cách nói trong dân gian, trên thực tế chùa Hương hay Hương Sơn là cả một quần thể văn hóa - tôn giáo Việt Nam, gồm hàng chục ngôi chùa thờ Phật, vài ngôi đền thờ thần, các ngôi đình, thờ tín ngưỡng nông nghiệp. Trung tâm chùa Hương nằm ở xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội, ven bờ phải sông Đáy.
Trung tâm của cụm đền chùa chính là chùa Hương nằm trong động Hương Tích. Có cả đường đi bộ lên chùa Hương. Nhưng thăm chùa Hương mà không đi qua Bến Đục - Suối Yến thì cũng không cảm nhận được hết những rung cảm đặc biệt khi lên chùa.
Trung tâm chùa Hương nằm ở xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội, ven bờ phải sông Đáy.
Hãy bỏ lại những gì là "bụi bặm” của đời thường trên bến Đục, để thân cho sạch, tâm cho tĩnh khi bước lên con thuyền nhỏ lênh đênh trên dòng suối Yến, đắm chìm trong "bầu trời, cảnh bụt”,… thoảng chút hương trầm man mác khi lướt qua gần các chùa hai bên bờ, nghe tiếng chèo khua như khúc nhạc nước khoan thai, êm dịu, để đạt được trạng thái thiền với " non non, nước nước, mây mây…”. Đấy mới là niềm "ao ước bấy lâu nay” không chỉ với cụ Chu Mạnh Trinh mà với tất cả những ai đã có dịp lên chùa Hương.
Giấc mộng Thiền thoáng đến với khoảng thời gian trên sông nước và cũng chợt đi khi khách bước xuống thuyền bởi nghe đâu đó tiếng "chày kình” dóng lên hồi chuông ngân nga từ chùa Thiên Trù. Bởi đến đây, tuy vẫn giữ cái tâm thanh tịnh khi vào chùa, nhưng chẳng tránh được phân tâm bởi sự nhộn nhịp của khách hành hương, của quán xá dịch vụ hai bên đường lên chùa. "Khách tang hải giật mình trong giấc mộng" là vậy.
Thăm Thiên Trù xong, ai có sức có thể leo đường bộ để qua các chùa hai bên dốc như chùa Giải Oan, Long Tiên, Động Binh… còn không lên cáp treo để lên động Hương Tích. Qua Thiên Trù, lên đến Hương Tích tạm coi như đã đến Hương Sơn rồi.
Từ cửa động, đi xuống 120 bậc ta như bước vào một thế giới khác, thế giới của tâm linh
Từ cửa động, đi xuống 120 bậc ta như bước vào một thế giới khác, thế giới của tâm linh. Hai bên lối vào động, cây rừng xanh mướt. Theo các nhà phong thủy, động Hương Tích là hàm của một con rồng mà đuôi rồng chạy dài đến Ái Nàng - Hang Nước (xã An Phú - huyện Mỹ Đức). Theo các nhà địa chất, Động Hương Tích có từ thời vận động tạo sơn và được phát hiện vào thế kỷ XI. Ngay từ thế kỷ thứ XVII, Động đã được làm nơi thờ Phật. Phật thoại truyền rằng Quan Thế Âm Bồ Tát đã tu hành 9 năm và thành đạo ở động này nên đặt tên là Hương Tích (với ý nghĩa dấu vết thơm tho).
Đạo Phật đã thổi hồn vào những khối nhũ đá
Đạo Phật đã thổi hồn vào những khối nhũ đá để tạo nên những Đụn Gạo, Nong Tầm, Né Kén, Cây Vàng, Cây Bạc, Núi Cô, Núi Cậu, Sũa mẹ… ước vọng muôn đời được ấm no của cư dân lúa nước. Cũng chính vì những ý nghĩa tâm linh ấy mà Hương Tích mãi mãi vẫn là "NAM THIÊN ĐỆ NHẤT ĐỘNG” như đề từ được khắc trên đá bên trái động từ năm 1770 của Tĩnh đô Vương Trịnh Sâm.
Bài & ảnh: TRẦN QUANG HƯNG