Trên thế giới có vô vàn những thành phố nguy nga, ngoạn mục với những tòa nhà chọc trời, đêm về thừa ánh sáng khiến nhìn mọi vật rõ hơn cả ban ngày, với những con đường phẳng lỳ, nhẵn bóng và rất nhiều công trình tráng lệ. Hà Nội chưa được như thế. Nhưng lại có rất nhiều hồ nước và cây xanh, nằm trong số ít thủ đô có được điều này. Khách du lịch bốn phương đến Hà Nội luôn bị quyến rũ bởi hai thứ rất độc đáo là nước và cây. Phần đông họ đến nước ta từ xứ lạnh. Nhờ có hai thứ này – những hồ nước lung linh và những hàng cây rợp bóng mát mà thấy vơi dịu hẳn cơn nóng sứ nhiệt đới vốn không quen với sự chịu đựng của họ.
Hồ ở Hà Nội có đến cả trăm chiếc lớn, nhỏ. Những hồ lớn như hồ Tây, Trúc Bạch, Hoàn Kiếm, Bẩy mẫu, Ba mẫu, Linh Đàm, Giảng Võ, Thành Công thì ai cũng biết. Ngoài ra còn rất nhiều hồ nhỏ nằm lẩn khuất ở các quận, nhất là các huyện ngoại thành. Vì có những nhà cao tầng và những hàng cây che chắn mà nước hồ luôn phẳng lặng, chỉ gợn sóng lăn tăn dẫu có mưa to, gió lớn.
Hồ Tây - hồ lớn nhất, nằm ngay trung tâm thành phố như một minh chứng sống động về một Hà Nội ngàn năm văn hiến với những giá trị di sản vô giá.
Những chiều hè, khi hoàng hôn đã buông sau khi nắng tắt, ta hãy ra hồ, nhất là hồ Tây, hồ Gươm, ngả mình trên những chiếc ghế đá, phóng tầm mắt ra mặt hồ, thả hồn theo gió lãng đãng mới thấy lòng thanh thản, nhẹ nhõm làm sao ! Có thời gian, ta lướt những chiếc thuyền nhỏ trên Hồ Tây lại càng thú vị. Hồ này đẹp, thơ mộng là thế, vậy mà người ta đã định can thiệp một cách thô thiển chỉ vì muốn chạy theo những lợi ích kinh tế trước mắt, bất chấp giá trị thiên nhiên, vẻ đẹp diễm lệ của cảnh quan du lịch. May mà có sự lên tiếng của những nhà sử học cùng dư luận xã hội mà việc này đã được dừng lại.
Đường Cổ Ngư xưa (nay là đường Thanh Niên)
Hồ Tây trước đây – những thập niên 90 của thế kỷ 20 trở về trước – đẹp hơn bây giờ nhiều. Khi đó chưa có những nhà hàng san xát nổi bập bềnh trên mặt nước chiếm hẳn một không gian đáng kể. Dọc đường Cổ Ngư chạy dọc bờ hồ từ cổng vào chùa Trấn Quốc đế đền Quán Thánh không có những hàng bán nước giải khát la liệt chiếm hết mọi ghế đá như bây giờ. Khi đó chỉ có những cập uyên ương tình tự, những gia đình ra hóng mát.
Nhắc tới Hà Nội thì không thể không nhắc đến Hồ Gươm. Mà nói đến Hồ Gươm lại không thể không nhắc tới Tháp Rùa. Tháp Rùa là một công trình kiến trúc nhỏ bé nhưng lại có ý nghĩa lịch sử, văn hóa ngàn năm.
Hồ Gươm ngoài vẻ đẹp như mọi hồ lại thêm vẻ cổ kính bởi đây là một di tích lịch sử nổi tiếng của thủ đô và cả nước. Hãy thử hình dung hồ này mà không có tháp Rùa, không có chiếc cầu Thê Húc cong cong thì liệu vẻ đẹp, vẻ độc đáo có còn ? Và tháp rùa chỉ có giá trị, chỉ đẹp khi nó còn nguyên vẹn nét rêu phong, chứng tích của thời gian năm tháng, những biến thiên lịch sử.
Vậy mà đã có lần người ta cho quét vôi lại, tạo nên một tháp Rùa có tường vôi sáng lóa cứ như vừa xây dựng. Lại còn có ý định phát quang thảm có ở xung quan tháp cho…sạch, đẹp (!) Xin nhớ : Hồ nước chỉ đẹp, chỉ phát huy tác dụng khi nó định dạng là hồ. Muốn vậy, xung quanh hồ, không thể có các nhà cao tầng. Ai cũng thấy như thế. Vậy mà bất chấp sự khuyến cáo của các nhà kiến trúc sư có uy tín, thậm chí là quy định của Thành phố, người ta vẫn cứ cố tình xây nhà cao hàng chục tầng, biến các hồ thành các vũng nước toen hoen.
Đền Ngọc Sơn khi nhìn từ trên cao
Cùng với hồ nước, cây xanh ở Hà Nội đã như những lá phổi khổng lồ thanh lọc dưỡng khí cho thủ đô. Rất nhiều đường phố có những hàng cây to, cao ngất đã tồn tại từ lâu đời như Phan Đình Phùng, Lý Nam Đế, Trần Hưng Đạo, Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt, Quang Trung, Bà Thiệu, Tràng Thi, Lò Đúc, Nguyễn Du… Đã bao năm, ngành công chính của thủ đô chăm chút, gìn giữ, bảo vệ cây xanh, chống chọi với bao mùa giông bão.
Những hàng cây vẫn nguyên vẹn, gẫy đổ không đáng kể để vươn cành lá che nắng cho người dân mỗi độ hè về. Vậy mà gần đây, không hiểu vì lý do gì đã có một nhóm người xúm nhau lại đốn hạ hàng ngàn cây như thế, khiến dân tình thủ đô và cả nước nhao nhao bất bình. Sự việc bị chặn đứng. Những người làm xằng đã bị xử lý.
Tuy nhiên, mức độ chưa tương xứng với tội họ gây ra. Việc đã xong. Nhưng bây giờ, cứ mỗi đợt nắng nóng ập đến, đi trên những tuyến đường như Nguyễn Trãi, Nguyễn Chí Thanh…, nhìn những gốc cây bị cưa đứt được trồng thay thế bằng những cây con nhưng không thấy có dấu hiệu phát triển, những bóng mát trước đây không còn, dưới cái nắng hầm hập, bỏng rát, người dân lại trỗi dậy nỗi căm giận kẻ cố tình vi phạm pháp luật. Không biết đến bao giờ những bóng mát trước đây mới được vãn hồi ?
Hàng cây sấu cổ thụ trên đường Phan Đình Phùng gắn bó với bao thế hệ người dân Hà Nội.
Biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng, khốc liệt đang thách thức cả hành tinh. Việt Nam ta không nằm ngoài hiện trạng này. Những hệ lụy của thiên nhiên khắc nghiệt ngày càng rõ rệt. Tầm quan trọng của hồ nước và cây xanh ở thủ đô cũng như toàn quốc ai cũng đã thấy rõ. Hạn chế và kiểm soát được mọi ảnh hưởng của biến đổi khí hậu là việc làm bức thiết không thể trì hoãn và là trách nhiệm của tất cả mọi người.
Hồ Thành Công những chiều thu
Những hồ nước sóng sánh, lung linh, những hàng cây rợp bóng mát không chỉ tạo nên vẻ đẹp thanh bình, kiều diễm của một thủ đô ngàn năm văn vật mà còn có ý nghĩa rất thiết thực liên quan đến sức khỏe và sự bình yên của cuộc sống con người. Xâm hại đến nước và cây là tự làm hại đến chính bản thân mình. Từ nhều năm nay, Hà Nội đã được công nhận là thành phố vì hòa bình. Mỗi ngày, khách thập phương muốn tìm đến nơi này càng nhiều hơn. Trong nhiều thế mạnh của Hà Nội thì thiên nhiên, cụ thể là hồ nước và cây xanh là hai thứ "đặc sản” hiếm có. Chẳng những chỉ duy trì sự sống mà còn là nét đẹp văn hóa đặc trung của thủ đô. Vậy nên không có lý do gì chúng ta lại không gìn giữ, phát triển để tạo nên một sức hút riêng đối với mọi khách du lịch ở khắp nơi./.
TS.LS Đồng Xuân Thụ