Như chưa hề xa lạ: Sự trở lại của dòng sách Đông Dương

  • Cập nhật: Thứ hai, 8/2/2021 | 2:36:24 PM

QLMT - Vài năm trở lại đây, đặc biệt là năm 2020, một số sách khảo cứu về An Nam và Đông Dương của các lữ khách, kí giả, học giả, nhà nghiên cứu Pháp cuối thế kỉ XIX đầu XX đã được dịch ra tiếng Việt, tái bản và được công chúng nồng nhiệt đón nhận. Có thể nói đây là những tư liệu quan trọng với nhiều diễn giải, luận điểm thú vị, độc đáo, sâu sắc mà hôm nay vẫn cần phải tiếp tục tham chiếu kĩ lưỡng.

ban-truong-ca-ve-cac-vi-thuoc-viet-nam-1
Đầu thế kỉ XX, việc đọc, tham khảo lẫn nhau giữa các học giả An Nam và Pháp là "chuyện thường ngày ở huyện”. Nhưng càng về sau, bởi nhiều lí do, nhất là rào cản ngôn ngữ và ý thức hệ khoa học, kho sách tư liệu tiếng Pháp về An Nam ít được phổ biến. Ảnh: MAT

Nghiên cứu của những "kẻ xa lạ”

Ngay sau những cuộc bình định lãnh thổ và chính trị nhuốm màu sắc bạo lực và súng ống, người Pháp dành khá nhiều thời gian, công sức tìm hiểu Việt Nam (hay quen thuộc hơn với tên gọi An Nam), trên tất cả các phương diện, từ chính trị-xã hội, địa lí, kinh tế, tổ chức làng xã, phong tục tập quán, đến tâm lý tính cách con người.

Hiểu An Nam, một mặt, nhằm thỏa mãn tâm lí hiếu kì và tò mò "xứ lạ” mà thời đại khám phá (age of exploration), bắt đầu từ thế kỉ XIX, ăn sâu vào đầu óc hầu hết các nhà thực dân trên thế giới lúc đó. Mặt khác, quan trọng hơn, chính quyền thực dân không muốn thiết lập chế độ cai trị lâu dài mà không xuất phát từ một nền tảng tri nhận đủ chắc chắn, kĩ lưỡng về chính dân tộc bị đô hộ. Trong lời mở cho Bắc Kỳ tạp lục (Variétés Tonkinoises, 1903), linh mục H. Souvignet mong muốn cuốn sách sẽ như "chiếc chìa khóa” giúp người Pháp "len lỏi vào các ngóc ngách trong đời sống tinh thần của người An Nam, bằng cách lĩnh hội và thẩm thấu nhanh những tập tục của họ”. Theo H. Souvignet, rõ ràng, chỉ có vốn hiểu biết kĩ càng về An Nam thì mới có thể tránh bị cớm bóng tầng lớp Nho sĩ uyên bác ở đây, và nhất là, mới có thâm tình "yêu dân tộc này”.

Đúng là tầng lớp Nho sĩ, với truyền thống chữ nghĩa dài lâu, đã có khá nhiều trước tác về dân tộc An Nam của mình. Nhưng điều mà họ không ngờ tới, hay đúng hơn là bất khả thay đổi, là thứ văn tự Hán mà họ sử dụng không đủ thuận lợi để tạo nên một ảnh hưởng tri thức rộng lớn ngoài quốc gia. Sự đọc của nước Pháp về An Nam, vì thế, gần như phải bắt đầu từ vạch xuất phát của chính họ.

Dĩ nhiên người Pháp cũng tham khảo tài liệu Hán văn song dưới tinh thần khoa học thực địa, với mục tiêu kéo độc giả Pháp về gần hơn với Đông Dương, họ lựa chọn con đường nhọc nhằn nhưng xác đáng là phải tự mình xây dựng được hệ thống sách vở về An Nam càng đa dạng càng hiệu quả. Cùng với sự bùng nổ của diễn đàn báo chí, nhất là báo tiếng Pháp, sự xuất hiện của Viện Viễn Đông Bác cổ (EFEO, 1900) đã trở thành nơi tập trung và công bố khá nhiều nghiên cứu về An Nam. Có một điều đáng chú ý là không chỉ các học giả mới chuyên tâm nghiên cứu, nhiều viên chức công quyền, các chính trị gia cũng hăm hở "đua tiếng”, tạo thành một không khí học thuật khá sôi nổi.

Quá trình xác lập từ khóa An Nam thời thuộc địa trong giới học giả Pháp diễn ra trên bề rộng lẫn bề sâu mà ngày nay, hậu thế có thể nhắc đến nó như một di sản học thuật với nhiều tác giả, tác phẩm thuộc hàng "cần phải đọc”. Chẳng hạn, Bắc Kỳ (Le Tonkin, 1931) và Người nông dân châu thổ Bắc Kỳ (Les paysans du Delta Tonkinois, 1936) của Pierre Gourou (1900-1999); Lịch sử hiện đại của xứ An Nam (Histoire moderne du pays d’Annam, 1919) của Charles Maybon (1872-1926); Cổ sử các quốc gia Ấn Độ hóa tại Viễn Đông (Histoire ancienne des États hindouisés d’Extrême-Orient, 1944) của George Cœdès (1886 - 1969); Tỉnh Thanh Hóa (Le Thanh Hoa, 1929); Các tiểu luận về Nghệ thuật An Nam (Essais sur l’art annamite, 1943) của Louis Bezacier (1906-1966); Nước Việt Nam thời xưa (L’Annam d’autrefois, 1929) của Pierre Pasquier (1877-1934); Ghi chép về tục thờ cây ở Bắc Kỳ (Notes sur le culte des arbres au Tonkin, 1909) của J. Przyluski (1885-1944); Tôn giáo của người An Nam (La religion des Annamites, 1931) của Paul Mus (1902 - 1969); Tín ngưỡng và thực hành tôn giáo của người Việt (Croyances et pratiques religieuses des Vietnamiens, 1955) của Léopold Cadière (18691-1955)...

Không phải tất cả những nghiên cứu nêu trên đều thuyết phục về độ chính xác khoa học và nhất là, có thể đạt tới sự thông hiểu trên tinh thần nhân văn hiện đại, nhưng chúng góp phần định hình một kênh nhận thức mới, một nỗ lực "hiểu Việt Nam” liên tục và thúc đẩy tinh thần cộng sinh văn hoá Pháp-Việt trở nên đúng nghĩa hơn. Lược bỏ cảm giác tự ti, tự ái không đáng có, chúng ta có lẽ phải thấy phần nào may mắn khi đã được trở thành đối tượng quan sát, nghiên cứu của những "kẻ xa lạ”. Bởi nhờ đó, chúng ta mới phần nào hiểu đúng và nhận chân bản lai diện mục thực sự của mình.

Vang bóng trở lại

Tuy số lượng các công trình, bài khảo cứu về An Nam (và rộng ra là Đông Dương) rất phong phú nhưng không phải ai cũng có cơ hội được đọc, tiếp nhận chúng. Trên thực tế, ở giai đoạn đầu thế kỉ XX, việc đọc, tham khảo lẫn nhau giữa các học giả An Nam và Pháp là "chuyện thường ngày ở huyện” như đã từng thể hiện trong trước tác của Nguyễn Văn Vĩnh, Nguyễn Văn Huyên, Nguyễn Văn Tố hay Đào Duy Anh. Nhưng càng về sau, bởi nhiều lí do, nhất là rào cản ngôn ngữ và ý thức hệ khoa học, kho sách tư liệu tiếng Pháp về An Nam ít được phổ biến.

Lúc đầu, sự trở lại dòng sách này dường như mang tính chọn lọc với việc tập trung dịch, giới thiệu những công trình mang tính chất kinh điển, chẳng hạn, về tôn giáo tín ngưỡng của L. Cadière, về địa lý nhân văn của P. Gourou và Ch. Robequain, về lịch sử-xã hội của G. Cœdès,...

ban-truong-ca-ve-cac-vi-thuoc-viet-nam-2
Không phải tất cả những nghiên cứu của người Pháp về Đông Dương đều thuyết phục, nhưng chúng góp phần định hình một kênh nhận thức mới, một nỗ lực "hiểu Việt Nam” liên tục. Ảnh minh hoạ: MAT
Không phải tất cả những nghiên cứu của người Pháp về Đông Dương đều thuyết phục, nhưng chúng góp phần định hình một kênh nhận thức mới, một nỗ lực "hiểu Việt Nam” liên tục. Ảnh minh hoạ: MAT

Chỉ mươi năm trở lại đây, khi nhu cầu đọc sách khoa học nhân văn ngày càng tăng, và đặc biệt, nhu cầu nhận thức xã hội Việt Nam truyền thống một cách đa chiều hơn đã khiến mảng sách khảo cứu tiếng Pháp về An Nam được dịch, xuất bản, tái bản khá sôi nổi. Có thể kể đến Rừng người Thượng (2008) của Henri Maitre; Kỹ thuật của người An Nam (2009) của Henri Oger; An Tĩnh cổ lục (2014) của Hippolyte Le Breton, Hồi kí Xứ Đông Dương (2016) của Paul Doumer; Nghệ thuật xứ An Nam (2017) của Henri Gourdon; Nghệ thuật và nghệ nhân vùng Kinh thành Huế (2019) của L. Cadière và Edmond Gras; Bắc Kỳ tạp lục (2019) của Henri Souvignet; Tâm lí người An Nam (2019) của Paul Giran; Hội kín xứ An Nam (2019) của Georges Coulet. Đặc biệt, trong năm 2020, là Vương quốc Champa của Georges Maspero; Làng xã của người An Nam ở Bắc Kỳ của Paul Ory; Tiểu luận về dân Bắc kỳ; Nghiên cứu các cửa sông, hải cảng Việt Nam thế kỷ XV và Nghi thức tang lễ của người An Nam – Nghiên cứu dân tộc về mặt tôn giáo của Gustave Dumoutier; Vua Gia Long của Marcel Gaultier; Đế quốc An Nam và người An Nam của Jules Silvestre; Các tầng dịa ngục theo Phật giáo của Léon Riotor và Léofanti.

Cũng trong năm 2020, cùng lúc, ba nhà sách Omega+, Đông A và Nhã Nam đều dịch, giới thiệu, in ấn công phu tác phẩm Một chiến dịch ở Bắc Kỳ của Charles Hocquard, thu hút sự chú ý rất lớn của độc giả. Danh sách chắc chắn còn kéo dài khi một số nhà sách cũng đã lên kế hoạch lựa chọn các đầu sách tiếp tục ấn hành trong thời gian tới. Các tọa đàm, bài viết và ý kiến trái chiều về một số đầu sách (chẳng hạn tranh luận về Tâm lí người An Nam vào năm 2019) càng chứng tỏ công chúng có sự chú tâm nhất định về những quan điểm cả đúng lẫn sai của người Pháp. Rõ ràng, độc giả lựa chọn góc nhìn nào, theo tôi, đồng thời sẽ tự đặt mình vào vị thế phải đối thoại, đối sánh và tỉnh táo giữ khoảng cách với những tiếng nói đôi khi rất khách quan nhưng không phải lúc nào cũng xuôi tai. Nhiều diễn giải, nhận định của học giả Pháp cần đến những tham chiếu tri thức khác nhau và thường xuyên cần cả thái độ đãi cát tìm vàng thì mới mang lại thu nhận hữu ích. Tuy nhiên, cũng không vì ác cảm với "thực dân” mà chúng ta vội vàng quy tất cả những đánh giá, phân tích của họ là vô sở cứ, phiến diện hay miệt thị dân bản địa.

Tài liệu tiếng Pháp đầu thế kỉ XX chuyên khảo cứu về An Nam và Đông Dương, bao gồm cả sách vở và báo chí học thuật, nhìn rộng ra, có thể lên đến hàng ngàn. Số lượng trước tác được dịch ra tiếng Việt nêu trên, nhìn chung, đang mới bước đầu và phần lớn phụ thuộc nỗ lực dịch thuật của cá nhân. Tuy thế, may mắn là một số tài liệu đã được người Pháp số hóa và đăng tải công khai trên nhiều website (trang của Thư viện Quốc gia Pháp chẳng hạn). Để sách vở không bị lớp bụi thời gian và những biến động lịch sử xã hội đẩy vào lãng quên, tôi nghĩ, chúng ta rất nên thực hiện một dự án dịch thuật quy mô và bài bản hơn. Chỉ khi cảo thơm lần giở một cách tường tận, chúng ta mới thông hiểu quá khứ.


Theo Mai Anh Tuấn/ Khoa Học & Phát Triển

Tags dòng sách Đông Dương tư liệu quan trọng lữ khách kí giả học giả nhà nghiên cứu Pháp

Các tin khác

Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa - Thiên nhiên thế giới vào năm 2014. Với tính chất toàn cầu của Di sản này, đã cho ta một góc nhìn rõ hơn về ý nghĩa, vai trò của cảnh quan thiên nhiên trong quá trình hình thành, phát triển Đô thị di sản Ninh Bình mà ta đang hướng tới.

Khám phá Công viên địa chất Lạng Sơn

Vào hồi 15h30, ngày 08/9/2024, Công viên địa chất Lạng Sơn được Hội đồng Công viên địa chất toàn cầu đánh giá, biểu quyết công nhận là Công viên địa chất toàn cầu UNESCO.

Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải Hải có diện tích rộng 12.500 ha, tọa lạc tại vùng ngoài đê số 5 và số 6 của huyện Tiền Hải. Ranh giới khu bảo tồn được xác định qua 33 điểm tọa độ.

Thế giới đã một lần nữa ghi nhận sự quý báu của Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà khi Liên hiệp Khoa học Địa chất quốc tế (IUGS) chính thức công nhận khu vực này là Di sản Địa chất quốc tế, cùng với 99 địa điểm khác trên toàn cầu.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục