Phát triển du lịch xanh Việt Nam

  • Cập nhật: Thứ tư, 3/2/2021 | 11:07:00 AM

QLMT - “Du lịch xanh” trong những năm gần đây không chỉ là một khái niệm mà đã trở thành xu hướng, đã và đang phát triển nhanh chóng ở nhiều nước trên thế giới, ngày càng thu hút sự quan tâm rộng rãi của khách du lịch, các doanh nghiệp du lịch nói riêng và cộng đồng xã hội nói chung. Tuy vậy, ở nước ta, khái niệm “Du lịch xanh” và phát triển du lịch xanh mới được quan tâm những năm gần đây. Cho nên, việc hiểu và thực hiện phát triển “Du lịch xanh” còn hạn chế.

Du lịch xanh

    Trước hết, chúng ta cần hiểu khái niệm "Du lịch xanh” là gì? "Du lịch xanh” là loại hình du lịch dựa vào tự nhiên và văn hóa, có giáo dục môi trường, đóng góp cho nỗ lực bảo tồn và phát triển bền vững, với sự tham gia tích cực của cộng đồng địa phương. Cốt lõi của "Du lịch xanh” là sản phẩm du lịch xanh. Để đảm bảo là sản phẩm xanh cần đạt các tiêu chí sau: được tạo ra từ các vật liệu thân thiện với môi trường; đem đến những giải pháp an toàn đối với môi trường và sức khỏe; giảm tác động đến môi trường trong quá trình sử dụng; tạo ra một môi trường thân thiện và an toàn đối với sức khỏe. Như vậy, tất cả các dịch vụ, sản phẩm du lịch như tour du lịch, sản phẩm, dịch vụ của khách sạn, nhà hàng muốn được công nhận là sản phẩm du lịch xanh đều phải đạt (thực hiện) được các nội dung cơ bản của các tiêu chí trên. Mức độ "xanh” của một sản phẩm du lịch sẽ phụ thuộc nhiều vào mức độ thân thiện với môi tr­ường của những yếu tố có khả năng ảnh hư­ởng đến quá trình tham gia vào việc hình thành nên sản phẩm du lịch.

    Với cách tiếp cận trên, sản phẩm du lịch xanh đ­ược hiểu là những sản phẩm có hàm lư­ợng cao các yếu tố đặc biệt là dịch vụ, thân thiện môi trư­ờng, đư­ợc phát triển phù hợp với các nguyên tắc BVMT và phát triển bền vững. Trong xu thế hiện nay, khi sự quan tâm của du khách đến môi trư­ờng tự nhiên ngày càng tăng thì việc phát triển sản phẩm du lịch xanh có chất l­ượng cao sẽ góp phần quan trọng vào việc tạo ra tính cạnh tranh và hấp dẫn của điểm đến du lịch bên cạnh một số yếu tố khác như­ mức độ thuận lợi trong tiếp cận điểm đến (thủ tục ra, vào, ph­ương tiện); hình ảnh, thông tin về điểm đến. Du lịch xanh được áp dụng trong hệ thống khách sạn, đơn vị vận chuyển, kinh doanh lữ hành, nhà hàng bằng các biện pháp BVMT: Xử lý nước thải tránh ô nhiễm, thu gom triệt để rác thải, giảm tiếng ồn, hạn chế sử dụng túi ni lông, trồng cây xanh…

phat-trien-du-lich-xanh-viet-nam-1
Sản phẩm du lịch xanh tại Đồng bằng sông Cửu Long luôn hấp dẫn du khách trong và ngoài nước

Sự phát triển du lịch xanh ở Việt Nam

    Việt Nam có tài nguyên du lịch tự nhiên và văn hóa - nhân văn rất phong phú, đa dạng. Đó là điều kiện thuận lợi cho phát triển du lịch xanh. Mặt khác, Việt Nam cũng là một quốc gia chịu ảnh hưởng lớn của biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Do vậy, chúng ta càng cần phải phát triển du lịch xanh, góp phần phát triển một nền kinh tế xanh bền vững.

    Thời gian qua, một số địa phương, công ty lữ hành, khách sạn đã chú trọng phát triển du lịch xanh như một số tỉnh Tây Bắc, Quảng Bình, Nghệ An… phát triển du lịch cộng đồng; Huế phát triển du lịch nhà vườn; Nha Trang đẩy mạnh du lịch biển đảo; một số tỉnh Nam Bộ tăng cường du lịch miệt vườn. Nhiều công ty lữ hành xây dựng các tour du lịch xanh; khách sạn đạt chứng chỉ xanh… Tuy nhiên, hoạt động du lịch còn tồn tại một số vấn đề khiến cho du lịch xanh chưa được phát triển, cụ thể: Phát triển du lịch chưa gắn với khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên, hiệu suất sử dụng tài nguyên thấp; chưa gắn kết chặt chẽ với bảo vệ môi trường; chưa tính đến biến đổi khí hậu… Việc phát triển quá nhanh đã gây nhiều ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường du lịch. Ngày càng có nhiều cơ sở lưu trú, dịch vụ du lịch xây dựng trên các đảo không theo quy hoạch, đã làm tăng nguy cơ xói mòn đường bờ biển, suy thoái hệ sinh thái biển đảo. Nước thải chưa qua xử lý từ các cơ sở lưu trú, dịch vụ du lịch xả trực tiếp vào môi trường đã làm tăng mức độ ô nhiễm nước biển ven bờ. Những tệ nạn xã hội, văn hóa ngoại lai và hạn chế trong nhận thức về BVMT đã làm giảm hiệu quả kinh tế do du lịch mang lại, gây ảnh hưởng xấu tới hình ảnh và sự phát triển bền vững của ngành Du lịch Việt Nam. Đây là nguy cơ chính cho du lịch trong giai đoạn tới. 

    Nguyên nhân của tình trạng trên là do chúng ta chưa thực sự nhận thức một cách đầy đủ về phát triển du lịch xanh, trong đó có các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp và cộng đồng dân cư; ngành Du lịch chưa xây dựng, ban hành các hướng dẫn đầy đủ về tiêu chí, điều kiện, đánh giá tác động môi trường và hệ thống kiểm soát, quản lý các vấn đề về môi trường liên quan đến hoạt động du lịch, nhất là với cơ sở kinh doanh du lịch, gây lúng túng khi áp dụng trong thực tiễn. Ngoài ra, chưa có nghiên cứu đánh giá một cách toàn diện và hệ thống về môi trường du lịch Việt Nam làm căn cứ để đề ra các giải pháp khai thác hợp lý tài nguyên, đảm bảo môi trường cho phát triển du lịch bền vững… Đây là nguyên nhân cơ bản của tình trạng cho đến nay Du lịch Việt Nam còn thiếu những sản phẩm du lịch xanh đặc thù ở các cấp độ, đặc biệt ở cấp quốc gia, để thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam.

    Bên cạnh đó, vì mục đích kinh tế, với mục tiêu kinh doanh ngắn hạn là nhằm giảm chi phí và tăng lợi nhuận, nhiều công ty du lịch thay vì phải tiến hành điều tra khảo sát xây dựng chư­ơng trình tour, đánh giá cung - cầu... để xây dựng sản phẩm du lịch phù hợp với xu thế, hư­ớng tới du lịch xanh đã tiến hành việc "sao chép” sản phẩm du lịch của các công ty khác mà chưa thực sự chú ý đến BVMT và sự phát triển lâu dài, bền vững. Đây là tình trạng khá phổ biến hiện nay ở Việt Nam trong phát triển sản phẩm du lịch.

Định hướng và giải pháp phát triển du lịch xanh thời gian tới

    Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị về Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đã đặt ra những yêu cầu liên quan đến phát triển du lịch bền vững. Đó là "Đổi mới nhận thức, tư duy về phát triển du lịch, cơ cấu lại ngành Du lịch bảo đảm tính chuyên nghiệp, hiện đại và phát triển bền vững theo quy luật của kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế... Phát triển du lịch cần đảm bảo sự hài hòa giữa mục tiêu tăng trưởng với sự an toàn và bền vững của hệ môi trường sinh thái, cân bằng, ổn định về xã hội và con người để tránh gây ra những tổn hại, ảnh hưởng tới các di sản văn hóa…”. Việt Nam là đất nước có hệ sinh thái đa dạng, phong phú với các di sản thiên nhiên nổi tiếng thế giới cần được gìn giữ, bảo tồn. Do đó, những yêu cầu về BVMT du lịch càng quan trọng và cấp thiết.        

    Tại Quyết định số 147-QĐ/TTg ngày 22/1/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030” đã xác định: Tập trung phát triển sản phẩm du lịch có chất lượng, đa dạng, khác biệt, có giá trị gia tăng cao và tăng trải nghiệm cho khách du lịch dựa trên lợi thế về tài nguyên của từng vùng, địa phương, phù hợp với nhu cầu thị trường và nâng cao khả năng cạnh tranh của du lịch Việt Nam. Cùng với đó, phát triển mạnh các sản phẩm du lịch chủ đạo, có lợi thế của du lịch Việt Nam gắn với các khu vực động lực phát triển du lịch: Ưu tiên phát triển sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển, đảo và du lịch thể thao, giải trí biển phù hợp định hướng Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam…

    Những năm vừa qua, khách du lịch đến Việt Nam có xu hướng chọn các tour, khách sạn, khu du lịch và dịch vụ, hàng hóa bền vững, có nhãn sinh thái, thân thiện với môi trường. Đó là xu hướng tiêu dùng của khách du lịch quốc tế, nhất là khách đến từ các nước châu Âu, Bắc Mỹ, Nhật Bản, Thái Lan. Họ có ý thức và nhu cầu cao về an toàn và sức khỏe, ngày càng nhiều người muốn quay về với thiên nhiên. Theo nghiên cứu của Tổ chức SNV của Hà Lan, 52% du khách có xu hướng thích đặt tour qua các hãng lữ hành được chứng nhận có điều kiện làm việc tốt, tham gia BVMT và hỗ trợ hoạt động từ thiện ở địa phương. Nghiên cứu của Tổ chức Trip Advisor cho thấy, 34% du khách sẵn sàng chi trả thêm để ở những khách sạn thân thiện với môi trường và cho các lựa chọn du lịch bền vững (WEF), 50% du khách quốc tế sẵn sàng chi trả thêm cho những công ty mang lại lợi ích cho cộng đồng địa phương và hoạt động bảo tồn (CESD và TIES). Vì vậy, các cơ sở lưu trú du lịch cần triển khai thực hiện và tuyên truyền cho những chương trình, dịch vụ thân thiện với môi trường để thu hút khách.

    Từ chiến lược, chính sách phát triển du lịch của Đảng và Nhà nước ta cũng như xu hướng nhu cầu của du lịch thế giới như trên, có thể thấy rằng, việc phát triển du lịch  xanh được đặt ra như một nội dung chiến lược quan trọng của Du lịch Việt Nam nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh trong quá trình hội nhập. Để thực hiện được chiến lược trên cần thực hiện một số giải pháp chủ yếu:

    Một là: Nâng cao nhận thức và đào tạo về du lịch xanh, trư­ớc hết là đối với nhà quản lý các cấp từ quản lý nhà nước, quản trị doanh nghiệp của ngành Du lịch và các ngành có liên quan đến du lịch cũng như đối với cộng đồng dân cư về nội dung, ý nghĩa và tầm quan trọng của việc phát triển du lịch xanh.

    Hai là: Nhận thức trên cần đư­ợc biến thành hành động cụ thể trong việc xây dựng, tổ chức thực hiện và quản lý quy hoạch, thẩm định và thực hiện các dự án đầu tư­ phát triển sản phẩm du lịch ở các cấp từ Trung ương đến địa phư­ơng trên phạm vi toàn quốc. Những chư­ơng trình này cần đ­ược xây dựng trên cơ sở những nghiên cứu cơ bản có định h­ướng về tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn đặc thù, đặc biệt chú trọng đến việc khai thác giá trị di sản thế giới gắn với văn hóa bản địa; văn hóa truyền thống của các vùng, miền, làng quê Việt Nam và gắn với quá trình xây dựng nông thôn mới.

    Ba là: Nhà nước cần xây dựng và ban hành "Bộ tiêu chí du lịch xanh”. Trên cơ sở đó, các cơ quan quản lý, doanh nghiệp du lịch vận dụng trong quá trình đầu tư, quy hoạch và kinh doanh. Đồng thời, đây cũng là căn cứ để công nhận sản phẩm du lịch xanh như "tour xanh”, "khách sạn xanh”, "nhà hàng xanh”, "khu nghỉ dưỡng xanh”…

    Bốn là: Nhà nước cần tiếp tục mở rộng, phát triển các ý tưởng và tham gia tích cực vào hoạt động của Công ước quốc tế về BVMT, ứng phó biến đổi khí hậu, xây dựng nền kinh tế xanh. Phối hợp với UNESCO để làm tốt hơn công tác bảo tồn, phát huy, quảng bá nền văn hóa Việt Nam ra thế giới. Tiếp cận nhanh những kiến thức xanh và công nghệ sạch của cộng đồng khoa học thế giới, của các nước có nền du lịch xanh phát triển, từ đó vận dụng vào phát triển du lịch xanh Việt Nam.                 

    Năm là: Nhà nước cũng như doanh nghiệp cần đầu tư xứng đáng và đẩy mạnh hơn nữa cho quảng bá, xúc tiến về du lịch xanh trong phạm vi toàn xã hội, cho khách du lịch bằng nhiều hình thức, phương tiện khác nhau nhằm xây dựng một hình ảnh du lịch xanh Việt Nam, một điểm đến thân thiện đối với du khách.

    Mặc dù có tiềm năng phát triển, song du lịch xanh ở Việt Nam mới ở giai đoạn khởi đầu. Đối với nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam, du lịch xanh còn là loại hình du lịch mới cả về khái niệm lẫn tổ chức quản lý và khai thác tài nguyên phục vụ cho mục đích du lịch. Do đó, nâng cao nhận thức, có chiến lược, giải pháp đúng đắn để phát triển du lịch xanh là hết sức cần thiết và quan trọng.   

GS.TS. Nguyễn Văn Đính

Hiệp hội Du lịch Việt Nam


Tài liệu tham khảo:

1. Quyết định số 1393/QĐ-TTg ngày 25/9/2012 Thủ tướng chính phủ: Phê duyệt "Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh thời kỳ 2011 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2050”.

2. Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị về Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

3. Quyết định số 147-QĐ/TTg ngày 22/1/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030”. 

4. Trang thông tin của Tổng cục Du lịch Việt Nam, Viện Nghiên cứu phát triển du lịch.         

5. Web: moitruong.com.vn 10/02/2018…   


Theo Tạp Chí Môi Trường

Tags du lịch xanh du lịch Việt Nam phát triển du lịch xanh

Các tin khác

Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa - Thiên nhiên thế giới vào năm 2014. Với tính chất toàn cầu của Di sản này, đã cho ta một góc nhìn rõ hơn về ý nghĩa, vai trò của cảnh quan thiên nhiên trong quá trình hình thành, phát triển Đô thị di sản Ninh Bình mà ta đang hướng tới.

Khám phá Công viên địa chất Lạng Sơn

Vào hồi 15h30, ngày 08/9/2024, Công viên địa chất Lạng Sơn được Hội đồng Công viên địa chất toàn cầu đánh giá, biểu quyết công nhận là Công viên địa chất toàn cầu UNESCO.

Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải Hải có diện tích rộng 12.500 ha, tọa lạc tại vùng ngoài đê số 5 và số 6 của huyện Tiền Hải. Ranh giới khu bảo tồn được xác định qua 33 điểm tọa độ.

Thế giới đã một lần nữa ghi nhận sự quý báu của Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà khi Liên hiệp Khoa học Địa chất quốc tế (IUGS) chính thức công nhận khu vực này là Di sản Địa chất quốc tế, cùng với 99 địa điểm khác trên toàn cầu.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục