Nông dân huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum tưới nước chống hạn cho cà phê. Ảnh: VGP/Thế Phong
Khô hạn ngày càng gia tăng
Theo Sở NN&PTNT tỉnh Kon Tum, tình hình thời tiết những năm gần đây trên địa bàn tỉnh Kon Tum diễn ra hết sức phức tạp, gây nhiều bất lợi cho sản xuất nông nghiệp, làm ảnh hưởng lớn đến đời sống nhân dân.
Theo số liệu thống kê trong 16 năm (từ năm 2005-2020), trên địa bàn tỉnh có khoảng 18.284 ha diện tích gieo trồng bị hạn làm thiệt hại hơn 357 tỷ đồng, diện tích bị hạn chủ yếu xảy ra vùng ngoài công trình thủy lợi không chủ động về nguồn nước. Trung bình mỗi năm có khoảng 2.032 ha diện tích cây trồng bị hạn, thiệt hại hơn 51 tỷ đồng.
Gần nhất là vụ Đông Xuân năm 2019-2020, do lượng mưa thiếu hụt và thời tiết nắng nóng gay gắt kéo dài nên đã xảy ra hạn hán tại nhiều địa phương với khoảng 1.030,6 ha cây trồng bị hạn và khoảng 2.515 hộ bị thiếu nước sinh hoạt. Các địa phương bị thiệt hại nặng nhất là thành phố Kon Tum, huyện Đăk Tô, huyện Sa Thầy...
Ngoài thiếu nước sản xuất nông nghiệp, mùa khô hàng năm ở một số địa phương của tỉnh Kon Tum còn thiếu nước sạch sinh hoạt. Toàn tỉnh hiện tại có 361 công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn tập trung. Tuy nhiên, chỉ có 28 công trình sử dụng bền vững và có đến 84 công trình không hoạt động. Mùa khô năm 2019 - 2020 có tới 2.569 hộ thiếu nước.
Hiện toàn tỉnh Kon Tum có trên 177.200 ha cây trồng các loại, trong đó, lúa vụ Đông Xuân trên 7.000 ha; cây lâu năm trên 105.800ha... Toàn tỉnh có 543 công trình thủy lợi (80 hồ chứa, 456 đập dâng và 7 trạm bơm). Tuy nhiên, nhiều công trình xuống cấp, hư hỏng, lòng hồ bị bồi lắng nghiêm trọng không còn khả năng tích nước, không có đường quản lý vận hành và ứng cứu... Vì vậy, tỷ lệ cây trồng được tưới nước từ các công trình thủy lợi mới chỉ đạt gần 39%. Diện tích còn lại sử dụng nguồn nước từ giếng khoan, bơm từ sông suối hoặc phụ thuộc vào nguồn nước mưa.
Nông dân tỉnh Kon Tum áp dụng các phương pháp tưới tiết kiệm nhằm hạn chế tối đa việc sử dụng nguồn nước. Ảnh: VGP/Thế Phong
Chủ động tối đa, giữ thiệt hại tối thiểu
Là "vựa” cà phê của tỉnh với trên 12.000 ha cùng với gần 2.000 ha cây trồng hàng năm vụ Đông Xuân, nên nhu cầu về nguồn nước tưới rất lớn. Đến thời điểm hiện tại, nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp tại huyện Đăk Hà vẫn đảm bảo. Có được điều này là do ngay từ đầu mùa khô, ngành nông nghiệp huyện đã vận động người dân, cùng lực lượng chức năng nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy; đặc biệt là quản lý nguồn nước, điều tiết nước tưới bằng việc xây dựng lịch tưới nước cụ thể cho các xã, thị trấn, thông báo cho người dân và áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm để việc cung cấp nước tưới được ổn định, đáp ứng yêu cầu sản xuất.
Ông Ngô Hồng Hưng, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Đăk Hà cho biết: Trên địa bàn có 32 công trình thủy lợi lớn, nhỏ phục vụ tưới tiêu. Đến thời điểm này, toàn bộ diện tích cây trồng vẫn đảm bảo đủ nước tưới, chưa xảy ra khô hạn. Tuy nhiên, để chủ động ứng phó với khô hạn đến cuối mùa khô (hết tháng 4 và đầu tháng 5 tới), cùng với điều tiết, phân phối nguồn nước, các xã, thị trấn tích cực vận động bà con tưới nước tiết kiệm, tránh thất thoát nguồn nước và chuyển đổi một số cây trồng phù hợp với điều kiện thiếu nước.
Cán bộ thủy nông bám rẫy, bám kênh thủy lợi điều tiết nước tưới cho vụ Đông Xuân năm 2020-2021. Ảnh: VGP/Thế Phong
Nhằm đảm bảo nguồn nước phục vụ yêu cầu sản xuất, ngay từ cuối mùa mưa năm 2020, Ban Quản lý khai thác các công trình thủy lợi tỉnh đã kiểm tra, rà soát tất cả các hồ chứa nước; triển khai các giải pháp gia tăng khả năng tích trữ nước trong phạm vi cho phép. Đồng thời, xây dựng kế hoạch cấp nước tưới cho từng khu vực; thực hiện điều tiết nước hợp lý, hạn chế tối đa tình trạng thiếu nước vào các tháng cuối vụ; bảo dưỡng, sửa chữa máy móc, thiết bị vận hành, các máy bơm dự phòng để chủ động điều tiết phục vụ tưới và bơm nước khi có hạn xảy ra.
Ông Văn Tất Cường, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Kon Tum cho biết: Ngay từ đầu vụ Đông Xuân 2020-2021, tỉnh đã ban hành kế hoạch sử dụng nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và phòng, chống hạn trên địa bàn tỉnh. Trong đó, đề ra giải pháp phòng, chống hạn đối với các công trình thủy lợi, công trình cấp nước sinh hoạt do cấp tỉnh và cấp huyện quản lý; chú trọng đến các khu vực có khả năng xảy ra hạn hán, thiếu nước.
Nhờ chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống hạn hán nên đến thời điểm này, các công trình thủy lợi tỉnh Kon Tum vẫn đảm bảo cung cấp đủ nước phục vụ sản xuất. Ảnh: VGP/Thế Phong
Nhờ chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống hạn hán nên đến thời điểm này, các công trình thủy lợi do Ban Quản lý khai thác các công trình thủy lợi tỉnh vận hành vẫn đảm bảo cung cấp đủ nước phục vụ sản xuất vụ Đông Xuân. Các huyện, thành phố cũng có phương án riêng ứng phó với khô hạn phù hợp với tình hình của địa phương.
Sở NN&PTNT chỉ đạo Chi cục Thủy lợi thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết, tình hình nguồn nước, mực nước các hồ chứa thủy lợi để có giải pháp ứng phó kịp thời. Đồng thời, phối hợp, đôn đốc các huyện, thành phố, đơn vị quản lý khai thác công trình thực hiện nghiêm kế hoạch sử dụng nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và phòng, chống hạn cụ thể, chi tiết theo từng địa phương; tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp tích trữ nước, sử dụng nước hiệu quả, tiết kiệm.
Cũng như các tỉnh trong khu vực Tây Nguyên, Kon Tum đang bước vào cao điểm của mùa khô. Theo đánh giá của ngành nông nghiệp, mực nước các hồ chứa trên địa bàn tỉnh đạt 65% dung tích trữ trở lên, đảm bảo cung cấp nước phục vụ sản xuất cho giai đoạn còn lại của vụ Đông Xuân này.
Tuy nhiên, nắng nóng kéo dài nên một số khu vực thuộc thành phố Kon Tum và các huyện Sa Thầy, Đăk Hà, Kon Rẫy… có thể sẽ xảy ra khô hạn cục bộ. Do đó, hiện nay, ngành nông nghiệp cùng các đơn vị đang tích cực rà soát, đánh giá cụ thể tình hình thực tế để đề ra phương án xử lý phù hợp, hiệu quả.
Theo Thế Phong/VGP