Sóc Trăng: Tháo gỡ khó khăn trong công tác thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt

  • Cập nhật: Thứ hai, 29/3/2021 | 3:54:47 PM

QLMT - Trong những năm gần đây, tình trạng gia tăng chất thải rắn thải sinh hoạt (CTRSH) đang gây ra những tác hại nghiêm trọng đối với môi trường tỉnh Sóc trăng. Thêm vào đó, việc sử dụng túi ni lông, đồ dùng nhựa một lần đã trở nên phổ biến trong đời sống sinh hoạt hàng ngày của người dân nơi đây. Đáng lo ngại là người dân vẫn chưa có thói quen phân loại rác sinh hoạt hàng ngày, việc xả rác thải ra môi trường, không phân loại rác thải tại nguồn, gây khó khăn trong công tác xử lý rác thải sinh hoạt. Trước thực trạng trên, thời gian qua, tỉnh đã tập trung thực hiện nhiều giải pháp kiểm soát và xử lý các nguồn gây ô nhiễm từ CTRSH nhằm giảm thiểu lượng rác thải hàng ngày ra môi trường.

soc-trang-thao-go-kho-khan-trong-cong-tac-thu-gom-xu-ly-rac-thai-sinh-hoat-1
Bãi rác phường 7, TP. Sóc Trăng đang triển khai các giải pháp khắc phục ô nhiễm môi trường

Gia tăng lượng rác thải sinh hoạt

     Cùng với quá trình phát triển kinh tế - xã hội, lượng rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Sóc trăng đang ngày càng gia tăng. Theo Báo cáo của Sở TN&MT tỉnh Sóc Trăng, tổng khối lượng CTRSH phát sinh trên toàn tỉnh hiện khoảng 916,5 tấn/ngày; trong đó, chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại khu vực đô thị, khu dân cư tập trung là 312 tấn/ngày, tại khu vực nông thôn khoảng 604,5 tấn/ngày. Tỷ lệ thu gom CTRSH tại khu vực đô thị đạt trên 80%, tại khu vực nông thôn trên 50%. Cùng với đó, công tác phân loại chất thải tại nguồn chưa được thực hiện thường xuyên, liên tục, có nhiều nơi chất thải nhựa, ni lôn lẫn lộn với rác thải sinh hoạt. Thêm vào đó, tình trạng ứ đọng rác thải tại các hố lưu chứa và quá tải ở bãi rác gây ô nhiễm môi trường đang xảy ra ở nhiều nơi. Đơn cử như tại bãi rác Mỹ Xuyên nằm cạnh nội ô thị trấn Mỹ Xuyên, có diện tích chỉ khoảng 0,4 ha, nhưng chứa đến 14.000 tấn rác thải sinh hoạt trong nhiều năm. Việc quá tải đã làm ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe, sinh hoạt của người dân và mỹ quan đô thị trong thời gian dài. Ông Ngô Minh Luân - Trưởng phòng TN&MT huyện Mỹ Xuyên cho biết: "Hàng ngày, lượng rác thu thu gom trên địa bàn huyện khoảng 16 tấn rác nên sức chứa của bãi rác bị quá tải, phòng đã tham mưu UBND huyện Mỹ Xuyên trình UBND tỉnh xin kinh phí di dời rác về Nhà máy xử lý chất thải rắn tỉnh Sóc Trăng, do Công ty cổ phần Công trình Đô thị Sóc Trăng trung chuyển. Tổng khối lượng khoảng 14.000 tấn, chi phí thực hiện khoảng 4 tỷ đồng”. Thực hiện kế hoạch, tháng 12/ 2019, Công ty đã đẩy nhanh tiến độ vận chuyển rác về Nhà máy xử lý chất thải rắn Sóc Trăng. Sau khi vận chuyển hết lượng rác, UBND tỉnh Sóc Trăng đã chấp thuận cho huyện Mỹ Xuyên lấy địa điểm này làm nơi trung chuyển rác từ thị trấn về Nhà máy xử lý chất thải rắn của tỉnh, để đảm bảo hạn chế mức thấp nhất ô nhiễm môi trường.

     Ngoài ra, CTRSH không ngừng gia tăng về khối lượng, đa dạng về thành phần đang tác động xấu đến môi trường nước tại các sông, kênh, rạch ở địa phương. Theo thống kê của Phòng TN&MT TP. Sóc Trăng, trên địa bàn TP. Sóc Trăng có tổng cộng 45 tuyến kênh, rạch, trong đó có 33 tuyến kênh, rạch bị ô nhiễm nghiêm trọng. Nguyên nhân khiến cho nguồn nước bị ô nhiễm xuất phát từ việc hạ tầng kỹ thuật BVMT như hệ thống thoát nước, thu gom, xử lý nước thải, chất thải rắn chưa được đầu tư đồng bộ, nên phần lớn chất thải trong sản xuất, sinh hoạt…được thải trực tiếp ra các kênh, rạch gây ô nhiễm. Đặc biệt, rác thải từ các chợ  ở khu vực đô thị lẫn nông thôn cũng khiến cho môi trường của Sóc Trăng khó khăn trong xử lý, cụ thể theo báo cáo của UBND tỉnh Sóc Trăng, khu vực đô thị và nông thôn trên địa bàn có hơn 130 khu chợ với quy mô diện tích khác nhau, mỗi ngày hoạt động tại các chợ đã phát sinh khoảng 100 tấn chất thải rắn và gần 1.000m3 nước thải. Qua các đợt kiểm tra cho thấy, nước thải ở các chợ nông thôn và chợ tự phát đang bị ô nhiễm hữu cơ, vi sinh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân. Có thể kể đến chợ Cổ Cò là trung tâm giao thương buôn bán xã Ngọc Tố (huyện Mỹ Xuyên) và các vùng lân cận huyện Trần Đề và TX. Vĩnh Châu. Thời gian qua, nhiều người dân phản ánh về tình trạng ô nhiễm môi trường đang diễn ra nơi đây. Theo đó, những bãi đất ven sông ngay bến đò Cổ Cò - Vĩnh Hiệp ngập rác thải sinh hoạt hàng ngày. Rác vun thành đống, có chỗ vương vãi khắp nơi, có nơi rác tràn cả xuống sông gây ô nhiễm môi trường. Chủ tịch UBND xã Ngọc Tố Võ Văn Chồi cho biết: "Việc chợ Cổ Cò đang bị rác bao vây một phần do ý thức một số tiểu thương ở đây còn kém. UBND xã có thuê người thu gom rác, cứ 1 - 2 ngày sẽ có xe đến để thu gom rác vào các buổi chiều nhưng nhiều người thiếu ý thức vứt rác khắp nơi. Thời gian tới, để hạn chế tình trạng này, chính quyền địa phương sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, kết hợp với kiểm tra, xử lý”. 

Đẩy mạnh công tác xã hội hóa thu gom, xử lý rác thải

     Để khắc phục tình trạng trên, thời gian qua tỉnh Sóc Trăng đã thực hiện quy hoạch và đầu tư khu xử lý CTRSH tập trung; đồng thời, mở rộng mạng lưới thu gom nhằm kiểm soát, xử lý triệt để lượng chất thải rắn phát sinh, đặc biệt là tại khu vực nông thôn nhằm kiểm soát và xử lý các nguồn gây ô nhiễm từ CTRSH. Được sự hỗ trợ kinh phí từ trung ương, tỉnh Sóc Trăng đã tiến hành đóng cửa bãi rác bãi rác phường 7, TP. Sóc Trăng và đang thực hiện công tác khắc phục tình trạng ô nhiễm. Về công tác khắc phục ô nhiễm các kênh, rạch, trong năm 2018, TP đã đầu tư 200 triệu đồng để cải tạo, nạo vét khắc phục ô nhiễm 2 tuyến kênh thuộc phường 5 và phường 10. Còn từ năm 2019 đến nay, các đơn vị chức năng đang hoàn tất thủ tục để triển khai cải tạo, nạo vét 31 tuyến kênh trên địa bàn thành phố đang bị ô nhiễm nghiêm trọng với tổng kinh phí khoảng 17,3 tỷ đồng.

     Hiện nay, trên địa bàn tỉnh sóc trăng đã có 1 nhà máy xử lý rác thải tập trung để thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt của TP. Sóc Trăng và các vùng lân cận. Công suất xử lý của Nhà máy xử lý chất thải rắn với công xuất xử lý 160 tấn/ngày, công nghệ xử lý là chôn lấp hợp vệ sinh, kết hợp ủ phân vi sinh và tái chế, tái sử dụng các sản phẩm từ nhựa. Cùng với đó, trên địa bàn các huyện, thị xã và cấp xã đã đầu tư, đưa vào vận hành 35 bãi rác tập trung. Tỉnh cũng đầu tư thí điểm 5 lò đốt rác thải sinh hoạt cấp huyện và cấp xã để phục vụ công tác xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh với tổng công suất xử lý của các lò đạt 40 - 50 tấn rác thải sinh hoạt/ngày.

     Ngoài ra, thông qua chương trình liên tịch với Sở TN&MT, các tổ chức chính trị- xã hội, Hội, Đoàn thể xây dựng nhiều mô hình xử lý chất thải hiệu quả, nhờ đó, mạng lưới thu gom xử lý chất thải ngày càng mở rộng. Theo đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Sóc Trăng luôn chủ động phối hợp tổ chức hoạt động tuyên truyền  BVMT tại các tổ, nhóm, câu lạc bộ phụ nữ, cụm dân cư, với các chủ đề:Cchung tay BVMT, tái chế rác thải thành đồ gia dụng trong gia đình...; tổ chức các lớp tập huấn kỹ năng truyền thông BVMT, đồng thời hướng dẫn xử lý rác thải và ủ phân compost, vận động hội phụ nữ cơ sở thành lập các Tổ phụ nữ biến rác thành tiền, Tổ phụ nữ thu gom rác gây quỹ, Tổ phụ nữ 5 không, 3 sạch hay thực hiện mô hình "Nhà tôi xanh, sạch, đẹp... ". Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Sóc Trăng Nguyễn Thị Mỹ Loan cho rằng, thông qua các hoạt động này đã giúp cho cán bộ, hội viên phụ nữ nâng cao kiến thức, kỹ năng về công tác truyền thông bảo vệ môi trường, hiểu được tác lại của biến đổi khí hậu, đặc biệt trong phần chia sẽ kinh nghiệm các chị sẽ biết cách điều hành, tổ chức sinh hoạt câu lạc bộ được tốt hơn. Bằng những việc làm cụ thể đã phát huy vai trò của các cá nhân, hộ gia đình, cộng đồng dân cư tự giác tham gia vào các hoạt động  BVMT như duy trì nếp sống ngăn nắp, gọn gàng, thường xuyên vệ sinh nơi ở...

     Đối với Tỉnh đoàn Sóc Trăng, hàng năm đều tổ chức phát động đoàn viên thanh niên tham gia BVMT, thu gom rác thải; hướng dẫn người dân phân loại và xử lý rác thải tại nguồn, tặng thùng rác công cộng, tổ chức hội thi tìm hiểu về môi trường, Ngày hội thanh niên với môi trường xanh... Song song đó, Tỉnh đoàn còn chỉ đạo cho cơ sở Đoàn tập trung thực hiện các hoạt động văn minh đô thị, vệ sinh khu phố, chăm sóc bảo vệ cây xanh, phân loại rác thải, giữ gìn mỹ quan đô thị, tổ chức các ngày thứ bảy tình nguyện, Chủ nhật xanh,...

     Song song với công tác phối hợp, Sở TN&MT còn chủ động thành lập nhiều Tổ đại diện cộng đồng dân cư tham gia BVMT tại các khu vực có nguy cơ bị ô nhiễm môi trường. Mục đích của việc thành lập các tổ đại diện cộng đồng này nhằm phát huy vai trò, trách nhiệm giám sát của cộng đồng dân cư đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về BVMT theo quy định của pháp luật, kịp thời thông tin đến cơ quan chức năng để xử lý các vấn đề ô nhiễm môi trường nhanh chóng, chính xác...

     Trong thời gian tới, Sở TN&MT tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các Sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố đầu tư cải tạo, nâng cấp, đóng bãi và xây dựng bãi chôn lấp rác mới, hoặc nhà máy xử lý, tái chế đạt tiêu chuẩn vệ sinh môi trường; Giải quyết đồng bộ từ việc ban hành các văn bản, tăng cường năng lực của các đơn vị dịch vụ môi trường, tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân... Trước mắt, tăng cường năng lực thu gom rác, nghiên cứu, lựa chọn địa điểm và xây dựng khu chôn lấp CTR hợp vệ sinh, các công trình xử lý đi kèm, giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường do rác thải gây ra. Trên cơ sở rà soát lại các quy hoạch quản lý chất thải hiện có, khuyến khích việc đầu tư các cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt quy mô liên xã, liên huyện phù hợp với quy hoạch bảo vệ môi trường, quy hoạch tỉnh.

     Đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút và khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư nghiên cứu công nghệ, xây dựng các khu xử lý chất thải tiên tiến, thân thiện môi trường, lựa chọn các công nghệ xử lý chất thải rắn kết hợp với thu hồi năng lượng, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, trình độ quản lý và tập quán của từng vùng, miền để phổ biến áp dụng.

     Đồng thời, tiếp tục thực hiện phân loại rác thải tại nguồn, bố trí thùng rác để phân loại rác thải tại các trụ sở cơ quan, đơn vị, cộng đồng dân cư, hộ gia đình để phân loại chất thải nhựa và các chất thải khác có thể tái chế, không để lẫn với chất thải hữu cơ; khuyến khích sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường. Tạo thói quen cho người dân ý thức gom rác bỏ vào nơi quy định, không vứt bừa bãi các sông, kênh rạch… Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn nâng cao năng lực nhận thức cho tổ chức, cá nhân trong việc quản lý tổng hợp chất thải rắn.


Theo Vũ Văn Doanh - Châu Loan/ Tạp Chí Môi Trường

Tags Sóc Trăng rác thải sinh hoạt chất thải rắn thải sinh hoạt (CTRSH) phân loại rác thải tại nguồn

Các tin khác

Ngày 8/8/2024, tại TP. Hồ Chí Minh, Hiệp hội Môi trường đô thị và Khu Công nghiệp Việt Nam (Vuizea) tổ chức Hội nghị Ban thường vụ lần thứ Nhất, nhiệm kỳ VI (2024- 2029). Ông Huỳnh Minh Nhựt, Chủ tịch Vuizea chủ trì Hội nghị.

Công việc của công nhân vệ sinh môi trường rất nặng nhọc, vất vả. Họ thức khuya dậy sớm, thường xuyên tiếp xúc với bụi bặm, rác thải hôi hám thậm chí đối mặt với nguy cơ về tai nạn, bệnh tật để dọn dẹp, giữ gìn môi trường.

Ngày 28/6/2024, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hiệp hội Môi trường đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam (Vuizea) đã long trọng tổ chức Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI, nhiệm kỳ 2024 - 2029.

Với tinh thần đoàn kết, quyết tâm, trong nhiệm kỳ V, Ban lãnh đạo Hiệp hội Môi trường đô thị và KCN Việt Nam cùng tất cả các hội viên trên toàn quốc đã cùng nhau vượt lên những khó khăn và thách thức và đạt được những thành công nhất định, để lại nhiều dấu ấn tự hào trong quá trình xây dựng - phát triển của Hiệp hội.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục