Đây là sự kiện nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về mối liên hệ giữa các tác động của con người với thiên nhiên và nguyên nhân của dịch bệnh, đặc biệt đối với đại dịch COVID-19; khuyến khích các sáng kiến, ý tưởng xây dựng cộng đồng, nền kinh tế phát triển bền vững, hòa nhập với thiên nhiên (thuận thiên); bảo vệ đa dạng sinh học, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu.
Tại Việt Nam, Giờ Trái đất năm 2021 do Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Công Thương đồng tổ chức. Cùng với các quốc gia khác trên thế giới, Giờ Trái đất tại Việt Nam năm nay sẽ tập trung vào các hoạt động trực tuyến và mạng xã hội. Bộ Tài nguyên và Môi trường kêu gọi sự chung sức, chung tay hành động của mỗi cá nhân, tập thể để giảm bớt gánh nặng cho môi trường, thiên nhiên bằng cách: tập thói quen từ chối, giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế chất thải, đặc biệt là chất thải nhựa và đồ nhựa sử dụng một lần; sử dụng các phương tiện giao thông công cộng thân thiện với môi trường; đầu tư vào các thiết bị tiết kiệm năng lượng; tắt, rút các thiết bị khi không sử dụng; tuyên truyền người dân chuyển đổi, tích cực sử dụng năng lượng tái tạo.
Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện tuyên truyền hưởng ứng Chiến dịch Giờ Trái đất năm 2021 với nhiều khẩu hiệu như: Lên tiếng vì thiên nhiên; giảm phát thải, giảm rủi ro cho thiên nhiên; chống biến đổi khi hậu và rác thải nhựa: trách nhiệm của tôi và bạn; mỗi hành động giảm phát thải là thêm một bảo đảm cho thịnh vượng dài lâu; tắt một bóng đèn là thêm một đốm sáng cho tương lai; trồng một cây là thêm một lá phổi cho trái đất.
Nhằm lan tỏa hưởng ứng Chiến dịch Giờ Trái đất năm 2021, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân cùng tổ chức hoạt động "tắt đèn và tắt các thiết bị điện không cần thiết” từ 20 giờ 30 phút đến 21 giờ 30 phút ngày 27/3.
Giờ Trái đất được tổ chức lần đầu tiên tại Việt Nam từ năm 2009. Từ năm 2012 đến nay, Chiến dịch Giờ Trái đất được tổ chức hằng năm tại Việt Nam nhằm lan tỏa, kết nối mọi người cùng chung tay giảm tác động của biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường.
Bắt nguồn từ một sự kiện tắt đèn mang tính biểu tượng tại thành phố Sydney, Australia năm 2007, Chiến dịch Giờ Trái Đất đã trở thành một phong trào môi trường có quy mô lớn nhất thế giới, tạo nguồn cảm hứng và thúc đẩy các cá nhân, cộng đồng, doanh nghiệp và tổ chức trên 190 quốc gia và vùng lãnh thổ hành động vì biến đổi khí hậu và mất môi trường tự nhiên.
Theo Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên, năm 2020 là một năm đầy biến động khó lường khiến cả thế giới phải chậm lại và buộc con người phải suy ngẫm về giá trị của thiên nhiên cũng như những áp lực mà con người đã và đang đặt lên hệ sinh thái. Đây là thời điểm mỗi người cần cùng nhau hành động, đồng lòng vì thiên nhiên và đưa ra cam kết về sự thay đổi. Thiên nhiên đang cần sự lên tiếng bảo vệ của mỗi cá nhân tại các thành phố, khu vực nông thôn, cộng đồng doanh nghiệp, tổ chức chính trị-xã hội... Trong đó, những vấn đề cấp bách của thiên nhiên cần được nêu bật là: cần giảm phát thải khí nhà kính, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nóng lên toàn cầu; giảm thiểu rác thải nhựa, hạn chế sử dụng túi nilon và đồ nhựa dùng một lần; đặc biệt tăng cường sử dụng hợp lý năng lượng, thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch tái tạo, củng cố sức mạnh cộng đồng vì một hành tinh tươi đẹp.
Trong khi biến đổi khí hậu vẫn là một vấn đề lớn cần tập trung giải quyết, thiên nhiên suy thoái và mất đa dạng sinh học đang cần được chú ý hơn bao giờ hết. Mỗi cá nhân cần nhận thức được rằng bảo vệ thiên nhiên là một giải pháp tức thời, hiệu quả và tiết kiệm để giải quyết các thảm họa khí hậu và ngăn ngừa các đại dịch. Giờ Trái Đất 2021 không chỉ là một sự kiện mang tính biểu tượng, mà là thời điểm để hành động.
Mối quan hệ của con người với thế giới tự nhiên đang mất cân bằng một cách nguy hiểm. Gần đây, một loạt các sự kiện thảm khốc - cháy rừng, khí hậu khắc nghiệt, dịch châu chấu và đại dịch COVID-19 đã làm rung chuyển thế giới và con người vẫn đang phải đối mặt với những hậu quả chưa từng có về kinh tế - xã hội, y tế và nhân quyền. Tương lai của con người và trái đất liên kết chặt chẽ với nhau về mặt bản chất và cả hai đều đang bị đe dọa. Một hệ sinh thái tự nhiên toàn vẹn là điều kiện tiên quyết cho một tương lai ổn định cho con người, do đó, mối quan hệ đổ vỡ với thiên nhiên cần phải khẩn trương hàn gắn.
Bốn cách để sống xanh mỗi ngày
• TỪ CHỐI: Học cách từ chối nói không với nhựa dùng một lần không cần thiết như ống hút nhựa, thìa nhựa... bằng cách mang đồ cá nhân bên mình mỗi khi ra ngoài. Vừa tiết kiệm chi tiêu, vừa an toàn sức khỏe lại vừa bảo vệ môi trường;
• TÁI SỬ DỤNG: Đừng vội vứt bỏ những đồ nhựa còn sử dụng được, như chai hộp nhựa đã qua sử dụng. Chúng ta có thể rửa thật sạch, để khô, chúng sẽ rất hữu ích cho mỗi lần đi chợ hay mua sắm sau đó. Ngoài ra những đồ nhựa này có thể dễ dàng được tái chế để trở thành những đồ vật trang trí hoặc chậu cây nhỏ trong nhà.
• TIẾT GIẢM: Giảm mua sắm và sử dụng các sản phẩm, đồ dùng không cần thiết để hạn chế lượng rác và bao bì thải ra môi trường sau khi sử dụng. Hãy cân nhắc kỹ trước khi mua một món đồ mới.
• TÁI CHẾ: Rác thải nhựa nếu được thu gom, phân loại và tái chế hợp lý thì sẽ trở thành một nguồn tài nguyên có giá trị, không chỉ mang lại lợi ích về kinh tế mà còn giúp cho môi trường được bảo vệ, không còn rác thải nhựa trong thiên nhiên.
Diệp Anh