Nước sông Hồng đoạn chảy qua thành phố Lào Cai trong xanh lạ thường. (Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN)
Hiện nay, trên thế giới còn 2,2 tỷ người đang sống trong tình trạng không được tiếp cận với nước an toàn, khan hiếm nước.
Do vậy, các quốc gia cần có những hành động thiết thực, mang tính toàn cầu để giải quyết cuộc khủng hoảng nước nhằm đạt được Mục tiêu Phát triển bền vững 6 là "Nước và vệ sinh cho tất cả mọi người vào năm 2030."
Nhân Ngày Nước thế giới 22/3, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thị Thu Linh để làm rõ về vấn đề này.
- Theo dự báo của Liên hợp quốc, đến năm 2025 sẽ có 30 quốc gia rơi vào tình trạng khan hiếm nước. Dân số bùng nổ, nhu cầu sử dụng ngày càng tăng cũng đồng nghĩa với việc nước ngọt tiếp tục suy giảm. Bà có thể cho biết về tình hình nguồn nước tại Việt Nam hiện nay như thế nào?
Bà Nguyễn Thị Thu Linh: Việt Nam thường được nhận định là quốc gia có nguồn tài nguyên nước dồi dào với tổng lượng nước bình quân trên đầu người của Việt Nam vào khoảng 9.434 m3/người/năm, cao so với tiêu chuẩn của khu vực và trên toàn cầu.
Tuy nhiên, do tài nguyên nước của Việt Nam phụ thuộc nhiều vào nước ngoài, nguồn nước nội sinh của Việt Nam chỉ đạt 4.200 m3/người/năm, thấp so với trung bình của Đông Nam Á là 4.900 m3/người/năm.
Trong bối cảnh đó, cùng với quá trình phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, sự gia tăng dân số, quá trình đô thị hóa đòi hỏi nhu cầu nước cho sản xuất và dân sinh ngày càng tăng cả về số lượng và chất lượng.
Bên cạnh đó, Việt Nam là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, trong đó tài nguyên nước sẽ chịu những ảnh hưởng lớn nhất và sớm nhất do những diễn biến bất thường về lượng mưa và nước biển dâng.
Trong các năm gần đây, các quốc gia ở thượng nguồn đã và đang đẩy mạnh việc khai thác sử dụng nước trên các sông liên quốc gia, nhất là trên lưu vực sông Mekong và lưu vực sông Hồng. Đặc biệt, hoạt động đắp đập, chặn dòng, xây dựng công trình thủy điện và vận hành của các nhà máy thủy điện ở thượng nguồn lưu vực sông Hồng, sông Mekong đã và đang là nguy cơ trực tiếp làm suy giảm nguồn nước chảy vào Việt Nam, đe dọa an ninh nguồn nước của Việt Nam.
Theo tính toán của Ngân hàng Thế giới, tổng nhu cầu về nước vào mùa khô của Việt Nam sẽ gia tăng 32% vào năm 2030. Có 11/16 lưu vực sông chính của Việt Nam sẽ đối mặt với tình trạng căng thẳng về nước, đặc biệt là trên bốn lưu vực sông chính tạo ra 80% GDP của Việt Nam gồm Hồng-Thái Bình, Cửu Long, Đồng Nai và nhóm lưu vực sông Đông Nam Bộ. Giá trị kinh tế của nước chưa được phân bổ đồng đều cho các đối tượng sử dụng nước khác nhau, chẳng hạn như còn các cơ chế miễn phí, ưu đãi đặc biệt cho sử dụng nước cho nông nghiệp.
Theo tính toán, với mỗi đơn vị (m3) nước, Việt Nam chỉ tạo ra 2,37 USD cho GDP, bằng khoảng 1/10 so với mức trung bình toàn cầu là 19,42 USD. Giá trị của nước không được nhận thức đúng đắn dẫn đến tình trạng sử dụng tài nguyên nước lãng phí.
- Chủ đề của Ngày Nước thế giới năm 2021 nhấn mạnh về giá trị của nước, nâng cao vị thế giá trị mà nước mang lại cho cuộc sống, sức khỏe và môi sinh. Bà có thể nói rõ những nội dung chính và ý nghĩa của chủ đề năm nay?
Bà Nguyễn Thị Thu Linh: Chủ đề Ngày Nước thế giới năm 2021 được chọn là "Giá trị của nước” nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về vị thế giá trị mà nước mang lại cho cuộc sống, sức khỏe và môi sinh, theo đó nhấn mạnh cách mà chúng ta nhận thức chưa đầy đủ về giá trị của tài nguyên nước.
Việc chúng ta nhận thức về giá trị của nước sẽ quyết định nước được quản lý và chia sẻ như thế nào, đó là nội dung chính của chủ đề năm nay. Thực tế, ngoài các giá trị nước mang lại cho mọi người như nước sạch, vệ sinh hoặc cho các hoạt động sản xuất và dịch vụ thì nước còn có các giá trị về sức khỏe, môi trường, văn hóa, đời sống xã hội và tâm linh mà các giá trị này ít hoặc không được chú ý đến. Do vậy, giá trị của nước nhiều hơn rất nhiều so với giá thành của chúng, nhiều giá trị không thể ước tính bằng tiền tệ, mà lại vô cùng quan trọng với cuộc sống con người; việc xác định đầy đủ giá trị của nước tùy vào mục đích sử dụng nước, giúp chúng ta quản lý tốt hơn nguồn tài nguyên này.
Thông qua các thông điệp này, Ngày Nước thế giới 2021 kêu gọi sự quan tâm của cộng đồng, các nhà hoạch định chính sách, theo đó nhấn mạnh giải quyết các vấn đề về tài nguyên nước chính là chìa khóa giúp chúng ta đạt được mục tiêu phát triển bền vững.
Sông Hậu chảy qua địa phận Cần Thơ. (Ảnh: Phan Tuấn Anh/TTXVN)
- Để đạt được Mục tiêu Phát triển bền vững 6 là "Nước và vệ sinh cho tất cả mọi người vào năm 2030," theo bà, trong thời gian tới Việt Nam cần phải có các giải pháp quản lý tài nguyên nước nào hướng tới phát triển bền vững?
Bà Nguyễn Thị Thu Linh: Tính đến nay, hệ thống pháp luật về tài nguyên nước đã được Việt Nam xây dựng khá toàn diện, đáp ứng yêu cầu quản lý tài nguyên nước trong thời gian tới. Trong đó, chúng ta đã tập trung vào các giải pháp, như tiếp tục hoàn thiện các văn bản pháp luật, chính sách quản lý tài nguyên nước; hoạt động cung cấp và tiêu thụ nước sạch, các quy chuẩn, tiêu chuẩn về chất lượng nước sạch cấp cho mục đích sinh hoạt; tiến hành rà soát, sửa đổi Luật Tài nguyên nước.
Cụ thể, các quy định khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển tài nguyên nước và các dịch vụ về nước (điều tra cơ bản, quan trắc, giám sát tài nguyên nước, công trình điều tiết nước, cấp nước, thoát nước, xử lý nước thải, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ về nước) cần thực hiện theo phương thức xã hội hóa. Mặt khác, các tổ chức, cá nhân sở hữu công trình tài nguyên nước hoặc thực hiện các dịch vụ về nước cần quy định rõ trách nhiệm.
Toàn bộ văn bản pháp luật liên quan đến cấp nước sinh hoạt cho người dân cần phải rà soát lại để điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với yêu cầu bảo đảm an toàn tuyệt đối, an ninh trong việc cấp nước sinh hoạt.
Về trách nhiệm, thẩm quyền quản lý, cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên nước, của các bộ có quản lý ngành sử dụng tài nguyên nước và chính quyền địa phương các cấp, cần quy định đầy đủ, rõ ràng quyền và trách nhiệm; phân định rõ giữa quản lý nguồn nước và quản lý hoạt động khai thác, sử dụng trong các lưu vực sông.
Ngoài ra, tập trung xây dựng và phê duyệt quy hoạch tài nguyên nước quốc gia, quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản tài nguyên nước, quy hoạch tài nguyên nước lưu vực sông Hồng, Cửu Long và các lưu vực sông lớn, làm cơ sở cho các ngành lập quy hoạch có khai thác, sử dụng nước.
Nâng cao trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương và ý thức, nghĩa vụ của người dân trong việc giám sát các hoạt động khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước, bảo vệ chất lượng nước các sông, suối, hồ, ao…, nhất là các nguồn nước cấp cho sinh hoạt.
Bên cạnh đó, tăng cường công tác dự báo, cảnh báo sớm tài nguyên nước để có các biện pháp chủ động ứng phó, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu, thiên tai, như hạn hán, lũ lụt diễn ra ngày càng thường xuyên hơn, khắc nghiệt hơn; hoàn chỉnh việc xây dựng hệ thống quan trắc, giám sát tài nguyên nước; đồng thời công tác thanh, kiểm tra cần được đẩy mạnh. Các cơ quan chức năng tăng cường giám sát việc khai thác sử dụng nước, xả nước thải vào nguồn nước thông qua hình thức giám sát tự động, trực tuyến. Tổng kiểm kê tài nguyên nước quốc gia nhằm nắm chắc nguồn tài nguyên nước Việt Nam, hiện trạng khai thác, sử dụng nước và xả nước thải vào nguồn nước.
Các Ủy ban lưu vực sông tiếp tục thành lập và đưa vào hoạt động, thực hiện có hiệu quả và nâng cao vai trò trong việc điều phối, giám sát hoạt động khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước. Lĩnh vực tài nguyên nước cần tăng cường hợp tác quốc tế, đặc biệt tăng cường hiệu quả hợp tác với các quốc gia khác trong khai thác, sử dụng bền vững các nguồn nước xuyên biên giới.
Xây dựng cơ sở dữ liệu về tài nguyên nước và cơ chế chia sẻ thông tin, dữ liệu về quản lý tài nguyên nước giữa trung ương và địa phương, tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật, các biện pháp sử dụng nước tiết kiệm hiệu quả đến tất cả các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư, đầu tư cho lĩnh vực tài nguyên nước.
- Trân trọng cảm ơn bà!./.
Theo Diệu Thúy (TTXVN/Vietnam+)