Nội dung của Kế hoạch gồm: Tổ chức đánh giá kết quả thực hiện Quyết định số 985a/QĐ-TTg và lập Báo cáo, đề xuất Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí giai đoạn 2021 - 2025. Dự thảo Báo cáo đã được hoàn thiện trên cơ sở tổng hợp thông tin từ các báo cáo của 8 Bộ, 44 địa phương vào tháng 12/2020.
Dự thảo Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện giai đoạn 2016 - 2020 và đề xuất Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí giai đoạn 2021 - 2025 tiếp tục được hoàn thiện, dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ quý I/2021.
Tăng cường quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình quan trắc chất lượng không khí bảo đảm hiệu quả, thực hiện kiểm soát chặt chẽ về chất lượng trong quan trắc môi trường không khí, công bố kết quả quan trắc và kịp thời cảnh báo ô nhiễm không khí cho cộng đồng; Khẩn trương xây dựng và triển khai thực hiện việc đầu tư, tăng cường năng lực quan trắc chất lượng môi trường không khí phù hợp với Quy hoạch tổng thể quan trắc môi trường quốc gia, đảm bảo đến năm 2025 phải kiểm soát, cảnh báo, dự báo được diễn biến chất lượng không khí tại các đô thị, vùng miền trên phạm vi cả nước.
Đến năm 2025, phải kiểm soát, cảnh báo, dự báo được diễn biến chất lượng không khí tại các đô thị. Ảnh: Hoàng Minh
Công tác quản lý về quan trắc môi trường được thực hiện thông qua việc xây dựng, trình ban hành các văn bản quy phạm pháp luật và hướng dẫn kỹ thuật về quan trắc môi trường thực hiện Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Xây dựng và trình ban hành các quy định về quan trắc môi trường trong Nghị định của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; thực hiện và hoàn thành trong năm 2021.
Tiếp tục thực hiện các hoạt động đầu tư quan trắc môi trường không khí theo Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 12/1/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường quốc gia giai đoạn 2016 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Triển khai thực hiện nhiệm vụ "Lập Quy hoạch tổng thể quan trắc môi trường quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050" đã được Bộ TN&MT phê duyệt tại Quyết định số 2246/QĐ-BTNMT ngày 12/10/2020, sau khi giải quyết các vướng mắc trong phân bổ, bố trí kinh phí thực hiện nhiệm vụ. Do đó, quá trình xây dựng Quy hoạch tổng thể quan trắc môi trường dự kiến sẽ phải lùi thời hạn so với kế hoạch trình Thủ tướng Chính phủ ban hành theo quy định.
Rà soát, hoàn chỉnh hệ thống Quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia về môi trường đối với khí thải công nghiệp, khí thải của phương tiện giao thông cơ giới đường bộ lưu hành ở Việt Nam, chất lượng không khí xung quanh tiệm cận với tiêu chuẩn của các nước tiên tiến trên thế giới; rà soát, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện lộ trình áp dụng Quy chuẩn tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải của phương tiện giao thông cơ giới đường bộ lưu hành ở Việt Nam.
Xây dựng, ban hành tiêu chí và chứng nhận nhãn sinh thái đối với các sản phẩm, phương tiện và dịch vụ giao thông vận tải thân thiện môi trường. Tổ chức nghiên cứu xây dựng và trình ban hành các quy định về chứng nhận nhãn sinh thái đối với các sản phẩm, phương tiện, dịch vụ thân thiện với môi trường trong Nghị định của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; thực hiện và hoàn thành trong năm 2021.
Rà soát quy định pháp luật về bảo vệ môi trường không khí, hoàn thiện theo thẩm quyền hoặc kiến nghị với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền hoàn thiện các quy định, chính sách pháp luật về kiểm soát ô nhiễm không khí; Xây dựng và trình ban hành các quy định về quản lý chất lượng không khí trong Nghị định của Chính phủ hướng dẫn thi hành các Điều 12, 13 và 14 của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; thực hiện và hoàn thành trong năm 2021.
Bộ TN&MT kịp thời cung cấp thông tin, cảnh báo về chất lượng môi trường không khí, các nguy cơ và tác hại của ô nhiễm không khí cho các cơ quan truyền thông theo đúng quy định. Tăng cường sự phối hợp chặt chẽ với Bộ Thông tin và Truyền thông, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, các cơ quan truyền thông, báo chí trong hoạt động cung cấp, công bố, cảnh báo thông tin chất lượng môi trường không khí. UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các cơ quan báo chí sử dụng thông tin được cung cấp chính thức từ cơ quan có thẩm quyền, cơ quan quản lý môi trường ở Trung ương và địa phương để công bố công khai cho cộng đồng. Tăng cường các hoạt động kiểm tra, kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí tại các đô thị lớn và tổ chức kiểm tra các điểm nóng về ô nhiễm không khí trong cả nước.
Tổng cục Môi trường là đơn vị chuyên môn chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành địa phương liên quan và các đơn vị trực thuộc Bộ tổ chức thực hiện các nội dung trong kế hoạch. Chuẩn bị văn bản của Bộ TN&MT đề nghị Bộ Giao thông vận tải cử đầu mối phối hợp với Bộ TN&MT rà soát các Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, các lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải phương tiện giao thông cơ giới đã ban hành để đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện và báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Theo Thư Kỳ/ Báo Tài Nguyên & Môi Trường