Một nhóm nghiên cứu do Đại học Cambridge và Hiệp hội Bảo vệ Chim Hoàng gia Anh (RSPB) dẫn đầu đã phân tích hàng chục địa điểm trên sáu lục địa để so sánh giá trị của việc bảo vệ thiên nhiên với việc khai thác các khu vực cụ thể.
Hesketh Out Marsh - một đầm lầy ngập mặn gần Preston, Vương quốc Anh - có giá trị hơn 2000 USD mỗi hecta chỉ tính riêng giá trị từ việc giảm thiểu khí thải, cao hơn bất kỳ thu nhập nào từ cây trồng hoặc chăn thả gia súc.
Nhóm nghiên cứu tập trung vào 24 khu vực và so sánh giữa hai trạng thái có thể xảy ra ở khu vực đó: "tập trung bảo vệ thiên nhiên" hoặc "chuyển đổi mục đích sử dụng", bằng cách tính ra giá trị ròng hằng năm (tổng giá trị các "hàng hóa" và "dịch vụ") mà mỗi trạng thái đem lại. Họ dự đoán giá trị từng năm trong khoảng thời gian 50 năm tới.
Lợi ích kinh tế chính của "tập trung bảo vệ thiên nhiên" đến từ việc điều chỉnh các khí nhà kính gây ra biến đổi khí hậu, bao gồm cả quá trình cô lập carbon.
Giả sử mỗi tấn carbon có chi phí 31 USD cho xã hội toàn cầu - một con số mà nhiều nhà khoa học hiện nay coi là vẫn còn thấp - thì hơn 70% trong số các khu vực được xem xét vẫn có giá trị tiền tệ lớn hơn nếu ở trong trạng thái "tập trung bảo vệ thiên nhiên" so với trạng thái "chuyển đổi mục đích sử dụng".
Thậm chí, nếu carbon được ấn định chi phí rất nhỏ là 5 USD/tấn, thì 60% các khu vực vẫn mang lại lợi ích kinh tế lớn hơn khi ở trạng thái không bị chuyển đổi hoặc được phục hồi về điều kiện tự nhiên. Ngay cả khi loại bỏ hoàn toàn chi phí carbon, các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng dựa trên các giá trị kinh tế khác (chẳng hạn như bảo vệ khỏi lũ lụt), gần một nửa (42%) trong số 24 khu vực vẫn sẽ có giá trị hơn đối với chúng ta nếu chúng ở trong trạng thái tự nhiên, không bị chuyển đổi.
Tác giả chính, Tiến sĩ Richard Bradbury từ RSPB, thành viên danh dự tại Đại học Cambridge, cho biết: "Giảm thiểu sự mất mát đa dạng sinh học bản thân nó là một mục tiêu lớn, nhưng đó cũng là nền tảng cơ bản cho cuộc sống của con người".
"Chúng ta cần công khai tài chính liên quan đến thiên nhiên, và khuyến khích quản lý đất đai tập trung vào thiên nhiên, cho dù thông qua biện pháp thuế và các quy định, hoặc trợ cấp tiền cho các dịch vụ mà hệ sinh thái đem lại."
Andrew Balmford, Giáo sư Khoa học bảo tồn tại Đại học Cambridge và là tác giả cao cấp của nghiên cứu, cho biết: "Tốc độ chuyển đổi môi trường sống hiện nay đang thúc đẩy một cuộc khủng hoảng tuyệt chủng không giống bất cứ điều gì trong lịch sử loài người."
"Ngay cả khi bạn chỉ quan tâm đến tiền, chúng ta có thể thấy rằng bảo tồn và phục hồi thiên nhiên hiện nay thường là cách đặt cược tốt nhất cho sự thịnh vượng của con người", ông nói .
Công cụ đo lường
Một thập kỷ trước, các nhà khoa học đã phát minh ra TESSA (Bộ công cụ đánh giá dịch vụ mà hệ sinh thái mang lại cho từng khu vực), cho phép người dùng đo lường và chỉ ra giá trị tiền tệ cho các dịch vụ do các khu vực tự nhiên cung cấp - nước sạch, môi trường giải trí, thụ phấn cho cây trồng, chống lũ lụt, v.v...; cũng như chỉ ra giá trị tiền tệ khi khu vực tự nhiên đó được chuyển đổi để làm nông nghiệp hoặc sử dụng cho mục đích khác.
Nghiên cứu mới là tổng hợp kết quả từ 62 thực hành TESSA trên khắp thế giới - từ Kenya, Fiji, Trung Quốc đến Vương quốc Anh.
Hầu hết các địa điểm đều là rừng hoặc đất ngập nước. Để so sánh giữa bảo tồn tự nhiên và chuyển đổi mục đích sử dụng, các nhà nghiên cứu cũng xem xét các khu vực khác tương tự nơi việc chuyển đổi đã xảy ra và so sánh các kết quả kinh tế thực tế ở cả hai khu vực.
Ví dụ, các nhà khoa học sử dụng TESSA đã phát hiện ra rằng nếu Vườn quốc gia Shivapuri-Nagarjun của Nepal mất khả năng bảo vệ và bị chuyển đổi từ rừng sang đất nông nghiệp, chúng ta sẽ mất 60% khả năng lưu trữ carbon hiện của trong khu vực và giảm 88% chất lượng nước, cùng với các chi phí khác, gây thâm hụt 11 triệu USD/năm.
TESSA cũng tiết lộ, Hesketh Out Marsh - một đầm lầy ngập mặn gần Preston, Vương quốc Anh - có giá trị hơn 2.000 USD/ha chỉ tính riêng giá trị từ việc giảm thiểu khí thải, cao hơn bất kỳ thu nhập nào từ cây trồng hoặc chăn thả gia súc.
Các nhà nghiên cứu cũng chỉ ra, "hàng hóa và dịch vụ" mà các khu vực tự nhiên cung cấp là tài nguyên chung, trong khi nếu chuyển đổi mục đích thì hàng hóa trong khu vực đó trở thành tư nhân và có thu phí, chỉ mang lại lợi ích cho một số ít người.
Đồng tác giả nghiên cứu Anne-Sophie Pellier từ BirdLife International cho biết thêm: "Kết quả của chúng tôi bổ sung thêm bằng chứng cho thấy việc bảo tồn và phục hồi các khu vực đa dạng sinh học quan trọng không chỉ có ý nghĩa là bảo vệ thiên nhiên, mà còn mang lại lợi ích kinh tế rộng lớn hơn cho xã hội."
Nguồn:
Theo Hoàng Nam/ Khoa Học & Phát Triển