PGS.TS Nguyễn Thiên Tạo: Nhà khoa học đi đầu trong bảo tồn và nghiên cứu rắn độc Việt Nam

  • Cập nhật: Thứ năm, 23/11/2023 | 9:37:35 AM

QLMT - Việc nghiên cứu các tập tính về rắn độc, đặc biệt là nghiên cứu để sản xuất huyết thanh kháng nọc rắn đã được PGS.TS Nguyễn Thiên Tạo - Viện Nghiên cứu hệ gen (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) đặc biệt quan tâm triển khai từ nhiều năm qua.


PGS.TS Nguyễn Thiên Tạo bên các mẫu vật tại phòng nghiên cứu. Ảnh: CAND

Việt Nam có hơn 200 loài rắn, trong đó có hơn 25% là rắn độc với các loài như hổ mang chúa, cạp nong, cạp nia, rắn chàm quạp... Thế nhưng Việt Nam vẫn phải nhập khẩu hầu hết các loại huyết thanh, khiến chi phí điều trị cao. 

Trong bối cảnh đó, hơn 10 năm qua, PGS.TS Nguyễn Thiên Tạo đã nỗ lực không ngừng để đóng góp vào nghiên cứu và bảo tồn đa dạng sinh học các loài rắn độc tại Việt Nam, đồng thời phối hợp với các chuyên gia chống độc của Bệnh viện Bạch Mai và một số đơn vị nghiên cứu để chế tạo huyết thanh chữa trị rắn cắn.

Tại buổi thuyết giảng với chủ đề "Rắn độc Việt Nam: Đa dạng loài, tầm quan trọng trong nghiên cứu và quản lý tai nạn rắn độc cắn ở Việt Nam” ngày 22/11 vừa qua, PGS.TS Nguyễn Thiên Tạo cho biết: Việt Nam là quốc gia đầu tiên trên thế giới nghiên cứu chế tạo thành công huyết thanh kháng nọc rắn độc đặc hiệu, điều chế thành công các loại huyết thanh kháng rắn độc cắn, tuy nhiên việc phát triển hướng nghiên cứu này còn gặp nhiều khó khăn.

Theo chia sẻ của đại diện Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai, mỗi năm cả nước có khoảng 30.000 trường hợp bị rắn cắn. Đặc biệt, gần đây, tai nạn do rắn cắn gia tăng, gây nên những hậu quả nghiêm trọng, nhiều trường hợp tử vong do không được sơ cấp cứu đúng cách. 

Nhằm giải quyết tình trạng khẩn cấp khi bệnh nhân bị rắn độc cắn, PGS.TS Nguyễn Thiên Tạo đã thành lập nhóm chuyên gia để giám định, hỗ trợ các bác sỹ điều trị cho bệnh nhân không may bị rắn độc cắn một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất. Nhờ đó, nhiều bệnh nhân không may bị rắn độc cắn đã được cứu sống kịp thời.

Hiện tại, PGS.TS Nguyễn Thiên Tạo đã xây dựng được cơ sở dữ liệu ban đầu về dịch tễ rắn độc và xác định được các loài rắn độc thường gặp để có cơ sở khoa học quan trọng cho công tác nghiên cứu, phát triển sản xuất huyết thanh kháng nọc độc của một số loài rắn thường gặp ở Việt Nam.

PGS.TS Nguyễn Thiên Tạo không chỉ là người đứng đầu trong nghiên cứu về rắn độc mà còn là tác giả của 136 bài báo khoa học, nhiều trong số đó được công nhận trên các tạp chí quốc tế danh tiếng. Ông còn chủ nhiệm nhiều đề tài quan trọng, hướng dẫn nhiều nghiên cứu sinh, đóng góp không ngừng vào sự phát triển của ngành khoa học tự nhiên tại Việt Nam.

Dù đã đạt được nhiều thành tựu, PGS.TS Nguyễn Thiên Tạo vẫn nhấn mạnh sự quan trọng của việc tiếp tục nghiên cứu và bảo tồn các loài rắn độc tại Việt Nam. Ông đặt ra những thách thức để thúc đẩy sự hợp tác và nghiên cứu sâu rộng hơn, với hy vọng tạo ra những giải pháp toàn diện và hiệu quả cho việc quản lý tai nạn rắn độc cắn ở Việt Nam.

PGS.TS Nguyễn Thiên Tạo không chỉ là một nhà nghiên cứu xuất sắc mà còn là người lãnh đạo đầy tâm huyết, đóng góp không ngừng vào sự phát triển của nghiên cứu và bảo tồn đa dạng sinh học, đặc biệt với các loài rắn độc tại Việt Nam.


PGS.TS. Nguyễn Thiên Tạo

PGS.TS. Nguyễn Thiên Tạo hiện đã công bố hơn 100 bài báo quốc tế với 30 bài nghiên cứu chuyên sâu về rắn. Các công trình nghiên cứu khác về rắn của anh cũng đã được trình bày giới thiệu tại nhiều hội thảo quốc tế ở Nhật, Mỹ và được giới chuyên môn đánh giá cao. Anh là Phó Giáo sư thỉnh giảng Đại học Kyoto, Nhật Bản.

PGS.TS. Nguyễn Thiên Tạo bảo vệ luận án tiến sỹ năm 2015 tại Trường Đại học Kyoto, Nhật Bản. Anh đã được nhận Giải thưởng nhà khoa học trẻ của Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam và Giải thưởng KHCN thanh niên Quả cầu vàng của Trung ương Đoàn trao tặng. Tại Hội nghị toàn thể lần thứ 28 - Đại hội đồng lần thứ 14 của Viện Hàn lâm Khoa học thế giới tổ chức tại Italia, TS Nguyễn Thiên Tạo vinh dự được chọn là thành viên trẻ của Viện Hàn lâm Khoa học thế giới nhiệm kỳ 2018-2022.

TÙNG LÂM

Tags PGS.TS Nguyễn Thiên Tạo nhà khoa học rắn độc đa dạng sinh học bảo tồn

Các tin khác

Nhà máy có quy trình xử lý rác thải khép kín, với năng lực xử lý mỗi ngày trên 20 tấn rác, thu về khoảng 6 tấn phân hữu cơ và 200 lít xăng dầu.

Những tấm gương sáng trong ngành giáo dục và khoa học luôn là nguồn cảm hứng không ngừng cho thế hệ trẻ. Trong số những nhà giáo và nhà khoa học ưu tú của lĩnh vực xây dựng, không thể không nhắc đến Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Văn Liên - một người thầy tận tụy, một nhà khoa học lỗi lạc và một nhà lãnh đạo mẫu mực.

Ba công trình của PGS.TS Trần Mạnh Trí được công bố trên các tạp chí khoa học thuộc top 5% hàng đầu thế giới trong các ngành kỹ thuật môi trường, độc học và sức khỏe, góp phần giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường do sự phát tán của các hóa chất tổng hợp.

Ông Trần Văn Hân, đoàn viên Công đoàn Công ty TNHH Một Thành Viên Môi Trường Đô Thị Hồng Lĩnh (tỉnh Hà Tĩnh) đã sáng tạo nhiều ý tưởng để các xe điện lấy rác hoạt động tốt hơn, giúp công nhân môi trường đỡ vất vả.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục