Giải thưởng Tôn Đức Thắng lần thứ 23 năm 2023 được trao cho 11 cá nhân tiêu biểu là những kỹ sư, công nhân thuộc các ngành công nghiệp trọng yếu của TP.HCM, trong đó có anh Cao Văn Tuấn - Trưởng phòng Công nghệ môi trường và Kiểm tra chất lượng Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM (Citenco).
Anh Cao Văn Tuấn nhận giải thưởng Tôn Đức Thắng 2023
Anh Cao Văn Tuấn đã vinh dự được nhận giải thưởng Tôn Đức Thắng 2023 vì đã có nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, các giải pháp, mô hình có tính ứng dụng cao vừa giúp Công ty tạo bước đột phá trong điều hành, quản lý vừa mang lại hiệu quả kinh tế cho Công ty.
Trong số các sáng kiến được công nhận, anh Cao Văn Tuấn tâm đắc nhất với sáng kiến "Tổ chức mô hình mạng lưới thu gom và xử lý tái chế chất thải rắn công nghiệp thông thường”. Với mô hình này, chất thải sau khi được thu gom sẽ vận chuyển về công trường Gò Cát. Tại đây, chất thải sẽ được phân loại, giảm kích thước bằng máy nghiền phá, qua băng tải đến sàng lồng để tách các chất trơ như gạch, cát, thủy tinh, kim loại, sau đó nghiền nhỏ và vận chuyển đến Công ty TNHH Siam City Cement làm chất đốt trong lò nung xi-măng.
Tính đến tháng 4/2023, 16.800 tấn chất thải đã được xử lý bằng cách này, giúp tiết kiệm cho ngân sách thành phố hơn 10 tỉ đồng chi phí thu gom, xử lý rác thải và làm lợi cho đơn vị 8,4 tỉ đồng. Đề án giúp giải quyết vấn đề tồn tại trong công tác quản lý và xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường tại thành phố, chấm dứt tình trạng đổ lẫn trong chất thải sinh hoạt và tận dụng nguồn nguyên liệu từ rác thải.
Kết quả kiểm tra tại các quận, huyện đã triển khai thí điểm mô hình cho thấy, nạn đổ trộm chất thải rắn công nghiệp thông thường ra vỉa hè, bãi đất trống, kênh rạch giảm nhiều và ý thức bảo vệ môi trường của các chủ nguồn thải, người dân được nâng cao rõ rệt.
Ở lĩnh vực xử lý chất thải, anh Cao Văn Tuấn có các sáng kiến "Tổ chức mô hình mạng lưới thu gom và xử lý tái chế chất thải rắn công nghiệp thông thường”, "Tái chế tro xỉ chất thành vật liệu xây dựng”. Theo anh Tuấn, hiện nay tro lò đốt chất thải y tế vẫn được lưu giữ bằng cách chôn lấp an toàn, đóng bãi vĩnh viễn. Cùng với các đồng nghiệp, anh Tuấn đã mày mò nghiên cứu giải pháp kiểm soát các yếu tố nguy hại và tái chế thành vật liệu xây dựng như các loại gạch, bê-tông, tạo hạt... Điều này giúp tận dụng chất thải thứ cấp từ hoạt động xử lý chất thải để tạo ra sản phẩm thân thiện môi trường đồng thời mang lại lợi ích rất lớn về quản lý chất thải thứ cấp.
Anh Cao Văn Tuấn không chỉ là tác giả của các đề tài kỹ thuật làm lợi cho Thành phố, cho đơn vị mà còn là tác giả của các đề tài trong những lĩnh vực nghiên cứu, sáng tạo đa dạng và có tính ứng dụng cao, đặc biệt là trong lĩnh vực phòng chống dịch Covid-19.
Trong thời gian dịch Covid-19 bùng phát, anh đã nghiên cứu và đưa ra các sáng kiến thiết thực, ứng dụng vào thực tế như: "Tái sử dụng hóa chất thải làm chế phẩm khử mùi”, "Chế tạo máy rửa tay diệt khuẩn tự động”, "Pha chế dung dịch khử khuẩn bề mặt dụng cụ, thiết bị”…
Sự sáng tạo của người kỹ sư môi trường Cao Văn Tuấn không chỉ giới hạn ở lĩnh vực kỹ thuật, trong lĩnh vực truyền thông, anh cũng đã có nhiều sáng kiến độc đáo như "Thiết kế brochure giới thiệu quảng cáo hoạt động của công ty”, "Giải pháp phối hợp nâng cấp và hoàn thiện website công ty”.
Những ý tưởng sáng tạo của anh Cao Văn Tuấn không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế mà còn đem lại giá trị cho cộng đồng, anh là nhân tố tích cực, góp phần động viên tập thể công nhân cùng trưởng thành, trở thành lực lượng nòng cốt trong sự phát triển của doanh nghiệp, chung tay xây dựng và phát triển thành phố văn minh, hiện đại.
ĐAN VY