Chuyện những nữ quan trắc viên môi trường

  • Cập nhật: Thứ hai, 26/7/2021 | 4:13:16 PM

8 giờ tối, ngay sau khi nhận được thông tin chỉ đạo từ Sở TN&MT Sơn La về việc xác minh phản ánh của người dân về nguồn nước bị ô nhiễm, Đội hiện trường của Trung tâm Quan trắc TN&MT tỉnh Sơn La đã ngay lập tức sẵn sàng mọi đồ nghề để lên đường thực hiện nhiệm vụ.

Nắng gió, khói bụi, khí thải và… nước thải!

Nhiệm vụ lần này của đội là khẩn trương lấy mẫu để có căn cứ xác minh nguyên nhân ô nhiễm nước suối Nậm Pàn, huyện Mai Sơn. Chị Ngô Thùy Lệ Trang, cán bộ Đội hiện trường chia sẻ: Công việc lần này có thể coi là đơn giản nhất, vì địa điểm lấy mẫu chỉ cách thành phố có 30km. Sau khi lấy mẫu, chúng tôi sẽ mang về phòng thí nghiệm để thực hiện phân tích ngay, nhằm sớm đưa ra được kết quả phân tích, đánh giá nguyên nhân ô nhiễm.

Tốt nghiệp chuyên ngành Quản lý TN&MT, trường Đại học TN&MT Hà Nội, cuối năm 2018, cô gái quê Hưng Yên Ngô Thùy Lệ Trang đã lên tới Sơn La và gắn bó với mảnh đất này từ đó đến nay. Gần 3 năm trong nghề, vượt qua những bỡ ngỡ ban đầu, Trang đã đặt chân lên mọi nẻo đường của vùng cao Sơn La, được trải nghiệm nhiều cung đường mà trước nay chưa từng biết đến.

 "Chuyến đi đáng nhớ nhất với tôi chính là chuyến đi quan trắc cụm thủy điện Nậm Chim, Háng Đồng, Suối Sập tại huyện Bắc Yên vào khoảng tháng 11 năm 2020. Đoàn đi hôm đó có 4 người và chỉ mình tôi là nữ. Quãng đường đi quan trắc xa và hiểm trở, chủ yếu là đường đất đá gồ ghề, một bên là núi, một bên là vực. Công việc của chúng tôi là đặt máy lấy mẫu khí và nước. Nhiều khi thời gian thực hiện nhiệm vụ chỉ mất 2-3 tiếng đồng hồ, nhưng lại mất gấp 3-4 lần thời gian để di chuyển, do khoảng cách giữa các thủy điện khá xa nhau. Nhiều cung đường xe ô tô chưa vào được nên chúng tôi chủ yếu là tự đi bằng xe máy. Và lo nhất là làm sao để vận chuyển máy móc, trang thiết bị phục vụ công việc đến nơi an toàn.” – Trang cười.

Thực hiện nhiệm vụ quan trắc lấy mẫu nước thải.
Thực hiện nhiệm vụ quan trắc lấy mẫu nước thải.

Còn với nữ quan trắc viên Đoàn Thị Hòa, sau khi ra trường, với mong muốn góp phần công sức nhỏ bé của mình vào công tác bảo vệ môi trường của tỉnh, chị Hòa đã quyết định nộp hồ sơ vào Trung tâm Quan trắc và đã có hơn 10 năm gắn bó với nghề.

Quãng thời gian ấy, nữ quan trắc viên này không thể nhớ rõ số chuyến công tác mình đã từng đi. Chỉ biết, đặc thù của nghề là luôn được gắn bó với những cung đường quanh co, khúc khuỷu của miền Tây Bắc, với nắng gió, khói bụi, khí thải và… nước thải!

Các nữ quan trắc viên thực hiện nhiệm vụ quan trắc chất lượng môi trường.
Các nữ quan trắc viên thực hiện nhiệm vụ quan trắc chất lượng môi trường.

Hòa tâm sự: Có lần, tôi cùng 2 anh em khác thực hiện quan trắc chất lượng môi trường không khí tại một mỏ đá trên huyện Thuận Châu. Để thực hiện nhiệm vụ, chúng tôi phải bê máy lấy mẫu bụi cồng kềnh khoảng 30kg với quãng đường dốc gần 100m lên đến khu vực moong khai thác giữa cái nắng của mùa hè. Lên đến nơi, mồ hôi chảy từng dòng, nhưng vẫn kiên trì đứng canh máy cả ngày trời để có được những thông số quan trắc chuẩn xác nhất. Nên nếu không có niềm đam mê với nghề thì chắc khó có thể theo được nghề.

Những đêm trắng cùng các thông số…

Dù là nữ, nhưng khi được phân công nhiệm vụ, các quan trắc viên đều không quản khó khăn, vất vả để hoàn thành tốt công việc được giao. Có những thời gian cao điểm, những chuyến công tác kéo dài cả chục ngày ở những vùng sâu, vùng xa, khu xa dân cư với các chị là chuyện rất bình thường.

Sau khi kết thúc những chuyến quan trắc hiện trường, họ lại trở về với công việc phân tích tại phòng thí nghiệm. Công việc trong phòng thí nghiệm cũng không hề đơn giản, bởi phải thường xuyên tiếp xúc với các hóa chất độc hại trong quá trình phân tích. Công việc này không cố định thời gian, ngay sau khi tiếp nhận mẫu, dù là đêm khuya hay rạng sáng, quan trắc viên sẽ phải tiến hành phân tích ngay.

Chị Hòa còn nhớ như in, vào cuối năm 2017, khi cuộc sống người dân thành phố Sơn La trải qua 14 ngày bị đảo lộn nghiêm trọng vì nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm do hoạt động sơ chế cà phê tươi. Cũng bằng ấy thời gian, các quan trắc viên đã thực hiện quan trắc, lấy mẫu và phân tích liên tục 14 ngày.

"Tôi và một số anh em khác túc trực tại Phòng thí nghiệm để nhận mẫu và phân tích cả ngày đêm để đưa ra kết quả chính xác và báo cáo kịp thời theo sự chỉ đạo của UBND tỉnh. Quá trình làm việc, cần có sự tập trung cao độ nhất, sự cẩn thận, tỉ mỉ để đưa ra được kết quả phân tích mẫu chính xác nhất. Sau khi chất lượng nước ổn định và người dân được cấp lại nước, chúng tôi thấy rất vui và hạnh phúc vì đã đóng góp được một phần công sức của mình cho công tác bảo vệ môi trường tỉnh nhà” – Hòa chia sẻ.

Các nữ quan trắc viên thực hiện nhiệm vụ quan trắc chất lượng môi trường.
Các nữ quan trắc viên thực hiện nhiệm vụ quan trắc chất lượng môi trường.

Được biết, Trung tâm Quan trắc TN&MT Sơn La chính thức thành lập từ năm 2007. Thời gian đầu, chỉ tiêu Trung tâm thực hiện được không nhiều, do đó, Trung tâm phải thuê nhà thầu phụ dẫn đến không chủ động được tiến độ trả kết quả, trong khi lượng mẫu yêu cầu phân tích lớn và chủ đầu tư, cơ quan chức năng luôn yêu cầu đẩy nhanh tiến độ trả kết quả.

Nhận thức được vai trò, ý nghĩa của việc phát triển phương pháp phân tích các chỉ tiêu, chị Hòa cùng các đồng nghiệp đã nỗ lực tìm hiểu, nghiên cứu về phương pháp phân tích, hóa chất, thiết bị cần dùng từ các Trung tâm bạn như Trung tâm Quan trắc tỉnh Thái nguyên, Thái Bình, Quảng Ngãi, Hưng Yên..., nhận thấy có thể áp dụng tại Sơn La. Qua thời gian nghiên cứu, các quan trắc viên đã phát triển thành công phương pháp phân tích các chỉ tiêu về vi sinh, tổng Phenol, tổng các chất hoạt động bề mặt, tổng N, Amoni...

Thành công trên có ý nghĩa rất lớn trong việc nâng cao năng lực cho Trung tâm, chủ động được tiến độ trả kết quả, nâng cao độ chính xác và sự tin cậy, đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao trong công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực môi trường của tỉnh Sơn La. Cùng với đó, giúp tiết kiệm chi phí gửi mẫu phân tích các chỉ tiêu trên, góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống của cán bộ Trung tâm.

Công việc trong phòng thí nghiệm cũng không hề đơn giản, bởi phải thường xuyên tiếp xúc với các hóa chất độc hại trong quá trình phân tích.
Công việc trong phòng thí nghiệm cũng không hề đơn giản, bởi phải thường xuyên tiếp xúc với các hóa chất độc hại trong quá trình phân tích.

Ông Nguyễn Ngọc Khoát, Quyền Giám đốc Trung tâm Quan trắc TN&MT Sơn La cho biết: Dù tuổi đời còn non trẻ, nhiều năm qua, Trung tâm đã làm tốt các nhiệm vụ chuyên môn được giao, tạo được uy tín đối với các đơn vị trên địa bàn tỉnh. Trong thành tích chung đó, đội ngũ nữ quan trắc viên của Trung tâm đã góp phần không nhỏ.Hiện nay, Trung tâm Quan trắc TN&MT Sơn La có 27 cán bộ, trong đó có 14 nữ. Không hề thua kém cánh mày râu, dấu chân của những nữ quan trắc viên ngành TN&MT Sơn La đã có mặt tại mọi nẻo đường, từ những trung tâm đô thị đến những vùng sâu vùng xa, biên giới…; từ những mỏ đá, nhà máy thủy điện, những khu xử lý chất thải đến những dự án khác trên mọi ngành nghề.Không quản ngại khó khăn, vất vả, với lòng yêu nghề, vì sự đam mê cống hiến, họ đã nỗ lực để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Để từ đó, góp phần đưa ra những đánh giá cụ thể, chi tiết về chất lượng, hiện trạng môi trường. Đây là một trong những cơ sở quan trọng để các cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương đưa ra những biện pháp giảm thiểu ô nhiễm, chung tay bảo vệ môi trường bền vững.

Nguyễn Nga
Nguồn:monre.gov.vn

Tags nữ quan trắc viên quan trắc môi trường bảo vệ môi trường

Các tin khác

Nhà máy có quy trình xử lý rác thải khép kín, với năng lực xử lý mỗi ngày trên 20 tấn rác, thu về khoảng 6 tấn phân hữu cơ và 200 lít xăng dầu.

Những tấm gương sáng trong ngành giáo dục và khoa học luôn là nguồn cảm hứng không ngừng cho thế hệ trẻ. Trong số những nhà giáo và nhà khoa học ưu tú của lĩnh vực xây dựng, không thể không nhắc đến Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Văn Liên - một người thầy tận tụy, một nhà khoa học lỗi lạc và một nhà lãnh đạo mẫu mực.

Ba công trình của PGS.TS Trần Mạnh Trí được công bố trên các tạp chí khoa học thuộc top 5% hàng đầu thế giới trong các ngành kỹ thuật môi trường, độc học và sức khỏe, góp phần giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường do sự phát tán của các hóa chất tổng hợp.

Ông Trần Văn Hân, đoàn viên Công đoàn Công ty TNHH Một Thành Viên Môi Trường Đô Thị Hồng Lĩnh (tỉnh Hà Tĩnh) đã sáng tạo nhiều ý tưởng để các xe điện lấy rác hoạt động tốt hơn, giúp công nhân môi trường đỡ vất vả.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục