Công nhân Công ty Môi trường đô thị tiến hành khử khuẩn rác thải y tế liên quan dịch Covid-19.
Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP Hồ Chí Minh (Công ty Môi trường đô thị) đang cùng thành phố thực hiện nhiệm vụ rất quan trọng là tổ chức thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải y tế, rác thải liên quan đến dịch Covid-19.
Theo thống kê, lượng rác thải y tế ở các bệnh viện, khu cách ly tập trung liên quan dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố khoảng 35 tấn/ngày. Giám đốc Công ty Môi trường đô thị Huỳnh Minh Nhựt cho biết: "Ðể bảo đảm công tác thu gom rác được thông suốt, tránh tình trạng ứ đọng, gây nguy cơ lây nhiễm chéo trong khu cách ly, công ty đã bố trí thường trực một đội hơn 300 công nhân, bao gồm lực lượng trực tiếp và gián tiếp, tần suất hoạt động của các công nhân là 3 ca/ngày trong suốt 24 giờ. Hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải y tế, nhất là chất thải y tế tại các bệnh viện, khu cách ly Covid-19 được Công ty Môi trường đô thị thực hiện theo quy trình rất nghiêm ngặt, bảo đảm an toàn cho công nhân và không để lây lan dịch bệnh ra bên ngoài". Theo đó, công nhân vệ sinh sau khi được trang bị đồ bảo hộ theo tiêu chuẩn của ngành y tế, sẽ xuất phát từ Nhà máy xử lý rác thải nguy hại Ðông Thạnh (huyện Hóc Môn) đến các bệnh viện, khu cách ly để thu gom rác thải y tế. Phương tiện vận chuyển là xe tải 3,5 tấn, các thùng chứa rác có dung tích 240 lít có nắp đậy kín sẽ được phun dung dịch Cloramin B sát khuẩn an toàn trước khi xuất phát. Khi đến địa điểm nhận rác, xe tải tiếp tục được khử khuẩn. Rác thải y tế được cho vào túi ni-lông lớn, dán băng keo kín và được cho vào các thùng chứa rác. Mỗi chuyến, xe có thể vận chuyển được 20 thùng rác. Khi ra khỏi địa điểm nhận rác, xe được khử khuẩn một lần nữa. Về đến nhà máy xử lý, rác được xử lý qua hai lần phun xịt khử khuẩn, sau đó xử lý bằng công nghệ đốt nhiệt độ cao bằng lò quay sử dụng nhiên liệu ga. Tro thải sau khi đốt phải hóa rắn, chôn lấp tại nơi dành riêng chất thải nguy hại.
Ðể thực hiện đúng quy trình an toàn khi xử lý rác thải y tế liên quan đến dịch Covid-19, chính những công nhân vệ sinh là những người phải chấp nhận bao vất vả, thậm chí cả hiểm nguy luôn rình rập do nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh rất cao. Trưởng phòng Công nghệ Môi trường và Kiểm tra chất lượng (Công ty Môi trường đô thị) Cao Văn Tuấn bộc bạch: "Nếu nói bác sĩ, y tá, nhân viên trung tâm y tế, nhân viên trung tâm kiểm soát bệnh tật, lực lượng vũ trang… là tuyến đầu chống dịch thì công nhân thu gom, vận chuyển và xử lý rác có chứa mầm bệnh tại các khu cách ly, bệnh viện là những người bọc hậu cuối cùng bảo đảm toàn bộ khối lượng rác phát sinh phải được thu gom, vận chuyển, xử lý đúng quy trình, quy định, an toàn tuyệt đối. Họ xứng đáng được coi là "những chiến binh thầm lặng" trong cuộc chiến phòng, chống dịch Covid-19. Với việc ý thức cao mối nguy hiểm tiềm ẩn cho bản thân và nhằm bảo vệ gia đình, hàng xóm, những người công nhân này chọn cho mình giải pháp tự cách ly tại chỗ làm để hạn chế đến mức thấp nhất việc lây lan dịch bệnh. Họ luôn đối mặt với những hiểm nguy, để thực hiện mục tiêu chung là đẩy lùi dịch Covid-19". Theo tâm sự của anh Triều Phước An, công nhân chi nhánh Dịch vụ môi trường (Công ty Môi trường đô thị), mặc dù đã được công ty cấp đầy đủ trang thiết bị, đồ bảo hộ và nước sát khuẩn, nhưng vì tính chất công việc đặc thù cho nên các công nhân thường chọn cách là ở lại công ty. Họ chỉ về nhà sau khoảng 20 ngày kể từ ngày ngưng tiếp nhận công việc. Riêng trong đợt dịch lần này, anh An cùng các công nhân đã ở lại chỗ làm, họ xác định đến lúc dịch cơ bản được khống chế mới trở về nhà. Anh An mong muốn người dân cùng chung tay phòng, chống dịch, thực hiện nghiêm thông điệp 5K và các quy định của thành phố, của Chính phủ để sớm ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh. Ðây cũng là cách để các công nhân vệ sinh môi trường sớm hoàn thành nhiệm vụ được về đoàn tụ với gia đình.
Dù phải chịu rất nhiều thiệt thòi để hoàn thành công việc được giao, nhưng những công nhân làm công việc vệ sinh môi trường của thành phố vẫn không đòi hỏi nhiều quyền lợi cho mình. Với họ, mong muốn lớn nhất hiện nay là được tiêm phòng vắc-xin Covid-19 để tự tin hơn trong thực hiện nhiệm vụ. Theo góp ý của các chuyên gia, lực lượng công nhân vệ sinh môi trường đang phải làm nhiệm vụ thu gom rác trực tiếp tại khu vực có người lây nhiễm Covid-19 trên cả nước nói chung và TP Hồ Chí Minh nói riêng là những người có nguy cơ cao, cần được xếp vào nhóm tuyến đầu chống dịch, được ưu tiên tiêm ngừa vắc-xin Covid-19. Bên cạnh đó, UBND thành phố cần siết chặt quy trình thu gom rác thải từ khu vực có người nhiễm hoặc nghi nhiễm Covid-19, kết hợp đẩy nhanh đầu tư công nghệ xử lý rác thải này, giảm nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng.
Theo ANH TUẤN/ nhandan.vn