Tổng chỉ huy của PTN là PGS.TS Lê Thị Quỳnh Mai, Phó Viện trưởng Viện VSDTTƯ, người cách đây 17 năm cùng các cộng sự đã "bắt" thành công virus SARS-CoV, virus cúm A/H5N1 và giờ đây là virus SARS-CoV-2. Với nhiều thành tích đặc biệt xuất sắc trong suốt quá trình nghiên cứu khoa học, ứng dụng thành công vào thực tiễn, Ủy ban Giải thưởng Kovalepskaia Việt Nam đã quyết định trao giải tập thể năm 2019 cho các nhà khoa học nữ của PTN.
Xuyên Tết để "bắt" thành công virus SARS-CoV-2
Tới PTN, Khoa Virus, chúng tôi hoàn toàn bất ngờ bởi công việc bận rộn, vất vả của các nhà khoa học, đặc biệt là các nhà khoa học nữ. TS Hoàng Vũ Mai Phương, Trưởng Khoa virus cho biết, từ trước Tết nguyên đán đến nay, các cán bộ, nhân viên của Khoa nói chung và PTN nói riêng ứng trực 24/7 để nghiên cứu phân lập virus SARS-CoV-2, xét nghiệm các mẫu bệnh phẩm từ 28 tỉnh, thành phía Bắc gửi về.
Các nhà khoa học đang nghiên cứu, xét nghiệm virus COVID-19 trong phòng thí nghiệm.
Trong phòng thí nghiệm, các nhân viên mặc quần áo bảo hộ đang miệt mài làm việc. Mỗi ca xét nghiệm kéo dài 4 tiếng, họ đã rèn luyện thành thói quen, gần như không phải ra ngoài nếu không có sự cố cấp bách. Áp lực công việc luôn đè nặng, bởi các mẫu bệnh phẩm cần xét nghiệm quá tải.
Kể về quá trình phân lập thành công virus SARS-CoV-2, PGS.TS Lê Thị Quỳnh Mai cho biết, thời điểm đó chúng ta chưa có mẫu chứng dương để đối chứng phục vụ xét nghiệm phát hiện ra virus mới này. Không chỉ Việt Nam mà cả thế giới đều không có.
Tham khảo quốc tế, nhóm nghiên cứu được khuyến cáo có thể sử dụng con virus SARS-CoV cho xét nghiệm tìm virus mới này, mà con virus SARS-CoV lại được Viện phân lập cách đây 17 năm, vẫn còn lưu giữ tại phòng An toàn sinh học cấp 3 để phục vụ công tác nghiên cứu.
Chia sẻ về quá trình đi "bắt” con virus SARS-Cov-2, PGS.TS Nguyễn Lê Khánh Hằng, Phó trưởng Khoa Virus, thành viên của PTN cho biết: "Việc phân lập đã được chúng tôi nghĩ đến ngay vì trước đó Viện đã phân lập được virus SARS-CoV năm 2003 và cúm gia cầm động lực cao H5N1 năm 2004.
Dưới sự chỉ đạo của GS.Viện trưởng Đặng Đức Anh, nhóm nghiên cứu gồm 11 người là những cán bộ của PTN và Phòng thí nghiệm Các tác nhân virus gây bệnh từ động vật sang người (Khoa Virus) do PGS.TS Lê Thị Quỳnh Mai làm tổng chỉ huy đã bắt tay vào nuôi cấy” - nữ PGS chia sẻ.
Không thể kể hết bao nhiêu vất vả, bao nhiêu tâm huyết của các nhà khoa học khi con virus biến chủng này rất lạ, thông thường virus gây bệnh sẽ ảnh hưởng lên tế bào vật chủ, làm cho tế bào ốm hoặc giết chết tế bào. Nhưng con này nuôi cấy đến 72 giờ mà tế bào vẫn cứ đẹp. Nhưng may mắn trong số mẫu bệnh phẩm phân lập có được mẫu dương tính.
Sáng 7/2, cả nhóm nghiên cứu sau khi biết chắc đã "bắt" được con virus, tất cả đều vỡ òa trong hạnh phúc. Theo nữ PGS, đây là thành công rất quan trọng, khi phân lập được virus mới xác định nguồn gốc của nó có độ tương đồng với virus đang lưu hành ở Vũ Hán là bao nhiêu phần trăm, sẽ giúp giải mã nguồn gốc của virus mới, độc lực, cơ chế gây bệnh, khả năng xâm nhập, tính sinh miễn dịch… Đây cũng là dữ liệu tiên quyết để nghiên cứu các liệu pháp điều trị, phát triển các sinh phẩm chẩn đoán đặc hiệu và sản xuất vaccine trong tương lai.
Những nghiên cứu nổi bật
Nhìn bề dày thành tích của PTN, chúng tôi mới thấu hiểu, để một nghiên cứu khoa học ứng dụng vào thực tiễn quý báu, các nhà khoa học đã vất vả biết nhường nào. PTN có 12 cán bộ thì có 7 cán bộ nữ do PGS.TS Lê Thị Quỳnh Mai làm Trưởng phòng. PTN được WHO công nhận là Trung tâm Cúm quốc gia vào tháng 3-2000. Trong những năm qua, đơn vị đã đạt được rất nhiều thành tích xuất sắc trong nghiên cứu khoa học ứng dụng vào công tác phòng chống dịch bệnh của nước ta.
Đây cũng là đơn vị đầu tiên thu thập, phân lập và xác định căn nguyên gây dịch viêm đường hô hấp cấp tính nặng (SARS) tại Việt Nam vào năm 2003 là tác nhân virus lạ. Tại thời điểm đó, nhóm nghiên cứu PGS.TS. Lê Thị Quỳnh Mai trực tiếp tham gia điều tra, thu thập mẫu, tiến hành chẩn đoán, các trường hợp nhiễm SARS đầu tiên điều trị tại Bệnh viện Việt - Pháp. Ghi nhận cống hiến đóng góp của PTN trong khống chế dịch SARS, Chủ tịch nước đã trao tặng Huân chương lao động hạng 3 cho PTN.
Các nhà khoa học nữ Phòng Thí nghiệm Cúm miệt mài nghiên cứu trong mùa dịch COVID-19.
PTN trở thành Trung tâm chuẩn thức Quốc gia, đầu ngành về nghiên cứu virus cúm, thành viên trong mạng lưới cúm toàn cầu (GISRS), đóng góp vào chẩn đoán, nghiên cứu virus cúm gia cầm độc lực cao lây truyền từ gia cầm sang người A/H5N1 (2003-2014).
Với bài học kinh nghiệm từ công tác phòng chống dịch SARS năm 2003, nhóm nghiên cứu tiếp tục trực tiếp xét nghiệm xác định trường nhiễm virus cúm gia cầm A/H5N1 trên người đầu tiên tại Việt Nam vào những ngày cuối tháng 12-2003. Sau đó, đơn vị tiếp tục nghiên cứu phát triển vaccine phòng chống cúm và kiểm soát sự kháng thuốc của các virus cúm.
Hiện tại, PTN là thành viên của Hệ thống Giám sát cúm toàn cầu, thường xuyên cập nhật số liệu virus học cúm hàng tháng vào mạng lưới Flunet của WHO và chia sẻ các chủng cúm mùa đại diện của Việt Nam hàng năm (50 chủng) tới các trung tâm nghiên cứu Cúm chính thức để lựa chọn thành phần vaccine cúm hàng năm.
Theo chia sẻ của PGS.TS Nguyễn Thị Quỳnh Mai, định hướng tới đây, PTN tiếp tục tìm hiểu về đặc điểm virus cúm, vật chủ (người, động vật) và các yếu tố môi trường tác động đến sự tiến hoá và sự nổi trội nguy hiểm của virus cúm, đặc biệt là khả năng lây truyền của virus cúm A từ động vật sang nguời.
Phát triển và hoàn thiện các phương pháp giám sát, phát hiện nhanh các tác nhân virus gây nhiễm trùng nổi trội: Cúm mùa, cúm gia cầm với khả năng tiềm tàng lây nhiễm cho người hoặc gây đại dịch, từ đó cho phép đánh giá nguy cơ và xây dựng các biện pháp ứng phó.
Các cơ hội và thách thức trong nghiên cứu về tác nhân virus gây viêm đường hô hấp cấp, đặc biệt là virus cúm tại Việt Nam vẫn còn rất nhiều trong tương lai. Tuy nhiên, với các kết quả đã đạt được, các nhà khoa học nữ của PTN đã thành công trong việc kết nối, hệ thống những thành tựu nghiên cứu tại Việt Nam và phát triển lý thuyết khoa học, đi từ virus cúm tới chế phẩm vaccine cúm mùa và vaccine cho đại dịch cúm.
PGS.TS Lê Thị Quỳnh Mai cho biết, các nghiên cứu của PTN hiện tại và trong tương lai đều hướng đến mục tiêu chung giảm gánh nặng bệnh tật của dịch bệnh cúm mùa và giảm nguy cơ, ảnh hưởng của đại dịch cúm nhằm bảo vệ sức khoẻ cộng đồng tại Việt Nam cũng như các quốc gia khác trên thế giới.
Theo Trần Hằng/cand.com