Nam Định: Nâng cao ý thức đẩy lùi rác thải nhựa

  • Cập nhật: Thứ bảy, 21/9/2024 | 10:47:18 AM

Từ năm 2019 đến nay, phong trào "Chống rác thải nhựa" tại Nam Định đã được triển khai mạnh mẽ với nhiều hoạt động đa dạng, phong phú.

 Những chương trình tiêu biểu như "Sông sạch, Biển xanh”, "Biến rác thành tiền” hay quản lý rác theo "giải pháp 3T” đã được triển khai sâu rộng, góp phần làm thay đổi thói quen sử dụng nhựa, thúc đẩy tinh thần trách nhiệm trong việc bảo vệ môi trường và gìn giữ đại dương xanh, sạch đẹp.

Đồng bộ từ chính quyền đến cộng đồng

Tỉnh Nam Định đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện phong trào chống rác thải nhựa, lồng ghép trong các hội nghị, hội thảo chuyên đề và sinh hoạt chính trị. Các cơ quan, tổ chức trên địa bàn tỉnh đã ký cam kết thực hiện phong trào này, góp phần đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng. Từ việc treo pano, khẩu hiệu cho đến tổ chức các chiến dịch ra quân vệ sinh môi trường, thu gom và phân loại rác thải nhựa, mọi nỗ lực đều hướng đến mục tiêu xây dựng Nam Định xanh, sạch và thân thiện với môi trường.



Một trong những hình thức truyền thông hiệu quả nhất là phát động phong trào sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường thay thế túi nilon và nhựa dùng một lần. UBND tỉnh còn trao tặng túi vải, làn đi chợ nhằm thay thế túi nilon, giúp hình thành thói quen tiêu dùng xanh trong cộng đồng. Mô hình thu gom, phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình được triển khai và nhân rộng, góp phần đẩy mạnh phong trào xây dựng nông thôn mới theo hướng bền vững.

Sở TN&MT tỉnh Nam Định đã phối hợp với nhiều tổ chức chính trị và đoàn thể địa phương như Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Hội Người cao tuổi, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Liên đoàn Lao động, Hội Cựu Chiến binh… để lồng ghép nội dung tuyên truyền bảo vệ tài nguyên môi trường với phong trào chống rác thải nhựa trong các kế hoạch hằng năm.


Mô hình "Biến rác thành tiền” được Hội LHPN xã Hải Cường, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định

Từ năm 2019 đến nay, tỉnh đã tổ chức nhiều hội nghị tuyên truyền về tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới nâng cao và hướng dẫn phân loại rác tại hộ gia đình. Nội dung truyền thông nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giảm thiểu, tái chế, tái sử dụng rác thải nhựa. Các hội nghị còn có thêm các hoạt động hỗ trợ như tặng túi vải, thùng rác, và cây xanh kèm theo thông điệp bảo vệ môi trường. Đặc biệt, mô hình "Biến rác thành tiền" của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã thành lập tại 100% cơ sở Hội với 335 mô hình ở 5/9 huyện, thu hút 15.317 thành viên tham gia.

Nhân rộng các hành động làm sạch biển

Nam Định không chỉ nỗ lực bảo vệ môi trường đất liền mà còn đặc biệt quan tâm đến bảo vệ môi trường biển. Tỉnh Nam Định đã phối hợp với Trung tâm Bảo tồn Sinh vật biển và Phát triển Cộng đồng (MCD) triển khai các dự án liên quan đến việc giảm thiểu rác thải nhựa đại dương. Tiêu biểu là 3 Dự án: "Thí điểm quản lý rác thải đô thị theo dòng chảy từ sông ra biển nhằm giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa ở tỉnh Nam Định, Khu dự trữ sinh quyển sông Hồng, Việt Nam”; dự án: "Hỗ trợ thực hiện các sáng kiến giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam”; dự án: "Giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa trên sông Hồng”.

Trong giai đoạn từ 2019 đến 2023, đã có 5 bẫy rác được lắp đặt và vận hành dọc theo các dòng sông. Đồng thời, các nhóm nòng cốt tại địa phương đã được thành lập để duy trì hoạt động của bẫy rác, góp phần quan trọng vào việc giảm thiểu rác thải ra đại dương.

Một chiến dịch truyền thông xuyên suốt dự án mang tên "Sông sạch, Biển xanh” đã được tổ chức, kêu gọi cộng đồng cùng nhau giảm thiểu rác thải nhựa. Hàng chục khóa tập huấn, đối thoại chia sẻ kinh nghiệm cũng được tổ chức, nâng cao nhận thức và kỹ năng của người dân trong việc thu gom, phân loại và xử lý rác thải sinh hoạt, áp dụng nguyên tắc 3T: Tiết giảm, Tái sử dụng, Tái chế.

Sở TN&MT Nam Định còn phối hợp với Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường và Công ty Panasonic Việt Nam tổ chức trồng cây và thu gom rác thải biển tại xã Phúc Thắng, huyện Nghĩa Hưng năm 2020. Các đơn vị chuyên môn của Sở cũng tích cực tham gia các hội nghị, giảng bài về Luật Bảo vệ môi trường 2020, hướng dẫn thu gom, phân loại rác thải tại hộ gia đình và phát động phong trào chống rác thải nhựa tại các xã, phường, trường học trong toàn tỉnh.


Sở TN&MT Nam Định phối hợp với Trung tâm Truyền thông TN&MT và Công ty Panasonic Việt Nam trồng cây và thu gom rác thải biển tại xã Phúc Thắng, huyện Nghĩa Hưng năm 2020

Đặc biệt, tỉnh đã tổ chức các hội nghị tuyên truyền về quản lý rác thải đại dương tại 2 huyện ven biển Giao Thủy và Hải Hậu. Các xã ven biển cũng được hỗ trợ hướng dẫn thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển, tạo nền tảng cho việc quản lý rác thải nhựa và ô nhiễm môi trường biển.

Mặc dù đạt được nhiều kết quả tích cực, công tác truyền thông về giảm thiểu rác thải nhựa tại Nam Định vẫn đối mặt với một số khó khăn.

Theo Sở TN&MT Nam Định, hiện chưa có các quy định cụ thể về chính sách áp thuế cao đối với các cơ sở sản xuất nhựa hay giảm thuế cho các đơn vị tái chế. Đội ngũ tuyên truyền viên về bảo vệ môi trường tại các cấp, đặc biệt ở cấp huyện và xã, còn hạn chế về số lượng và kỹ năng. Bên cạnh đó, tính bền vững của một số mô hình, phong trào chống rác thải nhựa cũng chưa được đảm bảo do thiếu kinh phí và cơ chế chính sách hỗ trợ. Ý thức bảo vệ môi trường của một số cơ sở sản xuất, kinh doanh và cộng đồng dân cư vẫn còn chưa cao, ảnh hưởng đến hiệu quả của các hoạt động tuyên truyền.

Dù còn gặp nhiều thách thức, công tác truyền thông về giảm thiểu rác thải nhựa tại Nam Định đã đạt được những bước tiến đáng kể. Với sự vào cuộc mạnh mẽ của chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội và cộng đồng, phong trào "Chống rác thải nhựa" tại Nam Định đang từng bước lan tỏa và mang lại hiệu quả tích cực trong bảo vệ môi trường và xây dựng nông thôn mới bền vững.

Ngọc Trâm/Báo TN&MT