Đầu tư hàng nghìn tỷ chỉ để bới rác cũ lên đốt phát điện: Lợi ích ở đâu?

  • Cập nhật: Thứ hai, 9/9/2024 | 11:51:22 AM

Việc đề xuất lấy nguồn rác đã chôn lấp trước đây tại bãi rác Nam Sơn lên xử lý bằng công nghệ đốt là điều nhiều chuyên gia cảm thấy ngạc nhiên và đặt câu hỏi về tính thực tế, hiệu quả. Trong khi, có nhiều cách để biến một bãi rác thành công viên.

Công ty CP Năng lượng môi trường Thiên Ý Hà Nội (Công ty Thiên Ý) vừa đề xuất điều chỉnh Quyết định chủ trương đầu tư mở rộng, bổ sung thêm 2 lò đốt 800 tấn/lò/ngày (1.600 tấn/ngày) nhằm chủ yếu xử lý bãi rác chôn lấp Nam Sơn.

Dự án với thời gian thực hiện dự kiến khoảng 10 năm. Sau đó, mặt bằng đất khu vực này có thể làm sân golf, công viên hoặc khu công nghiệp.

Dự án Nhà máy điện rác Sóc Sơn tại Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn hiện đã đi vào vận hành, tiếp nhận và xử lý 4.000-5.000 tấn/ngày (tương đương 60% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) của Hà Nội), công suất phát điện 90MW. Song việc nhà máy này đề xuất lấy nguồn rác cũ đã chôn lấp trước đây lên xử lý bằng công nghệ đốt là điều khiến nhiều chuyên gia cảm thấy ngạc nhiên và đặt câu hỏi về tính thực tế, hiệu quả.

Bới rác cũ lên đốt - tốn kém, không hiệu quả

Chia sẻ với phóng viên, ông Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Năng lượng và Tăng trưởng xanh cho rằng: Những rác đã chôn xuống dưới thường có độ ẩm rất cao, lẫn bùn đất, cực kỳ khó đốt. Với công nghệ đốt rác, điều lo lắng nhất là rác có độ ẩm cao, cho nên hiệu quả đốt rác sẽ rất kém.

Hơn nữa, bãi rác cũ đương nhiên ẩn chứa một lò khí mê tan bởi chôn lấp rác có kim loại, thực phẩm..., bản chất nó là mỏ mê tan. Giờ xới đống rác đó lên thì khác gì mở toang mỏ khí mê tan ở dưới hầm rác đó cho phát tán ra môi trường.

"Đây là câu chuyện không hề đơn giản”, ông Sơn chia sẻ. Thậm chí, việc này có nguy cơ gây phát tán, ô nhiễm khí độc hại từ bãi rác ra môi trường xung quanh.


Bãi rác Nam Sơn là bãi rác lớn nhất thủ đô.

Một chuyên gia khác đánh giá: Trên thế giới, không quốc gia nào lựa chọn phương pháp đào bãi rác chôn lấp cũ lên để đốt phát điện, kể cả những nước giàu và tiên tiến vì quá tốn kém, không hiệu quả. Nếu thành phố đồng ý cho đầu tư mở rộng nhà máy thêm 2 lò 800 tấn/ ngày đêm tức là 1.600 tấn/ ngày đêm, tương đương với suất đầu tư khoảng hơn 3.000 tỷ. Như vậy, nhà đầu tư phải thu về hơn con số này thì họ mới đầu tư. Vậy ngân sách thành phố lấy đâu ra hơn 3.000 tỷ chi cho việc này? Nếu đầu tư để đốt rác cũ thì liệu cải tạo bãi rác đó có thu lại được 3.000 tỷ không hay sẽ gây lãng phí? 

Thực tế, các quốc gia giàu có như Trung Quốc, Hàn Quốc đã cải tạo bãi rác chôn lấp cũ bằng biện pháp đơn giản, hiệu quả hơn nhiều với chi phí chỉ khoảng vài trăm tỷ tức chưa bằng 1/3 số tiền mở rộng nhà máy để đốt, thậm chí ít hơn. Trong đó bao gồm cả việc xử lý môi trường cho bãi rác và việc cải tạo cảnh quan.

Có thể thấy, chi phí xử lý nước rỉ rác và khí sinh học phát sinh sau đóng bãi rẻ hơn rất nhiều so với việc bỏ chi phí ra để bới rác cũ lên đốt như cách mà nhà đầu tư đang đề xuất ở trên. 


Dự án phục hồi sinh thái của Bãi rác Cầu Trường Sinh (Trùng Khánh – Trung Quốc)

Phải tính toán thật cẩn thận, vì lợi ích chung của xã hội

Trả lời PV.VietNamNet, TS Hoàng Dương Tùng, chuyên gia môi trường chia sẻ: Tôi có đọc thông tin này. Tôi nghĩ việc xử lý bãi rác Nam Sơn có nhiều giải pháp, không nhất thiết phải đào lên để đốt.

"Chúng ta phải bàn kỹ những giải pháp với bãi rác cũ, làm thế nào để tối ưu, phù hợp quy hoạch, đảm bảo cho các mục tiêu xa, không chỉ vì lợi ích của nhà đầu tư, mà phải đặt lợi ích của xã hội lên đầu tiên”, ông Tùng lưu ý.

Kinh nghiệm ở Hàn Quốc, Trung Quốc… cho thấy, các quốc gia này cải tạo bãi rác cũ thành công viên bằng phương pháp đơn giản, hiệu quả hơn, không nhất thiết phải đào lên.

Một chuyên gia môi trường chia sẻ: Phương pháp xử lý này bao gồm định hình bãi rác, sử dụng màng LLDPE che phủ kín trên mặt và xung quanh để tránh nước xâm thực. Sau đó tiến hành lắp đặt một lượng lớn các giếng lồng đá dẫn khí sinh học trên mặt đất để tận dụng thành khí đốt. Xây dựng hệ thống thu gom và dẫn nước rỉ rác tập trung về trạm xử lý hoặc hồ điều chỉnh để lọc. Sau xử lý, nước rỉ rác sẽ trở thành nước trong vô hại và bùn muối đem chôn. Sau khoảng 8 năm, nước rỉ rác và khí thải sẽ bị suy thoái và dần biến mất.

Ngay khi cấu trúc của bãi chôn lấp được ổn định, nước rỉ và khí thải được kiểm soát thì bãi rác sẽ được đắp đất lên và phủ xanh. Việc trồng vườn và thiết lập cảnh quan sẽ được thực hiện. Khi đó có thể tận dụng bãi đất này làm công viên.

TS Hoàng Dương Tùng đề nghị thành phố Hà Nội cân nhắc việc cho phép mở rộng công suất của nhà máy này. Nhà đầu tư muốn đầu tư thêm vì họ đốt rác đó không phải miễn phí, Nhà nước phải trả tiền tươi hoặc nếu đào lên đốt rác thì họ cũng có mục đích khác, không ai đốt không cho mình đâu, nên phải tính toán thật kỹ vì mục tiêu, mục đích môi trường của Hà Nội chứ không phải của nhà đầu tư.

Nhiều rủi ro nếu "bỏ hết trứng vào một giỏ”

Bày tỏ lo lắng với đề xuất mở rộng công suất nhà máy này, ông Hoàng Dương Tùng cho rằng: Nhà máy đó đã xử lý 4.000 tấn rác/ngày đêm, lớn thứ nhì thế giới. Đó là nguồn có nguy cơ ô nhiễm rất lớn. Nếu tập trung vào một chỗ đó mà có sự cố gì thì rủi ro đối với sức khoẻ người dân Hà Nội là rất cao vì bao nhiêu khí thải, dioxin, furan người dân hít hết. Thậm chí ảnh hưởng đến an ninh môi trường.

"Trên thế giới rất e ngại làm một nhà máy to như vậy, phải có các biện pháp phân tán nguồn rủi ro đi. Tập trung vào một chỗ như thế là rất nguy hiểm, việc gì lại phải vì lợi ích của ai đó mà đầu tư mở rộng thêm. Chúng tôi khuyến cáo tập trung kiểm soát ô nhiễm hiện tại cho tốt và nên bàn bạc kỹ về vấn đề rác cũ", chuyên gia này chia sẻ.

Ngoài ra, TS Hoàng Dương Tùng lưu ý phải hết sức cẩn thận với khả năng sẽ thiếu rác để đốt. Bởi vì nếu triển khai tốt việc phân loại rác tại nguồn thì vài năm nữa phải tính toán quy hoạch cẩn thận, nếu không sẽ thừa công suất.

Thực tế, hiện Hà Nội có 5 nhà máy điện rác được quy hoạch và đang xây dựng với tổng công suất đủ để xử lý rác của thành phố trong vòng 15 năm nữa. Nếu cấp phép thêm như đề xuất trên sẽ dẫn đến dồn hết rác thành phố về đây đốt, vừa gây thiếu rác cho các nhà máy khác hoạt động dẫn đến đầu tư lãng phí, vừa đẩy chi phí xử lý rác cao do vận chuyển xa. 

Ông Hoàng Dương Tùng khuyến nghị: "Hà Nội phải hết sức cân nhắc việc này. Từ việc xử lý bãi rác cũ ra sao, mở rộng công suất như thế nào, xây dựng năng lực kiểm soát ô nhiễm ra sao với mục đích chung, không chỉ vì lợi ích của nhà đầu tư, mà vì lợi ích xã hội, bảo vệ môi trường, cuộc sống người dân”.

Tâm An/vietnamnet.vn