Rồng trong đời sống tâm linh người Việt

  • Cập nhật: Thứ sáu, 9/2/2024 | 4:33:47 PM

Rồng đã được 'dân gian hóa' đi vào từ đời sống tâm linh, tín ngưỡng đến các vật dụng của nhiều gia đình.

Rồng xuất hiện là thể hiện cái tốt đẹp, chân-thiện-mỹ. Hình tượng rồng Việt Nam, ngậm viên châu trong miệng, thể hiện tinh thần tôn trọng các giá trị nhân văn cao quý.

Cứ mỗi năm hết, Tết đến, biểu tượng linh vật của năm lại được nhắc đến để thay thế cho linh vật của một năm đã qua. Theo chu kỳ năm 2024 – năm giáp Thìn được coi là năm đặc biệt có nhiều thay đổi và biến động trong cuộc sống, mang lại năng lượng và sức mạnh, có sức quyến rũ và tỏa sáng, là biểu tượng của sự giàu có và quyền lực, đại diện cho linh vật oai hùng trong thần thoại.

Cũng chưa ai nhìn thấy rồng thật bao giờ, nhưng khi nhắc đến rồng, người ta liền hiện ngay trong tâm trí là một con vật linh thiêng, cao quý. Rồng đã tồn tại trong tâm thức người Việt, xuất phát từ cội nguồn dân tộc.

Rồng đã đi theo suốt chiều dài hình thành lịch sử dân tộc. Rồng xuất hiện trong cuộc sống như một điềm lành. Rồng gắn liền với quyền uy của vua chúa. Rồng đã vào nơi thờ tự ở chùa chiền. Rồng luôn là con vật mà ai ai cũng ngưỡng mộ và hướng về với lòng kiêng nể lẫn niềm tự hào.



Ngoài cõi người cư ngụ, kinh điển Phật giáo và Đạo giáo, thường nhắc đến chủng tộc của Rồng. Một dạng chư Thiên sống dưới nước. Có đầy đủ thần thông và vô lượng phước báo. Long Vương có vô số quyến thuộc, thường hay hộ trì Phật Pháp.

Rồng là một biểu tượng huyền thoại trong nhiều nền văn hóa. Biểu tượng này xuất hiện từ rất sớm, trải qua nhiều giai đoạn phát triển khác nhau, khiến cho nó có sự phong phú cả về nội hàm biểu tượng, cũng như về hình dáng và phương pháp tạo tác. Ở Việt Nam, rồng là một biểu tượng có nguồn gốc đa nguyên.

Trong đời sống văn hóa tinh thần của người Việt Nam, có rất nhiều truyền thuyết về rồng. Rồng của dân gian biểu trưng cho sự tốt đẹp, may mắn và thịnh vượng, là sức mạnh của sự sống. Hình ảnh của rồng, là hình ảnh vị thần phun nước làm mưa để dân cày ruộng, mang lại lúa gạo nuôi sống con người.

Theo tín ngưỡng dân gian Việt Nam, thì sự xuất hiện của Rồng, là tượng trưng cho điềm lành, sự an cư lạc nghiệp, sinh tồn và phát triền thịnh vượng. Rồng là loài vật linh thiêng, tượng trưng cho quyền lực, sức mạnh, sự huy hoàng và bất tử, mang xu hướng tích cực nhiều hơn là tiêu cực, cho nên còn được gọi là Long Thần. Vào thời vua Lý Công Uẩn, khi vua nhìn thấy Rồng bay lên trời, báo hiệu điểm lành của nhà nước an bình, thịnh vượng thì Ngài mới đặt tên thủ đô là Thăng Long.

Cuộc sống hiện đại, con rồng đã được "dân gian hóa” đi vào từ đời sống tâm linh, tín ngưỡng đến các vật dụng của nhiều gia đình. Rồng xuất hiện là thể hiện cái tốt đẹp, chân-thiện-mỹ. Hình tượng rồng Việt Nam, ngậm viên châu trong miệng, thể hiện tinh thần tôn trọng các giá trị nhân văn cao quý, sự uyên bác và tinh thần cao thượng.

Hình tượng Rồng từ lâu, đã mang ý nghĩa đặc biệt, trải qua tiến trình lịch sử cho đến nay, hình tượng Rồng vẫn luôn là một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa tâm linh.

Theo truyền thuyết, rồng là loài vật linh thiêng, có thần thông, có khả năng làm mưa, phun ra khói, lửa, thăng, giáng, ẩn, hiện, biến hóa lớn nhỏ một cách tự tại. Kinh điển Phật giáo có nhiều huyền thoại về đức Phật liên quan đến rồng, chẳng hạn như: Chín rồng phun nước tắm cho thái tử khi mới đản sinh. Lúc ấy, nơi gốc cây cũng hiện ra bảy hoa sen (thất bảo) lớn như bánh xe.


Toà Cửu Long, sơn son thiếp vàng, thế kỷ 18-19. Ảnh: TTD

Thái tử đứng trên hoa sen không cần người đỡ, tự đi bảy bước, đưa cánh tay phải lên, cất giọng như sư tử rống: "Trong tất cả trời người, ta là bậc tôn quý nhất; vô lượng sinh tử, hôm nay đã chấm dứt. Đời này ta sẽ làm lợi ích cho tất cả chúng sinh”. Vừa nói xong, bốn vị Thiên vương lấy lụa trời đỡ lấy Thái tử, đặt trên ghế báu, Thích Đề Hoàn Nhơn và Đại Phạm Thiên Vương, tay cầm bảo cái đứng hầu hai bên, Long vương Nan Đà, Long vương Ưu Ba Nan Đà, ở trên hư không phun một dòng nước ấm, một dòng nước mát trong sạch tắm cho Thái tử.

Thân Thái tử màu vàng ròng, có 32 tướng tốt, phóng ánh sáng rực rỡ chiếu khắp ba ngàn đại thiên thế giới. Tám bộ Trời, Rồng ở trên hư không trỗi các kỹ nhạc, ca tụng khen ngợi, đốt các hương thơm, rải nhiều hoa báu, tuôn xuống như mưa các loại y trời và anh lạc rực rỡ, không thể tính kể. Rồng che mưa cho Phật, Phật hàng phục hỏa long, Long vương nghe kinh Thập thiện, Long nữ thành Phật… Rồng là biểu tượng xuất hiện vô cùng phổ biến xưa và nay. Hình ảnh Rồng gắn với hoa Sen.

Hoa Sen là loài hoa gần gũi nhưng không kém phần thanh cao, trong tâm thức của người Việt hoa Sen là biểu tượng của sự thuần khiết, trong sáng. Sen được nhiều người xem là quốc hoa Việt Nam, tượng trưng cho khí phách, bản sắc tâm hồn Việt. Hoa Sen đã đi vào lòng người, đi vào cuộc sống có vai trò và vị trí đặc biệt cả về tâm linh và văn hóa của người Việt. Từ bao đời nay, hoa Sen đã mang ý nghĩa vô cùng thiêng liêng, đây là loài hoa tượng trưng cho sự trong sạch, kiên cường trước mọi cám dỗ của cuộc sống, cũng như giúp hóa giải mọi điềm xấu, để dẫn đến thành công.

Vì thế, hoa Sen đã trở thành một biểu tượng vừa gần gũi, vừa thanh cao. Khi nhìn ngắm hồ sen, qua tuệ nhãn của Đức Phật, thấy rằng giữa cuộc đời này, có nhiều hạng căn cơ khác nhau. Có căn cơ thấp như khi sen còn trầm luân dưới đáy bùn, có căn cơ cao như khi đã vươn lên thành hoa xòe nở đón nhận ánh sáng mặt trời. Vì vậy, hoa Sen trở thành biểu tượng trong nghệ thuật Phật giáo của người Phương Đông.

Sự hình thành của Sen diễn ra theo quy luật nhân quả luân hồi: Sen có cả nụ- hoa -hạt. Hoa sen nở tượng trưng cho quá khứ, đài Sen tượng trưng cho hiện tại và hạt sen tượng trưng cho tương lai, tất cả đều là sự nối tiếp liên tục với nhau. Nó tượng trưng cho vẻ đẹp thần bí, huyền ảo, tư tưởng thầm kín.

Màu của hoa Sen được ví như màu của đức hạnh, từ bi, trí tuệ, màu của sự thanh cao thể hiện trong đời sống đạo đức, văn hóa, mang đầy giá trị minh triết Phật giáo đối với nhân sinh, nhẹ nhàng, thanh thoát, cùng với dáng vẻ khoan thai, bình yên. Nó cũng chính là biểu tượng của sự hoàn hảo, thuần khiết, tượng trưng cho bản chất nguyên thủy của trái tim, yêu thương, bình dị, thanh cao, thuần khiết và mang một phong thái tôn nghiêm.

"Sen nở trong đầm đỏ trắng phơi, Bùn nhơ không nhiễm sắc thêm tươi.Thân ngay, ngó rỗng, gương đầy hột.Cái lý tu hành cũng thế thôi.”

Hình ảnh đức Phật được mô tả là ngồi trên tòa sen với tư thế "liên hoa tọa” (tư thế hoa sen). Đây cũng là tư thế ngồi thiền định giúp cho con người có được sự an tịnh của thân và tâm. Hoa sen thường gắn liền có 8 cánh là đại diện của Bát Chính Đạo, cho nên đạo Phật ví nó như những đức tính của người tu hành giải thoát.

Điển hình như, khi lễ Tam bảo, hai bàn tay chắp lại làm thành hình hoa sen búp, được gọi là phép lễ lạy "Liên hoa hiệp chưởng”. Bộ Tam y của một vị thầy Tỳ kheo dùng để mặc hàng ngày và trong nghi lễ được gọi là "Liên hoa phục” hay còn gọi là "Liên hoa y”.

Trong thế giới Cực Lạc của Đức Phật A Di Đà được gọi là "Liên Bang”. Theo Tịnh Độ tông hay còn gọi là Liên tông thì trong thế giới này có rất nhiều hoa sen tinh khiết, thơm ngát hương… là sự tượng trưng cho Tam Bảo, Phật, Pháp, Tăng và là biểu tượng của các đức hạnh Trí tuệ, Hỷ xả, Tinh tấn, Thanh tịnh, Từ bi.

Hoa sen mọc trong đầm nước, từ một cõi trần ô trọc, bùn dơ nước đục đã vươn lên trở thành một bông hoa thanh cao, bông hoa thơm ngát, bông hoa của vũ trụ. Bông hoa này đã đi vào tâm thức của mọi người, trở thành hình tượng trong nghệ thuật, văn chương, kiến trúc, điêu khắc và cả trong đời sống hằng ngày.

Như vậy, hoa Sen đã trở thành biểu tượng của Phật giáo. Do đó, chúng ta thường bắt gặp hình ảnh Liên hoa ấn, Liên hoa lạc, Liên hoa phục, Liên hoa tọa, … Đặc biệt, Rồng thời Lý thường được gắn với hình ảnh hoa Sen như một số tác phẩm: Rồng dâng hoa Sen lên Phật hay Rồng trong bệ đá hoa Sen… Như vậy, Rồng của thời Lý có mối quan hệ với Phật giáo rất chặt chẽ.

Vì vậy, hoa sen luôn gắn với Phật giáo là vì ở loài hoa này trong hoa đã có quả, nên cách gọi bao hàm nghĩa rộng trong trường hợp này là "vị liên cố hoa”, tượng trưng cho ý nghĩa của triết lý "nhân quả”, mang ý nghĩa Đạo đức học trong triết học Phật giáo.

Trong Ấn Độ giáo, Long chính là Naga, là chủ các loài thủy tộc sống ở biển. Loài rồng có vị trí rất quan trọng, trong tín ngưỡng Phật giáo, và cũng được người dân Ấn Độ tôn sùng. Theo truyền thuyết, rồng của Ấn Độ không có chân, nên hình dáng giống loài rắn, nhưng ở đây là loại rắn chúa có thần lực, để phân biệt với rắn thường Sarpa.

Trong nhiều văn bản, rắn Naga còn là loại hổ mang bành bảy đầu. Trong kinh Udana, có ghi sự kiện này xảy ra vào tuần thứ sáu, sau khi Phật thành đạo, thời gian đức Phật thiền định dưới gốc cây Bồ đề, chứng nghiệm hạnh phúc giải thoát, thì trời đất tối sầm, trận mưa bão kéo dài suốt bảy ngày liền, lúc đó một con rắn thần tên là Mucalinda xuất hiện quấn quanh đầu ngài, bảo vệ cho đức Thế Tôn khỏi mưa gió. Khi trời quang mây tạnh, con mãng xà tháo mình trở ra và hóa hiện thành một thanh niên chắp tay đứng trước đức Phật.

Đức Phật đã nói cho người thanh niên nghe một bài kệ như sau: "Đối với hạng người tri túc, đối với người đã nghe, và đã thấy chân lý thì sống ẩn dật là hạnh phúc. Trên thế gian, người có tâm lành, có thiện chí, người biết tự kiềm chế, thu thúc lục căn, đối với tất cả chúng sinh là hạnh phúc. Không luyến ái người, vượt lên khỏi dục vọng, là hạnh phúc. Phá tan được ngã chấp, quả thật là hạnh phúc tối thượng”.

Trong các kinh khác thường xuất hiện rắn thần đến lễ Phật; rắn cũng là sinh vật đầu tiên (ngoài người) quy y Tam bảo. Khi Phật giáo du nhập vào Trung Hoa, thì Naga trở thành Long vương và gắn liền với hoàng gia cao quý. Thiên tử mặc áo long bào, ngồi ghế long ỷ, mặt mày gọi là long nhan, thân mình gọi là long thể, đó là bắt nguồn từ sự kính trọng với loài rồng mà ra.

Và theo "Kinh Chánh Pháp Niệm Xứ”, rồng cũng có phân thành thiện ác, rồng thiện là Hành Pháp Long Vương, có thể làm mưa đúng lúc khiến cho ngũ cốc chín đều. Rồng ác là Phi Hành Pháp Long Vương, có thể làm ra mưa độc khiến ngũ cốc bị hư hại. Quan niệm này cũng gần giống hình tượng thiện long, ác long được lưu truyền trong dân gian sau này.

Theo quan niệm truyền thống của Trung Hoa và Việt Nam, rồng là con vật thần linh, mạnh mẽ nhất được con người ngưỡng mộ, yêu quí, tôn thờ. Rồng tượng trưng cho sự cao cả, anh hùng, vĩ đại, sức mạnh phi thường. Trong cuốn Bách khoa toàn thư sớm nhất của Trung Quốc miêu tả: "Rồng là loại động vật có vẩy, lúc ẩn lúc hiện, có thể nhỏ có thể to, có khi ngắn có khi dài, mùa xuân thì bay lên trời, thu đến thì chìm sâu dưới nước…”.



Sách Sơn Hải kinh viết: "Thần rồng mở mắt là ngày, nhắm mắt là đêm, thở là mùa hạ, thổi là mùa đông, không uống, không ăn, không thở, hễ thở thì thành gió, thân dài nghìn dặm, mình rắn, có chân…”. Và rồng đi vào cuộc sống của con người, hầu hết trong các hoạt động sản xuất, kiến trúc, lễ hội, mỹ thuật, thậm chí cả trong miếu mạo, đình chùa… ở phương Đông, rồng đứng đầu trong bốn loài vật, tượng trưng cho sự phong lưu, sức mạnh của con người.

Con rồng chuyển hóa, tượng trưng cho quyền uy tối thượng. Thời các triều đại phong kiến trước đây, rồng là hình ảnh tượng trưng cho quyền uy tuyệt đối của các đấng thiên tử (ngai và áo chạm, thêu rồng). Rồng là hình tượng của mưa thuận gió hòa, là vật linh đứng vào hàng bậc nhất trong tứ linh "long, lân, quy, phụng”.

Tiếp nối các giá trị văn hóa truyền thống cha ông, ngày nay, con rồng không chỉ nằm yên trong sử sách, trong các tác phẩm mỹ thuật (điêu khắc, hội họa, trang trí), mà còn múa, bay lượn một cách sống động và hấp dẫn trong các lễ hội dân gian. Con rồng là một hình tượng có vị trí đặc biệt trong văn hóa, tín ngưỡng của dân tộc Việt Nam, và đã từng là biểu tượng linh thiêng, liên quan đến truyền thuyết "con Rồng cháu Tiên” của người Việt.

Vậy trong 12 con giáp, con rồng là con vật của sản phẩm trí tưởng tượng. Rồng Việt Nam, cho dù là sản phẩm của trí tưởng tượng, nhưng vẫn là tổ tiên của người Việt, phù hợp với văn hóa của người Việt. Có lẽ, nếu nói về sự linh thiêng của con rồng đối với người Việt, chúng ta cần phải nói đến yếu tố giống nòi, mà người Việt đang mang và ý nghĩa của đồng bào trong bọc trăm trứng.

Người Việt hãnh diện là "con Rồng cháu Tiên”. Truyền thuyết kể: Lộc Tục, con vua Đế Minh, lên ngôi vua và lấy hiệu là Kinh Dương Vương. Kinh Dương Vương lấy con gái của Động Đình Quân là Long Nữ, sinh ra Sùng Lãm. Sùng Lãm nối ngôi vua xưng hiệu là Lạc Long Quân. Lạc Long Quân lấy Âu Cơ, đẻ ra một cái bọc chứa một trăm quả trứng, nở ra một trăm người con.

Ngày kia, Lạc Long Quân nói với Âu Cơ: Ta là dòng dõi Long Quân, tức là Vua Rồng. Còn khanh là dòng dõi thần tiên. Cả hai ăn ở lâu với nhau e rằng không ổn. Nay được một trăm đứa con, khanh hãy đưa năm mươi con lên núi, còn trẫm sẽ dẫn năm mươi đứa xuống biển. Từ truyền thuyết này mà người Việt Nam tự hào có "long phụ tiên mẫu”.

Nòi giống Việt Nam con Rồng cháu Tiên cần giữ gìn và phát huy những đức tính tốt đẹp của tổ tiên xa xưa, yêu thương, quan tâm muôn loài, chăm chỉ siêng năng, can trường dũng cảm. Tất cả các dân tộc trong nước đều là anh em với nhau, nên phải yêu thương, hòa đồng cùng nhau, giúp đỡ lẫn nhau, bảo vệ, xây dựng và giữ gìn nó như thế nào để xứng đáng là con Rồng cháu Tiên.

Hiện nay, hình tượng con rồng tuy không còn tính chất thiêng liêng, tối thượng nhưng vẫn được đưa vào trang trí cho các công trình kiến trúc, hội họa, chạm, khắc nghệ thuật… Dọc dài lịch sử, con rồng vẫn là một phần trong cuộc sống văn hóa của người Việt Nam.

Nếu chúng ta nhìn hình thể đất nước Việt Nam, từ Bắc chí Nam với hình cong chữ "S”, chẳng khác gì như con Rồng nằm uốn khúc, dọc theo bờ biển trải dài từ Bắc xuống Nam. Ở miền Nam có một con sông gọi là sông Cửu Long, tức là sông có 9 con Rồng (tức chín luồng nước hợp lại như chín con Rồng giao nhau), và ó bến Nhà Rồng ở thành phố Hồ Chí Minh. Như thế là Việt Nam chúng ta từ vị khai tổ ở Bắc, nguồn gốc đầu tiên theo truyền thuyết Lạc Long Quân và nàng Âu Cơ, đến khi Lý Thái Tổ lên ngôi vua hạ chiếu dời đô về Hà Nội, đặt tên là Thăng Long, rồi có vịnh Hạ Long ở Bắc Ninh là nơi Rồng hạ xuống, tất cả đều có dính dáng đến Rồng.

Như vậy nước Việt Nam chúng ta từ ải Nam Quan đến mũi Cà Mau đầu, đuôi và giữa đều có Rồng. Theo địa lý thì miền Bắc là đầu Rồng, ở giữa cố đô Huế cũng có bệ Rồng (triều nhà Nguyễn) là mình, và vào trong Nam là chân Rồng, đâu đâu cũng có Rồng. mà Rồng là một linh vật nhanh nhẹn, thông minh, biến hóa khôn lường, đó là một hình tượng rất được dân chúng ưa chuộng, bởi vì con Rồng xuyên Việt.

Trong cái nhìn và quan niệm của văn hóa Việt Nam, rồng vừa mang màu sắc kỳ bí của huyền thoại, vừa lại toát ra tính đậm đà của hiện thực, đôi lúc pha trộn sự bông đùa ví von của dân gian. Có "rồng bay phượng múa”, "rồng đến nhà tôm”, "song long chầu ngọc”; đồng thời cũng có "gan rồng, mỡ phượng” và "vẽ rồng vẽ rắn”. Nếu nói rồng phát sinh thủy tổ ở Việt Nam thì sẽ gây tranh cãi, nhưng rồng Việt có hẳn truyền thuyết và phù hợp với văn hóa Việt, mang nét riêng biệt khó sao chép. Người ta có thể sao chép hình ảnh con rồng, nhưng khó có thể sao chép lịch sử, sao chép phong tục, tập quán của một quốc gia, một dân tộc.

Trong kinh sách Phật giáo Nguyên thủy, loài rồng biểu trưng cho trí tuệ. Huyền sử về Luận sư Long Thọ (Nagarjuna), người sáng lập ra trường phái Phật giáo Trung Luận (cũng gọi là Không Luận) kể rằng Luận sư được vua loài rồng đưa xuống long cung và trao cho các bộ Kinh Bát Nhã (Praijna Sutra). Trong kinh của Phật Giáo đại thừa có kể lại khi đức Phật thuyết pháp cho các bồ tát, tỳ kheo thường có tám loại chúng sinh đến nghe giảng kinh. Pháp Hoa kinh trong phẩm Đề Bà Đạt Đa có chép:

"Thiên long bát bộ, nhân dữ phi nhân, giai dao kiến bỉ Long Nữ thành Phật”. Nghĩa là: (Trong tám loại chúng sinh trên trời, người cũng như không phải người đều thấy được Long Nữ thành Phật) Trong kinh Phật, rồng là linh vật nằm trong bát bộ Thiên Long. Rồng trở thành linh vật gắn liền với Đức Phật, là thần thú được Quan Âm Bồ Tát cưỡi đi khắp muôn phương phổ độ chúng sinh. Trong Kinh Phật, rồng xuất hiện trong thiên long Bát Bộ gồm: Trời, Rồng, Dạ Xoa, Cán Thát Bà, A Tu La, Ca Lâu La, Khẩn Na La, Ma Hầu La Gia. Là Linh vật đứng đầu cai quản các loài trong nước. Lại có câu:

"Trời, Rồng, A Tu La, Dạ XoaĐến nghe Phật Pháp, nên chí TâmỦng hộ Phật Pháp mãi trường tồnMỗi mỗi siêng tu lời Phật dạy”.

Đủ thấy được rằng, bất kể là người hay không phải người, cứ là chúng sinh trong lục đạo luân hồi, nếu thành tâm kính Phật, tu tâm dưỡng tính, sẽ sớm tinh tấn và giải thoát bản thân mình khỏi nghiệp chướng nơi cõi tục.

Trong kinh Quá khứ hiện tại nhân quả có thuật lại rằng: Đức Phật muốn hóa độ ba anh em ông Ưu lâu tần loa Ca diếp và các đệ tử của họ, bèn đi đến bờ sông Hằng, nơi họ và các đệ tử trú ngụ. Khi Đức Phật đến nơi thì trời đã tối, Ngài bèn hỏi ông Ca diếp: "Tôi đi lỡ đường, xin ông cho tôi nghỉ nhờ một đêm”. Ông Ca diếp từ chối: "Rất tiếc, ở đây đồ chúng quá đông, không có chỗ nào để mời Ngài nghỉ lại”.

Đức Phật nói: "Chỗ nào cũng được. Tôi chỉ xin nghỉ nhờ một đêm thôi”. Ông Ca diếp bèn chỉ về phía một hang động gần đó rồi bảo: "Nơi kia có thể nghỉ tạm được. Tiếc rằng trong đó có một con hỏa long rất dữ, người lạ vào e bị nó làm hại”. Đức Phật nói: "Không sao đâu. "Ngã nội thanh tịnh, ngoại tai bất nhập”(Bên trong ta thanh tịnh, tai họa bên ngoài không xâm hại được. Xin ông vui lòng để tôi ở lại nơi đó”.

Đức Phật vào trong hang động, hỏa long nghe hơi lạ bèn bay ra, phun khói độc vào Ngài. Nhưng khi khói độc gần đến chỗ Phật thì bay ngược trở lại. Hỏa long bèn phun lửa, nhưng khi lửa gần đến chỗ Phật thì cháy ngược trở lại hỏa long. Đức Phật bèn nhập định Hỏa quang tam muội hóa lửa cháy sáng cả hang động, lửa của hỏa long bị đẩy lùi. Đức Phật từ bi bảo với nó: "Ngươi đã thấy phép thuật của ngươi còn thấp kém chưa?”

Đức Phật bèn đưa bình bát ra và nói: "Ngươi hãy vào đây để tránh lửa”. Hỏa long vội thu mình bay vào trong bát của Đức Phật. Về sau, ba anh em ông Ca diếp và các đồ chúng nhận thấy thần lực và đức độ của Đức Phật không ai sánh bằng, họ đã xin quy y theo Phật. Vậy, Rồng là một loại Hộ pháp có lòng thành kính, trong đàn tràng thuyết pháp của Phật thường nhìn thấy hình ảnh Long Vương.

Hình ảnh Rồng trải qua các triều đại với những biến tướng khác nhau tùy theo vận nước. Mỗi triều đại hình tượng rồng được khắc họa khác nhau, nhưng vẫn thể hiện được sự tự do, phóng khoáng, mạnh mẽ của dân tộc Việt Nam. Hình ảnh của Rồng được gắn liền với bậc đế vương, thể hiện quyền uy, mang năng lực tâm linh siêu nhiên.

Ấn tín của vua chúa ngày xưa, được chạm khắc hình tượng rồng vàng, mang biểu trưng thể hiện cho sức mạnh, và sự uy quyền của bậc đế vương người đứng đầu. Ngoài ra, rồng còn được nhìn thấy trên hoàng bào, đồ dùng của vua và chỉ có vua mới được sử dụng hình tượng này, để khẳng định vị trí tôn quyền của mình. Rồng chính là biểu trưng cho sự mạnh mẽ, bất bại trước kẻ thù, đem đến cho người dân sự yên bình, phồn thịnh.

Năm Giáp Thìn (2024) Rồng được coi là hiện thân của thần linh, sự xuất hiện của Rồng trong hoàn cảnh đất nước phát triển, đời sống người dân được nâng cao, phật pháp đang trên đà phát triển, giáo lý sáng ngời của đức từ phụ Thích Ca Mâu Ni, luôn là ngọn đuốc soi đường cho chúng sinh, xa lìa bến mê, về nơi bến giác. Phật pháp hưng thịnh,Tăng đoàn phát triển, phật tử tiến tu, phật sự viên thành.

Nguyện cầu mỗi người Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung hòa bình, yêu thương, quý mạng sống với nhau, không còn những khổ đau vì chiến tranh, dịch bệnh. Cầu chúc quý độc giả, năm mới Giáp Thìn nhiều sức khỏe, gia đình hạnh phúc, phát đạt, an khang thịnh vượng, và thăng tiến, đổi mới chuyển mình đất nước vươn lên thành con rồng Châu Á tiềm năng thịnh vượng.

       Thượng tọa Thích Thiện Hạnh
Phó Viện Trưởng Phân Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam tại Hà Nội
Theo Tạp chí Ngiên cứu Phật học