Thực tế, các cấp chính quyền địa phương đã quan tâm đầu tư kinh phí thu gom, vận chuyển rác thải, nhưng do sản xuất nhỏ lẻ, cùng với việc thiếu ý thức chấp hành quy định pháp luật về môi trường của một bộ phận người dân nên tình trạng ô nhiễm vẫn chưa được xử lý triệt để.
Ô nhiễm nặng vì rác, nước thải
Ngày 15-12-2023, có mặt ở xã Cao Viên (huyện Thanh Oai), phóng viên Báo Hànộimới nhận thấy môi trường sống của người dân thôn Đàn Viên bị ảnh hưởng bởi mùi hôi từ bãi tập kết rác nằm ngay sát khu dân cư.
Ông Nguyễn Văn Phong (một người dân địa phương) cho biết, thôn Đàn Viên có nghề may gia công nên hằng ngày phát sinh một lượng lớn vải vụn cùng rác thải sinh hoạt được các hộ sản xuất tùy tiện xả ra khu vực. Cũng do lượng rác thải quá lớn nhưng không được di chuyển kịp thời đến nơi xử lý nên rác chất thành đống, ngày đêm bốc mùi xú uế, tỏa vào nơi sinh sống của người dân. Ngoài ra, người dân phải "sống chung” với tình trạng xả chất thải chưa qua xử lý vào sông Bích Hòa từ các cơ sở giết mổ gia súc trên địa bàn xã Bích Hòa - địa bàn lân cận xã Cao Viên. Theo ông Phong, từ nhiều năm nay, người dân đã phản ánh về tình trạng này tới các cấp chính quyền nhưng đến nay vẫn chưa có biện pháp giải quyết dứt điểm.
Do chịu ảnh hưởng từ việc xả thải của các cơ sở giết mổ gia súc, kênh Bích Hòa đoạn qua xã Bích Hòa (huyện Thanh Oai) hiện đang bị ô nhiễm nặng.
Tình trạng xả rác, nước thải chưa qua xử lý ra khu vực, gây ô nhiễm môi trường sống của người dân còn diễn ra trên địa bàn xã La Phù (huyện Hoài Đức) - nơi có làng nghề dệt may, bánh kẹo. Để khắc phục tình trạng ruồi, nhặng, mùi hôi bay vào nhà, một số người dân xã La Phù phải đốt rác nhưng không thể giải quyết triệt để vì rác thải liên tục xả ra và chất đầy thêm.
Tương tự, việc sản xuất gây ô nhiễm môi trường tại một số làng nghề trên địa bàn huyện Phú Xuyên cũng diễn ra phức tạp. Theo Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Vũ Văn Hữu, huyện có 124 làng có nghề, trong đó có 43 làng nghề truyền thống. Mặc dù các làng nghề mang lại việc làm, thu nhập ổn định cho các hộ dân, nhưng hệ lụy từ việc hàng trăm cơ sở sản xuất liên tục, ngày đêm xả chất thải chưa qua xử lý ra môi trường đã khiến cho nguồn nước sông Nhuệ (đoạn chảy qua địa bàn huyện) nhiều năm nay chuyển sang màu đen kịt. Thậm chí ở một số nơi mặt nước đóng váng, không đáp ứng được yêu cầu tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp.
Cần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường
Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Thanh Oai Nguyễn Tiến Ngọc Tú cho rằng, một trong những nguyên nhân dẫn đến vi phạm về môi trường là do công tác tuyên truyền, giáo dục về lĩnh vực này hiện còn bất cập. Mặt khác, nhận thức về pháp luật của người dân và chủ các cơ sở sản xuất chưa cao; sản phẩm sản xuất chủ yếu phục vụ cho tầng lớp có đời sống bình dân nên có lợi nhuận thấp, khó cạnh tranh trên thị trường, vì vậy, việc đầu tư hệ thống xử lý chất thải không được các cơ sở quan tâm thực hiện.
Còn theo Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Nguyễn Trọng Vĩnh, hiện nay, các làng nghề trên địa bàn huyện đã, đang mang lại việc làm ổn định cho khoảng 70% lao động trên địa bàn. Ngoài các sản phẩm phục vụ tiêu dùng trong nước, hiện một số sản phẩm như: Bánh kẹo, giày dép, đồ gỗ mỹ nghệ… ở các làng nghề của các xã như Phú Túc, Chuyên Mỹ, Tân Dân… đã xuất khẩu ra thị trường quốc tế, góp phần tăng thu cho ngân sách địa phương. Thế nhưng, do việc sản xuất của các cơ sở, hộ gia đình vẫn tập trung trong khu dân cư nên ảnh hưởng, gây tác động xấu đến môi trường cũng như cuộc sống của người dân.
Để giải quyết thực trạng trên, Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Trọng Vĩnh cho biết, thời gian qua, Phú Xuyên đã thực hiện nghiêm các nội dung nêu trong Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 31-5-2017 của Thành ủy Hà Nội về "Tăng cường công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2020 và những năm tiếp theo”. Ngoài ra, huyện đã thành lập các tổ công tác thực hiện kiểm tra một số tổ chức, cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn và xử lý nghiêm các vi phạm. Tuy nhiên, vẫn xảy ra tình trạng khi vắng bóng lực lượng chức năng, một số cơ sở sản xuất đã tái diễn vi phạm.
Còn theo Phó Chủ tịch UBND xã La Phù (huyện Hoài Đức) Nguyễn Thanh Bình, để giải quyết tình trạng tùy tiện xả chất thải chưa phân loại, xử lý ra môi trường, năm 2023, xã đã thành lập 11 tổ tự quản bảo vệ môi trường trên địa bàn 11 thôn; đồng thời, vận hành điểm tập kết, bãi trung chuyển rác trên địa bàn xã với diện tích khoảng 400m2. Ngoài ra, việc thu gom, vận chuyển rác được thực hiện bằng xe điện cũng đạt hiệu quả đáng ghi nhận, hạn chế tình trạng để rác bừa bãi ở các khu vực dân cư. Tuy vậy, tình trạng xả thải của các cơ sở sản xuất ra hệ thống kênh T3B hiện vẫn chưa được xử lý triệt để...
Như vậy có thể thấy, mặc dù các địa phương có làng nghề đã thực hiện nhiều biện pháp xử lý chất thải, nhưng tình trạng xả thải bừa bãi ở một số khu vực vẫn xảy ra. Thiết nghĩ, các địa phương có làng nghề cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, giúp người dân nâng cao ý thức chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường. Về lâu dài, các địa phương cần quan tâm, tiếp tục nghiên cứu, quy hoạch địa điểm xây dựng cụm, điểm công nghiệp làng nghề để di dời cơ sở sản xuất ra xa khu dân cư, bảo đảm môi trường sống trong lành cho nhân dân.
Theo Báo HNM