Hàng triệu người trên toàn cầu thiệt mạng do ô nhiễm không khí mỗi năm và sự lây lan của các bệnh như dịch tả và sốt rét khi hiện tượng nóng lên toàn cầu làm đảo lộn hệ thống thời tiết, những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đến sức khỏe con người chính là chủ đề nóng trong các phiên thảo luận vừa qua của Hội nghị các bên về khí hậu của Liên hợp quốc lần thứ 28 (COP28) tại Dubai.
Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, khẳng định đã đến lúc tổ chức "Ngày vì sức khỏe” đầu tiên tại COP28, đồng thời cho biết các mối đe dọa đối với sức khỏe từ biến đổi khí hậu đang "hiện hữu và cấp thiết”.
"Mặc dù cuộc khủng hoảng khí hậu gắn liền với cuộc khủng hoảng về sức khỏe nhưng đã quá muộn khi 27 kỳ họp COP diễn ra mà không có cuộc thảo luận nghiêm túc nào về vấn đề này”, Tổng Giám đốc WHO nhấn mạnh, đồng thời tuyên bố: "Không còn nghi ngờ gì nữa, sức khỏe nhân loại là lý do thuyết phục nhất để thực hiện hành động chống biến đổi khí hậu”.
Ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người. Ảnh: AP.
Sau hai ngày thảo luận vào cuối tuần qua, với hàng loạt phát biểu và lời kêu gọi của hàng chục tổng thống, thủ tướng, thành viên hoàng gia và các nhà lãnh đạo hàng đầu của các tổ chức quốc tế, các đại biểu tham gia COP28 cũng chuyển sự chú ý sang các cuộc đàm phán dự kiến sẽ khó khăn hơn trong khoảng một tuần tới để thúc đẩy nhiều thỏa thuận về các cách kiềm chế nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C kể từ thời tiền công nghiệp. Đáng chú ý, các nhà tổ chức hội nghị thông báo rằng, 50 công ty dầu khí hàng đầu thế giới đã đồng ý đạt mức phát thải khí mê-tan gần như bằng "không” và chấm dứt tình trạng đốt phát thải thường xuyên trong hoạt động khai thác và sản xuất vào năm 2030. Họ cũng cam kết đạt mức "không” về lượng phát thải trong hoạt động vào năm 2050.
Dù vậy, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cho biết, "những lời cam kết được đưa ra rõ ràng không đáp ứng được những gì thực tế yêu cầu”. Trong các bình luận mới đây, ông gọi việc giảm lượng khí thải mê-tan là "một bước đi đúng hướng”. Tuy nhiên, ông chỉ trích việc tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch không có trong cam kết đưa lượng khí thải về mức "không” do đây là nguồn phát thải khí nhà kính lớn nhất cũng như việc thông báo này không đưa ra sự rõ ràng về cách các công ty lên kế hoạch đạt được mục tiêu của mình.
Đặc phái viên về khí hậu của Đức, bà Jennifer Morgan nhấn mạnh, ngành dầu khí cần phải tiến xa hơn việc chỉ cắt giảm lượng khí thải được sửa dụng trong sản xuất nhiều sản phẩm của ngành này và cắt giảm lượng khí thải từ các hoạt động gián tiếp cũng như việc đốt nhiên liệu hóa thạch của người dùng. Bà Morgan, đồng thời là cựu Giám đốc tổ chức Greenpeace International, cũng nói rằng đã "thảo luận với Tập đoàn dầu khí khổng lồ Shell về vấn đề này từ năm 1998, và giờ đã là năm 2023”.
Nhiệt độ tăng do đốt dầu, khí và than đã làm trầm trọng thêm các thảm họa thiên nhiên như lũ lụt, nắng nóng và hạn hán, đồng thời khiến nhiều người phải di cư đến các vùng ôn đới hơn, kéo theo đó là những tác động tiêu cực đối với sức khỏe con người.
Theo đặc phái viên về khí hậu của Mỹ John Kerry, "cơ thể con người là hệ sinh thái và thế giới cũng là một hệ sinh thái, nếu con người đầu độc đất đai, nguồn nước và không khí thì cũng đang đầu độc chính cơ thể của mình”. Ông cũng nhấn mạnh, "tiến độ của việc ngăn chặn biến đổi khí hậu không nên chỉ được tính bằng số độ C được giảm mà còn là số người được cứu khỏi ảnh hưởng của nó”.
Một tuyên bố COP28 được khoảng 120 quốc gia ủng hộ nhấn mạnh mối liên hệ giữa sức khỏe và biến đổi khí hậu. Theo người đứng đầu WHO, tuyên bố này không đề cập đến việc loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch làm hành tinh nóng lên, nhưng cam kết hỗ trợ các nỗ lực hạn chế ô nhiễm trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, vốn chiếm 5% lượng khí thải toàn cầu.
Tại Mỹ, 8,5% lượng khí thải nhà kính đến từ ngành y tế và chính quyền Tổng thống Joe Biden đang sử dụng nguồn ngân sách từ Đạo luật Giảm lạm phát để cố gắng cắt giảm lượng khí thải từ nguồn này, trợ lý Bộ trưởng Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ Rachel Levine cho biết.
Cháy rừng, có nguyên nhân một phần do biến đổi khí hậu, có thể gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhà cửa, sức khỏe và mạng sống con người. Tiến sĩ Yseult Gibert, chuyên gia y tế tại Canada cho biết, các đợt nắng nóng ngoài việc gây ra thiệt hại về mạng người cũng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần, trong khi chất lượng không khí kém có thể khiến cuộc sống trở nên khó khăn hơn đối với những người vốn đã mắc bệnh phổi, tim và gây ra các vấn đề về hô hấp, như hen suyễn ở trẻ em. "Không nhiều người biết rằng khủng hoảng khí hậu là một cuộc khủng hoảng sức khỏe”, chuyên gia này nhận định.
Những ảnh hưởng của hoạt động con người đối với khí hậu có thể được nhìn thấy rõ ràng ở Dubai, nơi đăng cai COP28 năm nay, một thành phố dầu mỏ và phải đối mặt với mức độ ô nhiễm không khí cao hơn nhiều nơi trên thế giới do yếu tố địa lý.
Chính quyền thành phố Dubai, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất, trên trang web chính thức của mình, đã đưa ra mức chỉ số chất lượng không khí hầu hết ở mức "tốt” vào tối 3/12. IQAir, nhà cung cấp các sản phẩm giám sát chất lượng không khí của Thụy Sĩ, đã liệt kê Dubai là thành phố có chất lượng không khí kém thứ 18 trên thế giới với mức chất lượng không khí ở mức "vừa phải” tính đến trưa 3/12.
Theo IQAir, trong không khí tại Dubai có mức độ cao của hai loại hạt vật chất gây hại, khuyến nghị đeo khẩu trang đối với "các nhóm dễ bị ảnh hưởng” và hạn chế các hoạt động ngoài trời tại thành phố này.
Theo Tiến Dũng / Công an nhân dân