Thời gian qua, UBND tỉnh Bình Thuận đã chỉ đạo ráo riết xử lý tình trạng khai thác cát gây ô nhiễm, cũng như ra soát xử lý các bãi tập kết cát trái phép. Tuy nhiên vẫn tồn tại nhiều điểm chưa được xử lý triệt để, đơn cử một bãi cát đã trở thành điểm tập kết, hút rửa cát trái phép tại khu Dốc Đá, xã Phan Lâm, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận. Cụ thể là bãi tập kết, sàng rửa cát nơi đây hoạt động diễn ra ngang nhiên trái phép mà không có sự giám sát và kiểm soát từ các cơ quan quản lý.
Hoạt động tập kết, hút và sàng rửa cát trái phép này đã gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường. Hàng ngày có rất nhiều các xe tải vận chuyển cát vào bãi tập kết hút rửa cát, sau khi cát được rửa, sàng lọc, nhiều xe khác chở ra ngoài đưa đi tiêu thụ. Bãi tập kết này đã hoạt động trong thời gian dài và ngày càng mở rộng về quy mô gây khói bụi, tiếng ồn ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân trong khu vực và gây ô nhiễm nguồn nước.
Từ thông tin, PV Môi trường và Đô thị Việt Nam đã tìm đến bãi tập kết sàng rửa cát để tìm hiểu. Được biết, khu vực tập kết, hút rửa cát nằm tại thửa đất số 36, tờ bản đồ số 84 tại xã Phan Lâm, có diện tích 95823m2, mục đích sử dụng là đất trồng cây lâu năm. Thuộc quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 huyện Bắc Bình quyết định 199/QĐ-UBND ngày 30/01/2023. Trong đó, 97569m2 đất trồng cây lâu năm, 8253m2 đất nông nghiệp khác. Tại đây chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất, chưa được cấp phép nhưng vẫn ngang nhiên hoạt động nhiều năm qua.
Thời điểm PV ghi nhận thực tế còn cho thấy, một số công nhân đang làm việc tại bãi cát cùng nhiều xe tải ben, xe múc. Với quy mô lớn, lượng cát thành phẩm được đổ cao thành nhiều đống, chất cao như núi. Trữ lượng cát và đất pha cát lên tới hàng nghìn mét khối. Khu vực này nằm sát ngay bên mương hồ Nam Heo, nguồn nước thải sau khi sàng rửa cát được đổ trực tiếp xuống lòng mương này gây nên tình trạng ô nhiễm nguồn nước.
Hoạt động tập kết, hút và sàng rửa cát trái phép này đã gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường
Có thể thấy, bãi tập kết này không khác gì "đại công trường” khi tiếng gầm rú của các động cơ hoạt động hết công suất. Nào là máy hút, máy sàng rửa, tiếng xe vận chuyển cùng 1 chiếc máy múc đang vươn gàu múc hỗn hợp đất, cát đổ lên giàn sàng. Máy nổ công suất lớn liên tục bơm cát lên mặt sàng để tách lấy cát, tất cả tạo ra một âm thanh chát chúa, inh tai nhức óc.
Các xe tải vận chuyển cát vào bãi tập kết hút rửa cát, sau khi cát được rửa, sàng lọc, nhiều xe khác chở ra ngoài đưa đi tiêu thụ
Về sự việc này, PV đã liên hệ với ông Mang Nhu – Chủ tịch UBND xã Phan Lâm cùng địa chính xã cho biết: "Việc sàng rửa cát của đơn vị này, đội cảnh sát kinh tế môi trường đã xử lý 1 lần rồi, nếu như địa phương phát hiện có sai phạm thì sẽ xử lí theo Luật bảo vệ môi trường năm 2020 theo điều 48 về hành vi huỷ hoại môi trường và huỷ hoại đất.
Một số công nhân đang làm việc tại bãi cát cùng các loại máy hút, máy sàng rửa, xe múc đang vươn gàu múc hỗn hợp đất, cát đổ lên giàn sàng
Tiếp đến phóng viên cũng liên hệ trao đổi với ông Trần Duy Hùng – Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường, huyện Bắc Bình, ông Hùng cho biết: "Chưa nắm được thông tin và sẽ cho anh em kiểm tra xử lí ngay và phản hồi cho phóng viên.”
Tình trạng bãi tập kết sàng rửa cát trái phép đã gây nên hậu quả nặng nề cho hệ sinh thái và ô nhiễm nguồn nước. Làm biến dạng địa hình, gây ô nhiễm đất và suy giảm chất lượng đất hoặc suy giảm khả năng sử dụng đất theo mục đích đã được xác định.
Bãi tập kết, sàng rửa cát này nằm sát ngay bên mương hồ Nam Heo, nguồn nước thải sau khi sàng rửa cát sẽ đổ trực tiếp xuống lòng mương này gây nên tình trạng ô nhiễm nguồn nước
Bên cạnh đó, bụi cát và ô nhiễm không khí làm ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày và sức khỏe của người dân xung quanh.
Từ những vấn đề trên, rất mong các cơ quan chức năng tỉnh Bình Thuận; UBND huyện Bắc Bình cùng địa phương cần tăng cường giám sát, thực hiện các biện pháp quản lý chặt chẽ và xử lý triệt để để ngăn chặn hoạt động tập kết, sàng rửa cát trái phép của doanh nghiệp này.
QUANG SÁNG - TUẤN HẢI