Theo Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco), TP.HCM là địa phương đầu tiên trên cả nước đảm bảo nước sạch đến với 100% hộ dân.
Tuy nhiên, việc cung ứng nước sạch ở TP.HCM đang đối mặt với không ít thách thức; trong đó có tình trạng nhiễm mặn ở các dòng sông do biến đổi khí hậu, đặc biệt là vào mùa khô.
Hiện tại, 7 nhà máy nước của Sawaco sử dụng nước mặt (chiếm 95% tổng sản lượng), chỉ 1 nhà máy dùng nước ngầm.
Ô nhiễm môi trường đô thị quanh các dòng sông cũng ngày càng tăng, áp lực nước cũng không đồng đều giữa các khu vực cũng là những vấn đề cần giải quyết.
Ngành nước thành phố đã và đang triển khai nhiều giải pháp để đảm bảo cung cấp nước sạch, an toàn, ổn định.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Minh Hòa, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển Đô thị TP.HCM, cho rằng trong những năm tới, việc cung ứng nước sạch trong bối cảnh biến đổi khí hậu sẽ gặp phải những thách thức rất lớn mà ngành cấp nước thành phố phải vượt qua để đảm bảo cung ứng nước sạch cho một thành phố năng động nhất cả nước.
Theo ông Nguyễn Minh Hòa, điều đầu tiên là dân số và biến động dân số. Hàng năm, TP.HCM tăng 250.000 người, chủ yếu là tăng cơ học.
Ngoài ra, TP.HCM kỳ vọng đón 8 - 10 triệu khách du lịch quốc tế và 15 - 20 triệu khách nội địa/năm. Số người tăng lên đồng nghĩa với lượng nước cung ứng sẽ tăng lên để đảm bảo mỗi người sử dụng 200 - 300 lít nước/ngày.
Tiếp đó là sự thay đổi trong mô hình quy hoạch không gian khi TP.HCM tích cực chuyển từ mô hình một trung tâm (Quận 1, Quận 3) thành thành phố đa trung tâm, hình thành các đô thị, các khu dân cư mới ở các vành đai, điển hình sẽ xuất hiện các khu đô thị mới như khu đô thị lấn biển 3.000 ha ở huyện Cần Giờ với 250.000 dân và 15 triệu khách du lịch/năm...
Nhân viên nhà máy nước Tân Hiệp thuộc Sawaco kiểm tra độ mặn của nước tại phòng thí nghiệm. (Ảnh: Mạnh Linh/TTXVN)
Việc quy hoạch trên diện rộng như thế đòi hỏi một hệ thống truyền tải nước rộng lớn hơn và mạnh hơn.
Hiện tượng biến đổi khí hậu sẽ là một trong những nhân tố tác động mạnh nhất và khó đoán định nhất. Theo kịch bản, khi trái đất nóng lên làm tan băng 2 cực, nước biển sẽ dâng.
Nếu nước biển dâng lên 0,7 - 1m thì toàn bộ vùng ĐBSCL bị ngập sâu và 72% diện tích TP.HCM bị ngập. Hiện tượng biến đổi khí hậu đang dần rõ nét, bằng chứng là đỉnh triều tăng cao từng năm.
Hệ quả của nước triều dâng là nước mặn xâm nhập vào sông Sài Gòn. Khi độ mặn từ 250 mg trở lên/lít (cấp độ 5) thì nước sông Sài Gòn không dùng cho tiêu dùng được nữa. Hệ quả của hạn hán là sông Sài Gòn và các hồ chứa như Trị An, Dầu Tiếng cũng cạn nước.
Ông Nguyễn Minh Hòa cho biết một thách thức lớn nữa là từ công tác quản lý. Hiện nay, 94% nguồn nước thô mà TP.HCM đang khai thác là từ hệ thống sông Sài Gòn và Đồng Nai. Tuy nhiên, thành phố nằm cuối lưu vực nên không thể kiểm soát được toàn tuyến.
Thượng nguồn sông Sài Gòn, Đồng Nai có 47 nhà máy, cơ sở sản xuất, khu công nghiệp xả thẳng nước thải ra sông làm cho nguồn nước đang ô nhiễm nặng. Đã đến lúc cần phải có một hội đồng quản lý sông Sài Gòn gồm lãnh đạo các tỉnh Bình Phước, Tây Ninh, Đồng Nai và TP.HCM.
Ngoài ra, còn có những thách thức khác liên quan đến xây dựng và giao thông. Hàng ngày, có cả triệu xe tải, xe máy di chuyển trên các tuyến ống cấp, thoát nước dẫn đến nguy cơ bể vỡ. TP.HCM đang bị lún, độ lún bình quân hàng năm là 2cm, có nơi 6 - 8cm.
Ở góc độ quản lý nhà nước, ông Nguyễn Viết Vũ, Trưởng phòng Tài nguyên nước, Khoáng sản và Biển đảo, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, cho biết Sở cùng Sawaco đã có sự phối hợp nhịp nhàng, đảm bảo đủ nước sạch để cung cấp cho người dân.
Hiện nay, công suất khai thác nước mặt khoảng 2,1 - 2,3 triệu m3/ngày từ 2 nguồn chính là hồ Trị An và hồ Dầu Tiếng, lượng nước ngầm được khai thác dưới 5%.
Theo ông Trần Quang Minh, Tổng giám đốc Sawaco, Sawaco có tổng công suất thiết kế 2,4 triệu m3 nước/ngày và công suất phát nước hiện nay khoảng 1,89 triệu m3/ngày, phục vụ cho 13 triệu người đang sinh sống và làm việc ở thành phố với tổng chiều dài đường ống khoảng 11.000km.
Hiện Sawaco quản lý 1,6 triệu đồng hồ nước và doanh nghiệp đặt mục tiêu đến năm 2025, mỗi hộ dân ở Thành phố Hồ Chí Minh có 1 đồng hồ nước và chất lượng nước sinh hoạt hiện nay đạt tiêu chuẩn của Bộ Y tế.
Để ứng phó với các nguy cơ gây ảnh hưởng đến cung cấp nước sinh hoạt an toàn, theo ông Trần Quang Minh, Sawaco đang trong quá trình của việc điều chỉnh quy hoạch cấp thoát nước toàn thành phố, xây dựng các hồ chứa để tăng trữ lượng nước, phối hợp chặt chẽ với ban quản lý hồ Trị An và hồ Dầu Tiếng để xả mặn trong mùa khô. Bên cạnh việc xây dựng các kịch bản ứng phó kịp thời khi xảy ra sự cố, Sawaco cũng đang xây dựng trung tâm quản lý, vận hành hệ thống cấp thoát nước.
Đề xuất các giải pháp cụ thể, Tiến sỹ Lê Thanh Hòa, Trưởng khoa Đô thị học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TP.HCM cho rằng, cần có giải pháp tăng cường thu gom, xử lý rác, nước thải ở các đô thị nhằm cải thiện môi trường nước sông Đồng Nai, sông Sài Gòn.
Hiện nay mới chỉ có 20% nước thải đô thị được xử lý. Do đó, cần tăng cường hệ thống quan trắc môi trường để thu thập kịp thời các thông số và xây dựng hệ thống thông minh để xử lý, cảnh báo chất lượng nước.
Các chuyên gia môi trường cũng đề xuất đẩy mạnh hợp tác công tư, tăng cường liên kết vùng trong quy hoạch cung ứng nước, tăng cường nghiên cứu khoa học trong ngành nước để nâng cao chất lượng nước sạch cũng như cần có sự chia sẻ trách nhiệm của các doanh nghiệp trong và ngoài nước trong sử dụng nước sạch tiết kiệm, hiệu quả.
Dưới góc độ đơn vị cung ứng nước sạch, Sawaco phối hợp với các nhà khoa học, chuyên gia môi trường để đưa ra kế hoạch toàn diện cho các chiến lược quản lý nguồn nước dài hạn; tổ chức tuyên truyền về thực hành sử dụng nước bền vững, tiết kiệm và giảm lãng phí nguồn nước; đầu tư công nghệ, thiết bị hiện đại để khắc phục tình trạng rò rỉ nước trên mạng lưới cấp nước nhằm giảm thất thoát nước; triển khai thí điểm chương trình lắp đặt đồng hồ nước thông minh cho các gia đình, doanh nghiệp.
Sawaco cũng đẩy mạnh truyền thông, khuyến khích khách hàng sử dụng nguồn nước có trách nhiệm, hiệu quả hơn thông qua định mức và biểu giá lũy tiến theo hướng tiêu thụ nhiều nước thì trả phí cao hơn; áp dụng nhiều biện pháp nhằm hợp lý hóa hoạt động sản xuất, tiết kiệm chi phí, đảm bảo nguồn lực tài chính; tăng cường nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ thông tin, chuyển đổi số vào việc quản lý kỹ thuật, quản lý kế hoạch, quản trị doanh nghiệp, hướng đến xây dựng hệ thống cấp nước thông minh, nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng.
Theo Vietnam+