Ô nhiễm nhựa đang trở thành vấn đề cấp bách, đòi hỏi các quốc gia cần khẩn cấp hành động quyết liệt. Theo nghiên cứu được công bố vào tháng 3 năm nay, lượng nhựa đổ vào các đại dương trên thế giới đã tăng lên với số lượng "chưa từng có” kể từ năm 2005 và có thể tăng gần gấp ba vào năm 2040 nếu không có hành động nào tiếp theo.
Ước tính có khoảng 171 nghìn tỷ hạt nhựa đã trôi nổi trên các đại dương vào năm 2019. Ô nhiễm nhựa đại dương có thể tăng gấp 2,6 lần vào năm 2040 nếu các chính sách toàn cầu ràng buộc về mặt pháp lý không được đưa ra. Nghiên cứu đã xem xét dữ liệu ô nhiễm nhựa trên bề mặt từ 11.777 trạm đại dương ở sáu vùng biển chính trong giai đoạn từ 1979 đến 2019.
Theo báo cáo vừa được tổ chức từ thiện Tearfund công bố trên Tạp chí Global Policies Outlook, châu Phi là nơi có lượng rác thải nhựa tăng nhanh hơn bất cứ nơi nào trên thế giới. Tổ chức này kêu gọi các nhà lãnh đạo tham gia đàm phán Hiệp ước toàn cầu về ô nhiễm nhựa của Liên Hiệp Quốc tăng cường kiểm soát rác nhựa cũng như bảo vệ sức khỏe và sinh kế của người dân châu Phi.
Báo cáo cho hay cứ 1 phút trôi qua lại có một lượng rác thải nhựa tương đương 1 sân bóng đá được chôn hoặc đốt tại vùng cận Sahara châu Phi. Nếu xu hướng nói trên vẫn tiếp diễn thì đến năm 2060, khu vực này dự kiến sẽ gánh chịu thêm 116 triệu tấn rác thải nhựa mỗi năm, nhiều hơn 6 lần so với con số 18 triệu tấn rác thải của năm 2019.
Một người đàn ông nhặt rác nhựa ở một bãi rác gần khu ổ chuột Dandora của Nairobi, Kenya. Ảnh: AP
Nguyên nhân chính khiến mức tiêu thụ nhựa tăng vọt ở khu vực cận Sahara châu Phi - nơi 70% dân số dưới 30 tuổi - là do nhu cầu về xe cộ và các sản phẩm tiêu dùng khác gia tăng, trong bối cảnh thu nhập và dân số tăng trưởng nhanh chóng. Ở phạm vi toàn cầu, nhu cầu sử dụng nhựa cũng được dự đoán sẽ tăng gần gấp 3 vào năm 2060. Những phân tích của Tearfund dựa trên số liệu thống kê từ cơ sở dữ liệu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).
Những con số dự báo gây sốc - về nhu cầu nhựa tăng vọt trên khắp khu vực cận Sahara châu Phi - được công bố giữa lúc chính phủ các nước chuẩn bị cho phiên họp thứ ba của cuộc đàm phán về hiệp ước chống ô nhiễm nhựa của Liên Hiệp Quốc (LHQ) tại Nairobi (Kenya), diễn ra từ ngày 13 đến ngày 19/11. Vốn được coi là thỏa thuận quốc tế về môi trường quan trọng nhất sau Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, Hiệp ước toàn cầu về ô nhiễm nhựa là thỏa thuận có tính ràng buộc pháp lý đầu tiên về ô nhiễm nhựa và có thể giúp thu hẹp khoảng cách ô nhiễm ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng tỉ người trên thế giới. Nếu đàm phán thành công, hiệp ước về chống ô nhiễm nhựa của LHQ có thể có hiệu lực vào năm 2025.
Rich Gower, nhà kinh tế cấp cao tại Tearfund, nhận định: "Các dấu hiệu suy thoái môi trường đang hiện hữu xung quanh chúng ta, nhưng hiệp ước này có khả năng hạn chế cuộc khủng hoảng nhựa và cải thiện cuộc sống của hàng tỉ người”. Ông kêu gọi các nhà đàm phán ở Nairobi nhất trí giảm đáng kể sản xuất nhựa và đặt nhóm lao động nhặt rác - những người thu gom 60% tổng số nhựa được tái chế trên toàn cầu - vào trọng tâm của hiệp ước. Theo ông Gower, nếu không có các quy tắc và quy định toàn cầu nhằm kiểm soát rác nhựa, người dân sống ở các nước đang phát triển và những người nhặt hoặc thu gom rác thải sẽ phải gánh chịu nhiều tác động môi trường và sức khỏe do ô nhiễm nhựa.
Hồi tháng 5, John Chweya - đại diện những người thu gom rác ở Kenya và là người có công trong việc thúc đẩy các nước công nhận 20 triệu người nhặt rác trên thế giới - cho biết ông muốn quyền đảm bảo công lý, quyền chăm sóc sức khỏe, thu nhập phù hợp và điều kiện làm việc tốt hơn cho những người thu gom rác sẽ được đưa vào hiệp ước.
Tiến sĩ Tiwonge Mzumara-Gawa, một nhà vận động hạn chế rác thải người Malawi sẽ tham gia các cuộc đàm phán ở Kenya, cho biết: "Trong khi các cuộc đàm phán này đang tiếp diễn, sức khỏe của người dân ở Malawi và khắp châu Phi tiếp tục bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm nhựa mỗi ngày. Ở Malawi, chúng tôi thấy việc đốt và đổ rác thải nhựa hằng ngày gây hại cho sức khỏe người dân”. Mặc dù nhìn nhận sự thay đổi sẽ không đến một cách dễ dàng, song các cuộc đàm phán Hiệp ước toàn cầu về ô nhiễm nhựa chính là dấu hiệu sự thay đổi đang đến gần - theo Tiến sĩ Mzumara-Gawa.
VĨNH HẢI (T/h)