Biến bãi rác lớn nhất Hà Nội thành công viên như thế nào?

  • Cập nhật: Thứ hai, 2/10/2023 | 3:20:27 PM

Ý tưởng biến bãi rác lớn nhất Thủ đô thành công viên công cộng không phải mới nhưng được nhiều người dân quan tâm. Nhiều chuyên gia cho rằng về kỹ thuật và phương án tài chính hoàn toàn khả thi nếu có sự hỗ trợ của thành phố.

Người dân mong chờ

Rác thải là vấn đề lớn lâu nay với thành phố có khoảng 10 triệu dân như Hà Nội. Mỗi ngày, chỉ riêng rác thải sinh hoạt cần phải thu gom, xử lý đã lên tới khoảng 7.000 tấn. Việc xử lý lượng rác thải sinh hoạt rất lớn này hiện chủ yếu được thu gom về 2 khu liên hợp xử lý rác thải là Nam Sơn (huyện Sóc Sơn) và Xuân Sơn (thị xã Sơn Tây).


Một góc bãi rác Nam Sơn

Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn (bãi rác Nam Sơn) là khu xử lý rác thải lớn nhất ở Hà Nội, được đưa vào sử dụng từ năm 1996, chủ yếu rác ở đây được chôn lấp. Quan sát từ bên ngoài sẽ thấy những ngọn núi rác cao hàng chục mét. Mùi từ bãi rác, nước rỉ rác đã khiến cuộc sống người dân xung quanh bãi rác bị ảnh hưởng nặng nề.

Ông Nguyễn Văn Hưng (thôn Đông Hạ, xã Nam Sơn) nói rằng, dù không nằm trong bán kính 500m ảnh hưởng của bãi rác thế nhưng mùi hôi thối, ô nhiễm và "bão ruồi” là những vấn đề luôn ám ảnh người dân.

Quanh năm sống chung với những núi rác mà vẫn không thể quen, người bị ung thư càng lúc càng nhiều. Nhà quanh khu này bán không được vì không ai mua, ở cũng không xong vì mùi hôi thối. Thế nên, khi biết thông tin về việc cải tạo bãi rác thành công viên, ông Hưng không khỏi vui mừng.

"Rất mong thành phố quan tâm đầu tư, sớm đưa dự án thành hiện thực để hàng nghìn hộ dân cải thiện sức khỏe, được bình đẳng như những vùng khác của Thủ đô”, ông Hưng đề đạt.

Biến bãi rác thành sân golf và công viên

Theo chuyên gia môi trường Chu Thanh Toàn, rác thải luôn là vấn đề nóng bỏng của Hà Nội trong 20 năm qua. Hiện mỗi ngày Hà Nội phát sinh lượng rác rất lớn, nhưng chỉ mới có nhà máy điện rác Thiên Ý đốt phát điện khoảng 3.000 tấn, 4.000 tấn rác vẫn phải chôn lấp mỗi ngày.

Theo chuyên gia, ý tưởng biến bãi rác Nam Sơn thành công viên công cộng hoàn toàn có thể thực hiện được, kết quả của nó không những mang lại giá trị cho cộng đồng, kinh tế mà còn giúp Hà Nội xây dựng được nhiều bãi rác hơn khi người dân không còn tâm lý "kỳ thị bãi rác”.

Mô hình này đã thực hiện rất thành công tại bãi rác - công viên Sodokwon tại Hàn Quốc. Đây là bãi chôn lấp lớn nhất tại Hàn Quốc khởi công xây dựng từ năm 1989 và hoàn thành vào năm 1992, nơi đây thu nhận mỗi ngày hơn 20.000 tấn rác từ thủ đô Seoul, thành phố Incheon và các tỉnh lân cận. Ở đây có quy trình xử lý rác khép kín, liên hoàn từ loại bỏ nước ngầm, thu gom khí CH4 để phát điện.

Nhờ xử lý tốt, quy hoạch bài bản, Chính phủ Hàn Quốc đã xây dựng công viên chủ đề "Dream Park” ngay tại bãi rác rộng lớn đem lại không gian vui chơi cho cộng đồng, không hề phát sinh mùi rác.

"Tuy vậy, đây là khu vực được quy hoạch rõ ràng, nơi nào đổ rác, nơi nào làm đường, nơi nào trồng cây do đó thuận lợi hơn bãi rác Nam Sơn. Để làm được công viên trên bãi rác Nam Sơn, cần sự quyết tâm lớn, quy hoạch rõ ràng và triển khai quyết liệt, đồng bộ”, ông Toàn nhận định.

Theo đại diện một đơn vị từng đề xuất ý tưởng biến bãi rác Nam Sơn thành công viên, để biến bãi rác khổng lồ hơn 100ha Nam Sơn thành công viên cần sự phối hợp của Nhà nước và doanh nghiệp. Theo vị này, để đạt lợi nhuận cho nhà đầu tư, trước đây đơn vị đã đề xuất thành phố về việc biến bãi rác thành sân golf và công viên cộng đồng.

Theo tính toán của đề án này, khi thực hiện các hạng mục công viên hóa bãi rác, chỉ cần múc lên khoảng 40% lượng rác cũ để đốt, phần còn lại có thể đổ đất khoảng 0,6 - 1m để trồng cây lên trên hoặc thi công các công trình nhẹ. Đối với 40% lượng rác múc lên được chia thành 4 sản phẩm chính: thứ nhất là kim loại, ion tốt có thể thu hồi tái sử dụng; thứ hai là mùn hữu cơ sạch cũng có thể tái sử dụng; thứ ba là vật liệu san nền - tái sử dụng khi xây dựng công viên; thứ tư mới là các dạng rác phải đốt.

Theo đại diện đơn vị, muốn làm, vai trò của Nhà nước rất lớn. "Khi hoàn thành, không chỉ người dân xung quanh bãi rác Nam Sơn mà người dân cả Hà Nội đều được hưởng lợi từ dự án biến bãi rác thành công viên”, vị này nhận định.

Ngày 26/9, tiếp xúc cử tri huyện Sóc Sơn trước kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV, ông Trần Sỹ Thanh, Chủ tịch UBND TP Hà Nội, trả lời về các vấn đề môi trường và quy hoạch bãi rác Nam Sơn

Ông Thanh cho biết hiện có nhà đầu tư đề xuất "móc" toàn bộ số rác đã chôn ở các bãi Nam Sơn, Xuân Sơn lên để đốt. Nhưng do chưa có cơ chế, định mức nên thành phố đang giao cơ quan chuyên môn nghiên cứu, đề xuất để sớm xử lý toàn bộ số rác đã chôn. "Sau khi xử lý hết số rác chôn lấp trước đó, những khu xử lý rác thải sẽ được xây dựng thành công viên để người dân hưởng lợi chứ không phải chịu đựng nữa”, ông Thanh nói.

Theo Trần Hoàng/Tiền Phong

Tags bãi rác Nam Sơn công viên chất thải rắn chất thải sinh hoạt Hà Nội

Các tin khác

Sau khi bão số 3 (bão Yagi) đi qua, nhiều tỉnh, thành miền Bắc đang đối mặt với hàng loạt hậu quả nghiêm trọng.

Theo WHO, sức khỏe của 99% dân số trên thế giới đang bị đe dọa khi hàng tỷ người vẫn đang hít thở không khí không lành mạnh.

Những ngày này, bên cạnh tập trung khắc phục các thiệt hại, sạt lở, úng ngập do ảnh hưởng của bão số 3, công tác thu gom, xử lý rác thải, bảo đảm vệ sinh môi trường được các đơn vị, địa phương và người dân trên địa bàn tỉnh Bắc Giang chú trọng.

Theo Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), tính đến 18h ngày 12/9, đã có 336 người chết, mất tích (gồm 233 người chết và 103 người mất tích) do lũ quét, sạt lở đất và ảnh hưởng của bão số 3.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục