Trái đất có còn là nơi an toàn cho nhân loại?

  • Cập nhật: Thứ ba, 26/9/2023 | 3:23:13 PM

Các nhà khoa học vừa tiến hành một phân tích, theo đó sáu trong số chín giới hạn an toàn của hành tinh đã bị phá vỡ bởi sự ô nhiễm cùng với sự tàn phá thiên nhiên do con người gây ra.

Sáu giới hạn đã bị vượt qua gồm: biến đổi khí hậu, phá rừng, mất đa dạng sinh học, hóa chất tổng hợp, cạn kiệt nước ngọt, và sử dụng nitơ. Hai giới hạn được đánh giá sắp bị phá vỡ là: ô nhiễm không khí và axit hóa đại dương. Giới hạn duy nhất còn lại không bị đe dọa là tầng ozone trong khí quyển, nhờ vào các hoạt động trong những thập kỷ gần đây nhằm loại bỏ dần các hóa chất độc hại, giúp cho lỗ thủng tầng ozone thu hẹp lại.

Các giới hạn của hành tinh (planetary boundaries) là một khung mô tả các giới hạn đối với tác động của con người lên các hệ thống của Trái đất, như khí hậu, nước và sự đa dạng của động vật hoang dã. Nếu các ranh giới này bị vượt qua, các hệ thống bị đẩy xa khỏi trạng thái an toàn và ổn định từng có, kể từ sau kỉ băng hà cuối cùng (10.000 năm trước) cho đến khi bắt đầu cuộc cách mạng công nghiệp.

Giới hạn của hành tinh không phải là những điểm tới hạn không thể đảo ngược, hay vượt qua chúng thì sẽ dẫn đến những diễn biến đột ngột và nghiêm trọng. Thay vì thế, chúng là những mốc mà kể từ sau đó, rủi ro về những thay đổi trong hệ thống hỗ trợ sự sống vật lý, sinh học và hóa học của Trái đất sẽ tăng đáng kể.

Giáo sư Johan Rockström, Giám đốc của Viện Nghiên cứu Tác động Khí hậu Potsdam (Đức) cho biết, khả năng phục hồi kém này có thể khiến cho mục tiêu hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C trở nên bất khả thi, và có thể khiến cho thế giới đến gần hơn với những điểm tới hạn thực sự.

Giáo sư Katherine Richardson, thuộc Đại học Copenhagen, người đứng đầu phân tích, nói rằng Trái đất giống như một bệnh nhân bị cao huyết áp. "Căn bệnh không mang đến cơn đau tim nào, nhưng nó làm tăng nguy cơ đó lên rất nhiều".


Màu xanh nước biển và tím là những khu vực có ít ozone nhất, màu vàng và đỏ là khu vực có nhiều ozone - Nguồn: NASA

Được thực hiện dựa trên 2.000 nghiên cứu, đánh giá này chỉ ra rằng một số ranh giới của hành tinh đã bị vượt qua từ lâu. Theo các nhà khoa học, ranh giới về tính toàn vẹn của sinh quyển đã bị phá vỡ vào cuối thế kỷ 19, khi sự tàn phá thế giới tự nhiên đã làm chết nhiều động vật hoang dã.

Dựa theo các mô hình khí hậu, các ranh giới an toàn đối với biến đổi khí hậu đã bị vượt qua vào cuối những năm 1980.

Đối với nước ngọt, một thước đo mới cho nước trong sông, hồ và đất chỉ ra, ranh giới này đã bị vượt qua vào đầu thế kỷ 20.

Một ranh giới khác là lượng nitơ và phốt pho trong môi trường. Những chất này quan trọng cho sự sống, nhưng việc sử dụng quá nhiều phân bón đồng nghĩa với việc làm cho nhiều vùng nước bị ô nhiễm nặng bởi các chất dinh dưỡng này, nguyên nhân dẫn đến hiện tượng tảo nở hoa và các vùng đại dương chết. Theo dữ liệu của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), lượng nitơ được đưa vào các cánh đồng mỗi năm nhiều gấp ba lần mức an toàn.

Một nghiên cứu năm 2022 cho thấy ranh giới về ô nhiễm bởi các hóa chất do con người tạo ra - chẳng hạn như thuốc trừ sâu, nhựa và chất thải hạt nhân - đã bị vượt qua. Phân tích của nhóm Giáo sư Katherine Richardson lần đầu đánh giá được ô nhiễm không khí ảnh hưởng đến sự phát triển của thực vật và những cơn mưa gió mùa. Ô nhiễm không khí đã vượt qua giới hạn an toàn ở một số khu vực như Nam Á và Trung Quốc, nhưng chưa phải trên toàn cầu. Tình trạng axit hóa đại dương cũng được đánh giá là ngày càng trầm trọng và gần vượt quá giới hạn an toàn.


Thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc bị bao phủ bởi bụi, ngày 22/3/2023 - Nguồn: CNN

Giáo sư Simon Lewis, Đại học College London, người không thuộc nhóm nghiên cứu, cho biết, khái niệm các giới hạn của hành tinh là một nỗ lực dũng cảm để giúp chúng ta dễ hiểu hơn về Trái đất, nhưng có lẽ nó quá đơn giản để có thể sử dụng trong việc quản lý Trái đất trên thực tế. Ông lấy ví dụ, thiệt hại từ việc hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,6 độ C - bằng cách áp dụng các chính sách ủng hộ phát triển và đầu tư lớn vào việc thích ứng với biến đổi khí hậu - sẽ ít hơn rất nhiều so với việc hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C, bằng cách áp dụng các chính sách hỗ trợ người giàu và phớt lờ người nghèo. "Nhưng khái niệm các giới hạn của hành tinh vẫn có tác dụng như một câu chuyện ngụ ngôn mang tính khoa học của thời đại chúng ta," ông nói. "Đây là một báo cáo hết sức u ám về bức tranh vốn đã đầy báo động. Hành tinh này đang bước vào một trạng thái mới, kém ổn định hơn rất nhiều, và lời cảnh báo không thể rõ ràng hơn, về việc chúng ta cần thay đổi sâu sắc cách mình đối xử với môi trường".

Theo KH&PT

Tags Trái đất biến đổi khí hậu nhân loại ô nhiễm không khí hành tinh

Các tin khác

Sau khi bão số 3 (bão Yagi) đi qua, nhiều tỉnh, thành miền Bắc đang đối mặt với hàng loạt hậu quả nghiêm trọng.

Theo WHO, sức khỏe của 99% dân số trên thế giới đang bị đe dọa khi hàng tỷ người vẫn đang hít thở không khí không lành mạnh.

Những ngày này, bên cạnh tập trung khắc phục các thiệt hại, sạt lở, úng ngập do ảnh hưởng của bão số 3, công tác thu gom, xử lý rác thải, bảo đảm vệ sinh môi trường được các đơn vị, địa phương và người dân trên địa bàn tỉnh Bắc Giang chú trọng.

Theo Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), tính đến 18h ngày 12/9, đã có 336 người chết, mất tích (gồm 233 người chết và 103 người mất tích) do lũ quét, sạt lở đất và ảnh hưởng của bão số 3.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục