COP28: Các nước đang phát triển ở châu Phi kêu gọi công bằng tài chính

  • Cập nhật: Thứ hai, 4/12/2023 | 11:09:50 AM

QLMT - Tại hội nghị COP28, các nước đang phát triển ở châu Phi đã kêu gọi cần thiết phải đảm bảo tài chính công bằng cho biến đổi khí hậu.

Lời kêu gọi trên được đưa ra để thực hiện các dự án thích ứng và giảm nhẹ nhằm giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.

Phát biểu tại Hội nghị lần thứ 28 Các bên Tham gia Công ước Khung của Liên hợp quốc về Biến đổi Khí hậu (COP28) đang diễn ra tại Dubai (Các tiểu Vương quốc Arab Thống nhất - UEA), Tổng thống Guinea Xích đạo, ông Teodoro Obiang Nguema Mbasogo tuyên bố việc các nước phát triển chỉ đưa ra những cam kết là chưa đủ.

Ông cũng nhấn mạnh các nước phát triển cần thực hiện các cam kết và nghĩa vụ của mình theo Hiệp định Paris về Biến đổi Khí hậu, đồng thời đảm bảo triển khai và thực hiện các hành động cụ thể nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu.

Trong khi đó, Tổng thống Cộng hòa Trung Phi, ông Faustin-Archange Touadera kêu gọi các nước phát triển chia sẻ gánh nặng hậu quả của biến đổi khí hậu.

Khí thải từ nhà máy lọc dầu ở Houston, Texas (Mỹ)
Khí thải từ nhà máy lọc dầu ở Houston, Texas (Mỹ). (Ảnh: AFP)

Ông Touadera lưu ý đến khoảng cách giữa các nước phát triển - là những nước gây ô nhiễm chính - và các nước nghèo, cho rằng sẽ là hợp lý nếu các nước phát triển tài trợ cho quá trình giảm thiểu tác hại.

Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Môi trường Ai Cập, bà Yasmine Fouad tuyên bố rằng các nước đang phát triển cần 160 tỷ USD hàng năm để thích ứng với biến đổi khí hậu. Đây là mức tăng đáng kể so với con số 22 tỷ USD hiện đang được cung cấp.

Bộ trưởng Môi trường Ai Cập Fouad nói thêm nguồn vốn cần thiết để thực hiện cam kết của các nước đang phát triển cho đến năm 2030 là gần 6.000 tỷ USD. Tuy nhiên, dòng vốn hiện nay rất khiêm tốn hầu như không vượt quá 100 tỷ USD hàng năm.

Bà Fouad tiết lộ rằng nguồn tài trợ cần thiết cho quá trình chuyển đổi năng lượng là hơn 1.000 tỷ USD hàng năm, cộng thêm 4.000 tỷ USD cần thiết cho mục tiêu trung hòa carbon.

Ngoài ra, theo bà Fouad, các báo cáo tài chính khí hậu ước tính thiếu hụt tài trợ là 2.500 tỷ USD, trong bối cảnh các quốc gia đang phát triển phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nợ do các yếu tố bên ngoài, làm tăng chi phí tài chính và làm phức tạp việc tiếp cận các khoản vay.

Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), bà Kristalina Georgieva đã kêu gọi, các chính phủ loại bỏ trợ cấp nhiên liệu hóa thạch để đẩy nhanh những mục tiêu khử carbon.

Lời kêu gọi các quốc gia phát triển tôn trọng cam kết cung cấp tài chính về khí hậu đã được đưa ra nhiều lần trong các cuộc đàm phán về khí hậu.

Châu Phi khởi động sáng kiến công nghiệp hóa xanh

Cũng trong khuôn khổ hội nghị COP28 , Tổng thống Kenya, ông William Ruto đã tập hợp các nhà lãnh đạo châu Phi nhằm đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa xanh của châu Phi.

Tại một sự kiện có sự tham dự của các nhà lãnh đạo Angola, Burundi, Djibouti, Ghana, Côte d'Ivoire, Mauritania, Nigeria, Senegal và Zambia cũng như Chủ tịch COP28, ông Sultan Ahmed Al Jaber, Sáng kiến Công nghiệp Xanh Châu Phi đã được ra mắt.

Sáng kiến này nhằm mục đích đẩy nhanh và mở rộng quy mô các ngành công nghiệp và doanh nghiệp xanh trên khắp châu Phi, thúc đẩy giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu, đồng thời kích thích tăng trưởng kinh tế xanh trên lục địa này.

Trong nhận xét của mình, Tổng thống Ruto nhấn mạnh rằng "sáng kiến này đánh dấu một bước cụ thể hướng tới hiện thực hóa Tuyên bố Nairobi, kích hoạt việc mở rộng quy mô các cụm công nghiệp xanh do khu vực tư nhân lãnh đạo."

Các nhà lãnh đạo châu Phi coi sáng kiến này là con đường cho sự phát triển của quốc gia họ. Họ cũng thảo luận về kế hoạch kích hoạt quá trình chuyển đổi kinh tế xã hội toàn diện thông qua sự tăng trưởng nhanh chóng của các cụm công nghiệp xanh; vai trò của thị trường xuất khẩu khu vực và toàn cầu đối với các sản phẩm và công nghệ xanh có giá trị gia tăng, rất quan trọng đối với chuỗi giá trị năng lượng sạch toàn cầu.

Những người tham dự sự kiện cũng nhấn mạnh rằng công nghiệp hóa xanh của châu Phi giữ vai trò rất quan trọng trong việc đạt được tham vọng chung về khí hậu của thế giới.

HẢI ĐĂNG

Tags COP28 châu Phi công bằng tài chính biến đổi khí hậu

Các tin khác

Dữ liệu mô phỏng khí hậu cho thấy khoảng 70% dân số thế giới – tương đương 5,6 tỷ người – sẽ thường xuyên hứng chịu các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt như bão, lũ lụt và hạn hán.

Trong các khu vực đô thị đông đúc, hệ thống thoát nước không đủ hoặc kém hiệu quả có thể gây ra lũ quét, ngập lụt và thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản cũng như tính mạng con người.

Lũ lụt luôn gây ra thiệt hại cho nhà cửa và ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Có rất nhiều việc phải làm để khôi phục lại cuộc sống thường nhật.

Hiệu ứng nhà kính mà điển hình là hiện tượng nước biển ấm lên đang là nguyên nhân trực tiếp khiến biến đổi khí hậu, sinh ra nhiều hơn những cơn siêu bão như bão số 3 (bão Yagi) vừa qua.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục