Vai trò khó tin của loài hổ trong biến đổi khí hậu

  • Cập nhật: Thứ tư, 29/11/2023 | 3:38:06 PM

Bằng cách bảo tồn những khu rừng để bảo vệ loài hổ, Ấn Độ đã trung hòa được hơn 1 triệu tấn khí thải carbon trong nỗ lực chống biến đổi khí hậu.

Năm 2023 là dịp kỷ niệm 50 năm dự án Tiger mang tính đột phá của Ấn Độ. Đây là một chương trình đổi mới được thiết kế nhằm giải cứu loài mèo lớn mang tính biểu tượng của châu Á khỏi bờ vực tuyệt chủng. Vào tháng 4, thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi thông báo tin vui rằng số lượng hổ ở nước này theo thống kê đã vượt quá 3.000 con, chiếm hơn 70% số lượng hổ hoang dã trên toàn thế giới.

Từ khoản đầu tư ban đầu vào năm 1973 chỉ vào 9 khu bảo tồn hổ chuyên dụng, Ấn Độ hiện đang có 54 khu vực được bảo vệ như vậy với tổng diện tích vượt trên 75.000km2, tương đương khoảng 2% diện tích đất nước.

Theo một nghiên cứu trên tạp chí Nature Ecology and Evolution, các tác giả (gồm Aakash Lamba, Hoong Chen Teo, Rachakonda Sreekar, Yiwen Zeng, Luis Roman Carrasco và Lian Pin Koh) đã xác định được mối liên hệ giữa bảo tồn hổ và cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Hổ rất dễ thích nghi, đặc biệt là hổ Bengal, có thể được tìm thấy rải rác khắp Ấn Độ trong các khu rừng rậm, rừng ngập mặn và cả ở "rừng khô” (có lẽ là đồng cỏ). Những môi trường sống này có vẻ rất khác nhau, nhưng điểm chung tất nhiên là có rất nhiều cây cối.

Theo các tác giả của nghiên cứu mới, sự bảo vệ nghiêm ngặt trong mạng lưới khu bảo tồn hổ của Ấn Độ đã giúp tránh được nạn phá rừng quy mô lớn. Để làm rõ điều này, các tác giả đã so sánh tốc độ phá rừng ở các khu bảo tồn hổ đặc biệt với những khu vực mà loài hổ cũng sinh sống nhưng ít được bảo vệ nghiêm ngặt hơn.

Theo nghiên cứu, hơn 61.000ha rừng đã bị mất trên 162 khu vực khác nhau từ năm 2001 đến 2020. Hơn 3/4 vụ phá rừng diễn ra ở các khu vực bên ngoài khu bảo tồn hổ.

Bên trong các khu bảo tồn hổ, gần 6.000ha đã được cứu khỏi nạn phá rừng từ năm 2007 đến năm 2020. Và bằng cách bảo tồn những khu rừng này để bảo vệ loài hổ, Ấn Độ đã trung hòa được hơn 1 triệu tấn khí thải carbon.

Một triệu tấn carbon nghe có vẻ nhiều nhưng thực tế không gây ra ảnh hưởng lớn đến biến đổi khí hậu. Chỉ riêng Ấn Độ đã thải ra khoảng 2,7 tỉ tấn mỗi năm (mặc dù bình quân đầu người rất ít so với các nước phương Tây). Nhưng đó không phải là vấn đề quan trọng nhất.

Về mặt tài chính, việc tránh nạn phá rừng và gián tiếp trung hòa carbon có thể tương đương với 6,24 triệu USD trên thị trường tín chỉ carbon và nếu tính thêm chi phí cho "dịch vụ hệ sinh thái” rộng hơn như quản lý lưu vực đầu nguồn, rồi cung cấp nhiên liệu và củi, thì trị giá của công việc này có thể tăng lên tới 92 triệu USD. Các tác giả của nghiên cứu mới cho rằng đây có thể là yếu tố thay đổi cuộc chơi trong việc bảo vệ loài hổ vì nhờ giá trị kinh tế từ việc bảo tồn rừng, việc này có thể thu hút tài trợ thông qua các chương trình bù đắp carbon.

Tác giả chính của nghiên cứu Lamba cho biết: "Kết quả quan trọng này nêu bật cách đầu tư vào bảo tồn động vật hoang dã không chỉ bảo vệ hệ sinh thái và động vật hoang dã mà còn mang lại lợi ích cho xã hội và nền kinh tế".

Trước đó, có những nhà phê bình coi việc Ấn Độ mở rộng khu bảo tồn hổ là một hành động hoang phí về mặt kinh tế, khiến loài vật này xung đột với con người và hình sự hóa các vụ tấn công hổ vì… mưu sinh. Nhưng trong một thế giới đầy biến đổi, nơi mọi thứ đều có giá của nó, tương lai của động vật hoang dã bên bờ tuyệt chủng thường phụ thuộc vào khả năng chúng tự chứng minh giá trị với con người, ít nhất là từ lợi ích trước mắt. Và nếu việc trung hòa carbon có thể được thêm vào danh sách các lý do để bảo vệ môi trường sống của hổ thì điều này có thể mang lại động lực mới cho việc bảo tồn loài mèo lớn quý hiếm này.

Ba phần tư số hổ hoang dã trên thế giới sống ở Ấn Độ, nhưng việc phá hủy môi trường sống tự nhiên của chúng đã khiến số lượng của chúng giảm mạnh. Số lượng hổ lang thang trong các khu rừng của nước này đã giảm từ 40.000 con khi Ấn Độ giành được độc lập vào năm 1947 xuống chỉ còn 1.500 con vào năm 2006. Việc gây dựng số hổ lên 3.000, tăng gấp đôi so với 17 năm trước là tín hiệu đáng mừng nhưng dư địa của Ấn Độ vẫn còn rất nhiều.

Ngay cả sau nhiều thế kỷ diễn ra nạn phá rừng và mở rộng đất nông nghiệp để nuôi sống một tỉ người, Ấn Độ dường như vẫn còn đất trống. Trong một cuộc phỏng vấn trên tờ báo The Hindu, nhà sinh vật học hổ nổi tiếng Ullas Karanth đã nói rõ rằng Ấn Độ có tiềm năng, ít nhất trên giấy tờ, để tăng gấp 4 lần số lượng hổ hoang dã trong thời gian dài hơn. Theo Karanth, ước tính vẫn còn khoảng 380.000km2 môi trường sống tiềm năng, chỉ 20% trong số đó hiện đang được bảo vệ nghiêm ngặt và có hổ đến sinh sống.

Quan trọng hơn, khi hổ Ấn Độ đạt tới ngưỡng không thể phát triển thêm thì nước này có thể xuất khẩu hổ sang các nước láng giềng, nơi loài hổ đã từng sinh sống rồi bị biến mất bởi con người.

Theo 1thegioi.vn

Tags loài hổ động vật hoang dã bảo tồn hổ biến đổi khí hậu trung hoà carbon

Các tin khác

Dữ liệu mô phỏng khí hậu cho thấy khoảng 70% dân số thế giới – tương đương 5,6 tỷ người – sẽ thường xuyên hứng chịu các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt như bão, lũ lụt và hạn hán.

Trong các khu vực đô thị đông đúc, hệ thống thoát nước không đủ hoặc kém hiệu quả có thể gây ra lũ quét, ngập lụt và thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản cũng như tính mạng con người.

Lũ lụt luôn gây ra thiệt hại cho nhà cửa và ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Có rất nhiều việc phải làm để khôi phục lại cuộc sống thường nhật.

Hiệu ứng nhà kính mà điển hình là hiện tượng nước biển ấm lên đang là nguyên nhân trực tiếp khiến biến đổi khí hậu, sinh ra nhiều hơn những cơn siêu bão như bão số 3 (bão Yagi) vừa qua.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục