Châu Âu: Hơn 250.000 trường hợp tử vong vào năm 2021 do ô nhiễm bụi mịn

  • Cập nhật: Thứ ba, 28/11/2023 | 10:58:44 AM

QLMT - Cơ quan Quản lý môi trường (EEA) của Liên minh châu Âu (EU) vừa công bố báo cáo cho thấy, ô nhiễm bụi mịn PM2.5 là nguyên nhân gây ra hơn 250.000 trường hợp tử vong ở EU trong năm 2021.

Theo báo cáo của EEA, 253.000 ca tử vong sớm là do nồng độ bụi mịn PM2.5 cao hơn giới hạn tối đa được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến nghị, tăng so con số 238.000 nạn nhân của năm 2020. Ngoài ra, hơn 52.000 trường hợp tử vong là do nồng độ nitơ dioxide quá cao và 22.000 trường hợp tử vong do tiếp xúc ngắn hạn với nồng độ ozone cực cao.

Trong khi đó, số ca tử vong sớm do phơi nhiễm ozone (O3) - chủ yếu sinh ra do khí thải từ hoạt động giao thông đường bộ và sản xuất công nghiệp - ước tính là 22.000 trường hợp, giảm nhẹ so mức của năm 2020.

Ông Virginijus Sinkevicius, Ủy viên Môi trường của EU, cho rằng những số liệu nói trên tiếp tục là lời nhắc nhở rằng ô nhiễm không khí vẫn là vấn đề sức khỏe môi trường hàng đầu ở EU.

Bầu trời mờ mịt tại Paris (Pháp) do ô nhiễm bụi mịn.
Bầu trời mờ mịt tại Paris (Pháp) do ô nhiễm bụi mịn. Ảnh: AP

Bosnia, Thổ Nhĩ Kỳ, Ba Lan và Bulgaria thuộc nhóm các quốc gia có mức độ bụi mịn cao nhất châu Âu. Riêng ở Trung và Đông Âu, bụi mịn phần lớn được tạo ra từ việc đốt nhiên liệu rắn để sưởi ấm trong nhà. Các điểm nóng về ô nhiễm khí NO2, chủ yếu phát sinh từ hoạt động giao thông đường bộ, "điểm danh” Đức và Luxembourg, hai quốc gia giàu có với mức thu nhập đầu người ở nhóm hàng đầu thế giới.

Hồi cuối năm 2022, các chuyên gia đưa ra kết quả nghiên cứu khẳng định mối quan hệ giữa ô nhiễm môi trường và tỷ lệ sinh thấp. Cụ thể, theo kết quả nghiên cứu trong dự án EcoFoodFertility của Hiệp hội nghiên cứu y học sinh sản Italy, những người sống ở những khu vực có mức độ ô nhiễm môi trường cao tại Italy bị ảnh hưởng xấu tới khả năng sinh sản.

Trong giai đoạn 2005-2021, số ca tử vong do bụi mịn PM2.5 ở EU đã giảm 41% và EU đặt mục tiêu con số này giảm 55% vào cuối thập kỷ này. Ông Sinkevicius cho rằng chất lượng không khí đang cải thiện nhưng EU vẫn cần phải làm nhiều hơn nữa để giải quyết vấn đề ô nhiễm.

Việc đốt nhiên liệu hóa thạch, lái xe và chăn nuôi gia súc thải ra một lượng lớn khí độc và các hạt bụi có hại mà con người hít thở. Những hạt bụi mịn có kích thước nhỏ nhất trong số này, gọi là PM2.5, có thể đi vào máu, nơi chúng lây lan khắp cơ thể và làm tổn thương các cơ quan từ não đến sinh sản.

Bà Leena Yla-Mononen, Giám đốc điều hành của EEA, cho biết: "Thông tin tích cực là các cơ quan chức năng ở cấp châu Âu, quốc gia và địa phương đang hành động để giảm lượng khí thải thông qua các biện pháp như thúc đẩy giao thông công cộng hoặc đi xe đạp trong trung tâm thành phố và thông qua chỉnh sửa luật về ô nhiễm môi trường".

Dữ liệu mới được công bố trong bối cảnh EU đang sửa đổi các quy định ràng buộc về chất lượng không khí để phù hợp hơn với các hướng dẫn nghiêm ngặt của Tổ chức Y tế thế giới. Tuy nhiên, việc đặt ra các mục tiêu nghiêm ngặt hơn về ô nhiễm không khí đang gặp khó ở cả Nghị viện Châu Âu và Hội đồng Châu Âu.

Tháng 9 vừa qua, bất chấp sự phản đối của các nhóm chính trị bảo thủ, Nghị viện châu Âu đã kêu gọi điều chỉnh các giới hạn ô nhiễm không khí phù hợp với tiêu chuẩn của WHO vào năm 2035 thay vì năm 2050 như đề xuất ban đầu.

PM2.5 là khái niệm để chỉ các loại hạt, bụi mịn trong khí thải của ô-tô hoặc nhà máy điện than. Kích cỡ siêu nhỏ cho phép các loại hạt này đi sâu vào trong hệ hô hấp của con người, làm gia tăng nguy cơ viêm phổi, phế quản và hen suyễn.

HẢI ĐĂNG

Tags Châu Âu tử vong ô nhiễm bụi mịn khí thải PM2.5

Các tin khác

Dữ liệu mô phỏng khí hậu cho thấy khoảng 70% dân số thế giới – tương đương 5,6 tỷ người – sẽ thường xuyên hứng chịu các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt như bão, lũ lụt và hạn hán.

Trong các khu vực đô thị đông đúc, hệ thống thoát nước không đủ hoặc kém hiệu quả có thể gây ra lũ quét, ngập lụt và thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản cũng như tính mạng con người.

Lũ lụt luôn gây ra thiệt hại cho nhà cửa và ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Có rất nhiều việc phải làm để khôi phục lại cuộc sống thường nhật.

Hiệu ứng nhà kính mà điển hình là hiện tượng nước biển ấm lên đang là nguyên nhân trực tiếp khiến biến đổi khí hậu, sinh ra nhiều hơn những cơn siêu bão như bão số 3 (bão Yagi) vừa qua.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục