Theo CNN, Báo cáo đánh giá khí hậu quốc gia lần thứ năm của Mỹ đã cảnh báo mặc dù tình trạng ô nhiễm do hiện tượng ấm lên toàn cầu ở Mỹ đang giảm dần nhưng vẫn không đủ nhanh để đáp ứng các mục tiêu quốc gia theo mức hạn chế đạt 1,5 độ C mà Liên Hợp Quốc phê chuẩn nhằm hạn chế sự nóng lên toàn cầu.
Ảnh minh họa. Nguồn: CNN
Bà Katharine Hayhoe, nhà khoa học khí hậu nổi tiếng tại Đại học Texas Tech và là người đóng góp cho báo cáo cho biết các đánh giá năm nay phản ánh thực tế rằng người Mỹ ngày càng có thể cảm nhận được rõ rệt các tác động của khí hậu trong cộng đồng.
"Biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng đến mọi khía cạnh trong cuộc sống của chúng ta", bà Hayhoe nói.
Kết luận của báo cáo cho rằng không có khu vực nào ở Mỹ thực sự an toàn trước các thảm họa khí hậu; việc cắt giảm việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch là rất quan trọng để hạn chế hậu quả nhưng chúng ta thực hiện chưa đủ nhanh và bất kỳ tín hiệu ấm lên nào đều dẫn đến những tác động mạnh hơn.
Tuy nhiên, một số bổ sung mới quan trọng trong báo cáo lần này là các nhà khoa học giờ đây có thể tự tin hơn khẳng định khủng hoảng khí hậu đã gây ra mưa bão và cháy rừng nghiêm trọng hoặc thường xuyên hơn, hạn hán kéo dài hơn và nắng nóng nguy hiểm hơn.
Chỉ tính riêng mùa hè năm nay, khu vực Phoenix đã trải qua kỷ lục 31 ngày liên tiếp với nhiệt độ trên 110 độ C. Đợt nắng nóng kinh hoàng là nguyên nhân phần nào gây ra hơn 500 ca tử vong liên quan đến nhiệt độ ở quận Maricopa vào năm 2023 - năm có nhiệt độ cao nhất được ghi nhận.
Vào tháng 7, một trận mưa xối xả đã nhấn chìm tiểu bang Vermont trong dòng nước lũ chết người. Sau đó vào tháng 8, hòn đảo Maui đã bị tàn phá bởi một trận cháy rừng lan nhanh và bờ Vịnh của Florida hứng chịu cơn bão lớn thứ hai trong hai năm.
Mỹ hiện dự kiến sẽ công bố khoản tài trợ hơn 6 tỷ USD để tăng cường khả năng phục hồi khí hậu "bằng cách củng cố lưới điện của Mỹ, đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng nước, giảm nguy cơ lũ lụt cho cộng đồng và thúc đẩy công bằng môi trường cho tất cả mọi người".
Cố vấn khí hậu cấp cao của Nhà Trắng John Podesta nhận định Mỹ cần "một sự chuyển đổi nền kinh tế toàn cầu ở quy mô chưa từng xảy ra trong lịch sử loài người để tạo ra một tương lai tốt đẹp cho chính chúng ta và con cháu chúng ta".
Những phát hiện mới trong báo cáo
Báo cáo mới nhất đánh dấu sự tiến bộ quan trọng của "khoa học quy kết", cụ thể các nhà khoa học có thể chỉ ra rõ ràng hơn mức độ biến đổi khí hậu liên quan đến các hiện tượng cực đoan như sóng nhiệt, hạn hán, bão và mưa bão dữ dội.
Biến đổi khí hậu không chỉ gây ra những hiện tượng như bão hay cháy rừng mà còn có thể khiến chúng trở nên dữ dội hoặc thường xuyên hơn.
Chẳng hạn như đại dương và nhiệt độ không khí ấm hơn có nghĩa là các cơn bão đang mạnh lên nhanh hơn và gây ra nhiều mưa hơn khi chúng đổ bộ vào bờ. Và điều kiện nóng hơn và khô hơn do biến đổi khí hậu có thể khiến thảm thực vật và cây cối trở thành mồi lửa, biến cháy rừng thành đám cháy lớn vượt ngoài tầm kiểm soát.
"Giờ đây nhờ vào hoạt động phân bổ, chúng tôi có thể đưa ra các tuyên bố cụ thể đồng thời cho biết phân bổ có thể giúp xác định chính xác các khu vực nhất định của thành phố hiện có nhiều khả năng bị ngập lụt nhiều hơn do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Hoạt động phân bổ đã phát triển đáng kể trong 5 năm qua và điều đó thực sự giúp mọi người kết nối các điểm lại với nhau", bà Hayhoe cho biết.
Bên cạnh đó, tất cả các khu vực đều đang cảm nhận được biến đổi khí hậu nhưng một số khu vực lại nghiêm trọng hơn. Các quan chức chính quyền Tổng thống Biden và các nhà khoa học cũng cho rằng không có nơi nào tránh khỏi biến đổi khí hậu và thời tiết khắc nghiệt vào mùa hè năm nay là một lời nhắc nhở nghiêm trọng.
Một số bang như California, Florida, Louisiana và Texas đang phải đối mặt với những cơn bão lớn hơn và lượng mưa biến đổi mạnh. Các bang không giáp biển sẽ không phải thích ứng với mực nước biển dâng mặc dù một số bang như Kentucky và Tây Virginia đã chứng kiến lũ lụt tàn khốc do mưa bão.
Và các bang ở phía bắc đang phải vật lộn với sự gia tăng các bệnh do bọ ve gây ra, ít tuyết hơn và mưa bão mạnh hơn.
"Không có nơi nào là không gặp rủi ro nhưng sẽ có một số nơi dễ bị tổn thương hơn. Đó là nguyên nhân của thời tiết và khí hậu cực đoan ngày càng thường xuyên và khắc nghiệt cũng như mức độ chuẩn bị của các thành phố và tiểu bang.
Biến đổi khí hậu đang gây thiệt hại kinh tế lớn
Báo cáo cho biết những cú sốc về khí hậu đối với nền kinh tế đang xảy ra thường xuyên hơn, bằng chứng là kỷ lục mới trong năm nay về số lượng thảm họa thời tiết khắc nghiệt gây thiệt hại ít nhất 1 tỷ USD.
Và các chuyên gia về thảm họa đã dành cả năm ngoái để cảnh báo Mỹ chỉ mới bắt đầu chứng kiến hậu quả kinh tế do cuộc khủng hoảng khí hậu gây ra.
Những cơn bão mạnh hơn quét sạch một số loại cây trồng hoặc nhiệt độ cực cao làm chết vật nuôi có thể khiến giá lương thực tăng vọt. Và ở Tây Nam, các nhà nghiên cứu của báo cáo phát hiện ra rằng nhiệt độ nóng hơn trong tương lai có thể dẫn đến mất đi 25% việc làm của người lao động nông nghiệp từ tháng 7 đến tháng 9.
Tình trạng ô nhiễm do hành tinh nóng lên ở Mỹ đang giảm dần. Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra rằng mức độ giảm đi cũng không đủ nhanh để ổn định tình trạng nóng lên của hành tinh hoặc đáp ứng các cam kết về khí hậu quốc tế của Mỹ.
Lượng phát thải khí nhà kính hàng năm của đất nước đã giảm 12% từ năm 2005 đến năm 2019, phần lớn là do ngành điện chuyển từ than đá sang năng lượng tái tạo và khí metan. Sự suy giảm là tin tốt cho cuộc khủng hoảng khí hậu, nhưng nếu nhìn vào diễn biến thực tế đang diễn ra, chúng ta sẽ nhìn thấy nhiều khác biệt.
Ngoài ra, báo cáo cũng cho thấy lượng khí thải làm hành tinh nóng lên tại Mỹ "vẫn ở mức đáng kể" và sẽ phải giảm mạnh trung bình 6% mỗi năm để phù hợp với mục tiêu quốc tế là 1,5 độ. Để so sánh mức cắt giảm đó, lượng khí thải của Mỹ đã giảm chưa đến 1% mỗi năm trong khoảng thời gian từ 2005 đến 2019 - một mức giảm rất nhỏ hàng năm.
Một trong những điểm đáng chú ý nhất của báo cáo là tập trung vào tương lai bấp bênh đối với tình trạng nước ở Mỹ trước tình trạng hạn hán khắc nghiệt cũng như mất an ninh nguồn nước hoặc lũ lụt và mực nước biển dâng cao hơn.
Nhà khoa học Dave White khẳng định đây là dấu hiệu đáng lo ngại khi hành tinh tiếp tục ấm lên, kèm theo những mối đe dọa đáng kể đối với lớp băng tuyết ở vùng núi Sierra Nevada và dãy núi Rockies của California – cả hai đều cung cấp nước ngọt quan trọng ở phương Tây.
Ông White khẳng định việc thiếu nước ngọt trong khu vực cũng có tác động đáng kể về kinh tế và nông nghiệp.
"Núi là hồ chứa tự nhiên của chúng tôi trong khu vực. Tác động của khí hậu lên lớp băng tuyết trên núi thực sự có ảnh hưởng tiêu cực đáng kể đến cách vận hành cơ sở hạ tầng của chúng ta. Điều quan trọng đối với chúng ta là bảo vệ những tài nguyên đó", ông White khẳng định./.
Theo Hồng Nhung / Tổ quốc