Vì sao Nhật thực và Nguyệt thực luôn xảy ra theo cặp?

  • Cập nhật: Chủ nhật, 8/10/2023 | 11:37:23 AM

QLMT - Trong tháng này, hai sự kiện thiên văn đáng chú ý sẽ diễn ra dành cho những người yêu thiên văn khắp nơi trên Trái Đất. Vào ngày 14/10, chúng ta sẽ được chứng kiến Nhật thực hình khuyên và ngày 29/10 sẽ là Nguyệt thực một phần. Throng thực tế, Nhật thực và Nguyệt thực luôn xảy ra theo cặp. Vì sao lại có hiện tượng như vậy? Mời bạn đọc tham khảo bài viết dưới đây.



Nhật thực và Nguyệt thực luôn xảy ra theo cặp

Theo thông tin được chia sẻ trên Trang tin của Hội Thiên văn và Vũ trụ học Việt Nam, tác giả Đặng Vũ Tuấn Sơn cho biết: Dù là hai loại thiên thể hoàn toàn khác nhau, nhưng Mặt Trời và Mặt Trăng luôn được con người ... gán ghép cho nhau trong những câu chuyện của mình. Ít ra thì với trường hợp này, đúng là mọi việc có vẻ giống như vậy. Khi có một lần nhật thực diễn ra, có nghĩa là có một nguyệt thực khác trước hoặc sau đó hai tuần, và ngược lại.

Điều này là hoàn toàn dễ hiểu nếu như chúng ta nhìn lại nguyên nhân của hai hiện tượng này. Hai hiện tượng này xảy ra khi Mặt Trời, Trái Đất và Mặt Trăng gần như thẳng hàng.

Nếu như mặt phẳng quỹ đạo của Trái Đất và của Mặt Trăng trùng nhau thì hiển nhiên tháng nào cũng có nhật thực và nguyệt thực. Nhưng vì hai mặt phẳng này lệch nhau khoảng 5 độ nên mỗi chu kỳ Trăng (tức mỗi tuần Trăng, hay dễ hiểu là mỗi tháng Âm lịch) chỉ có hai thời điểm Mặt Trăng đi cắt qua mặt phẳng quỹ đạo của Trái Đất (hay còn gọi là mặt phẳng Hoàng đạo), nhật thực và nguyệt thực chỉ xảy ra ở những lần mà vào thời điểm cắt qua đó, Mặt Trăng đi qua đúng đường thẳng nối Trái Đất và Mặt Trời. Hay nói cách khác, chỉ khi nào cả ba thiên thể nằm trên đường giao giữa hai mặt phẳng quỹ đạo thì hai hiện tượng này mới xảy ra.


Độ nghiêng khoảng 5 độ giữa hai quỹ đạo khiến cho chỉ những thời điểm nhất định mới có nhật thực và nguyệt thực.

Mặc dù phương của mặt phẳng quỹ đạo Mặt Trăng thay đổi liên tục do Trái Đất (tâm của quỹ đạo) liên tục chuyển động quanh Mặt Trời, nhưng nó cũng đủ chậm để đợi cho Mặt Trăng dịch chuyển được nửa vòng quỹ đạo của mình, kéo dài khoảng 2 tuần. Vì thế nếu Mặt Trăng đi vào vùng bóng tối của Trái Đất và nguyệt thực diễn ra (lân cận điểm Trăng tròn), thì sau nửa tháng (lân cận điểm không Trăng) nó vẫn kịp đi qua giữa Mặt Trời và Trái Đất để gây ra nhật thực.

Một ví dụ là rạng sáng 17/07/2019 theo giờ Việt Nam có nguyệt thực một phần, thì trước đó nửa tháng là ngày 02/07 đã có nhật thực toàn phần diễn ra. Tới ngày 26/12 năm 2019, có nhật thực hình khuyên diễn ra, và tương ứng là có nguyệt thực nửa tối vào nửa tháng sau đó là rạng sáng 11/01/2020.

Trường hợp khá hiếm cũng có thể xảy ra là nhật thực và nguyệt thực không chỉ đi theo cặp 2 mà là 3, với hai nguyệt thực và một nhật thực. Một ví dụ là nguyệt thực nửa tối rạng sáng 06/06/2020 được tiếp nối bằng nhật thực hình khuyên ngày 21/06 và nguyệt thực nửa tối sáng 05/07 cùng năm.

Tất nhiên, mặc dù thực tế diễn ra như vậy, nhưng đừng quên rằng mỗi lần nhật thực hoặc nguyệt thực chỉ có thể nhìn thấy ở một khu vực nhất định nào đó trên Trái Đất, nên không phải bạn luôn nhìn thấy đủ cặp của chúng. Chẳng hạn ở Việt Nam bạn có thể quan sát nguyệt thực một phần vào rạng sáng 17/07/2019, nhưng đã không thể quan sát nhật thực toàn phần trước đó vào ngày 02/07.

Bạn cũng thường thấy rằng nguyệt thực dường như diễn ra nhiều hơn khá nhiều so với nhật thực dù sự thật là tỷ lệ xảy ra nguyệt thực chỉ nhiều hơn nhật thực một chút - số lần chênh lệch đó nằm chính ở những bộ ba 2 nguyệt thực và 1 nhật thực. Việc này là do đĩa sáng biểu kiến của Mặt Trăng chỉ có thể che vừa khít Mặt Trời khiến nhật thực diễn ra rất nhanh và chỉ quan sát được ở một khu vực nhỏ trên Trái Đất, trong khi vùng bóng tối của Trái Đất rất lớn so với Mặt Trăng - nhất là khi tính cả vùng nửa tối, do đó nguyệt thực diễn ra dài và khu vực quan sát rộng hơn rất nhiều so với nhật thực.

Nhật thực hình khuyên và Nguyệt thực một phần cùng xuất hiện trong tháng 10

Trong tháng này, hai sự kiện thiên văn đáng chú ý sẽ diễn ra, mang lại cơ hội thú vị cho những người yêu thiên văn khắp nơi trên Trái Đất. Vào ngày 14/10, chúng ta sẽ được chứng kiến Nhật thực hình khuyên, sau đó, vào ngày 29/10, Nguyệt thực một phần sẽ xuất hiện trên bầu trời.

Nhật thực trên bầu trời Yokohama gần Tokyo ngày 21/5/2012.
Nhật thực trên bầu trời Yokohama gần Tokyo ngày 21/5/2012. Ảnh: AP

Nhật thực hình khuyên xảy ra khi Mặt trăng nằm xaTrái Đất hơn thông thường, khiến nó trông nhỏ hơn và không che kín Mặt Trời. Kết quả là, một "vòng lửa" mỏng hiện ra, tạo nên một cảnh tượng độc đáo. Người dân ở 8 bang miền tây nam của Hoa Kỳ sẽ có cơ hội quan sát sự kiện này. Tuy nhiên, người ở các khu vực khác trên Trái Đất, bao gồm Mexico, Trung Mỹ, Colombia và Brazil, cũng sẽ có thể ngắm nhật thực một phần.

Nếu bạn không kịp chiêm ngưỡng sự kiện thiên văn này vào ngày 14/10, hãy đợi sự xuất hiện Nhật thực hình khuyên tiếp theo sẽ diễn ra vào ngày 2/10/2024, người yêu thiên văn ở Thái Bình Dương và một số khu vực thuộc Nam Mỹ sẽ quan sát được.

Trong Nguyệt thực một phần, Mặt trăng sẽ đi qua bóng Trái đất và trở nên tối hơn bình thường
Trong Nguyệt thực một phần, Mặt trăng sẽ đi qua bóng Trái đất và trở nên tối hơn bình thường. Ảnh: ITN

Sự kiện tiếp theo trong tháng này là Nguyệt thực một phần sẽ xuất hiện vào ngày 29/10. Sự kiện này có thể quan sát được ở phần lớn của Đông bán cầu, bao gồm châu Âu, châu Phi, châu Á, châu Nam Cực và châu Đại Dương. Trong Nguyệt thực một phần, Mặt trăng sẽ đi qua bóng Trái đất và trở nên tối hơn bình thường. Thời gian diễn ra sự kiện này dự kiến sẽ từ 2h36 đến 3h53 (giờ Hà Nội). Sự kiện Nguyệt thực tiếp theo, dự kiến diễn ra vào ngày 25/3/2024 và có thể quan sát tại châu Mỹ.

Vào ngày 8/4/2024, Trái đất sẽ được chứng kiến Nhật thực toàn phần. Các nhà khoa học đang sử dụng Nhật thực hình khuyên sắp tới như một cơ hội "khởi động" để tiến hành nghiên cứu về khí quyển và nhật quyển trong Nhật thực toàn phần vào đầu năm sau..

TÚ ANH (T/h)

Tags Nhật thực Nguyệt thực nhật thực vành khuyên nguyệt thực một phần hiện tượng thiên văn

Các tin khác

Dữ liệu mô phỏng khí hậu cho thấy khoảng 70% dân số thế giới – tương đương 5,6 tỷ người – sẽ thường xuyên hứng chịu các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt như bão, lũ lụt và hạn hán.

Trong các khu vực đô thị đông đúc, hệ thống thoát nước không đủ hoặc kém hiệu quả có thể gây ra lũ quét, ngập lụt và thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản cũng như tính mạng con người.

Lũ lụt luôn gây ra thiệt hại cho nhà cửa và ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Có rất nhiều việc phải làm để khôi phục lại cuộc sống thường nhật.

Hiệu ứng nhà kính mà điển hình là hiện tượng nước biển ấm lên đang là nguyên nhân trực tiếp khiến biến đổi khí hậu, sinh ra nhiều hơn những cơn siêu bão như bão số 3 (bão Yagi) vừa qua.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục