Nhu cầu vốn đầu tư để đạt được các mục tiêu của Chính phủ đến năm 2030 (đơn vị: triệu USD) và tỷ trọng của từng lĩnh vực. Nguồn: Ước tính của chuyên gia tư vấn dựa trên các tiêu chuẩn và định mức chi phí của Chính phủ và công cụ tính chi phí cho SDG (về vệ sinh cá nhân).
Ngày 24/11/2021 Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã ký Quyết định số 1978/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Chiến lược phấn đấu đến năm 2030 có 65% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch đạt chất lượng theo quy chuẩn với số lượng tối thiểu 60 lít/người/ngày. 100% hộ gia đình nông thôn, trường học, trạm y tế có nhà tiêu hợp vệ sinh đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn; 100% người dân nông thôn thường xuyên thực hiện vệ sinh cá nhân. Chiến lược đề ra mục tiêu 25% điểm dân cư nông thôn tập trung có hệ thống thu gom nước thải sinh hoạt, 15% nước thải sinh hoạt được xử lý; 75% hộ chăn nuôi, trang trại được xử lý chất thải chăn nuôi, 100% người dân nông thôn được sử dụng nước sạch và vệ sinh an toàn, bền vững.
Đến năm 2045, phấn đấu 100% người dân nông thôn được sử dụng nước sạch và vệ sinh an toàn, bền vững; 50% điểm dân cư nông thôn tập trung có hệ thống thu gom nước thải sinh hoạt, 30% nước thải sinh hoạt được xử lý; 100% hộ chăn nuôi, trang trại được xử lý chất thải chăn nuôi.
Để đạt được mục tiêu trên, Chiến lược đưa ra các giải pháp cụ thể. Về cấp nước sạch nông thôn, Chiến lược thực hiện đầu tư xây dựng công trình cấp nước sạch tập trung gắn với khai thác, quản lý vận hành theo quy hoạch được duyệt, đảm bảo an ninh nguồn nước, thích ứng biến đổi khí hậu; đầu tư xây dựng công trình cấp nước sạch tập trung quy mô lớn, đồng bộ, liên xã, liên huyện, kết nối với hệ thống cấp nước đô thị ở những nơi phù hợp để đảm bảo công trình hoạt động hiệu quả, bền vững; ưu tiên sử dụng nguồn nước từ hệ thống công trình thủy lợi, hồ chứa, đập dâng cho cấp nước sinh hoạt.
Năm 2022, cả nước chỉ có 52% dân số được sử dụng nước sạch. Ảnh: ITN
Đến năm 2030, Việt Nam cần tăng công suất xử lý nước thải thêm 2,4 triệu m3/ngày đêm. Để đạt được các mục tiêu này, riêng khu vực đô thị cần thêm khoảng trên 2 triệu m3/ngày đêm. Ngoài ra, Việt Nam dự kiến 100% dân số thực hiện hành vi vệ sinh cá nhân (bao gồm rửa tay bằng xà phòng).
Unicef nhận định, để đạt được những mục tiêu này, tổng nhu cầu vốn đầu tư ước tính để đạt được các mục tiêu của Chính phủ là 204,3 nghìn tỷ đồng (khoảng 8,8 tỷ USD), tương đương 3% GDP năm 2020 của Việt Nam. Ước tính 68% nhu cầu vốn là chi phí thu gom và xử lý nước thải đô thị. Nhu cầu vốn đầu tư lớn tiếp theo là cấp nước đô thị (12,6%), tiếp đến là cấp nước và nước thải nông thôn (3%).
Trong báo cáo nói trên, Unicef cũng đưa ra khuyến nghị Việt Nam cần duy trì xu hướng phát triển hiện nay để đảm bảo mục tiêu mọi người dân đều được sử dụng dịch vụ nước cơ bản vào năm 2030. Đến năm 2020, Việt Nam vẫn còn nhiều người dân chưa được tiếp cận dịch vụ nước cơ bản, chủ yếu ở khu vực nông thôn (4,5%). Năm 2022, cả nước chỉ có 52% dân số được sử dụng nước sạch, tương đương với nước máy. Hầu hết những người không được tiếp cận với nước máy sinh sống ở khu vực nông thôn.
Việt Nam cũng đang trên đà đạt được ít nhất điều kiện vệ sinh cơ bản cho tất cả mọi người dân vào năm 2030, nếu các xu hướng hiện nay không thay đổi. Tỷ lệ tiếp cận nhà vệ sinh hợp vệ sinh thấp chủ yếu tập trung ở các vùng nông thôn, nơi cứ 10 người thì có 1 người chưa được tiếp cận nhà vệ sinh hợp vệ sinh hoặc thậm chí còn phóng uế bừa bãi.
Khó khăn lớn mà Việt Nam phải giải quyết liên quan đến vệ sinh là xử lý nước thải. Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới năm 2013, chỉ mới có 10 - 15% lượng nước thải phát sinh ở khu vực đô thị được thu gom và xử lý phù hợp.
Theo báo cáo của Unicef, phần lớn người dân Việt Nam (86%) được tiếp cận điều kiện vệ sinh cá nhân cơ bản, mặc dù tình hình đã được cải thiện phần nào trong những năm gần đây. Hầu hết những người không có nơi rửa tay hoặc được tiếp cận điều kiện vệ sinh hạn chế (ví dụ: có nơi rửa tay nhưng không có xà phòng) đang sống ở các vùng nông thôn. Vẫn còn nhiều người dân ở các khu vực đô thị chưa được tiếp cận điều kiện vệ sinh hoặc tiếp cận các điều kiện hạn chế.
Tính đến năm 2020, hơn 30% trường học ở Việt Nam không đạt tiêu chuẩn quốc gia về vệ sinh trường học theo Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trên thực tế, có ít nhất 82.000 trường học cần nâng cấp để đáp ứng các tiêu chuẩn theo quy định. Ngoài ra, 15.979 trường học (37%) trong cả nước không có điểm rửa tay với xà phòng.
Báo cáo dẫn lại số liệu năm 2016 của Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) cho thấy, hầu hết các cơ sở y tế có thể cung cấp nước cho nhân viên y tế và bệnh nhân, nhưng một số vẫn dùng nước giếng khoan hoặc giếng đào. Hầu hết các bệnh viện đều có nhà vệ sinh; tuy nhiên, trong khi 100% nhà vệ sinh của nhân viên y tế đang hoạt động, chỉ có 50% nhà vệ sinh của bệnh nhân còn hoạt động.
TÙNG LÂM