Thanh niên Việt Nam gặp hạn chế về tài chính và thiếu kiến thức kỹ thuật về biến đổi khí hậu

  • Cập nhật: Thứ tư, 2/11/2022 | 4:56:49 PM

QLMT - Báo cáo “Thanh niên Việt Nam hành động vì khí hậu năm 2022” cho biết, thanh niên đang đối mặt với 2 khó khăn chính: hạn chế tài chính, thiếu kiến thức kỹ thuật/kỹ năng.

Báo cáo được viết bởi 24 tác giả trẻ tiêu biểu trên cả nước và mới được Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) phối hợp với Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) công bố ngày 1/11. 

Trước những khó khăn trên, Báo cáo đưa ra đề xuất các hướng giải quyết như phát triển cổng kết nối thông tin tài chính cho biến đổi khí hậu dành cho thanh niên, thúc đẩy vai trò của thanh niên trong quản trị khí hậu, ngoại giao khí hậu và xây dựng bộ tài liệu chuyên ngành dành cho thanh niên.

Thanh niên Việt Nam gặp hạn chế về tài chính và thiếu kiến thức kỹ thuật về biến đổi khí hậu

Báo cáo gồm 4 chủ đề chính: 

- Thanh niên với chính sách khí hậu và quá trình ra quyết định; 

- Thúc đẩy chuyển dịch kinh tế theo hướng kinh tế tuần hoàn, 

- Giảm phát thải hướng tới phát thải ròng bằng "0”; 

- Thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm nhẹ rủi ro thiên tai. 

Các tác giả đã nghiên cứu hơn 130 sáng kiến và dự án khí hậu do thanh niên khởi xướng, là những trường hợp điển hình về hành động khí hậu thiết thực do thanh niên thực hiện, đồng thời xác định một số giải pháp thúc đẩy cần ưu tiên triển khai, gồm việc thành lập nhóm công tác của thanh niên về chính sách khí hậu, xây dựng các chương trình giáo dục và nâng cao năng lực về biến đổi khí hậu, hỗ trợ tài chính và kỹ thuật cho các dự án do thanh niên lãnh đạo.

Tại buổi lễ công bố Báo cáo, các bạn trẻ đã trình bày tuyên bố của mình, với các mong muốn Chính phủ ưu tiên đầu tư vào các nhà máy điện tái tạo; xác lập lộ trình loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch vào năm 2030; hạn chế các tổ chức tài chính đầu tư vào các dự án phát thải cao; giảm thiểu việc sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần với mục tiêu loại bỏ hoàn toàn các sản phẩm này vào năm 2030. 

Các bạn trẻ đề nghị chính quyền địa phương và các bên liên quan thu hút thanh niên tham gia tổ chức các chiến dịch truyền thông sáng tạo và nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu, khuyến khích lối sống xanh và hành động chống chịu với biến đổi khí hậu. 

Ngoài ra, thanh niên cũng kêu gọi Chính phủ tạo khung pháp lý và cơ sở thuận lợi để hỗ trợ các cá nhân, người sáng lập và tổ chức thanh niên thực hiện hành động vì biến đổi khí hậu, đặc biệt tạo cơ chế thuận lợi để trao quyền cho thanh niên dân tộc thiểu số, các nhóm yếu thế và những người trực tiếp chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. 

Quan trọng nhất, các bạn trẻ khuyến nghị ưu tiên thành lập nhóm công tác về chính sách thanh niên và biến đổi khí hậu để đại diện cho tiếng nói của thanh niên tại các diễn đàn chính sách quốc gia và quốc tế.

Nguyễn Văn Bảo, tác giả chính của báo cáo cho biết: "Thanh niên Việt Nam đã, đang và sẽ hành động nhiều hơn nữa, không chỉ chủ động kết nối mọi nguồn lực khác nhau trong xã hội để chung tay ứng phó với biến đổi khí hậu mà còn đóng góp tiếng nói mạnh mẽ hơn ở các diễn đàn trong nước, khu vực và quốc tế. Hơn ai hết, chúng tôi coi biến đổi khí hậu là một mối đe dọa hiện hữu, nhưng đồng thời cũng là một động lực thúc đẩy đổi mới sáng tạo - hành động vì một tương lai phát triển bền vững".

Tú Anh (T/h)

Tags thanh niên biến đổi khí hậu báo cáo

Các tin khác

Dữ liệu mô phỏng khí hậu cho thấy khoảng 70% dân số thế giới – tương đương 5,6 tỷ người – sẽ thường xuyên hứng chịu các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt như bão, lũ lụt và hạn hán.

Trong các khu vực đô thị đông đúc, hệ thống thoát nước không đủ hoặc kém hiệu quả có thể gây ra lũ quét, ngập lụt và thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản cũng như tính mạng con người.

Lũ lụt luôn gây ra thiệt hại cho nhà cửa và ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Có rất nhiều việc phải làm để khôi phục lại cuộc sống thường nhật.

Hiệu ứng nhà kính mà điển hình là hiện tượng nước biển ấm lên đang là nguyên nhân trực tiếp khiến biến đổi khí hậu, sinh ra nhiều hơn những cơn siêu bão như bão số 3 (bão Yagi) vừa qua.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục