Việt Nam có 3.450 sông, suối với chiều dài từ 10km trở lên. Các sông suối này nằm trong 108 lưu vực sông được phân bố và trải dài trên cả nước. Theo đó, nước có vai trò chủ đạo trong những thành tựu đạt được về sản xuất lúa gạo ở Việt Nam, góp phần quan trọng đưa Việt Nam trở thành nước xuất khẩu gạo đứng đầu thế giới.
Hiện nay, nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp nhiều nhất ở hai vùng đồng bằng Đồng bằng sông Cửu Long và sông Hồng, chiếm tỷ lệ 70% lượng nước sử dụng. Nước cũng đóng vai trò quyết định trong sự tăng trưởng các sản phẩm cây công nghiệp, như: chè, cà phê, hồ tiêu, mía đường, cao su...
Đến nay, hầu hết các thành phố, thị xã ở Việt Nam đều có hệ thống cấp nước tập trung và khoảng 300/635 thị trấn, thị tứ có dự án xây dựng hệ thống cấp nước tập trung. Tổng công suất thiết kế các nhà máy nước ở các khu vực đô thị đạt khoảng 5,4 triệu m3/ngày, nhưng mới chỉ đáp ứng khoảng 70% nhu cầu sử dụng nước của các đô thị. Hiện nay, với yêu cầu cấp nước cho khoảng 30 triệu người dân cùng với nhu cầu nước cho các hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ, vệ sinh môi trường tại các đô thị, cần khoảng từ 8 đến 10 triệu m3/ngày.
Đối với khu vực nông thôn, đến nay có khoảng 62% dân số nông thôn được cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh, nhưng nếu xét theo tiêu chuẩn nước sạch thì tỷ lệ này chỉ đạt khoảng 30%. Nguồn cấp nước cho sinh hoạt, vệ sinh của người dân ở nhiều đô thị và phần lớn khu vực nông thôn là từ nguồn nước dưới đất.
Ngoài ra, cũng không thể phủ nhận đóng góp quan trọng của nước trong sự tăng trưởng mạnh mẽ về sản lượng nuôi trông thủy sản trong những năm gần đây, với mức tăng trưởng bình quân trên 12%/năm, đóng góp đáng kể cho ngân sách Nhà nước, đồng thời, tạo được nhiều cơ hội về việc làm cho người lao động. Tương tự, nước cũng đã góp phần không nhỏ trong sự phát triển các ngành sản xuất công nghiệp, du lịch, dịch vụ thời gian qua.
Nước cũng góp phần quan trọng trong việc bảo đảm an ninh năng lượng của Việt Nam trong điều kiện nhu cầu về năng lượng không ngừng gia tăng. Tiềm năng thủy điện của Việt Nam là khá lớn, tập trung chủ yếu trên lưu vực sông Hồng, sông Đồng Nai và các lưu vực sông ở miền Trung và Tây Nguyên. Dự báo tổng công suất thủy điện đến năm 2025 là 33.310MW, trong đó, trên 80% trong số này là từ các nhà máy thủy điện xây dựng trên các sông của Việt Nam.
Tuy nhiên tài nguyên nước đang phải đối mặt với những đe dọa cả về số lượng và chất lượng. Theo nhiều tính toán, những thách thức này có thể làm tổn thất tới 6% GDP hằng năm. Tác động ô nhiễm nước đến sức khỏe con người được dự báo đến năm 2035 sẽ làm suy giảm đến 3,5% GDP hằng năm.
Cho đến nay, chỉ có 12,5% lượng nước thải đô thị được xử lý trước khi xả vào các nguồn nước. Trong 326 khu công nghiệp cả nước, có 220 khu xây dựng hệ thống nước thải tập trung, xử lý được khoảng 71% lượng nước thải phát sinh.
Đáng lưu ý, ở 587 cụm công nghiệp, chỉ có 9,4% có hệ thống xử lý nước thải. Phần lớn nước thải của các gia đình trong hơn 5.000 làng nghề chưa được xử lý, nước thải công nghiệp và sinh hoạt đều được xả thẳng vào hệ thống thoát nước mặt. Trên 67,6 triệu tấn chất thải chăn nuôi được thải vào môi trường không qua xử lý là nguồn gây ô nhiễm đất, nước và không khí.
Nước có vai trò đặc biệt quan trọng trong sự phát triển kinh tế và xã hội cũng như đời sống con người. Vì vậy chúng ta cần có những chiến lược thiết thực và hiệu quả trong việc bảo vệ, khai thác và sử dụng tài nguyên nước.
Hải Thanh