Những cánh rừng ngập mặn nguyên sinh hầu như không còn. Ảnh: ITN
Theo Báo cáo Hiện trạng Môi trường biển đảo quốc gia giai đoạn 2016 - 2020, các nhà khoa học ước tính, cỏ biển trên toàn vùng biển nước ta từ Quảng Ninh đến Hà Tiên đã mất khoảng 40 - 60%; rừng ngập mặn mất đến 70% và khoảng 11% các rạn san hô đã bị phá hủy hoàn toàn, không có khả năng tự phục hồi. Những cánh rừng ngập mặn nguyên sinh hầu như không còn. Sự suy giảm trầm trọng diện tích rừng ngập mặn đã kéo theo sự suy giảm đa dạng sinh học biển, đặc biệt mất bãi sinh sản và nơi cư ngụ của các loài thủy sinh.
Thảm cỏ biển đơn loài Halophila ovalis tại Đầm Tre. Ảnh: Hoàng Xuân Bền
Hệ sinh thái thảm cỏ biển là một trong những hệ sinh thái biển quan trọng, nhưng hiện nay đang đứng trước nguy cơ bị tổn thương và suy thoái. Sự suy thoái hệ sinh thái thảm cỏ biển thể hiện trên các khía cạnh như giảm số lượng cá thể và số loài, thu hẹp diện tích phân bố, ô nhiễm, thoái hóa môi trường sống, giảm đa dạng sinh học và nguồn lợi kinh tế của các loài quý hiểm. Thảm cỏ biển phân bố từ Bắc vào Nam và ven các đảo, ở độ sâu từ 0 - 20 m, hiện chỉ còn khoảng trên 5.583 ha. Một số khu vực, thảm cỏ biển hầu như không có cơ hội để phục hồi tự nhiên do có quá nhiều tác động từ hoạt động du lịch, nuôi trồng thuỷ sản ở khu vực này (Cát Bà, Hạ Long, Quảng Nam...).
Trong vòng hơn 20 năm qua, Việt Nam đã mất 12% số rạn san hô, 48% số rạn san hô khác đang trong tình trạng suy thoái nghiêm trọng. Diện tích các rạn san hô bị mất, tập trung chủ yếu ở các vùng có dân cư sinh sống như Vịnh Hạ Long, các tỉnh ven biển miền Trung và một số đảo có người sinh sống thuộc quần đảo Trường Sa, nhiều nơi độ phủ giảm trên 30%.
Rạn san hô dưới đáy biển Hòn Mun thuộc vịnh Nha Trang bị chết hàng loạt - Ảnh: X.N
Sự suy giảm diện tích và những tổn thương của nhiều rạn san hô làm suy giảm đa dạng sinh học, sinh thái và chất lượng môi trường biển, thiệt hại cho ngành du lịch, thủy sản và sinh kế của các cộng đồng vùng ven biển. Hiện nay mặc dù chúng ta đã nghiên cứu trồng và phục hồi, tái tạo thành công san hô ngoài tự nhiên, nhưng diện tích được phục hồi còn rất thấp.
Vì tình trạng khai thác và đánh bắt cá quá mức, đến nay các nhà nghiên cứu đã ghi nhận khoảng 100 loài sinh vật biển nước ta có nguy cơ bị đe dọa. Các loài này là những loài quý hiếm và đã được đưa vào Sách đỏ Việt Nam, Danh mục đỏ IUCN để yêu cầu phải có biện pháp bảo vệ (bao gồm: 37 loài cá biển, 6 loài san hô, 5 loài da gai, 4 loài tôm rồng, 1 loài sam, 21 loài ốc, 6 loài hai mảnh vỏ, 3 loài mực).
Kết quả nghiên cứu của FAO và một số tổ chức quốc tế khác trong những năm gần đây đều chỉ ra rằng khoảng hơn 80% lượng cá trên các vùng biển ven bờ và ngoài khơi của Việt Nam đã bị khai thác, trong đó có đến 25% lượng cá bị khai thác quá mức hoặc khai thác cạn kiệt, sản lượng đánh bắt giảm đáng kể, nhiều loài sinh vật biển khác đang đứng trước nguy cơ bị tuyệt chủng.
Tham khảo: Báo cáo Hiện trạng Môi trường biển đảo quốc gia.
Hải Thanh