Thái Bình: Chuyển biến trong xử lý nước thải khu công nghiệp

  • Cập nhật: Thứ tư, 14/6/2023 | 4:18:13 PM

QLMT - Sự hình thành và đi vào hoạt động của các khu công nghiệp đã góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, cũng đòi hỏi cần phải xây dựng hệ thống xử lý nước thải quy chuẩn và tuân thủ đúng các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.




Ảnh minh hoạ

Với quan điểm "Không vì lợi ích kinh tế mà đánh đổi môi trường”, tỉnh xác định phát triển các KCN phải đi đôi với BVMT nhằm tạo môi trường đầu tư bền vững.

Ông Hoàng Văn Ngoạn, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: Để XLNT bảo đảm đạt tiêu chuẩn theo quy định trước khi xả thải ra môi trường, thời gian qua, việc đầu tư xây dựng công trình XLNT tập trung tại các KCN trên địa bàn tỉnh đã được chú trọng triển khai, đáp ứng nhu cầu XLNT của các doanh nghiệp. Đến nay, 100% KCN đang hoạt động trên địa bàn tỉnh có hệ thống XLNT tập trung; trong đó, 5 KCN đã đưa vào vận hành chính thức, 2 KCN đang vận hành thử nghiệm hệ thống XLNT tập trung. Các doanh nghiệp trong KCN đã chủ động đấu nối nước thải sản xuất và sinh hoạt vào hệ thống XLNT tập trung. Cùng với đó, một số doanh nghiệp trong KCN, hoạt động sản xuất có phát sinh nước thải được miễn trừ đấu nối, đã xây dựng và đưa vào vận hành trạm XLNT riêng như Công ty TNHH May Texhong Thái Bình công suất 6.000m3/ngày đêm, Công ty TNHH Công nghiệp Shengfang công suất 800m3/ngày đêm, Công ty TNHH Công nghiệp Tactician công suất 800m3/ngày đêm...

Trạm XLNT KCN Nguyễn Đức Cảnh vận hành từ năm 2012, công suất 4.650m3/ngày đêm, XLNT cho các doanh nghiệp trong KCN Nguyễn Đức Cảnh, một phần KCN Phúc Khánh và cụm công nghiệp Phong Phú. Từ tháng 8/2019, trạm XLNT KCN Nguyễn Đức Cảnh được bàn giao cho Công ty Cổ phần Kỹ thuật công nghệ Green Eden Hà Nội quản lý, vận hành.

Ông Nguyễn Việt Hiệp, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Kỹ thuật công nghệ Green Eden cho biết: Sau gần 4 năm tiếp nhận, Công ty đã tập trung nguồn lực cải tạo toàn bộ hệ thống XLNT với công nghệ tiên tiến. Đồng thời, lắp đặt hệ thống thiết bị quan trắc nước thải tự động và truyền dữ liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường để theo dõi, giám sát. Theo kết quả quan trắc, các thông số môi trường sau hệ thống XLNT luôn nằm trong giới hạn cho phép cột A - QCVN 40:2011/BTNMT. Hiện nay, cơ bản các doanh nghiệp hoạt động đã đấu nối vào khu XLNT tập trung, góp phần bảo đảm môi trường xung quanh.

Công ty TNHH Giấy và Bao bì Thái Hiệp Hưng (KCN Nguyễn Đức Cảnh) chuyên sản xuất giấy và bìa carton với 2 nhà máy, sản lượng 30.000 tấn/năm, tạo việc làm cho 150 lao động. Ông Nguyễn Văn Trường, Giám đốc sản xuất cho biết: Trong chiến lược phát triển, Công ty đặc biệt quan tâm đến công tác BVMT, nhất là XLNT trong quá trình sản xuất. Vì vậy, Công ty đã đầu tư khu XLNT tuần hoàn với tổng kinh phí trên 5 tỷ đồng, công suất 70m3/ngày đêm, đạt cột B trước khi đưa vào hệ thống đấu nối của trạm XLNT KCN Nguyễn Đức Cảnh.

Mặc dù đã có nhiều chuyển biến nhưng thực tế công tác BVMT tại các KCN vẫn còn khó khăn, tiềm ẩn gây ô nhiễm cao nếu không được kiểm soát thường xuyên, chặt chẽ. Vì vậy, để tăng cường công tác BVMT nói chung, XLNT trong các KCN nói riêng, thời gian tới tỉnh tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức về BVMT cho các cơ sở sản xuất công nghiệp, chủ đầu tư hạ tầng KCN, cụm công nghiệp trên địa bàn. Đồng thời, chỉ đạo rà soát, điều chỉnh, ban hành các thủ tục hành chính về môi trường theo hướng cụ thể hóa các quy trình, thủ tục, rút ngắn thời gian thực hiện các hồ sơ, thủ tục về môi trường. Nâng cao chất lượng công tác thanh tra, kiểm tra; kiên quyết xử lý nghiêm, kịp thời các vi phạm pháp luật về BVMT; kiểm soát chặt chẽ môi trường của các KCN, cơ sở sản xuất có nguồn thải, công suất xả thải lớn, nguy cơ ô nhiễm cao.

Theo Báo Thái Bình

Tags Thái Bình Chuyển biến Xử lý nước thải Khu công nghiệp

Các tin khác

Để giải quyết tình trạng ngập lụt, Ban cán sự đảng UBND tỉnh Bến Tre đã lãnh đạo, chỉ đạo UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị liên quan thực hiện các giải pháp khắc phục trước mắt và lâu dài.

Hoàn lưu bão số 3 gây lũ lụt, mưa lớn, nước từ thượng nguồn chảy về khiến mực nước các sông gần các khu công nghiệp (KCN) đều dâng cao.

Loạt cụm công nghiệp, làng nghề tập trung trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh trong thời gian qua, mặc dù được đầu tư hạ tầng đồng bộ để thu hút các nhà đầu tư thứ cấp nhưng lại “bỏ quên” yếu tố đảm bảo môi trường trước khi đưa vào khai thác.

Kết quả kiểm toán hoạt động quản lý môi trường tại các khu kinh tế và khu công nghiệp giai đoạn 2017 - 2021 của TP. Hải Phòng cho thấy, công tác xử lý vi phạm và việc theo dõi tình hình thực hiện kết luận kiểm tra còn hạn chế.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục