Các khu công nghiệp mới sẽ giúp Đà Nẵng thu hút FDI

  • Cập nhật: Thứ tư, 12/4/2023 | 4:04:26 PM

QLMT - Tình hình thu hút vốn FDI của thành phố Đà Nẵng liên tục giảm. Trong khi đó, một số tỉnh, thành khác cũng được xác định là thành phố động lực của vùng như Đà Nẵng đều tăng cả về số dự án và số vốn.

Năm 2022, thành phố Đà Nẵng cấp mới 42 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), cao hơn năm 2021 là 34 dự án nhưng tổng vốn đầu tư đăng ký chỉ đạt gần 70 triệu USD, bằng một nửa so với năm 2021. Quý I năm nay, thành phố Đà Nẵng cấp mới 28 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 4,5 triệu USD.

Trong năm 2022 và Quý I năm 2023, kết quả thu hút đầu tư FDI tại thành phố Đà Nẵng giảm mạnh. Thực trạng thu hút vốn FDI thấp có nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu do các biện pháp đóng cửa giao dịch phòng chống COVID-19 trong 2 năm, việc tiếp cận của các nhà đầu tư đến với Đà Nẵng có nhiều hạn chế.

Cùng với đó, tâm lý nhà đầu tư nước ngoài đang dè dặt tìm cơ kiếm đầu tư do ảnh hưởng của xung đột chính trị châu Âu, khả năng lạm phát rất lớn nên việc xem xét khả năng đầu tư ra nước ngoài của các nhà đầu tư rất hạn chế. Xu hướng bảo hộ sản xuất trong nước đang gia tăng nhằm khuyến khích, thúc đẩy sản xuất nên việc đưa dòng FDI về nước cũng bị ảnh hưởng.



Ảnh minh họa

Bà Trần Thị Thanh Tâm, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Đà Nẵng cho biết, nguyên nhân chính là tỷ lệ cho thuê đất tại các khu công nghiệp đã trên 85%. Hạ tầng kỹ thuật trong các khu công nghiệp chưa đầy đủ để thu hút đầu tư và hiện nay thành phố còn phải tập trung kêu gọi đầu tư đối với khu công nghiệp mới nên chưa có đủ mặt bằng để triển khai. Mặt khác, thành phố Đà Nẵng cũng phải lựa chọn những dự án đảm bảo môi trường, công nghệ tiên tiến, giá trị tăng cao nên trong quá trình thẩm định cũng như thu hút đầu tư có nhiều vấn đề cần cân nhắc.

Về giải pháp, bà Trần Thị Thanh Tâm thông tin, hiện nay thành phố đang tập trung hoàn thành phê duyệt các phân khu chức năng, quy hoạch 1/500 và tạo quỹ đất các khu công nghiệp: "Đồng thời, thành phố đang khẩn trương kêu gọi, lựa chọn nhà đầu tư thực hiện triển khai xây dựng các khu công nghiệp mới như: Khu công nghiệp Hòa Cầm giai đoạn 2, Hòa Nhơn, Hòa Ninh và chuyển đổi khu công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao, nghiên cứu mở rộng khu công nghệ cao, tạo nguồn quỹ đất sẵn có, tập trung đầu tư để khớp nối hạ tầng các khu công nghiệp tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư. Ngoài những giải pháp nêu trên thì những giải pháp hỗ trợ nhà đầu tư trong xúc tiến cũng như hỗ trợ nhà đầu tư hoạt động tại chỗ, thành phố cũng đang tập trung quyết liệt để tạo thuận lợi thu hút các nhà đầu tư.”

Hiện nay, quỹ đất dành cho công nghiệp nói chung và công nghiệp hỗ trợ nói riêng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng ngày một khan hiếm. Tại những Khu Công nghiệp còn nhiều tiềm năng phát triển thì việc bố trí quỹ đất cho các nhà máy cũng gặp nhiều vướng mắc do quỹ đất còn lại rất hạn chế và manh mún, không đủ sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư "đại bàng”. Cụ thể như Khu Công nghiệp Liên Chiểu, còn 65% diện tích chưa lấp đầy nhưng mặt bằng xen kẽ, không đủ rộng để bố trí cho nhà đầu tư lớn.

Khắc phục tình trạng này, thành phố Đà Nẵng đã xây dựng Dự án và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án Khu Công nghiệp Hòa Cầm – giai đoạn 2 với diện tích đất sử dụng 120 ha. Ngày 18/3/2023, Thủ tướng Chính phủ đã giao UBND thành phố Đà Nẵng tổ chức xây dựng phương án và chịu trách nhiệm lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án theo quy định. Hiện nay, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao và Các Khu Công nghiệp Đà Nẵng đang xây dựng quy trình chi tiết về lựa chọn nhà đầu tư với hình thức đấu thầu rộng rãi cho dự án, gửi lấy ý kiến các bộ, sở, ban, ngành và các đơn vị liên quan để trình UBND thành phố Đà Nẵng xem xét, phê duyệt, làm cơ sở thực hiện thủ tục tiếp theo.

Đối với Khu Công nghiệp Hòa Nhơn, sau khi có quy hoạch điều chỉnh được duyệt, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao và Các Khu Công nghiệp Đà Nẵng sẽ tham mưu UBND thành phố trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư, tổ chức lựa chọn nhà đầu tư.

Đối với Khu Công nghiệp Hòa Ninh, UBND thành phố Đà Nẵng đã có văn bản gửi Ban Cán sự đảng UBND thành phố xin ý kiến về chủ trương rà soát quy hoạch, xác định ranh giới 3 loại rừng trên địa bàn thành phố, làm cơ sở báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

UBND thành phố Đà Nẵng cũng đã chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời chấp thuận nhà đầu tư Khu công nghiệp không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. Theo đó, thành phố Đà Nẵng tìm hiểu kêu gọi Nhà đầu tư tiềm năng để hướng dẫn lập hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương, đồng thời chấp thuận nhà đầu tư, trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định theo Luật Đầu tư 2020.

Hiện Ban Quản lý Khu Công nghệ cao và các Khu Công nghiệp Đà Nẵng đang phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư, quảng bá, giới thiệu về các khu công nghiệp. Đồng thời kiện toàn đội ngũ cán bộ, công chức tại đây có đủ năng lực, trình độ và đạo đức công vụ, tạo phong cách làm việc chuyên nghiệp, năng động, góp phần thu hút đầu tư hiệu quả, thúc đẩy ngành công nghiệp của thành phố phát triển.

Ông Vũ Quang Hùng, Trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao và Các Khu Công nghiệp Đà Nẵng cho biết: "Ngoài các khu Công nghiệp này thì hiện nay Ban có đề xuất chuyển đổi khu công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao thành cụm công nghiệp. Đây là một vấn đề cần quỹ đất để cho các nhà đầu tư vào. Sắp tới Ban phối hợp với các sở, ngành có liên quan chuyển đổi khu công nghiệp này sang cụm công nghiệp theo Nghị định 40 của Chính phủ về cơ chế đặc thù cho thành phố Đà Nẵng. Đó là một số công việc nhằm tạo quỹ đất khu công nghiệp.”

Thực tế cho thấy, hoạt động sản xuất công nghiệp của thành phố Đà Nẵng trong giai đoạn vừa qua vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định, giá trị gia tăng ngành công nghiệp giai đoạn 2015-2020 ước tăng bình quân 7,9%/năm. Hạ tầng công nghiệp luôn là một lợi thế thu hút đầu tư của thành phố Đà Nẵng trong khu vực miền Trung – Tây Nguyên. Việc phát triển các khu công nghiệp trong thời gian qua của Đà Nẵng đã thúc đẩy thu hút được nguồn lực đầu tư lớn từ xã hội và nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, đóng góp không nhỏ vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng kim ngạch xuất - nhập khẩu, giải quyết việc làm cho người lao động.

Ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng khẳng định: "Thành phố đã định hướng rồi và đã xác định, Công nghiệp công nghệ cao là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố. Cho nên rất quan tâm thu hút đầu tư vào khu công nghiệp, khu công nghệ cao. Tuy nhiên, những năm dịch và năm 2022 và đầu năm 2023 cũng gặp khó khăn nhưng mà hiện nay chúng tôi đã quyết tâm. Thành phố đã ban hành Đề án về thu hút các dự án vào trung khu này và cũng ban hành Đề án về phối hợp giữa các khu công nghiệp trong cụm công nghiêp miền Trung để chúng ta hỗ trợ nhau từng bước tháo gỡ một số khó khăn về tính pháp lý của các cụm công nghiệp cũng như các khu công nghiệp”./.

Theo Thanh Hà/vov.vn

Tags khu công nghiệp mới Đà Nẵng thu hút FDI

Các tin khác

Để giải quyết tình trạng ngập lụt, Ban cán sự đảng UBND tỉnh Bến Tre đã lãnh đạo, chỉ đạo UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị liên quan thực hiện các giải pháp khắc phục trước mắt và lâu dài.

Hoàn lưu bão số 3 gây lũ lụt, mưa lớn, nước từ thượng nguồn chảy về khiến mực nước các sông gần các khu công nghiệp (KCN) đều dâng cao.

Loạt cụm công nghiệp, làng nghề tập trung trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh trong thời gian qua, mặc dù được đầu tư hạ tầng đồng bộ để thu hút các nhà đầu tư thứ cấp nhưng lại “bỏ quên” yếu tố đảm bảo môi trường trước khi đưa vào khai thác.

Kết quả kiểm toán hoạt động quản lý môi trường tại các khu kinh tế và khu công nghiệp giai đoạn 2017 - 2021 của TP. Hải Phòng cho thấy, công tác xử lý vi phạm và việc theo dõi tình hình thực hiện kết luận kiểm tra còn hạn chế.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục