Trân trọng giới thiệu loạt bài về tiềm năng mở của các khu công nghiệp ở Hải Dương nhân 20 năm thành lập 3 khu công nghiệp đầu tiên của tỉnh.
Cách đây 20 năm, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định thành lập 3 khu công nghiệp (KCN) đầu tiên ở Hải Dương. Sau 20 năm, ngành phát triển hạ tầng khu công nghiệp ở Hải Dương ngày càng lớn mạnh. Là điểm trung chuyển quan trọng trong mạng lưới logistics ở miền Bắc, sở hữu quỹ đất dồi dào, hạ tầng công nghiệp hiện đại… Hải Dương trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư.
Hạ tầng đồng bộ
Trong 3 "anh cả” trên, nhiều người khá ấn tượng với "KCN không bao giờ đóng cổng” - xuất phát từ định hướng phát triển "làng trong KCN, KCN trong làng” của nữ doanh nhân Trương Tú Phương - chủ đầu tư KCN Đại An. Đây là KCN đầu tiên có người dân ở và được sử dụng chung hệ thống hạ tầng kỹ thuật của các nhà máy như hệ thống giao thông, cấp thoát nước, chiếu sáng... Các nhà máy cũng có thể tận dụng nguồn lao động sẵn có và phát triển các xóm dân cư hiện hữu thành nhà trọ cho người lao động nhập cư.
KCN Đại An phát triển theo mô hình đô thị - dịch vụ - công nghiệp. Trong quá trình triển khai xây dựng, KCN này được chủ đầu tư định hướng phát triển thành KCN kiểu mẫu, chất lượng cao của tỉnh với kết cấu hạ tầng bài bản, hiện đại. Từ khi đi vào hoạt động, KCN này luôn dẫn đầu thu hút đầu tư, nhất là các doanh nghiệp nước ngoài. Ông Toyoda, Chủ tịch Tập đoàn Sumidenso Nhật Bản đánh giá: "KCN Đại An có vị trí địa lý thuận lợi khi nằm cạnh quốc lộ 5, nối liền 2 trung tâm kinh tế lớn là Hà Nội và Hải Phòng. Đường giao thông nội khu và hệ thống xử lý nước thải tại KCN này được quy hoạch, xây dựng bài bản, hiện đại. Tình hình an ninh trật tự và cảnh quan môi trường luôn được quan tâm, đầu tư. Đây chính là lý do để doanh nghiệp quyết định xây dựng các nhà máy sản xuất tại đây".
Đến nay, KCN Đại An (tính cả mở rộng giai đoạn 1) đã thu hút 90 dự án, số dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chiếm 95%. Tổng vốn đầu tư tại KCN này cũng đạt trên 2,5 tỷ USD, chiếm khoảng 50% tổng vốn đầu tư vào các KCN và 27% vào tỉnh. Tỷ lệ lấp đầy KCN Đại An đã đạt 98%, diện tích còn lại không thực hiện thu hút đầu tư mới mà dành cho các doanh nghiệp đang hoạt động có nhu cầu mở rộng nhà xưởng, kho bãi... Hiện KCN này tạo việc làm thường xuyên cho hơn 40.000 công nhân, mức thu nhập bình quân từ 8-12 triệu đồng/người/tháng.
Năm 2021, KCN Đại An tiếp tục mở rộng giai đoạn 2 với diện tích trên 243 ha, nâng tổng diện tích toàn khu lên 603 ha. Chủ đầu tư hạ tầng dự kiến sẽ phát triển tổng thể KCN Đại An trở thành thành phố công nghiệp kiểu mẫu phía Bắc trong thời gian tới.
Trong 3 KCN thành lập đầu tiên của tỉnh thì có đến 2 KCN là Nam Sách và Phúc Điền do Công ty CP Đầu tư và Phát triển hạ tầng Nam Quang (gọi tắt là Nam Quang) làm chủ đầu tư. Đây là doanh nghiệp phát triển bất động sản công nghiệp hàng đầu trong nước. Đại diện Công ty Nam Quang tại Hải Dương cho biết những năm qua, doanh nghiệp không ngừng đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại nhằm phục vụ nhu cầu khách hàng. KCN Nam Sách và Phúc Điền được đánh giá là những KCN thu hút đầu tư nhanh nhất của Nam Quang trong những năm qua. Chỉ trong 5-6 năm đi vào hoạt động, 2 KCN này đã cơ bản được lấp đầy.
Hiện nay, toàn bộ hệ thống giao thông trong KCN Nam Sách, Phúc Điền đều có chiều rộng từ 17,5-30 m, có tính kết nối cao giúp các doanh nghiệp giao thương thuận lợi. Hệ thống cung cấp nguồn điện, nước và thông tin liên lạc hoạt động ổn định. Dịch vụ hỗ trợ của đơn vị cũng rất đa dạng nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh. Ngoài yếu tố về hạ tầng, cảnh quan và mật độ cây xanh tại các KCN này luôn được bổ sung, chăm sóc định kỳ. Đặc biệt, hệ thống giám sát an ninh trật tự trong các KCN cũng được đầu tư bài bản mang đến sự an toàn cho doanh nghiệp.
Doanh nghiệp "an cư”
Với phương châm "khách hàng là người quyết định sự thành công” nên trong quá trình thu hút đầu tư, Ban Quản lý KCN Phúc Điền luôn hỗ trợ các doanh nghiệp xử lý nhanh chóng các thủ tục cấp phép đầu tư, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tuyển dụng lao động... Với kết cấu hạ tầng đồng bộ cùng vị trí địa lý thuận lợi nên chỉ trong vài năm đi vào hoạt động, KCN này đã đón nhiều nhà đầu tư lớn vào xây dựng nhà máy. Đến nay, KCN này đã thu hút được 28 dự án với tổng vốn đầu tư trên 470 triệu USD, tỷ lệ lấp đầy 100%.
Năm 2006, Công ty TNHH Công nghiệp Brother Việt Nam chính thức xây dựng nhà máy chuyên sản xuất và kinh doanh các loại máy in, máy fax, thiết bị điện tử... tại KCN Phúc Điền. Đây là một trong những doanh nghiệp đầu tiên đặt chân đến khi KCN này hoàn thiện hạ tầng và thu hút đầu tư. Sau 17 năm hoạt động, doanh thu của doanh nghiệp tăng đều qua các năm và liên tục điều chỉnh tăng vốn đầu tư. Năm 2021, công ty tiếp tục đầu tư 80 triệu USD để xây dựng nhà máy số 5, nâng tổng vốn lên 180 triệu USD. Đại diện doanh nghiệp này cho biết đến hết năm 2022, doanh nghiệp đã sản xuất được trên 50 triệu máy móc các loại để cung cấp cho các thị trường toàn thế giới.
Đến nay, các KCN Đại An, Phúc Điền, Nam Sách đã thu hút 162 dự án với tổng vốn đầu tư khoảng 3,3 tỷ USD. Trong đó, vốn FDI đạt khoảng 3 tỷ USD, chiếm 30% tổng số vốn FDI đầu tư vào tỉnh. Các dự án trong 3 KCN này mỗi năm đóng góp ngân sách nhà nước trên 1.000 tỷ đồng. Theo đánh giá của Ban Quản lý các KCN tỉnh, 3 KCN trên luôn là cánh chim đầu đàn trong phát triển hạ tầng công nghiệp của tỉnh. Nhờ xây dựng được cơ sở hạ tầng đồng bộ, thống nhất mà nhiều doanh nghiệp trong các KCN này liên tục mở rộng quy mô sản xuất như các Công ty TNHH: Brother Việt Nam, Prettl Việt Nam, Sumidenso, May Tinh Lợi...
Từ những "anh cả” đi đầu ấy, nay các KCN đã "sinh sôi”, ngày càng phát triển trên mảnh đất Hải Dương, đóng góp không nhỏ trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, giúp chuyển dịch những vùng nông thôn nghèo, sản xuất thuần nông sang làm dịch vụ phục vụ công nghiệp, thực hiện chủ trương của Nhà nước "ly nông bất ly hương”./.